Ngoài là một nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc, Đức Trí còn tham gia công tác giảng dạy và làm cố vấn nghệ thuật cho nhiều ca sĩ nổi tiếng - Ảnh: FBNV
Đầu tiên là ra mắt album Nỗi yêu bé dại gồm 9 ca khúc sáng tác cho Thùy Chi hát. Anh cũng là giám đốc âm nhạc của dự án Em và Trịnh - Chuyện những nàng thơ được tổ chức 5 đêm nhạc trên khắp cả nước.
Mới đây, The Show Vietnam vừa công bố đêm nhạc Đức Trí sẽ diễn ra tại hội trường Thống Nhất (TP.HCM) ngày 15-1.
Tôi luôn khắt khe với bản thân
* Nỗi yêu bé dại là một album tình buồn. Đến bây giờ cuộc sống hôn nhân đã viên mãn, vì sao nhạc anh vẫn u sầu như thế?
- Trước kia tôi cũng không hiểu được điều đó. Gần đây tôi có đọc cuốn sách về cuộc đời của Beethoven và đã giải mã được. Tác giả người Mỹ đó phát hiện ra không có sự liên quan giữa cuộc sống thật và cuộc sống của tác phẩm.
Không phải vì lúc đó mẹ ông ấy mất mà ông ấy viết bài buồn, không phải vì mới chia tay người yêu mà viết một bài chia tay. Đôi khi dù đang hạnh phúc, tác giả ấy vẫn có thể sáng tác một bài chia tay. Bởi có những ý tưởng đã nằm trong đầu từ trước, đến một ngày nào đó ý tưởng hoàn chỉnh thì họ viết ra. Như vậy, thời điểm viết tác phẩm không liên quan tới cuộc sống thực.
* Một album có chất nhạc đơn sắc, giọng hát đơn sắc, ca từ giản dị, thế mà vì sao từ 2016 đến giờ mới xong?
- Đơn sắc là một màu, khi đó sẽ có người cực kỳ mê nhưng cũng sẽ có nhiều người không nghe được, tức là bị kén chọn khán giả. Album nên có nhiều màu sắc để đáp ứng nhu cầu nghe của nhiều đối tượng và đến được với nhiều người hơn.
Bởi vì nó đơn sắc nên dưới góc độ của một nhà sản xuất, ban đầu tôi không cho phép như thế. Khi đó dù đã đủ số lượng phát hành, tôi chưa ra mắt vì muốn có thêm những bài tươi sáng cho đĩa bớt màu trầm buồn.
Nhưng dưới góc độ là một tác giả tôi không làm khác được, ý tưởng này không thành hiện thực vì chúng không ăn nhập với các ca khúc còn lại. Giữa hai cái mũ sản xuất và tác giả, tôi đã lựa chọn tác giả.
Tôi cũng chọn cách không đẩy lên nhạc số nữa và chỉ chọn giới nghe đĩa than, những người chấp nhận nghe nhạc trong không gian yên tĩnh. Chỉ có 1.800 đĩa bán ra và 200 người được tặng đĩa.
* Album mất tới 5 năm nhưng lại chỉ phát hành giới hạn. Anh có quá khắt khe với bản thân?
- Tôi luôn luôn khắt khe và khắt khe với bản thân nhiều hơn với mọi người. Đối với tôi, nếu sản phẩm chỉ được đánh giá khá thôi thì nghĩa là nó rất tệ.
Nếu muốn nó xuất sắc, tôi phải rất khắt khe. Với tôi, nếu sản phẩm không thành công, không tiếp cận được với mọi người thì tôi thà giữ cho bạn bè nghe thôi. Sự khắt khe không làm cho tôi mệt mỏi mà ngược lại tôi thấy rất thoải mái với nó.
Tôi không có ý định mang tập bài hát này đến với tất cả mọi người và tôi cũng tin rằng những người nào thật sự muốn nghe chắc chắn họ sẽ tìm đến bằng cách này hay cách khác, chứ không phải có thì nghe không có thì thôi. Tôi không muốn âm nhạc của mình trở thành nhạc nền, chỉ mở để ngồi nói chuyện.
"Tôi không muốn nhạc của mình phải có được số đông tính bằng view. Tôi chỉ cần 2.000 người nghe nhạc của tôi và cụ thể tôi chỉ làm 2.000 đĩa, dù hoàn toàn có thể làm hơn được" - Nhạc sĩ Đức Trí
Không dựa vào view và để mình bị mất phương hướng
* Bên cạnh sự đơn sắc trong album Nỗi yêu bé dại, một dự án khác là Em và Trịnh - Chuyện những nàng thơ cũng được Đức Trí đưa về phong cách mộc mạc. Anh đang muốn khám phá cái đẹp của sự đơn giản?
- Chắc chắn như vậy, nhưng không phải đơn giản, mà là tối giản thì đúng hơn. Đơn giản là tôi chọn những gì dễ dàng nhất, đằng này không phải.
Tối giản có nghĩa là tôi đã làm nó phức tạp rồi và tôi lấy bớt ra cho tới mức không còn gì để lấy ra được nữa. Tôi bày biện những lựa chọn lên bàn và chỉ dùng những thứ tốt nhất, đó mới là tối giản và cũng là điều mà bất kỳ nghệ sĩ nào cũng mong muốn làm được.
Và để làm được điều đó không dễ, bạn phải biết 1.000 thế võ thì mới biết được đâu là thế đơn giản, hiệu quả nhất.
* Vậy sẽ ra sao nếu những điều anh thích làm không phải là thứ khán giả thích nghe?
- Nhạc Việt mất phương hướng từ lâu rồi vì người sản xuất nhạc không biết phải làm gì khi đắn đo giữa việc làm cái mình thích và cái họ cho rằng khán giả thích. Theo tôi, nên cứ làm những điều mình thích trước và rồi sẽ có khán giả phù hợp lựa chọn nghe.
Còn nếu cho rằng làm những gì đáp ứng thị trường sẽ nhiều view (lượt xem/nghe - PV) hơn thì càng làm càng giống những thứ có nhiều view, càng ngày càng trở nên mất phương hướng và sự mất phương hướng đó là do người sản xuất âm nhạc, ca sĩ tự chọn, không ai bắt họ làm như thế cả.
Là người ở lâu trong ngành, tôi không cho phép mình bị mất phương hướng. Và tôi đã thoát ra khỏi vòng vây đó, đầu tiên là nhạc số. Tôi chắc chắn 2.000 đĩa tôi bán ra sẽ có số thu cao hơn bất cứ triệu view nào, vì mỗi đĩa than giá hơn 1 triệu đồng.
Tiền lời sau khi trừ đi chi phí sản xuất giúp tôi tái đầu tư dự án khác và sống được 1 năm để tiếp tục sáng tác. Điều đó là hợp lý, tôi không sống dựa vào những cái view mà không kiếm được tiền.
* Còn về nhạc phim, theo anh, Việt Nam hiện đứng ở đâu?
- Câu chuyện về nhạc phim cũng giống như câu chuyện về phim thôi. Vì đầu tư ít tiền chúng ta không có cơ hội thu âm với những dàn nhạc chất lượng. Như vậy cái thua của chúng ta là thua về mặt quy mô chứ không thua về mặt nội dung.
Ngày nay nhiều nhạc sĩ đã chọn viết nhạc phim thay vì viết tác phẩm cổ điển, bởi vì nó là cửa ra và các nghệ sĩ sống được hơn trước đây viết tác phẩm giao hưởng cho dàn nhạc phải chờ vào sự tài trợ của Chính phủ. Như vậy làm nhạc phim giúp nhạc sĩ tự nuôi sống mình thay vì chỉ viết cho dàn nhạc lớn.
Nhạc sĩ Đức Trí trò chuyện với PV báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Hoàng Chương
Rất nhiều bạn trẻ tài năng
* Đức Trí thành danh với pop ballad. Hiện nay nhiều ca sĩ trẻ vẫn chọn pop ballad làm dấu son trong âm nhạc, cũng có nhiều bạn rẽ hướng chọn "cover" (hát lại) nhạc Hoa lời Việt. Có ý kiến cho rằng đây là việc làm kém sáng tạo, anh có suy nghĩ gì?
- Tôi nghĩ không sao cả bởi vì chúng tôi làm âm nhạc cứ thấy hay thì hát, khán giả cũng vậy, cứ thấy hay thì nghe. Giống như rất nhiều đĩa từ trước đến giờ tôi làm là đĩa cover, mặc dù không cover nhạc Hoa hay nhạc Hàn mà cover nhạc xưa thì vẫn là cover. Nhưng ca khúc đó phải hay thì tới giờ đây ca sĩ mới vẫn thích hát và khán giả vẫn thích nghe.
Những bài hát cover không có tội gì cả nhưng song song với việc cover phải luôn luôn có bài hát mới. Như lời một người anh trong nghề của tôi từng nói, nếu như thị trường âm nhạc chỉ có hát lại nhạc xưa thì đó là một thị trường không mạnh khỏe.
Cho nên hơn ai hết là người sản xuất và sáng tác, tôi luôn cân bằng giữa việc làm nhạc cũ và sáng tác nhạc mới và tác phẩm mới phải nhiều hơn thì mới được.
* Nhiều năm trở lại đây, Đức Trí còn làm công tác giảng dạy âm nhạc để đào tạo những thế hệ tiếp nối cho nhạc Việt. Anh đánh giá thế nào về tiềm năng và sức chạy đường dài của các bạn thế hệ trẻ gen Z?
- Những gì chúng ta thấy chưa phải là đỉnh điểm sự bùng nổ mà mới chỉ là bắt đầu thôi. Tôi đã theo việc giảng dạy từ 2010 đến bây giờ, tức là 10 năm qua tôi đã nhìn thấy được tài năng của các bạn trẻ rất kinh khủng.
Rất nhiều bạn theo học với tôi 3 - 4 năm hiện giờ đang làm việc ở nước ngoài, cạnh tranh ngang với quốc tế chứ không phải chỉ ở trong nước nữa. Có thể 1 - 2 năm tiếp theo chúng ta sẽ biết.
Những thế hệ trẻ vẫn cứ tiếp nối nhau và các bạn ngày càng được học về âm nhạc từ rất sớm. Bất kỳ ai nếu không vững vàng về nghề nghiệp thì chắc chắn sẽ phải đào thải, không riêng một thế hệ nào cả.
Theo Tuổi trẻ
Link nội dung: https://luxlifestyle.vn/duc-tri-kham-pha-cai-dep-cua-su-toi-gian-a23599.html