Bảo vật quốc gia “Em Thuý” từng trải qua 4 tháng phục chế kỳ công như thế nào?

"Em Thuý" của hoạ sĩ Trần Văn Cẩn vẽ nhân vật có thật, đến nay nguyên mẫu của bức tranh đã hơn 87 tuổi, không còn nhớ gì về khoảnh khắc làm mẫu năm xưa. Tác phẩm được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2013, từng bị hư hỏng nặng và trải qua quá trình phục chế khắt khe theo tiêu chuẩn quốc tế.

bao-vat-quoc-gia-em-thuy-tung-trai-qua-4-thang-phuc-che-ky-cong-nhu-the-nao-1670326197.gif
Bảo vật quốc gia "Em Thuý" cùng "em Thuý" nguyên bản ngoài đời. Ảnh: Việt Văn / Hà Nội mới

Tác phẩm hội hoạ "Em Thúy" của hoạ sĩ Trần Văn Cẩn, sáng tác năm 1943, được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2013. Năm 2004, tác phẩm “Em Thuý” của hoạ sĩ Trần Văn Cẩn bị hư hỏng, bong tróc, và sau đó được phục chế lại.

bao-vat-quoc-gia-em-thuy-1-1670325996.jpeg
Tác phẩm "Em Thuý" được công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2013.

Chuyên gia Caroline Fry từng cho biết choáng ngợp trước vẻ đẹp của bức tranh khi lần đầu được chiêm ngưỡng. "Dù ở tình trạng không tốt, tác phẩm vẫn toát lên sự cuốn hút và không quá khi gọi là Mona Lisa của Việt Nam", bà nói. 

Nhạc sĩ người Anh Paul Zetter sáng tác bài Little Thúy Minuet sau khi nhìn thấy tác phẩm. Ông cho biết bị "sét đánh", mê hoặc bởi "như nhìn thấy tuổi thơ của mình, thấy những xáo động nội tâm đến rơi nước mắt bởi sự mộc mạc, giản dị tuyệt đối của bức tranh".

Hiện “Em Thuý” được trưng bày tại phòng 10, chuyên đề tranh sơn dầu, tầng hai Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Tranh cùng các hiện vật được đặt trong không gian có nhiệt độ duy trì từ 20 đến 25 độ C, độ ẩm 50 đến 55 %, 24/24. Bảo tàng sử dụng các thiết bị ánh sáng theo tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ trưng bày.

Trước đó, tác phẩm từng bị hư hỏng, bong tróc phải nhờ chuyên gia đến từ Úc phục chế. 

Hoạt động này được thực hiện dưới sự phối hợp của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và ASIA Link - Đại học Melbourne (Australia) tổ chức.

Hiện trạng của tác phẩm trước khi phục chế

Năm 2003, nhiều bức họa trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam xuống cấp nghiêm trọng do thời gian và điều kiện bảo quản. “Em Thuý” được chọn là tác phẩm mở đầu cho việc phục chế. 

Khi đó, mặt tranh bẩn do bụi, muội thuốc lá, phân côn trùng. Toan bị hư hỏng, dễ rách. Tranh chùng xuống, lớp sơn dầu nứt nhiều, có chỗ bong tróc do điều kiện môi trường nóng ẩm làm biến đổi lớp toan, phá vỡ tính liên kết mặt sơn. 

Năm 2004, theo chương trình của dự án phục chế tranh do Bảo tàng Mỹ thuật VN và ASIA Link-Đại học tổng hợp Melbourne (Australia) tổ chức, bà Caroline Fry đến Việt Nam, tu sửa bức tranh “Em Thuý”. 

Trải qua 60 năm, "Em Thúy" không còn đẹp như trước nữa, đánh giá về hiện trạng tranh, bà Caroline nói: "Mặt tranh bẩn do bụi, muội thuốc lá, phân côn trùng, toan không bền chắc, rất dễ rách, sợi vải bị hư hỏng nhiều. Toan chùng, lớp sơn tranh nứt nhiều, có nhiều lớp bong sơn do điều kiện môi trường nóng ẩm làm biến đổi lớp toan, phá vỡ tính liên kết của mặt sơn".

Quá trình phục chế của tác phẩm 

Quá trình phục chế diễn ra tại phòng Thí nghiệm bảo quản của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, gồm bảy bước theo đúng quy định, tiêu chuẩn quốc tế.

Toàn bộ quá trình, chuyên gia mất bốn tháng để hoàn thành.

Người thực hiện phải hiểu về tác phẩm trước khi phục chế

Bà Caroline, hoạ sĩ, đồng thời là chuyên viên bảo quản các tác phẩm mỹ thuật sẽ là người thực hiện việc phục chế này.
Ban đầu, nữ họa sĩ Caroline cho biết do chưa có kinh nghiệm với tranh sơn dầu châu Á nên bà đang tập trung tìm hiểu về kết cấu, chất liệu sử dụng để tạo nên bức tranh. 
"Việc tôi phải làm trước hết là đọc hồ sơ nghiên cứu ngôn ngữ, ý tưởng của bức tranh, về tác giả của nó, cũng như lịch sử ra đời và đóng góp của học sĩ đó cho nền mỹ thuật, qua đó tìm ra cách xử lý phù hợp với ý đồ của tác giả", bà nói.

Caroline kể về tác phẩm: "Quay trở lại năm 1943, khi hoạ sĩ Trần Văn Cẩn ngồi xuống với cô cháu gái tại căn phòng trên phố Hàng Cót để vẽ chân dung. Sự hiểu biết, quan tâm và cảm thông với người cháu gái đã được thể hiện tinh tế qua gương mặt của cô. Gương mặt đáng yêu hiện thân của tuổi trẻ, lặng lẽ nhìn chúng ta như muốn thăm hỏi và tin tưởng".

Bà Caroline cũng hy vọng rằng qua việc bảo quản, phục chế bức tranh, bà sẽ có thêm kinh nghiệm về chất liệu sơn dầu được sử dụng ở châu Á, và về các tác giả.
Bà Caroline chia sẻ rằng bà đã rất ấn tượng về bố cục của bức tranh, về các mảng màu lớn với những nét bút thoáng và đặc biệt là "cách diễn tả tinh thần phương Đông" của bức tranh.

"Khi làm việc với tác phẩm, tôi có cảm giác rất lạ là muốn ôm em Thuý vào lòng, muốn bảo vệ, che chở cho cô bé trong tranh ấy", bà Caroline nói.

Kết quả của quá trình phục chế

bao-vat-quoc-gia-em-thuy-tung-trai-qua-4-thang-phuc-che-ky-cong-nhu-the-nao-1-1670326438.jpeg
 

Tác phẩm được bàn giao cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ngày 28/6/2004. Tại lễ giao nhận bức tranh "Em Thúy" của hoạ sĩ Trần Văn Cẩn, dù đã quen với "Em Thuý" từ hàng chục năm nay, dường như người ta vẫn hồi hộp chờ đợi giây phút tấm vải phủ bức tranh vừa được phục chế mở ra.

Bà Caroline Fry nói trong sự kiện: "Em Thúy đã khỏe khoắn nhiều, cứng cáp hơn và có thể tuyên chiến với môi trường trong khoảng 20 năm nữa trước khi tiếp tục được phục chế".
Hiện tại, việc kiểm tra, giám sát hiện vật được thực hiện thường xuyên. 

Về tác giả và tác phẩm “Em Thuý”

Tác giả Trần Văn Cẩn (1910-1994) quê Từ Sơn, Bắc Ninh. Ông tốt nghiệp thủ khoa khóa bảy (1931-1936) của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, là một trong bộ tứ danh họa Trí - Vân - Lân - Cẩn (Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn). Họa sĩ từng được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996, huân chương độc lập hạng nhất và nhiều giải thưởng chuyên môn.

Em Thúy là kiệt tác nghệ thuật, một trong những tranh chân dung xuất sắc của hội họa hiện đại nước nhà. Tác phẩm vẽ bán thân một nhân vật có thật - bé Thúy, tám tuổi - với đôi mắt đen to tròn, đôi môi chúm chím, hai má bầu bĩnh, mái tóc rẽ lệch ngôi, đang nhìn thẳng vào người đối diện. 

bao-vat-quoc-gia-em-thuy-1670325996.jpeg
Tác phẩm "Em Thuý".

Cô bé ngồi lệch sang trái tranh, hai tay nắm lại để trên đùi, túm tóc đã vén ra sau tai còn vương lại, chạm vào cổ áo. Chiếc ghế mây màu nâu với những đường cong tạo thế cân bằng cho bố cục tranh. Bộ quần áo sáng màu hài hòa với bức tường vàng nhạt phía sau, chiếc ri-đô hoa điểm những vệt đỏ hồng tươi, trắng phớt.

Theo Hồ sơ di sản của Cục Di sản văn hóa, Trần Văn Cẩn sử dụng bố cục điển hình phong cách châu Âu đầu thế kỷ 20. 

Tác phẩm được công nhận bảo vật quốc gia vì là độc bản và được các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật đánh giá cao. Tranh mang phong cách riêng biệt của Trần Văn Cẩn, kế thừa tạo hình phương Tây, hòa quyện tinh thần phương Đông. 

Với chất liệu sơn dầu, tác phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật tả thực, cũng như thể loại tranh chân dung Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ 20.
Thông qua Em Thúy, tác phẩm góp phần phản ánh hình ảnh xã hội Việt Nam trước Cách Mạng tháng Tám năm 1945.

Sau này do chiến tranh, gia đình đi sơ tán nên tác phẩm bị thất lạc. Năm 1964, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua lại tranh từ gia đình nhiếp ảnh gia Đỗ Huân với giá 300 đồng. Khi đó, lương công chức mới ra trường chỉ có 64 đồng một tháng. Tranh khi đó bị bong, lốm đốm tróc sơn và phải đặt trong chế độ bảo quản đặc biệt. 

Nhân vật trong tranh là Minh Thúy - cháu gái họa sĩ Trần Văn Cẩn. Một ngày năm 1943, khi thấy cháu gái mặc áo lụa Hà Đông màu phớt hồng, ông đề nghị ngồi làm mẫu để vẽ. Khi ấy, Minh Thúy tám tuổi, đang học trường nữ sinh tiểu học École Brieux ở Hàng Cót. Họa sĩ mất vài tháng để hoàn thành. Tác phẩm lần đầu được giới thiệu tại triển lãm FARTA (Hội nghệ thuật An Nam) ở Hà Nội năm 1943. Tranh sau đó giúp Trần Văn Cẩn đoạt giải nhất tại triển lãm của Hội Khai Trí Tiến Đức (AFIMA), cùng tác phẩm Gội đầu.

Nhân vật “em Thúy” ngoài đời nay đã hơn 87 tuổi, sống cùng con cháu tại Thanh Xuân Bắc. Bà bị đãng trí và nhiều bệnh tuổi già, không còn nhớ về năm tám tuổi, ngồi trên ghế làm mẫu cho bác.

Link nội dung: https://luxlifestyle.vn/bao-vat-quoc-gia-em-thuy-tung-trai-qua-4-thang-phuc-che-ky-cong-nhu-the-nao-a25156.html