Nếu bạn là một nhà báo quốc tế nổi tiếng đang làm việc cho hãng truyền thông uy tín, có một sự nghiệp lẫy lừng và được tự do làm những điều mình muốn, bạn có sẵn sàng từ bỏ mọi thứ để trở thành một Công nương hay không?
Có lẽ đây là một câu hỏi rất khó và khiến nhiều người phải suy nghĩ, đắn đo rất nhiều để đưa ra quyết định cuối cùng. Và bà Rym al-Ali (tên khai sinh là Rym Brahimi) đã có câu trả lời cho riêng mình.
Nữ nhà báo tài giỏi có xuất thân không tầm thường
Sinh ra tại Cairo (Ai Cập) vào năm 1969, Công nương Rym Brahimi đã trải qua thời thơ ấu đầy sắc màu khi theo chân cha đẻ đi khắp nơi. Cha bà là cựu Bộ trưởng Ngoại giao Algeria và là đặc phái viên Liên Hợp Quốc.
Do đó, ngay từ khi còn nhỏ, Công nương Rym đã dần đi theo con đường ngoại giao của cha mình. Bà nhớ lại: "Cha mẹ tôi có rất nhiều người bạn là nhà báo, họ thường đến chơi nhà và lúc nào cũng có những câu chuyện tuyệt vời về các sự kiện quan trọng mà họ đưa tin và những điều họ mắt thấy tai nghe".
Rym Brahimi khi đó bắt đầu bị cuốn hút bởi những câu chuyện đầy thú vị ở khắp mọi nơi và bà dần mong muốn trở thành một người có thể khám phá mọi thứ trên thế giới này. Khi đến tuổi trưởng thành, Rym Brahimi đã biến ước mơ đó thành hiện thực.
Công nương Rym Brahimi từng là một nhà báo tài giỏi. Vì tính chất công việc của gia đình, bà đã lớn lên ở Anh, đi du học tại Mỹ và Pháp với 4 tấm bằng danh giá: Cử nhân địa lý và thạc sĩ văn chương Anh của Đại học Sorbonne (Paris); Thạc sĩ nghiên cứu khoa học chính trị của Học viện Chính trị Paris và thạc sĩ báo chí chuyên ngành quốc tế của Đại học Columbia (Mỹ). Bà thông thạo 4 thứ tiếng là Anh, Pháp, Ả Rập và Ý.
Công nương Rym có một sự nghiệp lẫy lừng trước khi trở thành nàng dâu hoàng gia trong cuộc gặp gỡ định mệnh với Hoàng tử Jordan. Vào năm 1998, bà đã làm việc cho hãng tin nổi tiếng CNN với tư cách là nhà sản xuất và sau đó trở thành phóng viên chiến trường ở Iraq.
Theo hồ sơ của CNN về bà Rym, Công nương nhận nhiệm vụ đưa tin về các sự kiện lớn trên thế giới như chiến tranh Iraq; Vụ đánh bom tàu USS Cole; Cuộc tấn công 11/9... Trước khi dừng chân ở CNN, bà Rym đã làm việc cho nhiều tổ chức truyền thông khác nhau như UPI, Dubai TV, Bloomberg và Monte Carlo Doualiya.
Bà Rym đã nhận về nhiều giải thưởng to lớn từ các tổ chức truyền thông tin tức, điện ảnh và văn hóa trên toàn thế giới. Tháng 4/2011, Công nương Rym nhận được giải thưởng danh giá từ trường Đại học Columbia. Đó là giải thưởng Cựu sinh viên được trao hàng năm cho những người có thành tựu và sự nghiệp báo chí xuất sắc.
Tháng 7/2011, bà được trao giải nhà báo quốc tế xuất sắc nhất tại Lễ trao giải báo chí quốc tế Ischia lần thứ 32 ở Ý. Một năm sau, Diễn đàn Nhà tư tưởng Toàn cầu đã trao cho bà Giải thưởng Truyền thông Xuất sắc.
Cuộc gặp gỡ định mệnh thay đổi hoàn toàn cuộc sống
Sau khi rời khỏi Iraq, chuyển sang đưa tin tại đất nước Jordan, một chương mới mở ra trong cuộc đời nữ phóng viên nhiệt huyết mà bản thân bà cũng không ngờ đến được. Hoàng tử Ali bin Hussein, em trai cùng cha khác mẹ với vua Jordan Abdullah II, khi đó đã hẹn gặp nữ phóng viên để trao đổi một số tin tức.
Qua lần gặp gỡ này, họ dần cảm mến nhau và xác lập mối quan hệ lâu dài. Theo CNN, lễ đính hôn của cặp đôi tổ chức tại Paris, được truyền hình trực tiếp ở Jordan và có sự tham gia của hai bên gia đình cùng các vị khách quý.
Nữ phóng viên đa tài và Hoàng tử Jordan đã chính thức kết hôn vào ngày 7/9/2004, sau gần 2 thập kỷ bên nhau họ đã có một tổ ấm hạnh phúc cùng hai con là Công chúa Jalila và Hoàng tử Abdullah.
Công nương Jordan hạnh phúc trong ngày kết hôn.
Công nương Rym Brahimi tuy không là Hoàng hậu của Jordan nhưng trong tâm trí của nhiều người, bà là một nữ hoàng thực thụ, cống hiến hết mình cho hoàng gia và sự nghiệp báo chí. Cũng giống như nhiều nàng dâu hoàng gia khác, Công nương Rym Brahimi buộc phải từ bỏ công việc ở CNN để chuyên tâm thực hiện nhiệm vụ cho gia đình nhà chồng, trở thành người hỗ trợ đắc lực bên chồng.
Tuy vậy, Công nương Rym chưa bao giờ hết nhiệt huyết với lĩnh vực báo chí, bà đã theo đuổi tình yêu đặc biệt này bằng con đường khác. Với bà, nghề báo chân chính là một phần quan trọng của một xã hội lành mạnh. Do đó, bà đã thành lập Viện Truyền thông Jordan ở thủ đô Amman khi nhận thấy nhu cầu cấp thiết của việc vừa đào tạo kỹ năng, kỹ thuật làm báo đồng thời rèn luyện đạo đức hành nghề vì đạo đức nghề báo vẫn còn là vấn đề nóng của thế giới.
Công nương Jordan chính là người đã giúp thiết lập mối quan hệ giữa Viện với các tổ chức như UNESCO, Trung tâm báo chí quốc tế ICFJ ở Mỹ, Hiệp hội Phát triển quốc tế Canada… Cựu Trưởng đại diện của CNN Iraq Jane Arraf, một trong những nhà báo danh tiếng mà Công nương Jordan mời về giảng dạy ở Viện, đã nhận xét về nàng dâu hoàng gia bằng một câu nói ngắn gọn mà bao hàm tất cả mọi thứ.
Và mục tiêu cao hơn mà bà mẹ 2 con này vẫn đang nhắm đến là "phải làm thế nào để phương Tây từ bỏ những định kiến sai lầm của họ về vùng Trung Đông".
Phát biểu tại một hội nghị của Hãng tin Al Arabiya, bà tuyên bố: "Kinh nghiệm bản thân tôi cho thấy nhiều người còn ngây ngô không biết chúng ta là ai. Và đây, thêm một nhiệm vụ nữa cho chúng ta là phải cho họ biết chúng ta thực sự là ai để giúp họ không rơi vào những suy nghĩ định kiến".
Bên cạnh đó, Công nương Rym còn là Chủ tịch Liên hoan phim Quốc tế Amman - Awal Film (AIFF) và đứng đầu Quỹ Anna Lindh, một tổ chức trao quyền cho thanh niên. Bà cũng là Ủy viên điều hành của Ủy ban Điện ảnh Hoàng gia Jordan từ năm 2006. Những cống hiến hết mình của bà cho gia đình nhà chồng và đất nước Jordan đã nhận được sự đánh giá cao của công chúng.
Bà được nhận xét là một người phụ nữ thông minh, sâu sắc và dũng cảm. Luôn mạnh mẽ bước đi trên con đường mà mình tin tưởng lựa chọn, cống hiến hết mình cho những điều tích cực, giúp xã hội thay đổi tốt hơn.
Nguồn: SCMP, Historyofroyalwomen
Diệp Lục
Link nội dung: https://luxlifestyle.vn/nang-dau-dac-biet-cua-hoang-gia-jordan-tu-nha-bao-noi-tieng-thanh-cong-nuong-van-nguoi-me-a24635.html