Cưỡi ngựa (Equestrianism, Horse riding) là một môn thể thao nghệ thuật mà người chơi điều khiển ngựa di chuyển theo những động tác chính xác và linh hoạt theo ý của mình. Bộ môn này được xem là hoạt động có từ lâu đời. Ngày nay, cưỡi ngựa có thể được sử dụng trong cuộc sống thường ngày, trong du lịch hoặc trong thi đấu thể thao
Cưỡi ngựa nghệ thuật đã là nội dung của Thế vận hội Olympic vào năm 1900, rồi trở thành môn chính thức của Thế vận hội đều đặn từ năm 1912 đến nay. Chưa kể, các hình thức cưỡi ngựa đường trường, cưỡi ngựa giải trí, thư giãn, du lịch... ngày càng phát triển
Đây cũng là môn thể thao quý tộc cùng với những môn như đấu kiếm, bắn súng, đua thuyền buồm rồi tới golf, xuất phát từ Châu Âu, tồn tại qua hàng thế kỷ bắt đầu du nhập vào Việt Nam rồi ngày càng phổ biến hơn
Hiện tại, ngay giữa Thủ đô Hà Nội xuất hiện mô hình dạy cưỡi ngựa rất bài bản, chuyên nghiệp thuộc CLB ngựa Hanoi Horse Riding Club
Chị Nguyễn Thị Hòa Hợp (Hà Nội), chủ nhiệm CLB ngựa Hanoi Horse Riding Club cho biết, chị tìm đến bộ môn cưỡi ngựa từ cách đây nhiều năm. Năm 2011, chị cùng chồng mở một câu lạc bộ cưỡi ngựa vừa để tự thư giãn, vừa để phục vụ khách nước ngoài. Thời gian đầu khách đến CLB chủ yếu là người nước ngoài, tuy nhiên sau thời gian hoạt động, môn thể thao này được nhiều người dân trong nước biết đến và hưởng ứng. Họ đăng ký tham gia CLB hoặc cho con em mình theo học
Tại CLB ngựa của mình, chị Hợp cung cấp hai kiểu dịch vụ, một là cho thuê ngựa để cưỡi và hai là trở thành nơi giao lưu của các thành viên sở hữu ngựa riêng. Để học cưỡi ngựa, người dân phải bỏ ra chi phí khoảng 600.000 đồng/ buổi 40 phút. Người chơi sẽ được HLV hướng dẫn kỹ thuật cho ngựa ăn, chải lông ngựa, tìm hiểu tính cách của ngựa rồi mới đến các kỹ thuật cưỡi ngựa bài bản, chuyên nghiệp theo chuẩn phong cách châu Âu
Nếu chỉ muốn chơi và tương tác với ngựa, mức giá sẽ là 250.000 đồng/20 phút. Theo chị Hợp, khả năng học cưỡi ngựa sẽ tuỳ vào từng người, có người học 1 khoá nhưng cũng có người học tới 3 khoá mới biết cưỡi ngựa. Giá của mỗi khoá học cưỡi ngựa là 6 triệu đồng/người
Các thành viên khi mới đến học ban đầu thường làm quen với những chú ngựa dòng Kabadin với đặc tính người chắc, dễ lấy thăng bằng. Khi đã quen trên lưng ngựa, người chơi sẽ chuyển sang dòng ngựa đua thuần chủng. "Phong cách cưỡi ngựa châu Âu luôn đề cao quá trình chuẩn bị, người cưỡi ngựa phải có tương tác với những chú ngựa của mình. Khi lên ngựa phải học cách thăng bằng, khi chạy phải cùng nhịp với ngựa, dáng tay, dáng người, mắt nhìn ra sao đều phải được chú trọng như những quý tộc châu Âu thực thụ"
CLB của chị Hợp hiện có khoảng 30 con ngựa thuộc các giống khác nhau, đa số các giống ngựa đều nhập từ châu Âu. "Những chú ngựa này được chúng tôi chọn mua rồi mang về theo đường hàng không, chi phí có thể mất khoảng 18.000 euro (hơn 430 triệu đồng) chưa kể các chi phí phát sinh về giấy tờ, kiểm dịch", chị Hợp nói
Mỗi con ngựa có một tên gọi như Lã Bố, Kim Phụng hay Thiết Mộc Chân… cũng như sở hữu tính cách rất riêng. Có những con ngựa nhút nhát, hiền lành, một số khác lại bướng bỉnh, nghịch ngợm. Thế nhưng, bản chất của loài ngựa là nếu tách ra khỏi đàn, ở một mình lâu, chúng sẽ gặp căng thẳng. Vì vậy, nhiều người yêu thích bộ môn cưỡi ngựa đã mua ngựa cho riêng mình rồi mang đến CLB gửi tại đây
Sau khi chơi cưỡi ngựa, người chơi sẽ gửi lại ngựa cho CLB chăm sóc, chi phí chăm sóc ngựa là 5 triệu đồng/ tháng và không mất thêm chi phí sân bãi
Cũng giống như nhiều môn thể thao quý tộc châu Âu, cưỡi ngựa cũng là bộ môn chuộng về hình thức. Người chơi luôn phải mặc quần áo dài, bốt cao
Giá của mỗi bộ trang phục cũng dựa vào độ chịu chi của từng người. Có những loại trang phục chi phí hết cả chục triệu đồng
"Những chú ngựa này chịu lạnh tốt, mùa lạnh chúng tôi chỉ cần đốt lò sưởi. Vất vả nhất vẫn là mùa hè, rất khó làm ngựa hạ nhiệt, cách tốt nhất chúng tôi làm là phun nước mái, quạt trần...", chị Hợp nói
Ngoài ra, thức ăn của những chú ngựa này cũng đều phải nhập khẩu, nếu ăn cỏ bình thường hay thức ăn tăng trọng một thời gian ngựa sẽ chết
Link nội dung: https://luxlifestyle.vn/nguoi-ha-noi-chi-tien-trieu-hoc-cuoi-ngua-a24238.html