Bác sĩ phẫu thuật đầu tiên của Việt Nam dù sinh ra trong gia đình danh gia vọng tộc cũng không tránh khỏi việc bị đồng nghiệp coi thường vì là người Việt

Theo sách “Những người cùng thời”, giáo sư Hồ Đắc Di là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất được Hội đồng giáo sư công nhận học hàm giáo sư đại học thời Pháp thuộc. Ông là người người sáng lập Trường đại học Y Hà Nội và cũng là con cháu gia đình danh gia vọng tộc ở Huế.

Giáo sư Hồ Đắc Di thuộc lớp những bác sĩ đầu tiên của trường đại học y dưới chế độ mới. Ông là Chủ tịch của Tổng hội Y học Việt Nam từ thời kỳ đầu (1961-1984) và đương nhiệm cho đến khi qua đời, nǎm 1984.

Dòng dõi danh gia vọng tộc

Hồ Đắc Di sinh ra tại Hà Tĩnh vào ngày 11/5/1900, mất ngày 25/6/1984. Ông quê ở làng An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế. Dòng họ gia đình Hồ Đắc Di thuộc hàng danh gia vọng tộc của cố đô Huế khi có có tới năm nàng dâu là công chúa, công nữ và có số thượng thư, tổng đốc khó đếm hết.

Bà nội của giáo sư là con gái Tùng Thiện Vương Miên Thẩm; cha của bà là quận công Hồ Đắc Trung; hai người anh ruột là thượng thư, cử nhân nho học Hồ Đắc Khải và tổng đốc, tiến sĩ luật khoa Hồ Đắc Điềm; hai người em trai là kỹ sư khoáng học Hồ Đắc Liên và tiến sĩ dược khoa Hồ Đắc Ân ...

Năm 1918, khi Chiến tranh thế giới thứ nhất vừa kết thúc, theo lời khuyên của bác sĩ Thiroux, ngự y của triều đình Huế, gia đình đã chọn nghề y cho Hồ Đắc Di và đưa sang Pháp du học (từ 1918 đến 1932). Đầu tiên, anh đến bệnh viện Cochin, học ở bệnh khoa của giáo sư Ferdinand Widal, lúc này đang là niềm tự hào của y học lâm sàng nước Pháp.
Là người Việt Nam đầu tiên theo học chuyên ngành phẫu thuật, bác sĩ nội trú các bệnh viện Paris, anh bắt đầu có chút tiếng tăm trong giới trí thức thượng lưu Paris và vì là con trai một vị quận công nên anh thường được bạn bè người Pháp gọi là Prince Ho Dac (công tước Hồ Đắc).

Thời gian ở Pháp, được tiếp xúc với Nguyễn ái Quốc và một số trí thức Việt Nam yêu nước khác, Giáo sư đã cảm thấy nỗi đau đớn tủi nhục của người dân mất nước và muốn đem khả nǎng của mình phục vụ đồng bào. Ông đã từng cùng sinh viên đi bán báo Le Paria cho quần chúng lao động.


Công việc đầu tiên tại Việt Nam: bị đồng nghiệp coi thường vì là người Việt

Sau 13 năm theo học trường y, rồi đỗ bác sĩ nội trú, Hồ Đắc Di làm phẫu thuật một thời gian ở bệnh viện Tenonở Paris. Khi về nước, chàng trai trẻ hững mong đem trí thức khoa học cứu chữa đồng bào, nhưng khi anh về công tác ở bệnh viện Huế, thực dân Pháp chỉ cho anh làm bác sĩ tập sự, sau bị đổi về Quy Nhơn. Với khát khao cống hiến, nhưng rồi thực tế phũ phàng tại nơi làm việc làm ông thất vọng.

Tại Bệnh viện Huế, nơi ông làm việc, có thông tin cho rằng bệnh nhân được chia thành hai loại, những người “hạ đẳng” bị coi khinh chẳng khác gì súc vật, để nằm vật vã, ngổn ngang, chẳng ai chăm sóc. Thầy thuốc Pháp thường tỏ vẻ ghê tởm người bệnh An Nam và coi ông - một đồng nghiệp của họ - “chỉ như kẻ để họ sai khiến mà thôi”.

Là nhà phẫu thuật thực thụ đã từng làm việc tại Bệnh viện Tenon nhưng ông chỉ được họ cho làm bác sĩ tập sự, trong khi những người Pháp có vẻ thua kém ông bằng cấp cũng như về kinh nghiệm như lại là bác sĩ trưởng. Sau cùng, ông chọn nghỉ việc và tìm bến đỗ mớ tại Hà Nội.

Vừa trông thấy ông, bác sĩ Vũ Đình Tụng tại bệnh viện đã nói: “Anh ra đây làm gì? Dù là nhà phẫu thuật thực thụ anh cũng sẽ chẳng được người ta cho cầm dao mổ đâu! May lắm chỉ được gây mê!”

Khi được Le Roy des Barres, hiệu trưởng trường Y mời đến, ông nói nguyện vọng: “Không cho tôi cầm dao mổ thì tôi dứt khoát không làm!”. Lúc này, ở bệnh viện Phủ Doãn, và cả Đông Dương chỉ có hai bác sĩ người Pháp là Leroy des Barres (Hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Hà Nội) và Cartoux độc quyền phẫu thuật. Là giảng viên đại học y (chargé de cours), bác sĩ Hồ Đắc Di đấu tranh mãi mới được phép mổ xẻ.Từ đó bác sĩ Di vừa giảng bài bên trường y vừa làm bác sĩ phẫu thuật ở Bệnh viện Phủ Doãn.

 Trở thành Tổng thanh tra y tế và sáng lập trường ĐH Y dược Hà Nội

Người bác sĩ Hồ Đắc Di yêu nước đã đón mừng Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 với nhận thức: "... Tất cả những ai trải qua những ngày nhọc nhằn, day dứt về lương tâm dưới chế độ cũ ắt sẽ lao vào cơn lốc của cách mạng, mỗi khi ánh lửa của nó rọi sáng tâm hồn. Đối với những người trí thức cũ thì sự đổi đời bắt đầu từ sự chọn lựa nơi mà lương tâm mình được yên ổn nhất" (Hồi ký).

Sau Cách mạng tháng Tám, Giáo sư được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ giao nhiều trọng trách Tổng thanh tra y tế, Tổng giám đốc Đại học vụ, Hiệu trưởng trường Đại học Y - Dược khoa, giám đốc Bệnh viện Đồn Thuỷ và nhiều chức vụ quan trọng khác. Tuy bản thân tham gia công tác lãnh đạo, Giáo sư vẫn liên tục làm công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học...

 

Cùng với bác sĩ Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di từ chối về làm việc cho chính phủ Pháp

Ngày 6-10-1947, Trường Đại học Y kháng chiến khai giảng tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang, trường có hai giáo sư và 11 sinh viên xung phong. Một ngày sau lễ khai giảng, Pháp nhảy dù Bắc Cạn, đốt nhà giáo sư, vác loa gọi đích danh: "Bác sĩ Di, Bác sĩ Tùng về làm việc với chính phủ Pháp, sẽ được trọng đãi". Nhưng giáo sư kiên quyết: "Chết thì chết, không để bọn Pháp bắt lại" .

Di sản của GS. Hồ Đắc Di

Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, GS. Hồ Đắc Di cùng bác sĩ Tôn Thất Tùng tản cư đến Vân Đình. Một tháng sau đó, trường Đại học Y tiếp tục giảng dạy. Khi địch sắp đánh ra Vân Đình, trường di chuyển lên Việt Bắc, dừng lại ở thị xã Tuyên Quang một thời gian, rồi lên Chiêm Hoá. Ngày 6.10.1947, Trường Đại học Y của nước Việt Nam kháng chiến khai giảng năm học mới. Tại núi rừng Việt Bắc, với đội ngũ cán bộ ít ỏi nhưng giàu lòng yêu nước, đội ngũ thầy trò nhà trường đã bắt tay xây dựng Trường Đại học Y khoa để phục vụ kháng chiến với phương châm tự lực cánh sinh, học tại giảng đường, giảng dạy bằng tiếng Việt, đi chiến dịch, quay về bổ túc, rồi tiếp tục đi chiến dịch.

Là vị hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Y khoa (một thành viên của Đại học Quốc gia Việt Nam) của nước Việt Nam độc lập, tại buổi lễ khai giảng, ông đã thay mặt Ban Giám đốc đón tiếp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ giáo dục Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Bộ Y tế Hoàng Tích Trí và đọc diễn văn khai mạc.
 
 Đến nay, di sản khoa học quý giá của Giáo sư Hồ Đắc Di gồm mấy chục tiểu luận, diễn vǎn, bài giảng, lời phát biểu, Trường Đại học Y Hà Nội đã tập trung thành mấy tập để lưu, một số ít bài đã đǎng báo.
Trong kháng chiến chống Pháp, giáo sư đã trước tác những công trình có giá trị khoa học và tư tưởng như: Diễn vǎn của tổng giám đốc Đại học vụ ngày khai giảng trường đại học nǎm 1947, Bàn về vǎn hoá và tinh thần khoa học (30-11-1948); Diễn vǎn trong lễ khai mạc Hội nghị y tế toàn quốc (1949); Bài giảng sinh học và bệnh học đại cương (5-1950)...
 
Trở về Hà Nội, giáo sư biên soạn: Y học dưới ánh sáng chủ nghĩa duy vật biện chứng (1956), Bàn về học, v.v… Đó là những công trình tổng luận dài 20-30 trang, viết rất tinh, ý hàm súc, lời bóng bảy, hùng biện và gợi cảm, giàu thông tin; tư tưởng rất khái quát, với những danh ngôn chọn lọc; có bình luận chặt chẽ.
 
Tác giả đọc rộng biết nhiều, nhưng chỉ viết ít điều nghiền ngẫm từ lâu, nhuần nhuyễn thành chính kiến độc đáo của riêng mình. Vì thế, toàn bộ các tác phẩm của Hồ Đắc Di đều toát lên một dòng tư tưởng nhất quán, rất đặc sắc, trong những lời bình chính trị giàu lòng yêu nước cũng như những luận đàm học thuật.
 
Nhiều tác phẩm được viết ở chiến khu Việt Bắc, hầu như đóng cửa với thông tin khoa học nước ngoài, nhưng tác giả đã nắm bắt và khái quát được sự phát triển của y học, gắn y học với vǎn hóa, khoa học nói chung, và có nhiều ý kiến tiên tri. Những bài ấy có tính triết lý sâu sắc và ý nghĩa nhân vǎn cao cả, mang nặng những suy nghĩ thiết tha về con người, về nghề y, nghề dạy học, về đạo đức thày thuốc, phong cách nhà nghiên cứu.
 
Những trước tác lý luận này của Giáo sư Hồ Đắc Di đều viết bằng tiếng Pháp, là thứ ngôn ngữ quen dùng hơn để trình bày những suy tư học thuật phức tạp và tế nhị của mình.
 
Từ ngày miền Bắc được giải phóng, ở Hà Nội, Giáo sư Hồ Đắc Di viết thêm mấy bài dài về học thuật, tiếp tục phát triển tư duy, y học của mình. GS. cũng phát biểu những bài ngắn gọn, có tính thời sự, với một thứ vǎn mộc mạc, đại chúng hơn. Kho tư duy y học này có ý nghĩa phương pháp luận trong việc đào tạo cán bộ y tế.

 Thành tích Nghiên cứu khoa học và đào tạo của GS. Hồ Đắc Di
 

Trong luận án tốt nghiệp bác sĩ y khoa làm tại Paris, Giáo sư Hồ Đắc Di là người đầu tiên sáng tạo một phương pháp mổ dạ dày (nối thông dạ dày-tá tràng) để điều trị chứng hẹp môn vị do bệnh loét dạ dày- tá tràng gây ra, thay thế cho phương pháp cắt bỏ dạ dày vẫn dùng trước đó. Đây là cách điều trị bảo tồn, được mang tên Ông, được nhiều sách giáo khoa, nhiều công tình nhắc đến và thừa nhận giá trị trong suốt 30-40 nǎm.
 
Các công trình khoa học sau này của GS. Hồ Đắc Di (1937-1945) thường đứng tên chung với đồng nghiệp (như GS. Huard, GS. Meyer-May…), với cộng sự và học trò (Vũ Đình Tụng, Tôn Thất Tùng…) với nội dung giải quyết các bệnh rất đặc trưng của một nước nhiệt đới nghèo nàn và lạc hậu. Viêm tụy có phù cấp tính do Ông phát hiện từ 1937 đã mở đường cho các kết quả nghiên cứu rực rỡ sau này của Tôn Thất Tùng vào những nǎm sau.

Cách điều trị bằng phẫu thuật các biến chứng viêm phúc mạc do thương hàn cũng có đóng góp lớn trong mở đường nghiên cứu thủng túi mật, hoặc nêu một phương pháp mổ mới, trong phẫu thuật sản khoa. Các phân tích thống kê phẫu thuật, cùng với Huard, được đǎng ở báo Y học Viễn Đông, Phẫu thuật điều trị viêm phúc mạc ở Bắc Kỳ, Phẫu thuật chữa loét dạ dày-tá tràng ở Bắc Kỳ (1944).

Tạp chí Viện Hàn lâm phẫu thuật đǎng Thủng túi mật hiếm gặp, 1937; viêm phúc mạc do thủng ruột trong thương hàn, 1939…); báo Y học Hải ngoại của Pháp đǎng Một kỹ thuật mới mổ lấy thai nhi, ấn hành ở Paris, rất được các nước nhiệt đới coi trọng và tham khảo rộng rãi. Giáo sư là người đầu tiên ở nước ta nghiên cứu tình trạng sốc do chấn thương, được báo trên đǎng tải (1944) cùng nhiều công trình có giá trị khác.
 
Với 21 công trình hiện tìm được trong 37 công trình đã công bố, Ông là nhà phẫu thuật đầu tiên, xứng đáng là bậc thày đầu tiên với các công trình mở đường cho những hướng nghiên cứu sau này, xứng đáng được hội đồng giáo sư (toàn người Pháp) đánh giá cao và được bầu chọn là giáo sư người Việt đầu tiên.
 
Trong kháng chiến chống Pháp, Giáo sư cùng học trò của mình - Bác sĩ Tôn Thất Tùng, đã có một quyết tâm và một quyết định lịch sử mà đất nước ta nhớ ơn: duy trì và phát triển Trường Đại học Y-Dược khoa nhằm trực tiếp đáp ứng nhu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến: đó là cung cấp cho nhân dân và quân đội một đội ngũ cán bộ y tế có trình độ cao, với số lượng gấp bốn lần tổng số bác sĩ mà ta có, khi bước vào cuộc kháng chiến này.
 
Phương châm đào tạo nổi tiếng mà giáo sư đề ra lúc đó đã được lịch sử thừa nhận là khoa học và hiệu quả: "Đi phục vụ chiến dịch, về trường tổng kết, lại đi chiến dịch: từ thực tiễn, thông qua thực nghiệm khoa học, lại trở về thực tiễn". Từ phương châm này, nhà trường đã đào tạo được trên 250 bác sĩ, gần 100 dược sĩ phục vụ kháng chiến trên mọi vùng đất nước.

Giai đoạn sau kháng chiến chống Pháp, khi chất lượng đào tạo có nguy cơ giảm sút, Ông nhắc nhở "trường đại học không phải là trường phổ thông cấp 4"; mà là nơi "biến quá trình người học từ chỗ được đào tạo thành quá trình người học từ chỗ được đào tạo thành quá trình họ có thể tự đào tạo".

Các quan điểm về triết lý, giáo dục, đào tạo cũng như đạo đức y học của giáo sư thể hiện rõ trong các diễn vǎn khai giảng mà Ông đọc hàng nǎm. Trích diễn vǎn đọc ngày 6-10-1947: "Trường ta gắn bó với vận mệnh của tổ quốc: phục vụ nhân dân, học đi đôi với hành, dạy đi đôi với nghiên cứu khoa học. Về quan hệ thày-trò thì đó là quan hệ thân ái, đoàn kết cùng giúp nhau học tập tiến bộ, không có chỗ cho sự quỵ lụy, ý thức phê bình phải được đề cao, để hiểu được chân lý. Trường Y khoa phải là chính mình: Hiểu cái thật, yêu cái đẹp, để thực hiện cái tốt".

Tính đến năm 1945, Giáo sư Hồ Đắc Di đã công bố 37 công trình nghiên cứu trên các tạp chí y học Pháp ở Paris và Viễn Đông. Một số công trình tiêu biểu như: Nghiên cứu Viêm tụy có phù cấp tính (1937); Cách điều trị bằng phẫu thuật các biến chứng viêm phúc mạc do thương hàn; Các phân tích thống kê phẫu thuật (viết cùng giáo sư Huard), đǎng ở báo Y học Viễn Đông Paris Thủng túi mật hiếm gặp, Tạp chí Viện Hàn lâm phẫu thuật – 1937; Viêm phúc mạc do thủng ruột trong thương hàn Tạp chí Viện Hàn lâm phẫu thuật – 1939…; Một kỹ thuật mới mổ lấy thai nhi – tạp chí Y học Hải ngoại (Pháp); Nghiên cứu tình trạng sốc do chấn thương, Y học Viễn Đông Paris (1944); Phẫu thuật điều trị viêm phúc mạc ở Bắc Kỳ (1944); Phẫu thuật chữa loét dạ dày – tá tràng ở Bắc Kỳ (1944)...

Giáo sư Hồ Đắc Di là đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa V, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, Uỷ viên Uỷ ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất và hai hạng ba, Huân chương Lao Động hạng nhất và hạng hai, Huy chương Vì thế hệ trẻ, Chiến sĩ thi đua toàn quốc nǎm 1952 và 1956. Giáo sư Hồ Đắc Di đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

 

Bảo Lâm

Link nội dung: https://luxlifestyle.vn/bac-si-phau-thuat-dau-tien-cua-viet-nam-du-sinh-ra-trong-gia-dinh-danh-gia-vong-toc-cung-khong-tranh-khoi-viec-bi-dong-nghiep-coi-thuong-vi-la-nguoi-viet-a23881.html