Sự sống sót của giới siêu giàu: Cánh nhà giàu đang âm mưu bỏ lại chúng ta

0-1470739097-1634913498.jpg

Năm ngoái, tôi được mời diễn thuyết tại một khu nghỉ dưỡng tư nhân siêu sang trọng trước khoảng một trăm nhân viên ngân hàng đầu tư. Thù lao là khoản hậu hĩnh nhất mà tôi từng được đề nghị cho một buổi thuyết trình - khoảng nửa mức lương một năm làm giáo sư của tôi - chỉ để trình bày một vài hiểu biết về chủ đề “tương lai của công nghệ".

Tôi chưa từng thích nói về tương lai. Phần hỏi đáp lúc nào cũng biến thành một thứ trò chơi ngôn ngữ, nơi tôi được yêu cầu phát biểu về những từ thời thượng trong công nghệ - như thể chúng là các mã chứng khoán tiềm năng để đầu tư: blockchain, in 3D, chỉnh sửa gen. Thính giả hiếm khi hứng thú với việc tìm hiểu những tác động của các công nghệ này ngoài việc có nên đầu tư vào chúng hay không. Nhưng vì bị đồng tiền xui khiến, tôi nhận lời.

Khi tới đó, tôi được dẫn vào một nơi mà tôi tưởng là phòng hậu trường. Nhưng thay vì được gắn dây mic hay được dẫn lên sân khấu, tôi ngồi vào một chiếc bàn tròn đơn giản trong lúc người ta đưa thính giả tới: năm ông siêu giàu - vâng, đều là đàn ông - thuộc tầng lớp cao cấp trong giới quỹ đầu tư. Sau vài lời thăm dò qua lại, tôi nhận ra họ chẳng có tí quan tâm nào tới những thông tin tôi định trình bày về tương lai của công nghệ. Họ đến đây với những câu hỏi riêng.

Họ bắt đầu một cách vô thưởng vô phạt. Ethereum hay bitcoin? Điện toán lượng tử có thật không? Tuy nhiên, một cách từ từ mà chắc chắn, họ lái dần câu chuyện sang chủ đề họ thật sự quan tâm.

Khu vực nào sẽ ít bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng khí hậu đang tới: New Zealand hay Alaska? Google có đang thật sự chế tạo một nơi lưu giữ não bộ của Ray Kurzweil, và liệu ý thức của ông ta sẽ tồn tại qua những lần chuyển đổi, hay nó sẽ chết và tái sinh thành một ý thức hoàn toàn mới? Cuối cùng, Giám đốc điều hành của một công ty môi giới đề cập rằng ông ta đã gần xây dựng xong hệ thống hầm công sự cho riêng ông ta và đặt ra câu hỏi, "Tôi phải làm sao để duy trì quyền hạn đối với lực lượng an ninh của mình sau sự kiện?"

Sự Kiện. Đó là từ của họ để chỉ sự sụp đổ môi trường, bất ổn xã hội, thảm họa hạt nhân, những virus không thể ngăn chặn, sự nổi dậy của rô-bốt.

Câu hỏi đó chiếm của chúng tôi cả giờ đồng hồ. Họ biết rằng bắt buộc phải có lực lượng vệ sĩ được trang bị vũ trang để bảo vệ khuôn viên của họ khỏi đám đông giận dữ. Nhưng họ sẽ trả công cho các vệ sĩ này như thế nào khi tiền trở nên vô giá trị? Điều gì sẽ ngăn cản những vệ sĩ đó tự bầu ra thủ lĩnh? Các tỷ phú đã nghĩ tới việc sử dụng các loại khoá hóc hiểm đặc biệt để bảo vệ nguồn cung thực phẩm mà chỉ có họ biết. Hoặc bắt những vệ sĩ đeo vòng kiểm soát để đổi lấy sự sinh tồn. Hoặc có thể chế tạo rô-bốt phục vụ vừa như vệ sĩ, vừa như công nhân - nếu công nghệ kịp phát triển tới mức đó.

Tôi cuối cùng cũng đã nhận ra: Ít nhất đối với các quý ông này, đây là một cuộc thảo luận về tương lai của công nghệ. Khi thấy Elon Musk đang “thuộc địa hoá” sao Hoả, Peter Thiel đang đảo ngược quá trình lão hoá, Sam Altman và Ray Kurzweil đang tải tâm trí của họ lên các siêu máy tính, những người này cũng đang chuẩn bị cho một tương lai số theo cách chẳng hề liên quan tới việc biến thế giới trở nên tốt đẹp hơn, mà bằng cách vượt lên tất thảy tình trạng của con người và cách ly bản thân họ khỏi những nguy cơ rất thực đang hiển hiện về biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao, các cuộc đại di cư, đại dịch toàn cầu, chủ nghĩa bài ngoại và sự cạn kiệt tài nguyên. Đối với họ, tương lai của công nghệ thực ra chỉ hướng về một điều: chạy trốn.

9 sự thật bất ngờ về giới siêu giàu nước Mỹ - CafeLand.Vn

Những đánh giá lạc quan đến điên rồ về những lợi ích mà công nghệ có thể mang lại cho xã hội loài người thật ra chẳng có gì sai. Thế nhưng đó không phải là động lực để hướng tới một địa đàng hậu nhân (post-human). Động lực hiện tại, thay vì là hình dung về việc đưa toàn thể nhân loại sang một trạng thái tồn tại mới, lại giống hơn một sự mưu cầu được vượt qua tất cả những gì làm nên con người: cơ thể, sự phụ thuộc lẫn nhau, lòng trắc ẩn, tính dễ tổn thương và tính phức tạp. Như các nhà triết học công nghệ trong nhiều năm nay đã chỉ ra, giờ đây, triết học siêu nhân học (transhumanist) đã giản lược toàn bộ thực tế thành dữ liệu một cách quá sức dễ dàng, kết luận rằng “con người chỉ là những vật xử lý thông tin, không hơn”.

Đó là sự giản lược quá trình tiến hoá của loài người thành một trò chơi điện tử mà người thắng là người tìm được cửa thoát hiểm và kéo vài BFF của anh ta theo cùng. Sẽ là Musk, Bezos, Thiel… Zuckerberg chăng? Những tỷ phú này có thể được coi những người chiến thắng trong nền kinh tế kỹ thuật số - cuộc chiến nơi những kẻ thích nghi nhanh nhất mới có thể tồn tại, cũng là thứ đã châm ngòi cho những suy đoán về tương lai từ đầu đến giờ.

Tất nhiên câu chuyện không phải lúc nào cũng là như vậy. Có một thời gian ngắn, vào đầu những năm 1990, tương lai kỹ thuật số từng mang lại cảm giác rộng mở và sẵn sàng đón nhận các phát minh. Công nghệ trở thành một sân chơi cho văn hoá phản kháng, cho những ai nhìn thấy cơ hội để tạo ra một tương lai hoà hợp hơn, sẻ chia hơn và ủng hộ con người hơn. Nhưng những người chủ của các công ty lại chỉ nhìn ra được tiềm năng mới theo những cách khai thác cũ, và quá nhiều nhà phát triển công nghệ đã bị cám dỗ bởi những đợt phát hành chứng khoán trị giá tỷ đô. Tương lai kỹ thuật số dần bị coi là một hợp đồng tương lai như cổ phiếu hay bông - là thứ để người ta dự đoán và đặt cược. Thế là, gần như mọi bài phát biểu, bài báo, nghiên cứu, phim tài liệu hoặc sách trắng chỉ được coi là thích hợp khi chúng dẫn đến một mã cổ phiếu. Tương lai dần thay đổi, từ thứ được chúng ta tạo ra thông qua những lựa chọn hàng ngày hay hy vọng về nhân loại, trở thành một viễn cảnh tất định mà chúng ta đặt cược bằng vốn đầu tư mạo hiểm của mình, nhưng chỉ được thụ động ra quyết định.

Điều này giải phóng mọi người khỏi đạo đức trong những hành động của họ. Sự phát triển công nghệ không còn là câu chuyện về sự hưng thịnh của tập thể mà trở thành câu chuyện về sự sinh tồn của cá nhân. Tệ hơn nữa, tôi nhận ra là, việc kêu gọi xem xét vấn đề này lại chính là vô tình biến mình thành kẻ thù của thị trường hoặc một kẻ chống đối công nghệ.

Vậy là thay vì suy xét mặt đạo đức của việc bần cùng hóa và bóc lột nhiều người nhân danh một số người, hầu hết các học giả, nhà báo, các nhà văn khoa học viễn tưởng lại đi suy xét những câu hỏi trừu tượng và hóc búa hơn nhiều: Có công bằng không nếu một nhà môi giới chứng khoán sử dụng thuốc hưng trí? Trẻ con có nên được cấy ngoại ngữ vào não? Chúng ta có muốn các phương tiện tự lái ưu tiên tính mạng của người qua đường hơn tính mạng của người trên xe không? Những cộng đồng đầu tiên lên Sao Hoả có nên được tổ chức theo thể chế dân chủ? Việc tôi thay đổi DNA của mình có làm giảm căn tính của tôi không? Có nên trao quyền cho rô bốt không?

Việc đặt những câu hỏi như vậy, tuy rất giải trí về mặt triết học, nhưng không giúp được gì trong cuộc vật lộn với những tình thế đạo đức nan giải gắn liền với sự phát triển ào ạt của công nghệ dưới danh nghĩa chủ nghĩa tư bản. Các nền tảng kỹ thuật số đã biến một thị trường vốn đã bị bóc lột và khai thác (hãy nghĩ đến Walmart) thành một phiên bản kế nhiệm thậm chí còn tha hóa nhân tính hơn (hãy nghĩ đến Amazon). Hầu hết chúng ta đã nhận ra sự tồn tại của những mặt trái này dưới dạng các công việc tự động, nền kinh tế gig (gig economy: nền kinh tế mà trong đó mọi người thường làm việc bán thời gian hoặc tạm thời, còn các công ty có xu hướng thuê những người làm việc độc lập và tự do thay vì nhân viên toàn thời gian - ND) và sự sụp đổ của cửa hàng bán lẻ địa phương.

Nhưng môi trường và những người nghèo trên toàn cầu mới là những chủ thể phải hứng chịu tác động tàn khốc nhất từ sự phát triển vũ bão của chủ nghĩa tư bản kỹ thuật số. Việc sản xuất một số máy tính và điện thoại thông minh vẫn sử dụng mạng lưới lao động nô lệ. Những thực hành này đã ăn sâu đến mức một công ty có tên là Fairphone, ban đầu được thành lập để sản xuất và tiếp thị điện thoại một cách nhân đạo, đã nhận ra rằng điều đó là không thể. (Người sáng lập của công ty hiện đang buồn bã gọi các sản phẩm của họ là điện thoại "công bằng hơn".)

Cùng lúc đó, việc khai thác đất hiếm và rác thải công nghệ kỹ thuật số đang hủy hoại môi trường sống của con người, để lại những bãi rác độc hại mà sau đó sẽ được những trẻ em và các gia đình nông thôn bới nhặt và đem bán lại những vật liệu còn dùng được cho các xưởng sản xuất.

Hiện thực “khuất mắt trông coi” này về sự nghèo đói và độc hại sẽ không biến mất chỉ vì chúng ta đã che mắt mình bằng kính VR và đắm mình trong hiện thực ảo. Rất có thể là ngược lại, chúng ta càng bỏ qua những hậu quả xã hội, kinh tế và môi trường, chúng càng trở thành vấn đề. Để rồi chính điều này lại càng thúc đẩy nhiều hơn những sự thoái lui, chủ nghĩa cô lập và những tưởng tượng về ngày tận thế - và thế là những công nghệ và kế hoạch kinh doanh càng được dựng lên một cách tuyệt vọng hơn. Vòng tròn cứ tự nó luân hồi.

Càng bị ăn sâu bởi góc nhìn này về thế giới, chúng ta càng coi con người là vấn đề và công nghệ là giải pháp. Ý nghĩa căn bản của việc làm người được coi là một lỗi lập trình hơn là một tính năng. Kể cả khi đã được “nhúng" những thiên kiến (embedded biases), công nghệ vẫn được coi là trung lập. Còn những hành vi xấu mà công nghệ gây ra trong chúng ta chỉ là sự phản ánh cái cốt lõi hư hỏng của chính chúng ta, như thể một thứ bản tính man rợ nào đó của loài người là nguyên nhân của những rắc rối này. Và, như sự kém hiệu quả của thị trường taxi truyền thống có thể được “giải quyết" bằng một ứng dụng mà đã làm những tài xế con người phá sản, những mâu thuẫn khó chịu trong tâm lý người cũng có thể được sửa chữa bằng việc nâng cấp kỹ thuật số hoặc nâng cấp gen.

Sau cùng thì, theo lý luận chính thống của các nhà giải pháp công nghệ, tương lai của con người sẽ đạt đến đỉnh điểm bằng cách tải ý thức lên máy tính hoặc, có lẽ còn tốt hơn, là chấp nhận rằng chính công nghệ là người kế thừa tiến hóa của chúng ta. Như những thành viên của một giáo phái ngộ đạo, chúng ta mong muốn được bước vào giai đoạn siêu việt tiếp theo của sự phát triển, trút bỏ cơ thể mình, cùng với mọi tội lỗi và rắc rối.

Chính phim ảnh và truyền hình đã cổ suý cho chúng ta những ảo tưởng này. Những bộ phim về zombie mô tả một thế giới hậu tận thế, nơi con người chẳng hơn gì xác sống và họ dường như biết thế. Thậm chí tệ hơn, những chương trình này còn mời gọi người xem tưởng tượng tương lai như một trận chiến một mất một còn giữa những người còn sống sót, nơi sự sống còn của nhóm này phụ thuộc vào sự sụp đổ của nhóm kia. Ngay cả Westworld - dựa trên một tiểu thuyết khoa học viễn tưởng về sự nổi loạn của rô-bốt - đã kết thúc mùa thứ hai bằng sự tiết lộ cuối cùng: Nhân loại đơn giản và dễ đoán hơn trí thông minh nhân tạo mà chính chúng ta đã tạo ra. Các rô-bốt học được rằng mỗi con người có thể được thu gọn chỉ còn một vài dòng lệnh, và rằng chúng ta không có khả năng đưa ra bất kỳ lựa chọn tự do nào. Quái đản thay, ngay cả những rô-bốt trong bộ phim đó cũng muốn thoát khỏi sự gò bó của cơ thể và dành phần đời còn lại của mình trong thế giới giả lập của máy tính.

Những sự bóp méo sự thật về việc đảo ngược vai trò triệt để như vậy giữa con người và máy móc đều phụ thuộc vào giả định cơ bản rằng loài người tệ hại. Phải thay đổi họ hoặc tránh xa họ, mãi mãi.

Vì thế, chúng ta thấy các tỷ phú công nghệ phóng ô tô điện vào không gian - như thể điều này tượng trưng cho thứ gì đó cao cả hơn năng lực quảng bá doanh nghiệp của vị tỷ phú ấy. Và giả sử có ai đó đạt được tới vận tốc thoát ly và bằng cách nào đó sống sót được trong những ngôi nhà bong bóng trên sao Hỏa (dù chúng ta còn không duy trì nổi bong bóng như vậy ngay tại Trái Đất trong cả hai thử nghiệm trị giá hàng tỷ đô la của Biosphere), kết quả đó cũng chẳng phải là sự tiếp tục cho hành trình di cư của nhân loại, nó chỉ là con thuyền cứu sinh dành cho giới thượng lưu mà thôi.

Khi những chủ quỹ đầu tư hỏi tôi về cách tốt nhất để duy trì quyền lực đối với lực lượng an ninh của họ sau “sự kiện", tôi đã nói rằng cửa cược tốt nhất họ có thể đặt là đối xử thật tốt với mọi người, ngay bây giờ. Họ nên đối xử với các nhân viên an ninh của họ như thể những người ấy là những thành viên trong gia đình. Và lý tưởng đại đồng này càng được họ lan rộng cho các phương thức kinh doanh, quản lý chuỗi cung ứng, nỗ lực phát triển bền vững và phân phối của cải, “sự kiện" càng ít có khả năng xảy ra. Ma thuật của công nghệ có thể được sử dụng để hướng tới những lợi ích ít lãng mạn hơn, nhưng chắc chắn mang tính tập thể hơn, ngay bây giờ.

Dù vui cười trước sự lạc quan của tôi, họ không thực sự tin điều đó. Họ không quan tâm đến việc làm thế nào để tránh tai họa; họ tin rằng chúng ta đã hết đường lùi. Với tất cả sự giàu có và quyền lực của mình, họ không tin rằng họ có thể ảnh hưởng đến tương lai. Họ chỉ đơn giản chấp nhận những viễn cảnh đen tối nhất và sử dụng tất cả tiền bạc và công nghệ họ có để cách ly họ khỏi viễn cảnh ấy - đặc biệt nếu họ không chiếm được một chỗ ngồi trên chuyến tàu lên sao Hỏa.

May mắn thay, chúng ta - những người không có kinh phí để nghĩ về việc từ bỏ nhân tính của chính mình - có nhiều lựa chọn tốt hơn. Chúng ta không cần phải sử dụng công nghệ theo những cách phản xã hội và gây chia rẽ như vậy. Chúng ta có thể trở thành những người tiêu dùng và những hồ sơ cá nhân mà các thiết bị và nền tảng muốn chúng ta trở thành, hoặc chúng ta có thể nhớ rằng con người đã tiến hóa để chung sống cùng nhau.

Làm người không phải là việc sống sót hay trốn chạy của cá nhân. Đây là một môn thể thao đồng đội. Dù tương lai của nhân loại đi về đâu, chúng ta sẽ bước chung một đường.

Người dịch : Phạm Minh Trang
Tác giả: Douglas Rushkoff

Douglas Rushkoff

Link nội dung: https://luxlifestyle.vn/su-song-sot-cua-gioi-sieu-giau-canh-nha-giau-dang-am-muu-bo-lai-chung-ta-a23334.html