Giờ đây, khi việc phát triển các dự án bất động sản trên toàn nước này bị đình trệ, cộng với giá bất động sản lao dốc, nhiều hộ dân Trung Quốc đã phải cắt giảm chi tiêu, hoãn kết hôn và các quyết định khác trong cuộc sống. Và ngày càng nhiều người đã từ chối thanh toán các khoản vay thế chấp cho những ngôi nhà chưa hoàn thành.
Peter - một trong những người đang mua nhà, yêu cầu không sử dụng tên thật - đã buộc phải từ bỏ ý định khởi nghiệp kinh doanh riêng và mua một chiếc BMW 5 series sau khi việc xây dựng ngôi nhà trị giá 2 triệu nhân dân tệ (tương đương 7 tỷ đồng) tại Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam, đã bị tập đoàn Aoyuan Trung Quốc tạm dừng. Hiện anh đang phải gánh khoản thế chấp lên tới 90% thu nhập cho ngôi nhà mà có lẽ không bao giờ được hoàn thành.
"Tôi biết mọi khoản đầu tư đều đi kèm với rủi ro và bạn phải trả giá cho sự lựa chọn của mình. Những người mua nhà không phải là người chịu trách nhiệm cho điều đó và không đáng phải gánh chịu hậu quả này", Peter nói.
Peter là một trong hàng trăm nghìn người mua nhà tại hơn 90 thành phố trên khắp Trung Quốc đang tẩy chay khoản thế chấp với tổng trị giá 2.000 tỷ nhân dân tệ sau khi một loạt các nhà phát triển từ Aoyuan, China Evergrande tạm dừng xây dựng các dự án. Ngày càng nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu của Trung Quốc, ước tính có 70% tài sản gắn liền với nhà đất, đã gia nhập vào phong trào từ chối thanh toán thế chấp, gây đe dọa cho nền kinh tế và ổn định xã hội.
Các nhà chức trách Trung Quốc hiện đang gấp rút giải quyết tình trạng này bằng một số đề xuất về thời gian ân hạn thanh toán các khoản vay và để chính quyền địa phương và ngân hàng vào cuộc tháo gỡ.
Nhà phân tích Kristy Hung tại Bloomberg Intelligence ước tính việc dừng xây dựng dự án có thể ảnh hưởng đến các ngôi nhà với tổng trị giá 4.700 tỷ nhân dân tệ ở Trung Quốc. Theo bà, cần đến 1.400 tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 1,3% GDP nước này, để hoàn thiện các dự án này.
Giá nhà ở Trung Quốc đã giảm tháng thứ 10 liên tiếp, trong khi thu nhập khả dụng trên đầu người của người dân nước này giảm quý thứ 5 liên tiếp, tính đến quý II vừa qua. Tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ sử dụng đòn bẩy của hộ gia đình của Trung Quốc đã tăng lên đến 61,6% GDP so với mức 27,8% vào cuối năm 2011. Tuy nhiên, so với các nền kinh tế lớn như Mỹ và Nhật Bản, tỷ lệ này vẫn tương đối thấp.
Hong Hao, cựu chiến lược gia về Trung Quốc tại Bocom International Holdings, cho rằng việc từ chối thanh toán thế chấp sẽ khiến giá nhà và doanh số bán nhà giảm thêm, tác động tiêu cực đến nền kinh tế. "Nhiều người đã quen với suy nghĩ rằng giá nhà sẽ không bao giờ giảm, nhưng giờ điều đó đã thay đổi".
Ở Trung Quốc, một người dân thường phải mất nhiều năm trời mới tiết kiệm đủ tiền để mua được một căn hộ có giá vài triệu nhân dân tệ ở trung tâm các đô thị lớn. Chính vì vậy, các cặp vợ chồng trẻ thường phải dựa vào sự hỗ trợ tài chính của ông bà, bố mẹ mới mua được.
Li, một nhân viên công nghệ đã bị giảm 25% lương trong năm nay, đang phải dùng 1/3 số tiền lương ít ỏi để trả khoản vay thế chấp 4.000 nhân dân tệ/tháng cho một dự án do Evergrande phát triển ở Vũ Hán đang bị đình trệ. Trong tháng này, chàng trai 26 tuổi này đã tham gia cùng khoảng 5.000 người khác vào một cuộc tẩy chay thanh toán thế chấp nhằm thúc giục chính quyền địa phương, nhà phát triển dự án khởi động lại việc xây dựng dự án gồm 39 tòa nhà chọc trời.
Li nói rằng anh cảm thấy vô cùng bất an về triển vọng tương lai của mình và sợ hãi khi bắt đầu một mối quan hệ mới vì không chắc sẽ sở hữu một bất động sản, được cho là một yêu cầu bắt buộc để kết hôn.
Nguồn: Giới trung lưu Trung Quốc tắt hy vọng làm giàu từ bất động sản- Dân trí
Nhật Linh
Link nội dung: https://luxlifestyle.vn/gioi-trung-luu-trung-quoc-tat-hy-vong-lam-giau-tu-bat-dong-san-a24499.html