Lý do của vụ việc này nằm ở thiết kế bao bì - một hình minh hoạ lớn về đảo Takeshima, phần lãnh thổ tranh chấp giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Đảo Takeshima nằm ở Biển Nhật Bản, được Nhật Bản tuyên bố chủ quyền nhưng hiện tại đang được quản lý bởi Hàn Quốc và gọi bằng một cái tên khác là Dokdo.
Đại sứ quán Nhật Bản từ chối nhận món quà từ Seoul và gửi trả lại ngay vào ngày 21/01. Đồng thời, Đại sứ quán đã đệ đơn phản đối và cho rằng đảo Takeshima là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Nhật Bản về lịch sử và theo luật pháp quốc tế. Do vậy, món quà này hoàn toàn không thể chấp nhận được.
Trong khi đó, về phía Chính phủ Hàn Quốc, họ đáp trả vào ngày 21/01 rằng: “Dokdo rõ ràng là một phần không thể tách rời của Hàn Quốc về mặt lịch sử, địa lý và luật pháp quốc tế”.
Món quà này không chỉ gửi riêng cho Đại sứ quán Nhật Bản mà được gửi tới 15.000 đơn vị bao gồm các đại sứ quán nước ngoài tại Hàn Quốc, các nhân viên y tế tham gia ứng phó với đại dịch COVID-19, các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước nhằm chúc mừng Tết Nguyên Đán của người Hàn diễn ra vào ngày 01/02, được gọi là Seollal (설날) trong tiếng Hàn.
Bên trong hộp quà gây tranh cãi còn có một lá thư của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in với nội dung ông muốn hoàn thành nhiệm vụ của mình với nhà nước bằng cách biến mỗi ngày trở thành một ngày có giá trị.
Đảo Takeshima/Dokdo cách phần đất liền của Hàn Quốc 215km và cách Nhật Bản 250km, gồm hai hòn đảo nhỏ cách nhau 150m là Seodo và Dongdo trong tiếng Hàn, Nishi-jima và Higashi-jima trong tiếng Nhật. Cả hai tên này đều có nghĩa là “đảo phía Tây” và “đảo phía Đông”.
Lịch sử tranh chấp đảo Takeshima/Dokdo giữa Hàn Quốc và Nhật Bản kéo dài 300 năm. Hàn Quốc tuyên bố đảo này thuộc chủ quyền của họ theo những ghi chép có từ thế kỷ 6 trong thời kỳ Vương triều Shilla và theo Sắc lệnh 41 của Chính quyền Chosun hợp nhất đảo vào Quận Uldo nhằm ngày 25/10/1900.
Về phía Nhật Bản, họ tuyên bố chủ quyền đảo theo các ghi chép từ thế kỷ 17. Vào năm 1905, Nhật Bản tuyên bố đây là hòn đảo vô chủ và đã sáp nhập vào lãnh thổ của mình, cai trị nó trong suốt 35 năm đến năm 1945. Đến cuối Thế chiến thứ hai, Hàn Quốc cho rằng quần đảo này đã được khôi phục lại chủ quyền và thuộc về Hàn, tuy nhiên, Nhật Bản không đồng tình.
Kilala
Link nội dung: https://luxlifestyle.vn/tai-sao-dai-su-quan-nhat-tra-lai-qua-tet-cua-tong-thong-han-quoc-a23739.html