Hồi 1968, hơn 50 năm đổ về trước, Dì Gái (bà Nguyễn Thị Dậu) đẩy xe bánh mì vô danh ra bán ở lề đường Lý Chính Thắng và trước trường học Gia Long (nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai).
Dì gom vốn, quyết tâm mở một cửa hàng nho nhỏ ở đường Hàm Nghi (Quận 1) để bán riêng loại bánh mì do mình tự tay làm từ vỏ bánh đến dăm bông, pate… đặt tên là bánh mì Như Lan. Lâu dần, bánh mì Như Lan dần trở thành nét ẩm thực đặc trưng của đất Sài Gòn – Gia Định, không người sành ăn nào mà không biết tới.
Tiệm bánh Như Lan đã trở thành một phần văn hóa ẩm thực của Sài Gòn.
Rồi dì làm bánh trung thu, người ta xếp hàng nườm nượp, từ người bình dân tới khách hạng sang, đậu ô tô kín đường đợi mua bằng được. Cứ thế năm nay qua năm khác, từ xe bánh mì lề đường không tên tuổi, Dì Gái gầy dựng nên thương hiệu danh tiếng lẫy lừng Như Lan.
Không ai biết chính xác “đế chế” của bà chủ bánh mì Như Lan trị giá bao nhiêu, chỉ nghe đồn là số thuế phải đóng mỗi năm bằng cả gia tài của người khác. Riêng loạt dãy nhà nằm nối tiếp san sát nhau trên 2 con đường đắt đỏ bậc nhất Sài Gòn là Hàm Nghi và Hai Bà Trưng, tính sơ sơ đã hàng trăm tỷ; chưa kể của chìm của nổi mà gia chủ nhất định không hé môi tiết lộ.
“Tuyệt giao” với internet và tài khoản ngân hàng
Điều khiến bà Dậu trở thành một “huyền thoại đô thị” của Sài Gòn lại không phải độ giàu có hay nổi tiếng, mà là cách bà sống và ứng xử với mọi người chung quanh.
Hiếm có ai kiên định như bà chủ tiệm bánh Như Lan, từ thuở sơ khai lập nghiệp cho đến tận bây giờ đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, bà vẫn kiên định không chịu dùng điện thoại di động. Bà cũng không biết (và không cần biết) dùng internet.
Chân dung người đàn bà một tay gây dựng "đế chế" bánh mì Như Lan.
Ngay cả những phương tiện liên lạc thông dụng nhất, “phổ cập” đến mọi nhà, mọi người như email, Facebook cá nhân (và đương nhiên là các mạng xã hội khác nữa), bà Dậu cũng từ chối dùng.
Tiệm bánh Như Lan có lắp điện thoại bàn, có email, có trang web, đúng với xu thế của thời đại internet là “sự sống”, nhưng đó là công việc.
Còn chủ nhân của nó thì tự tách mình khỏi những phức tạp công nghệ ấy. '
Bà chọn cách sống giản tiện để tránh tối đa phiền phức trong thế giới ảo.
Ai muốn liên lạc, gặp gỡ hay hỏi chuyện bà, chỉ có cách tới tận nơi mà gặp, hệt như những năm 70, 80 của thế kỷ trước, khi mọi người chú trọng kết nối trực tiếp, mặt đối mặt.
Bà Dậu cũng không có tài khoản ngân hàng cá nhân. Có lần bà đã kể, bà “trượt” 2 lần visa du lịch sang Mỹ dù có thư của khách hàng mời sang mua thiết bị, dây chuyền sản xuất thực phẩm. Hẳn nhiên, bà chủ Như Lan nào có thiếu tiền, nhưng không có tài khoản cá nhân, bà không thể chứng minh tài chính để được duyệt sang Mỹ.
Tận tụy với công việc
Bà gần như dành cả đời cho công việc. Ở tuổi bát tuần, bà vẫn không hề nghỉ ngơi hưởng thụ, mà vẫn giữ thời gian biểu cực kỳ khắt khe. 6 giờ sáng, bà dậy và theo dõi việc chế biến thịt nguội. Từ 8 - 10 giờ sáng là giờ đi bơi. Sau đó, bà về tiệm coi hàng đến 2 giờ chiều.
Buổi chiều, bà chơi bóng bàn đến 8 giờ tối rồi lại trở về cửa hàng, gặp gỡ khách, điều hành nhân viên đến tận 2 giờ sáng hôm sau mới ngủ. Từ khi mở tiệm, có nhân viên, bà đã duy trì lịch làm việc, sinh hoạt này, 7 ngày 1 tuần, 365 ngày 1 năm, kể cả mùng Một Tết.
Ở tuổi U80, bà vẫn minh mẫn làm việc với sổ sách, quán xuyến nhân viên.
Bà dồn toàn bộ năng lượng sống của mình để làm việc và rèn luyện thể thao, nên trí tuệ minh mẫn, cơ thể tráng kiện. Bà vẫn tự mình điều hành nhân viên, coi sóc công đoạn làm hàng để đảm bảo mọi thứ đi theo quỹ đạo mà mình đề ra.
Vậy mà, không hiểu sao có một thời, người Sài Gòn đồn rằng bà đã bán lại thương hiệu Như Lan, kiệt quệ tài chính vì mê… đánh bạc.
Tận tâm với khách hàng
Người phụ nữ này cũng nổi tiếng là quyết liệt trên thương trường. Bà yêu thương hiện bánh mì Như Lan mà mình cả đời chăm chút, và từng nổi đóa khi nghe tin tại Mỹ và Úc cũng có tiệm bánh tên y chang.
Bà chưa từng có ý định nhượng quyền hay mở rộng thương hiệu ra nước ngoài, dù khách hàng Việt kiều đã quảng bá món ngon của tiệm Như Lan đi khắp thế giới. Tiệm ở Mỹ, bà chưa có dịp ghé qua, nhưng tiệm bánh mì Như Lan tại Úc, đích thân bà đã bay sang và mua ăn thử.
Dù hai tiệm chỉ trùng tên, chẳng có liên quan gì đến nhau, bà Dậu chẳng ngần ngại tuyên bố thẳng mặt chủ tiệm ở Úc là dăm bông, thịt nguội của họ quá… dở. Bà chê thẳng thừng, bởi không muốn thương hiệu Như Lan của mình bị ảnh hưởng, và cũng bởi bà thương khách hàng tại Úc, bỏ tiền mua bánh mì mà không được ăn đồ ngon.
Cảnh tượng xếp hàng nườm nượp đợi mua bánh Như Lan đã thành "đặc sản" của Sài Gòn.
Người chủ tiệm bánh mì Như Lan trên đất Úc không lấy vậy làm tự ái. Thậm chí, người này còn về Việt Nam để tìm hiểu, học hỏi dây chuyền sản xuất thực phẩm của bà Dậu để rút kinh nghiệm cho mình.
Bà yêu thương hiệu của mình đến mức, hơn nửa thế kỷ qua, dù có sáng tạo thêm sản phẩm mới, mở rộng kinh doanh, bà vẫn giữ nét hương vị đặc trưng mà chỉ ở tiệm Như Lan mới có. Khách đã mê rồi, ăn vào sẽ nhận ra ngay.
Có lần, nhận được điện thoại khách hàng phàn nàn, bánh trung thu Như Lan sao kỳ quá, ăn không thấy đúng vị. Bà Dậu vội vàng bỏ tiệm cho nhân viên coi, thuê xe ôm, mang theo một hộp bánh, đích thân tới tận nhà vị khách nọ.
Hộp bánh ấy, bà tặng anh, mời anh ăn luôn coi sự cố ở đâu. Khách ăn xong lại tấm tắc khen ngon, đúng là hương vị chuẩn mà anh ưa chuộng. Lúc này, cả bà chủ tiệm bánh và khách mới vỡ lẽ, hộp bánh ban đầu mà vị khách này ăn là bánh mua ở vệ đường, nhái thương hiệu Như Lan.
Chê chán đàn ông, độc thân trọn đời
Một điều đặc biệt nữa về doanh nhân U80 đó là bà đã sống trọn một đời mà không có bóng dáng người đàn ông nào kề cận. Một mình bà lèo lái, tạo dựng sự nghiệp và tận hưởng thành công của mình.
Phần vì quá bận rộn, say mê với công việc, phần vì nỗi ám ảnh từ thuở thiếu thời, Dì Gái chọn không lấy chồng. Chẳng là, khi còn trẻ, dì chứng kiến những người đàn ông sống gần nhà rất vũ phu. Nhiều người đối xử với vợ con rất tệ bạc. “Tôi đã tự nhủ rằng đàn ông vị kỷ, không đáng cho mình lấy. Phụ nữ khi yêu ai thường không đòi hỏi người ta phải thế này thế nọ với mình. Còn đàn ông thì ngược lại.
Tuy không có con, nhưng bù lại tôi có tình yêu thương của những chị em và các cháu giỏi giang trong nhà. Điều quan trọng là ở tuổi này, tôi vẫn được ngày ngày làm việc tôi thích”, bà nói, trong một lần hiếm hoi trả lời phỏng vấn báo chí.
Tiệm bánh Như Lan nằm ở khu đất vàng tại Quận 1, Quận 3, có giá trị hàng triệu đô la.
Nhiều người tỏ ra nuối tiếc, cho rằng một huyền thoại về kinh doanh, vun vén như bà Dậu, không có truyền nhân thì thật uổng phí. Gia sản kếch xù ấy sẽ không có con để thừa kế và vinh danh. Nhưng đó là suy nghĩ của người đời, còn bà Dậu thì hài lòng và kiên định với lựa chọn của mình.
Bích Chi/ Theo Pháp luật & bạn đọc
Link nội dung: https://luxlifestyle.vn/ty-phu-banh-mi-sai-gon-khong-dung-di-dong-the-ngan-hang-che-dan-ong-nen-song-doc-than-a23383.html