Cách đây đúng 100 năm, vào ngày 4/11/1922, một nhóm khảo cổ đã phát hiện ra lăng mộ của Tutankhamun và hé lộ nhiều điều kỳ diệu về Ai Cập cổ đại, trong đó có xác ướp của vị pharaoh trẻ tuổi.
Phát hiện gây chấn động giới khảo cổ trên thế giới đã cung cấp lượng lớn thông tin về pharaoh Tutankhamun, người đã lên ngôi vào năm 9 tuổi và qua đời năm 19 tuổi ở Ai Cập cổ đại.
Thế nhưng, các chuyên gia nghiên cứu vẫn chưa biết chính xác về diện mạo của vị pharaoh nổi tiếng này. Trên thực tế, các nghiên cứu đã kiểm tra sức khoẻ của pharaoh Tutankhamun và có một vài dự án tìm cách phục dựng chân dung của ông ở trên máy tính.
Theo một nghiên cứu về Tutankhamun và những xác ướp khác được công bố vào năm 2010 trên tạp chí JAMA, pharaoh Tutankhamun cao khoảng 1m67 khi mất và mắc phải một số bệnh như sốt rét và bệnh Köhler khiến cho bàn chân của ông bị sưng và cản trở việc đi lại. Vị pharaoh này cũng bị hoại tử do gãy xương ở bàn chân trái. Đây cũng có thể là nguyên nhân góp phần dẫn tới cái chết của ông.
Ông Zahu Hawass, cựu Bộ trưởng Bộ Cổ vật Ai Cập, đồng thời là đồng tác giả của nghiên cứu trên tạp chí JAMA, cho biết: "Pharaoh Tutankhamun trông giống như một người bệnh tật. Ông ấy đi tập tễnh và phải dùng gậy để chống".
Mặc dù có những vấn đề về sức khoẻ nhưng pharaoh Tutankhamun vẫn rất năng động.
Ông Hawass cho biết: "Pharaoh thích săn động vật hoang dã và xây một cung điện ở gần tượng nhân sư Sphinx để đi săn. Dù gặp bất cứ vấn đề thể chất nào, vị vua này vẫn hoạt động nhiều đến mức gặp tai nạn và bị thương ở chân vào 2 ngày trước khi ông qua đời".
Ngoài ra, theo ông Hutan Ashrafian, giảng viên lâm sàng về giải phẫu tại ĐH Hoàng gia London, pharaoh Tutankhamun đi tập tễnh và có hộp sọ hơi dài hơn bình thường và phần ngực lớn (nguyên nhân do hội chứng gynecomastia gây ra bởi mất cân bằng hormone), răng vẩu và ông tương đối gầy. Vị Pharaoh này có vẻ ngoài trông khá yếu đuối.
Vào năm 2012, ông Hutan Ashrafian cũng đã công bố một nghiên cứu trên tạp chí Epilepsy & Behavior và chỉ ra rằng Tutankhamun và tổ tiên của ông mắc bệnh động kinh dẫn tới bị co giật.
Theo nhà nghiên cứu này, một số vấn đề sức khoẻ của pharaoh Tutankhamun có thể liên quan tới bệnh di truyền vì hôn nhân cận huyết . Thực tế các pharaoh Ai Cập trong vương triều thứ 18 (1543 TCN - 1292 TCN) thường kết hôn với họ hàng.
Các học giả bày tỏ lo ngại với một số nỗ lực phục dựng gương mặt của pharaoh Tutankhamun trong những năm qua.
Theo Tiến sĩ Frank Rühli, trưởng khoa y tại ĐH Zurich: " Kết quả phục dựng vẫn có những điểm chưa chắc chắn, chẳng hạn như nếp nhăn, màu mắt, màu tóc, màu da và những vết sẹo nhỏ ".
Tiến sĩ Rühli từng nghiên cứu về các xác ướp Ai Cập, trong đó có cả xác ướp của pharaoh Tutankhamun, và ông nhận thấy rằng, trung bình mô xác ướp bị teo 53% so với khi người đó còn sống. Xác ướp của pharaoh Tutankhamun cũng bị biến đổi nhiều so với diện mạo của ông khi còn sống. Minh chứng là ở thời cổ đại, xác ướp thường bị bắt lửa từ dầu ướp xác. Điều này khiến việc phục dựng gương mặt pharaoh trở nên vô cùng khó khăn.
Bên cạnh đó, kết quả chụp cắt lớp vi tính cũng không thể phản ánh được hình dạng mô mềm của pharaoh trước khi qua đời.
Giải mã "lời nguyền" trong lăng mộ pharaoh Tutankhamun
100 năm sau khi được phát hiện, lăng mộ Tutankhamun vẫn được coi là một trong những phát hiện khảo cổ nổi tiếng nhất mọi thời đại. Bên cạnh kho báu khổng lồ, "lời nguyền" bí ẩn trong lăng mộ này là một điều rất thu hút sự quan tâm của công chúng. Vậy, đâu là sự thật?
Vào ngày 4/11/1922, tại Thung lũng các vị vua của Ai Cập, ông Howard Carter, một nhà Ai Cập học người Anh tình cờ đi ngang qua một bậc thang đổ nát, nằm ẩn một nửa ở bên dưới mảnh vỡ từ lăng mộ của pharaoh Ramesses IV. Sau khi đào sâu hơn, ông đã phát hiện thêm có nhiều bậc thang và dẫn tới một cánh cửa đá bị bịt kín.
Ông Carter đã gọi cho nhà tài trợ là Lord Carnarvon tới địa điểm này. Họ đã cùng nhau khám phá ra một trong những phát hiện lớn nhất trong lịch sử của ngành Ai Cập học.
Trong lăng mộ có chứa hơn 5.000 đồ tạo tác, bao gồm vàng, trang sức, thức ăn cúng tế và các tượng trang trí hoa văn. Tuy nhiên, kho báu lại không phải là thứ duy nhất mà nhóm khảo cổ này khai quật.
Đáng chú ý, 5 tháng sau đợt khai quật trên, ông Lord Carnarvon qua đời và được chẩn đoán là do mắc bệnh phổi và nhiễm độc máu vì muỗi đốt. Một tháng sau, ông George Jay Gould, một nhà tài phiệt giàu có người Mỹ cũng từng ghé thăm ngôi mộ, chết vì nguyên nhân tương tự.
Đến năm 1924, ông Hugh Evelyn-White, một nhà khảo cổ học người Anh cũng bất ngờ tự sát và để lại dòng chữ: "Tôi bị dính lời nguyền xác ướp".
Cuối năm 1924, một nhà X quang học chụp xác ướp trước khi giao cho nhà chức trách ở viện bảo tàng, cũng chết vì một căn bệnh không thể xác định.
Trong vòng một thập kỷ, có ít nhất 9 người liên quan tới đợt khai quật lăng mộ pharaoh Tutankhamun đã qua đời . Điều này khiến cho nhiều người cho rằng đây chính là bằng chứng về lời nguyền xác ướp.
Tuy nhiên, vẫn còn có thể giải thích những sự việc kỳ lạ trên theo một cách khác.
Cụ thể, vào thập niên 1970, ngôi mộ 500 năm tuổi của vua Ba Lan là Casimir IV Jagiellon đã lần đầu tiên được mở ra ở nhà thờ Wawel tại Krakow. Tuy nhiên, một chuyện kỳ lạ đã xảy ra. Chỉ trong vài ngay sau đợt khai quật, 4 trong 12 nhà nghiên cứu chết và có một số người khác chết trong vài tháng sau đó.
Bất chấp các tin đồn về lời nguyền cổ đại, các nhà khoa học đã nhanh chóng tìm ra lời giải thích. Theo đó, mẫu vật được lấy từ xác của nhà vua đã tiết lộ rằng hài cốt của ông có chứa đầy bào tử nấm Aspergillus flavus .
Theo ông Tom Chiller, giám đốc Chi nhánh bệnh về nấm thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh dịch Mỹ: "Phần lớn mọi người hít phải bào tử nấm Aspergillus mỗi ngày mà không bị ốm. Thế nhưng, đối với những người có hệ miễn dịch yếu, hít phải bào tử nấm Aspergillus có thể gây nhiễm trùng phổi hoặc viêm xoang và sau đó lan tới các phận khác trong cơ thể".
Đây là hội chứng gọi là aspergillosis . Trên thực tế, có nhiều aspergillosis khác nhau. Có một số dạng nhẹ, nhưng cũng có vài dạng rất nghiêm trọng và thậm chí có thể gây tử vong.
Theo các chuyên gia, Aspergillus fumigatus là loại phổ biến nhất ở trong chi nấm Aspergillus tại Mỹ, trong khi đó, Aspergillus flavus lại phổ biến hơn ở châu Á. Bên cạnh việc gây ra hội chứng aspergillosis, loài này còn chứa chất độc flavitoxin . Chất độc này có thể gây tử vong cho con người, động vật, và cũng là nguồn chính khiến thức ăn ôi thiu.
Trên thực tế, kho báu trong lăng mộ của pharaoh Tutankhamun có chứa nhiều túi bánh mỳ và hạt thô. Đây là những thứ có thể thúc đẩy sự phát triển của nấm. Tuy nhiên, nếu Aspergillus flavus thực sự đứng đằng sau bí ẩn lời nguyền xác ướp, thì nó phải ở trong lăng mộ của vị pharaoh này trong thời gian rất dài.
Theo các nhà khoa học, để có thể sống sót qua thời gian dài, Aspergillus sẽ ở dạng bào tử. Nấm Aspergillus thực tế có thể sống ở trên thi thể và vật chất phân huỷ. Chúng từng được phát hiện ở trên các xác ướp Ai Cập cổ đại khác.
Việc nhiễm độc Aspergillus cũng có thể là nguyên nhân góp phần dẫn tới cái chết của ít nhất 3 nạn nhân về lời nguyền xác ướp.
Theo nhà khoa học máy tính Michael Wise ở Đại học Western Australia, mặc dù không thể xác định chắc chắn nhưng nhiễm nấm Aspergillus có thể là lý giải khoa học cho lời nguyền của pharaoh Tutankhamun.
Bài viết tham khảo nguồn: Livescience, Newsweek
Minh Hằng
Link nội dung: https://luxlifestyle.vn/bi-an-dang-sau-mat-na-vang-pharaoh-tutankhamun-trong-the-nao-a24981.html