Người ta thường bảo, sai lầm lớn nhất cuộc đời bà là lấy Vua Bảo Đại. Vì nếu nên duyên cùng người khác, sẽ chẳng bao giờ bà phải cô đơn những ngày cuối đời, sẽ chẳng bao giờ phải chứng kiến chồng mình đi cùng người phụ nữ khác, và càng không bị cuốn vào những vòng xoáy chính trị bất tận. Nhưng cũng nhờ cuộc hôn nhân với Bảo Đại, bà có cơ hội được tỏa sáng như một viên kim cương trên bản đồ Đông Dương, được lưu danh sử sách về nhan sắc lẫn trí tuệ của mình. Trong địa hạt chính trị, có lẽ bà không thành công. Nhưng với thời trang, bà đã bóc tách những giá trị truyền thống và chấm phá chút tân thời tinh tế của một Tây Âu quý tộc, qua đó làm say đắm những ai từng có cơ hội diện kiến Cựu Hoàng Hậu.
Ngược dòng thời gian, cùng xem lạ dấu ấn thời trang của Nam Phương Hoàng Hậu qua từng biến cố cuộc đời. Về Mariette (tên thời con gái khi còn du học tại Pháp của Nam Phương Hoàng Hậu), người con gái đã mang lại chút Paris ấm áp cho vị vua trẻ Bảo Đại, trong những ngày chông chênh ông vừa “tốt nghiệp” và về Việt Nam cầm quyền.
Nam Phương Hoàng Hậu với khuê danh Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan, sinh ngày 14/12/1913 tại vùng đất Gò Công, Tiền Giang. Gò Công vốn được mệnh danh là “đất Hoàng gia” khi có đến bảy phụ nữ miền Nam đã từng là chủ nhân của Hoàng thành Huế (theo lời kể của vua Bảo Đại trong hồi ký Con Rồng An Nam). Thân thế của Thị Lan càng thêm quyền quý khi nàng là con gái của ông Pierre Nguyễn Hữu Hào và bà Marie Lê Thị Bình. Ông ngoại nàng là đại phú hộ Lê Phát Đạt, hay còn gọi là Huyện Sỹ, người giàu nhất xứ Nam Kỳ thời bấy giờ (mà người ta hay kháo nhau rằng Nhất Sỹ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Hỏa).
Năm 12 tuổi, Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan được gửi sang Pháp du học tại tu viện nữ sinh nội trú Couvent des Oiseaux, Paris. Tháng 9 năm 1932, chưa tròn 20 tuổi, nàng hoàn thành tú tài Pháp và trở về quê hương. 6 năm sinh sống và học tập tại Pháp, vị hoàng hậu tương lai vẫn giữ được cốt cách và nét kín đáo chuẩn mực của một người con gái An Nam.
Hình ảnh của Thị Lan thời điểm này là cực kỳ nhỏ giọt, nhưng thông qua những tư liệu quý hiếm, người ta vẫn thấy nàng du học sinh Pháp hết mực duyên dáng và mực thước trong những chiếc váy midi dài có chất liệu và độ rũ mềm mại. Với kiểu trang phục này, Thị Lan trông tràn đầy sức sống và sự quyến rũ của một cô gái đôi mươi, mà không cần phô phang khoe da thịt.
Nếu tóc phi dê đến tận những năm 70-80 của thế kỷ trước mới trở nên phổ biến, thì cô thiếu nữ Thị Lan đã diện kiểu tóc này ngay từ trước khi về nhà chồng. Không chải phồng hay làm xoăn tít thò lò, Thị Lan chọn cách uốn xoăn từng búp nhỏ và chải bồng một chút ở phần mái, tạo nên tổng thể trẻ trung, thời thượng nhưng vẫn hết mực gọn gàng và quý phái. Nàng cũng ưa chuộng kiểu sandal quai mảnh với phần gót vuông, tôn dáng hoàn hảo hoặc Oxford và Ballerina năng động.
Người ta hay bảo rằng Thị Lan từng 3 lần đoạt giải người đẹp Đông Dương, nhưng tới nay vẫn chưa có hình ảnh chính xác hay tư liệu nào về câu chuyện này. Dù vậy, thật khó tin khi một cô gái có xuất thân quyền quý đến thế lại tham gia những cuộc thi vốn chỉ dành cho những người muốn “đổi đời”. Nhưng dù có đạt danh hiệu hoa hậu hay không, nhan sắc của Thị Lan vẫn làm một người đàn ông đào hoa (Bảo Đại) và hậu thế về sau say đắm. Vóc dáng mảnh khảnh yêu kiều, khuôn mặt trái xoan thanh tú, ánh mắt nhỏ nhưng tinh anh, Thị Lan chính là hiện thân cho vẻ đẹp dịu dàng nhưng đầy tri thức, điều hiếm thấy ở con gái thời bấy giờ.
Trong những dịp đặc biệt, nàng ưu tiên diện áo dài lụa, điểm xuyết kiềng vàng và bông tai ngọc trai. Lần gặp gỡ đầu tiên với Vua Bảo Đại tại Đà Lạt vào mùa hè năm 1933, trong bữa tiệc của quan Đốc lý người Pháp, Thị Lan đã mặc một chiếc áo dài lụa màu đen, và hình ảnh người con gái Việt Nam trao đổi lưu loát bằng tiếng Pháp đó đã đánh cắp trái tim của vị vua trẻ đa tình.
Một điều đặc biệt, người ta nhận thấy rằng đây là thời kỳ Thị Lan cười nhiều nhất. Nhiều tác giả sau này cũng nhận định, không phải cái thời sánh đôi cùng Bảo Đại, thời còn son mới là quãng thời gian vị Hoàng Hậu này tươi tắn nhất.
Thị Lan thời điểm kết hôn cùng Vua Bảo Đại chỉ mới là cô thiếu nữ vừa ngoài 20, nhưng hưởng thụ nền giáo dục phương Tây từ nhỏ, kèm một cuộc hôn nhân chính trị được đảm bảo bởi Mẫu quốc Pháp với điều kiện tấn phong Hoàng Hậu ngay sau lễ cưới, con đường trở thành mẫu nghi thiên hạ dường như không quá khó khăn với Nam Phương.
Nam Phương Hoàng Hậu là một bà Hoàng đặc biệt, khi không thấm nhuần những tư tưởng của Nho giáo. Bà mang trong mình hai tư tưởng Đông – Tây hài hòa, được thể hiện rõ qua lối phục sức suốt 11 năm ngồi trên phượng vị. Làm dâu nhà họ Nguyễn, dĩ nhiên Nam Phương Hoàng Hậu buộc phải tuân theo những quy định về quan phục Hoàng Hậu đã được ghi rõ tại điển chế nhà Nguyễn. Tuy nhiên, do dưới thời Bảo Đại, ông đã “Tây hóa” triều đình và cho phép vợ cùng xuất hiện bên cạnh trong những hoạt động ngoại giao, Nam Phương Hoàng Hậu hoàn toàn có cơ hội thể hiện bản lĩnh cùng năng lực thẩm mỹ của mình.
Triều phục là trang phục cao quý nhất của ngôi Trung cung, thế nên, không có gì lạ khi hình ảnh Nam Phương Hoàng Hậu trong bộ triều phục là hình ảnh được biết đến rộng rãi nhất. Bà diện triều phục lần đầu tiên trong đám cưới Hoàng gia năm 1934, được vua Bảo Đại mô tả lại “Hoàng hậu mặc triều phục màu vàng, đầu đội mũ kết trân châu bảo ngọc, chân đi hia mũi nhọn, tay cầm hốt ngà.” Hình ảnh một người phụ nữ bước đi giữa triều đình, cùng sự xuất hiện trên con tem Đông Dương năm nào đã đánh dấu sự khởi đầu cho con đường tham vọng chính trị của Nam Phương.
Nếu hậu thế chỉ lưu lại duy nhất lần Nam Phương Hoàng Hậu mặc triều phục trong ngày cưới, thì với Nhật Bình, một loại trang phục cung đình khác, Nam Phương Hoàng Hậu đã mặc nhiều hơn trong những sự kiện đặc biệt nhằm quảng bá về hình ảnh nước An Nam.
Nhưng phổ biến hơn cả, người ta thấy bà Hoàng diện áo dài là nhiều nhất. Mặc áo dài truyền thống, tóc vấn khăn, cùng với lối trang điểm đậm chất Hoàng tộc, Nam Phương Hoàng Hậu càng lộ rõ nhan sắc “mắt phượng mày ngài” của mình. Thời điểm này, ngọc trai là trang sức yêu thích của bà, nhằm thể hiện sự thanh lịch và bản lĩnh khi sánh bước cùng Bảo Đại. Nam Phương thường lựa chọn vòng cổ hoặc khuyên tai to bản làm điểm nhấn trên bộ trang phục.
Tuy sống trong lồng son phong kiến, nhưng qua những gì bà thể hiện, người ta biết rõ đây là một người phụ nữ tân thời, và đầy tham vọng. Bà thường xuyên tháp tùng chồng trong các chuyến công du ngoại quốc hoặc đón tiếp các nguyên thủ quốc gia. Với khả năng nói tiếng Pháp trôi chảy, kiến thức và sự tinh tế, thanh lịch, khéo léo, bà đã để lại ấn tượng rất đẹp trong lòng các chính khách.
Trong những sự kiện sang trọng mang tính quốc tế, Nam Phương Hoàng Hậu thường sẽ lựa chọn những mẫu đầm liền tôn dáng, đi kèm là áo choàng dài phom dáng đứng, được đính kết cầu kỳ hoặc không nhằm tỏ rõ sự hợp thời và tương xứng về đẳng cấp khi đón tiếp các nước bạn. Bà cũng chải tóc cao về phía sau, uốn xoăn và làm phồng phần mái, lộ ra nhan sắc mặn mà và đài các của mình.
Thi thoảng, trong những dịp đời thường, người ta vẫn thấy đâu đó vương vấn hình ảnh của một người con gái, một người phụ nữ yêu thời trang đã dành cả tuổi thanh xuân ở Paris hoa lệ. Toàn quyền Decoux cũng từng hết lời khen ngợi bà Nam Phương là người đức hạnh, nề nếp, một sự tổng hợp hài hòa của hai nền văn hóa Đông – Tây, là viên kim cương tỏa sáng giữa cung điện Huế, mang lại sự tươi trẻ, hiện đại, văn minh kiểu phương Tây.
Sau biến cố chính trị năm 1945 và sự kiện thoái vị của Vua Bảo Đại, đây có lẽ là thời kỳ ảm đạm nhất trong “sự nghiệp” thời trang của Nam Phương Hoàng Hậu. Dù chỉ kéo dài vỏn vẹn 2 năm, nó vẫn cho thấy sự thông minh và sâu sắc của một người phụ nữ có trí tuệ, dù là trong hoàn cảnh bất lực nhất.
Ngôi vị Trung cung không còn, chồng lại xa nhà, Nam Phương Hoàng Hậu ăn mặc giản dị hơn nhưng vẫn đầy uy nghi. Bà vẫn mặc những chiếc áo dài suông với chất liệu gấm thượng hạng và cắt may đẹp đẽ, nhưng không còn bóng dáng của những món trang sức xa hoa, đắt tiền. Nhẫn, bông tai, lắc tay, kiềng vàng được bà ủng hộ cho “Tuần lễ vàng” tại Huế nhằm hỗ trợ Chính phủ lâm thời mua vũ khí.
Học giả Lê Văn Hiến (Bộ trưởng Bộ Lao động trong Chính phủ lâm thời) kể lại về cuộc gặp với ngài Hoàng trong chuyến thăm hỏi theo sự ủy thác của Hồ Chủ tịch như sau: “Bà Nam Phương ra sân tiếp tôi và mời vào phòng khách. Phòng trang hoàng rất lịch sự theo kiểu cách châu Âu thời cổ điển. Bà Nam Phương có tiếng là người lịch thiệp, tuy tuổi đã hơi cao, nhưng vẫn còn phong cách của một bà Hoàng có sắc đẹp nổi tiếng.”
Một loại trang phục khác được bà ưa chuộng trong giai đoạn này chính là những bộ Âu phục nhẹ nhàng, hiện đại. Trong thời gian này, thi thoảng, bà sẽ đón tiếp một vài phóng viên hoặc các quan chức của Chính phủ lâm thời. Những chiếc váy nhã nhặn được đánh giá là phù hợp với địa vị của bà trong thời điểm hiện tại.
Vua Bảo Đại từng giải thích trong cuốn hồi ký Con Rồng An Nam về việc chọn danh hiệu Nam Phương cho bà, rằng: “Nàng có vẻ đẹp dịu dàng của người miền Nam pha một chút Tây phương.” Thời điểm đó, không ai nghĩ câu nói trên đang báo trước về số phận cuộc đời của vị Hoàng Hậu cuối cùng triều Nguyễn. Chiến tranh xảy ra, lo ngại cho an nguy của các con, bà một nách 5 con, tìm đường từ Đà Lạt tản cư sang Pháp.
Từ ngày định cư tại Pháp, hình bóng những bộ áo dài bên bà dần trở nên thưa thớt hẳn, phần nhiều bị thay thế bởi Âu phục. Nhưng cứ mỗi lần bà mặc áo dài, người ta lại man mác buồn, nhớ về một thuở vàng son nhà Nguyễn.
Sau khi Ngô Đình Diệm lật đổ Quốc trưởng Bảo Đại, không còn hy vọng về việc Thái tử Bảo Long sẽ lên ngôi, Nam Phương Hoàng Hậu dường như “chấp nhận” số phận, sống an yên những ngày tháng cuối đời tại Pháp. Theo tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang, “Nam Phương Hoàng hậu ưa thời trang của hãng Christian Dior và Balmain. Bà cũng là một người rất sành điệu ăn mặc và màu tím nhạt là màu bà ưa thích nhất. Có lẽ vì cuộc đời của bà buồn nhiều hơn vui nên bà đã chọn màu tím chăng.”
Thời điểm này, bà Nam Phương ưa chuộng những chiếc cài áo hoặc phụ kiện tóc to bản, những món đồ thời trang gắn liền với tầng lớp quý tộc châu Âu. Ngần ấy là đủ hiểu bà nhạy cảm và thức thời thế nào với thời trang. Quyết định quay trở lại Pháp năm đó như một chuyến đi đưa bà về với bản ngã và đam mê thời trang ngày còn trẻ.
Kể cả khi người ta hay bảo là bà “lưu vong”, Nam Phương Hoàng Hậu vẫn sống trong nhung lụa nhờ gia đình giàu có của mình. Bố mẹ Hoàng Hậu, ông bà Nguyễn Hữu Hào, đã mua cho bà biết bao nhà đất, những mong của cải vật chất có thể khỏa lấp nỗi buồn riêng của con gái. Nhưng bà đã lựa chọn lánh xa nơi phù phiếm đô thành, tìm về với niềm vui an nhiên ở vùng quê Chabrignac, cách Paris 500km phía Tây Nam.
Trong những năm tháng cuối cùng, ở nơi xứ người, Nam Phương Hoàng Hậu vẫn chiếm trọn cảm tình của những người dân xung quanh. Lucien Boudy – một cựu xã trưởng làng Chabrignac, mô tả về Hoàng hậu Nam Phương: “Là một mệnh phụ phu nhân rất duyên dáng, đặc biệt thân thiện rộng rãi với dân làng. Bà cũng rất nhân đạo và yêu thương với người hầu kẻ hạ trong nhà”. Truyền thông nước Pháp cũng luôn dành sự ưu ái và những lời có cánh cho người phụ nữ đến từ An Nam xa xôi: “Bà Hoàng hậu đẹp vẫn ngự trong tim” (La belle impératrice demeure dans les coeurs – Tiêu đề một bài báo điện tử của Pháp). (Nguồn: lepopulaire.fr).
Nam Phương Hoàng Hậu qua đời, nhưng chút hương thơm miền Nam trên đất Pháp ấy sẽ còn lặng lẽ mà vương vấn mãi trong tâm trí những người yêu quý bà. Người đời có thể tiếc nuối, nhưng cô gái Nguyễn Hữu Thị Lan ngày nào đã sống trọn một cuộc đời xứng đáng với cái danh Hoàng Hậu cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam.
Little Scarlet/Theo Style Republik
Link nội dung: https://luxlifestyle.vn/nam-phuong-hoang-hau-bieu-tuong-thoi-trang-quyen-quy-a23544.html