Sau ồn ào từ thiện, Thủy Tiên cho biết: 'Nếu không bị điều tra, tôi khó rửa bùn nhơ'

Có hôm 1-2 giờ sáng, mẹ chồng Thủy Tiên gọi điện khóc hỏi sao thấy tin tức trên mạng nói cô đã vào tù.

- Ngày 21/1, Cục Cảnh sát hình sự (C02, Bộ Công an) kết luận chị và một số nghệ sĩ không chiếm đoạt tiền từ thiệ quyên góp cứu trợ bão lũ 2020. Chị đón nhận tin ra sao?

- Tôi nắm thông tin qua báo chí khi công tác tại Phú Quốc hôm 23/1. Tôi vui nhưng bình tĩnh, vì hai ngày trước, đã nhận tin nhắn thông báo kết quả điều tra, của Viện kiểm sát tối cao, Bộ Công an, sẽ được gửi đến tôi.

Tôi tin chân lý nằm ở sự thật. Ngày đầu được mời lên làm việc với cơ quan chức năng, tôi xin luật sư đi cùng nhưng cơ quan điều tra không đồng ý, chỉ muốn gặp riêng. Ban đầu, người thân bảo tôi từ chối làm việc khi không có luật sư, vì tôi có quyền bảo vệ bản thân, nhưng tôi quyết định hợp tác hoàn toàn. Lúc được hỏi: "Phụ nữ một thân một mình trong phòng điều tra cảm giác thế nào?", tôi trả lời: "Vì sự thật chỉ có một nên có như thế nào tôi sẽ trình bày như thế đó, có đi cùng ai thì sự thật cũng như vậy thôi". Tôi không làm sai như nội dung tố cáo, nên chẳng ngại.

Thủy Tiên, Công Vinh đến ngân hàng vào tháng 9/2021, sao kê hơn 177 tỷ đồng kêu gọi quyên góp hỗ trợ người miền Trung. Ảnh: Quỳnh Trần

Thủy Tiên, Công Vinh đến ngân hàng vào tháng 9/2021, tại TP HCM, sao kê hơn 177 tỷ đồng kêu gọi quyên góp hỗ trợ người miền Trung. Ảnh: Quỳnh Trần

Tôi luôn tin trong nguy có cơ. Khi Bộ Công an thông báo vào cuộc, chồng nói với tôi: "Ba tin ông trời có mắt". Tôi cố gắng làm công việc thiện nguyện, giúp nhiều người bằng hết sức khả năng. Khi bị tố cáo, tôi đã công bố mọi thông tin, hành trình thiện nguyện chi tiết, giấy tờ liên quan ngân hàng, sao kê. Nhưng tôi làm thế nào đi nữa, nhiều người vẫn không tin. Vì vậy, chỉ có cách duy nhất là tôi hợp tác với cơ quan điều tra. Nếu không, tôi sẽ không thể nào gột rửa được đống bùn nhơ hắt vào người.

- Chị làm việc với cơ quan điều tra như thế nào?

- Hai tháng sau khi kết thúc chuyến cứu trợ miền Trung, tôi gần như bị mất giọng, hụt hơi và khó thở. Thể trạng tôi bị ảnh hưởng do quá sức sau chuyến đi dài ngày ở nhiều vùng sâu vùng xa. Nhưng việc đó chẳng là gì so với giai đoạn khủng khiếp nhất khi bị tố cáo.

Một ngày sau khi kết thúc chuyến từ thiện miền Trung, tôi xin ngân hàng đăng sao kê số tổng thu và chi tiết các khoản chi có dấu mộc đỏ, nhưng nhiều người trên mạng xã hội không chấp nhận. Tôi tiếp tục sao kê chi tiết gần 20.000 trang, kèm chứng từ có mộc đỏ của chính quyền địa phương các nơi tôi cứu trợ, xác nhận số tiền tôi đã phát theo số hộ dân. Nhưng tôi vẫn bị tấn công.

Tôi làm việc với Bộ Công an liên tục gần một tháng, có hôm từ 9h sáng đến 23h mới về nhà. Hôm 13/10/2021 - tròn một năm kêu gọi cộng đồng quyên góp cho miền Trung, tôi phải ngồi ở cơ quan điều tra. Đọc những dòng cáo buộc trên mạng xã hội, nước mắt tôi rơi. Tủi thân, tôi hỏi họ: "Sao cuộc đời này nghiệt ngã với em vậy? Không hiểu tại sao em làm việc tốt mà lại phải ngồi ở đây". Tôi cố gắng xem đó là bài học kiểm tra cách bản thân vượt qua nghịch cảnh như thế nào.

Thủy Tiên trong bộ ảnh thời trang mới nhất, hôm 23/1. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thủy Tiên trong bộ ảnh thời trang thực hiện hôm 23/1. Ảnh: Nhân vật cung cấp

- Gia đình bị ảnh hưởng ra sao khi chị vướng scandal?

- Gia đình tôi chịu điều tiếng và bị tấn công khủng khiếp. Sự việc rối ren đến mức tôi nghĩ không thể nào tệ hơn được nữa. Tôi thường tự hỏi: "Chẳng lẽ sự nghiệp gây dựng gần 20 năm nay bị mất hết trong phút chốc chỉ vì mình đi giúp người?". Tôi đau đớn vì không làm gì sai trái lương tâm, đạo đức.

Người lo lắng nhất là chồng tôi. Những lúc tôi bị dư luận tấn công, chồng lúc nào cũng theo sát, sợ tôi nghĩ quẩn. Khi ấy, anh nghe một người bạn nói ở quê cũng có người vừa tìm đến cái chết vì bị dân trong làng nghi oan. Chồng sợ tôi là phụ nữ, tâm lý không vững nên cùng bé Gạo - con gái - canh chừng tôi.

Con tôi cũng không thoát khỏi búa ríu dư luận. Một lần, tôi tình cờ nghe con và bạn ở trường trò chuyện online. Bạn bé hỏi: "Mẹ bạn là người tốt hay xấu?". Bé Gạo trả lời: "Mẹ mình là người tốt vì hay đi giúp mọi người, mẹ mình còn dạy mình phải đi giúp người nữa". Nhưng Gạo thậm chí còn bị một nhóm nhỏ bạn bè lập group chat nói xấu. Tôi thương con còn bé nhưng phải chịu những điều tiếng, trong khi tuổi của con chỉ nên đọc truyện cổ tích. Có lần, bé hỏi tôi: "Tại sao mình làm người tốt mà vẫn chịu chửi bới". Tôi chỉ biết ôm Gạo vào lòng, thấy khó giải thích với con về cuộc sống.

Hoang mang nhất là hai bên nội ngoại ở quê. Mỗi lần có tin đồn nào trỗi dậy, hàng xóm lại xì xào. Có bữa hàng xóm còn đến tận nhà nói ông bà có con dâu ăn chặn tiền của dân, khiến ông bà khóc. Một hôm, khoảng 1-2 giờ sáng, mẹ chồng tôi gọi, khóc nức nở hỏi sao trên mạng có thông tin tôi đi tù. Mẹ chồng, mẹ ruột mất ngủ triền miên, còn bố chồng, vốn bị bệnh tim, cũng buồn lo. Tôi thấy có lỗi kinh khủng bởi là con dâu lại để gia đình chồng liên lụy.

- Trong đợt cứu trợ miền Trung cuối 2020, cách chị giải ngân, làm thiện nguyện, gây nhiều tranh cãi. Nhìn lại, chị thấy sao về hành trình của mình?

- Tôi làm đúng tâm nguyện, không làm sai mục đích ban đầu, chỉ là không thể làm vừa lòng hết mọi người. Nhiều người hỏi tôi: "Làm từ thiện sao cho đúng". Tôi trả lời nếu muốn đúng thì tốt nhất là đừng làm gì cả, ngồi im một chỗ là đúng nhất. Tôi thấy cái sai không nằm ở bản thân mà do mỗi người mỗi ý.

Có những nơi tôi đến cảnh tượng tang thương. Nhiều lần, tôi phát cứu trợ trong mưa, lạnh đến mức tay trao tiền mà răng cứ đánh lập cập. Có những người tôi còn gửi thêm khi nhìn thấy tay chân họ bị nước ăn mòn lở loét. Những chi tiết ấy nếu không nhìn ngoài đời, mà chỉ ngồi sau màn hình, bàn phím, mọi người có thể không hiểu tại sao tôi quyết định giúp người theo cách này hay cách khác.

Hệ lụy lớn nhất đến với tôi còn là niềm tin. Đợt lũ lụt ở miền Trung cuối năm 2021, tôi định bỏ tiền túi ủng hộ người dân. Tiền đã có trong tay, nhưng khi tôi nhờ nhiều người quen ở địa phương đi tiền trạm, khảo sát hoàn cảnh, ai cũng từ chối. Dù hụt hẫng, tôi hiểu tâm lý họ sợ bị liên lụy và e ngại lại bị tấn công. Tôi biết nhiều cộng sự của tôi sau lần thiện nguyện ấy, đi đến đâu cũng hứng chịu chỉ trích. Một sư thầy tôi quen còn nói, đại ý: Thầy là người tu mà sau sự việc lần này còn phải suy nghĩ lại, không dám kêu gọi quyên góp cứu trợ nữa vì còn phải lo cho chùa, lỡ như bị hại thì tội các sư trong chùa.

- Sau biến cố lớn, chị rút ra bài học gì?

- Qua một năm nhiều hỉ nộ ái ố, tôi thấu hiểu câu: "Lúa chín cúi đầu". Ngày trước, tôi đọc rất nhiều nhưng chưa thể hiểu sâu. Trải qua thị phi, tôi nghĩ: Nhẫn nhục càng nhiều, phúc đức càng lớn. Tôi hiểu sự chín chắn là khi không phản ứng với những thông tin tiêu cực, đấu tố, không tự cho bản thân là đúng hoàn toàn, người khác là sai, dù họ có sai hay làm hại mình cũng không nên để tâm oán hận.

Tôi thường đọc nhiều về Phật pháp, thiền, huyền học, khoa học. Những khi đầu óc quá căng thẳng, tôi tìm tòi sách vở. Tôi tâm đắc câu nói: "Cảnh giới cao nhất của sự mạnh mẽ chính là chấp nhận". Tôi học chấp nhận mọi chuyện trên đời, bởi được và mất luôn song hành. Bản chất của cuộc đời này vốn dĩ vô thường nên bám chấp sẽ càng làm bản thân đau khổ. Tôi thấy càng chấp nhận càng buông bỏ thì sẽ vượt qua biến cố nhẹ nhàng hơn.

Thủy Tiên được chồng đồng hành trong công tác thiện nguyện. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thủy Tiên được chồng đồng hành trong công tác thiện nguyện. Ảnh: Nhân vật cung cấp

- Chị còn dành tâm tư ra sao cho công việc thiện nguyện?

- Chồng tôi từng đề nghị tôi không nên quyên góp từ thiện nữa sau sự việc vừa qua. Tôi đã hứa, nhưng chắc chắn tôi sẽ có cách khác để giúp đỡ mọi người, đồng thời, tôi phải biết cách bảo vệ gia đình hơn.

Hàng tháng, tôi vẫn bỏ tiền cá nhân làm thiện nguyện, nuôi nhiều hoàn cảnh khó khăn. Nhiều phụ nữ làm mướn, chồng bệnh, con phải nghỉ học. Tôi giúp họ học phí cho con cái, tiền trọ, tiền ăn. Nhiều ông bà lớn tuổi con cái bệnh hoạn tai nạn không ai nuôi tôi đều đặn hỗ trợ họ... Tôi thường không để lộ danh tính, nên có người nhận cũng không biết tôi giúp. Khi gặp biến cố, tôi lo bản thân bị ảnh hưởng không còn khả năng giúp nhiều người nữa, cũng như không còn ai giúp đỡ họ.

Sau tất cả, tôi thấy may mắn vì có chồng là chỗ dựa tinh thần vững chắc. Công Vinh từng nói với tôi: "Cuộc đời thật ra rất đơn giản, chỉ cần bỏ điện thoại xuống là mọi chuyện hết phức tạp". Mà thật vậy, lúc tôi vướng thị phi, ra đường tôi mới thấy còn nhiều người thương mình lắm. Tôi đi chợ, cô bán rau bảo: "Thôi, Thủy Tiên - Công Vinh thì cô tặng luôn". Nhiều người lạ nói: "Chú vẫn ủng hộ hai đứa con, ai có tâm lương thiện thì sẽ hiểu", nên tôi thấy xung quanh còn nhiều điều tốt đẹp. Tôi không hối hận, ngược lại thấy may mắn vì có cơ hội giúp người khác.

Với tôi, một sự nghiệp huy hoàng khi chết đi cũng không thể mang theo, nhưng những gì mình chia sẻ với người nghèo khó, bất hạnh sẽ mãi là ký ức đẹp, là hạt giống tốt gieo vào cuộc đời.

Từ tháng 5/2021, Cục Cảnh sát hình sự (C02, Bộ Công an) nhận phản ánh việc ca sĩ Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, MC Trấn Thành, MC Đại Nghĩa và bà Nguyễn Thị Hương huy động tiền từ thiện để cứu trợ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi đợt lũ năm 2020. Những người này bị tố giác thiếu minh bạch khi phân phối, sử dụng tiền quyên góp. Trong đó, ca sĩ Thủy Tiên huy động được số tiền ủng hộ lớn nhất. Nhưng cô liên tục đối diện hàng loạt ý kiến nghi ngờ về số tiền và cách giải ngân.

Sau khi xác minh, ngày 21/1, C02 xác định các nghệ sĩ trên không có hành vi gian dối, không chiếm đoạt tiền từ thiện do người dân đóng góp, không có dấu hiệu phạm tội nên không khởi tố vụ án hình sự.

Min Hy

Link nội dung: https://luxlifestyle.vn/sau-on-ao-tu-thien-thuy-tien-cho-biet-neu-khong-bi-dieu-tra-toi-kho-rua-bun-nho-a23699.html