Nói đến vàng, ai cũng nghĩ đến đây là biểu tượng của sự thịnh vượng và giàu có. Những người có của ăn của để mới mua vàng làm vật tích trữ, phòng trường hợp đồng tiền mất giá, lạm phát gia tăng.
Tuy nhiên, có một quốc gia trên thế giới được xếp vào nhóm những đất nước nghèo nhất thế giới nhưng lại sở hữu toàn vàng. Một sự thật trái ngang là họ nghèo đến nỗi chẳng có gì ngoài… vàng, không còn cách nào khác là đổi vàng lấy lương thực.
Quốc gia này là Mali ở Tây Phi. Giống như hầu hết các nước châu Phi, nó tương đối lạc hậu trong phát triển. Hầu hết đất đai tại Mali là sa mạc, đất canh tác chỉ chiếm 2% tổng diện tích. Hơn một nửa dân số Mali không có học vấn.
Điều đáng nói là đất nước này có nguồn tài nguyên khoáng sản rất phong phú. Sản lượng vàng của quốc gia này lại đứng top đầu trên toàn thế giới.
Theo thống kê, người Mali mỗi năm đào được lượng vàng trị giá hàng triệu USD.
Hình ảnh người dân Mali đang khai thác vàng.
Ở bất cứ đâu tại Mali, người ta cũng có thể tìm thấy tài nguyên quý giá này. Việc khai thác dễ dàng đến mức chỉ cần dùng xẻng xúc là có. Do đó, thu nhập của người dân nơi đây cũng chủ yếu đều tới từ vàng. Để phát triển kinh tế, chính phủ cũng cho phép mọi người đều được quyền tự khai thác vàng. Vì vậy ở Mali, nhà nhà đào vàng, người người đào vàng.
Theo thống kê, người Mali mỗi năm đào được lượng vàng trị giá hàng triệu USD. Chủ một mỏ vàng mỗi năm có thể thu được hơn 2.000 tỷ đồng.
Vì vậy, đất nước này có thể thiếu mọi thứ, nhưng thứ duy nhất không thiếu là vàng. Điều này khiến một số người có thể tự hỏi, vì sao có nhiều vàng như vậy mà đời sống người dân vẫn nghèo?
Thu nhập của người dân nơi đây cũng chủ yếu đều tới từ vàng, gần như nhà nhà đào vàng.
Câu trả lời là do: Mali có nền công nghiệp kém phát triển, người dân luôn sống trong tình trạng thiếu lương thực. Do nơi này nằm sâu trong lục địa, lượng mưa tại đây cực ít ỏi nên nền nông nghiệp cũng có chung hoàn cảnh như công nghiệp. Người dân Mali chỉ có thể nhập khẩu lương thực từ các quốc gia khác.
Nhưng vì các nước châu Phi lân cận cũng không đủ ăn, đủ mặc nên người Mali bắt buộc phải mua lương thực từ những vùng rất xa xôi. Vì vậy, lương thực ở đây có mức giá trên trời, thậm chí còn đắt hơn vàng rất nhiều. Do đó, cho dù có là chủ mỏ vàng thì việc có được “bữa cơm no đủ” cũng là một việc xa xỉ.
Mức thu nhập cao nhưng người Mali hiếm khi có “bữa cơm no đủ” vì giá lương thực còn đắt hơn vàng.
Ngành sản xuất của Mali còn lạc hậu, vì vậy mà phương thức đào vàng ở đây cũng rất nguyên thủy. Một số người không có công cụ đã phải tận dụng những chiếc cào làm từ xương của động vật hoang dã để đào vàng. Vì thế, hiệu quả mà nó đem lại không cao, trong khi sức lực bỏ ra rất nhiều.
Số người tham gia vào những đội đào vàng nhiều không đếm xuể. Từ phụ nữ cho tới trẻ em ở Mali đều gia nhập đội ngũ đào vàng để đổi lấy thực phẩm chống đói qua ngày.
Chính vì số lượng người đào vàng quá nhiều dẫn đến giá trị họ thu lại không được cao. Tuy bị người thu mua ép giá nhưng ai cũng vẫn theo đuổi công việc vất vả này với khao khát kiếm được chút tiền để trang trải cho cuộc sống hoặc tìm được một cục vàng thật to để đổi đời.
Vì cuộc sống khốn khó, người dân Mali dành hầu hết thời gian để đào vàng, không có học vấn cao nên khó có thể tìm được một công việc nào khác. Nhà máy duy nhất ở đây là một công xưởng sản xuất rượu giá rẻ. Do đó, đào vàng chính là cách nhanh nhất để họ có thể kiếm tiền, thậm chí là đổi đời sau một đêm.
Dù cũng "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nhưng họ khác với những người nông dân, bởi họ là người đào vàng.
Cảnh gia công vàng rất thô sơ tại Mali.
Ngoài Mali, trên thế giới vẫn còn một khu vực nữa rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười” tương tự. Đó chính là vùng vịnh Ba Tư – nơi sở hữu nguồn dầu mỏ dồi dào nhưng lại thiếu nước trầm trọng, dẫn đến việc giá nước luôn đắt hơn dầu.
(Theo Sina, 163)
Thuý Phương