Người sáng lập LVMH hiểu rất rõ những cuộc chiến tranh giành quyền lực có thể ảnh hưởng đến công ty và sự đoàn kết của gia đình thế nào. Bản thân ông cũng đã từng khai thác điểm yếu này của các tập đoàn do gia đình điều hành khác, trong đó có đối thủ Hermes International để giành ưu thế trên thị trường.
Vị tỷ phú 73 tuổi đang nỗ lực củng cố quyền kiểm soát của gia đình với đế chế hàng xa xỉ lớn nhất thế giới, đồng thời tránh cho các con phải lục đục vì chuyện thừa kế. Tuy nhiên, quá trình này không hề đơn giản. Gia tộc Murdochs, Kochs hay anh em nhà Ambani cũng từng vấp phải khó khăn khi chuyển giao quyền lực.
Những người thừa kế sáng giá
Trong năm vừa qua, Arnault đã có nhiều động thái cho kế hoạch này, đáng chú ý nhất là việc thành lập một công ty cổ phần mới, chia đều quyền kiểm soát cho 5 người con. Công ty đã có ảnh hưởng đến các quyết định lớn của tập đoàn, đồng thời được xem là “công cụ” ngăn chặn sự chia rẽ của những người thừa kế và đảm bảo LVMH vẫn thuộc quyền kiểm soát của gia đình Arnault trong nhiều thập kỷ tới.
Bernard Arnault đã thành lập LVMH vào những năm 1980, sáp nhập hàng loạt thương hiệu từ Dom Perignon và Fendi đến Louis Vuitton và Tiffany & Co vào đế chế hàng xỉ. Nhờ sự tăng trưởng nhanh chóng và ổn định của 75 thương hiệu đình đám, LVMH hiện là công ty có giá trị nhất châu Âu, trị giá hơn 400 tỷ Euro (433 tỷ USD).
Cho đến nay, việc ai sẽ thay thế Arnault giữ vị trí CEO của LVMH vẫn chưa được tiết lộ. Những ứng cử viên tiềm năng bao gồm chị cả Delphine (47 tuổi), Antoine (45 tuổi) – 2 con của người vợ đầu, tiếp đó là Alexandre (30 tuổi), Frederic (28 tuổi) và Jean (24 tuổi) – đều là con của người vợ hiện tại.
Những đồn đoán xoay quanh cuộc chiến giành quyền kế vị ở LVMH bùng trở lại khi Delphine lên nắm quyền điều hành thương hiệu Christian Dior Couture hồi đầu tháng 1 và em trai cô, Antoine, cũng đảm nhận một vai trò lớn hơn - thay thế Sidney Toledano làm CEO kiêm Phó chủ tịch Christian Dior SE, công ty con của LVMH. Cả hai chị em đều đã nỗ lực trong nhiều thập kỷ qua để đứng ở vị trí này.
Trong khi đó, 3 người em còn lại đã tham gia sâu hơn vào việc kinh doanh của gia đình và cũng có sự thăng tiến, báo hiệu một cuộc cạnh tranh ngày càng gay cấn.
“Trong vòng đời của một công ty gia đình, giai đoạn chuyển đổi là giai đoạn dễ tổn thương nhất”, Raffi Amit, giáo sư tại trường Kinh doanh Wharton, chuyên nghiên cứu về sự giàu có qua nhiều thế hệ tại các công ty gia đình, cho biết. “Những gia đình mà mỗi thế hệ đều tự nhận thức được vai trò của mình là tạo ra của cải – thay vì tiêu xài, sẽ có khả năng tồn tại lâu bền hơn”.
Thực tế, chủ tịch kiêm CEO LVMH chưa có ý định nghỉ hưu. Tại hội nghị báo cáo kết quả kinh doanh trực tuyến mới đây, ông xuất hiện khỏe mạnh, chỉn chu và né tránh các câu hỏi về việc kế vị. Hồi tháng 4 năm ngoái, LVMH đã loại bỏ quy định giới hạn độ tuổi của CEO, tạo điều kiện cho tỷ phú Bernard Arnault nắm quyền điều hành cho đến khi ông 80 tuổi.
Bài toán phân chia quyền lực
Kế hoạch chuyển giao việc kinh doanh cho các con là một phần trong những nỗ lực của tỷ phú Bernard Arnault nhằm tránh việc gia đình ông đi vào “vết xe đổ” của các đế chế trước đây.
Điển hình, các con của tỷ phú truyền thông Murdoch đã từng “xâu xé” quyết liệt để tranh giành tài chính. Trong khi đó, anh em nhà Ambani ở Ấn Độ cũng trở mặt thành thù khi người cha mất đột ngột năm 2002 mà không để lại di chúc, sau đó phải ra tòa phân định tài sản.
Cuộc chiến đình đám nhất có lẽ phải kể đến đế chế Koch Industries. Năm 1967, khi Chủ tịch Fred Koch qua đời, công ty được để lại cho 4 người con. Tuy nhiên đến năm 1980, William, một trong số những người kế vị, đã cố gắng giành toàn bộ quyền kiểm soát công ty, làm bùng nổ các vụ kiện tụng giữa bốn anh em, chia thành hai phe. Cuộc tranh chấp pháp lý kéo dài gần 2 thập kỷ trước khi Charles và David mua lại cổ phần công ty.
Với gia đình Arnault, cả 5 người con của ông đều hứng thú với công việc gia đình và hiện chưa thể hiện bất kỳ bất hòa nào. Từ đầu năm 2023 đến nay, tổng tài sản của “ông trùm” hàng hiệu đã tăng gần 34 tỷ USD lên 196 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.
Năm ngoái, Arnault đã thành lập Agache, công ty đảm bảo việc chuyển giao tài sản khi vị tỷ phú này qua đời. Agache kiểm soát Christian Dior, đồng thời nắm giữ 41% LVMH. Gia đình Arnault nắm tổng cộng 48% cổ phần của LVMH và gần 64% quyền bỏ phiếu. Điều này đồng nghĩa với việc, các nhà đầu tư bên ngoài có rất ít khả năng thâu tóm và kiểm soát công ty lớn nhất châu Âu.
“Những người thừa kế phải hiểu được điều quan trọng là nếu có sự xung đột giữa họ thì cả tập đoàn sẽ bị ảnh hưởng”, Philippe Pele-Clamour, phó giáo sư tại trường kinh doanh HEC Paris, nhấn mạnh. “Vấn đề còn phức tạp hơn nếu đến đời cháu chắt”.
Một yếu tố đáng chú ý trong kế hoạch của ông Arnault là việc chuyển đổi Agache thành một công ty liên doanh trách nhiệm hữu hạn, cho phép một cổ đông nắm giữ cổ phần tương đối nhỏ nhưng có ảnh hưởng lớn. Cách làm này tương tự tập đoàn truyền thông Lagardere ở Pháp, cho phép Arnaud Lagardere - thế hệ thứ 2, giữ quyền kiểm soát tập đoàn chỉ với 7% cổ phần.
Nhà sáng lập của LVMH có kế hoạch lãnh đạo Agache cho đến khi Agache Commandite SAS, một công ty mới thành lập khác cho ông thôi chức và chuyển giao quyền lực. Tỷ lệ nắm giữ của anh chị em nhà Arnault trong công ty này là bằng nhau. Ngoài thước đo quyền lực, quy định của công ty có thể đi kèm những điều kiện đặc biệt – chỉ kích hoạt trong quá trình chuyển đổi - giúp ông Arnault nắm chắc quyền kiểm soát trong tương lai gần.
Tại Agache Commandite, vị trí chủ tịch sẽ luân phiên trong 2 năm. Delphine là người đảm nhận vai trò này đầu tiên và HĐQT sẽ bao gồm 5 thành viên để đảm bảo sự cân bằng quyền lực giữa những người thừa kế. Các quyết định quan trọng như “xóa sổ” Agache SCA khi ông Arnault qua đời hay thay đổi chiến lược lớn tại Christian Dior hay LVMH sẽ cần sự đồng thuận của Hội đồng quản trị (HĐQT).
Theo quy định, trong vòng 30 năm, các con của ông Arnault sẽ không được phép bán cổ phần của mình tại Agache nếu không được HĐQT chấp thuận. Hết thời hạn này, Agache sẽ chỉ chấp nhận thành viên HĐQT là hậu duệ trực tiếp của Bernard Arnault, còn gia đình, người thân trong gia tộc sẽ có quyền mua ưu tiên.
Với tình hình kinh doanh tốt và triển vọng tăng trưởng sau đại dịch, các nhà đầu tư dường như không phản đối kế hoạch thừa kế của nhà Arnault.
Vấn đề của các công ty gia đình
Carmignac, nhà quản lý quỹ từng nghiên cứu hoạt động của hàng trăm công ty gia đình, cho biết các công ty này thường hoạt động tốt hơn các doanh nghiệp không thuộc gia đình, tuy nhiên lợi suất sẽ giảm dần qua các thế hệ. Nghiên cứu chỉ ra, các công ty gia đình do thế hệ thứ nhất điều hành thu về mức lợi suất cao gần gấp đôi so với khi thế hệ thứ 5 lên nắm quyền. Theo nhà phân tích Obe Ejikeme, sự suy giảm này là do vấn đề quản trị, cũng như việc các thế hệ sau thường không tái đầu tư lợi nhuận và có triết lý khác với người sáng lập.
Từ quan điểm điều hành, việc người sáng lập LVMH chưa giao cho các con đứng đầu những công ty chiếm phần lớn lợi nhuận của tập đoàn cho thấy ông chưa thực sự những người thừa kế.
Năm ngoái, doanh thu của Louis Vuitton, nhãn hiệu lớn nhất thuộc LVMH, đã vượt 20 tỷ euro. Thương hiệu đã được điều hành bởi Michael Burke trong thập kỷ qua và hiện được lãnh đạo bởi Pietro Beccari, cựu CEO Dior.
Theo các nhà phân tích tại HSBC, doanh thu năm 2022 của Louis Vuitton gấp 3 lần so với thương hiệu Dior Couture mà người chị cả Delphine mới tiếp quản. Trong khi đó, thương hiệu Tiffany do người con thứ ba Alexandre phụ trách chỉ đem về hơn 1 tỷ euro lợi nhuận. Các thương hiệu như đồng hồ Loro Piana, Tag Heuer hay giày Berluti cũng không lọt top 10 nhãn hàng đem về nhiều lợi nhuận nhất cho LVMH.
“Câu hỏi đặt ra là liệu 1 trong số 5 người con của Arnault có thực sự muốn trở thành người điều hành tập đoàn hay không”, Pele-Clamour nói. “Hay họ cho rằng nhiệm vụ và sứ mệnh của mình chỉ là kiểm soát và không nhất thiết phải điều hành công ty”.
Giáo sư Amit nhận định, Arnault cũng có thể chọn một người thân tín không phải thành viên gia đình là CEO LVMH. “Điều này có thể giúp ông ấy tránh được lục đục gia đình vì chuyện thừa kế. Nhưng không việc gì phải quyết định vội vàng”, ông nói. Theo vị giáo sư, điều quan trọng để anh em trong nhà Arnault tránh cạnh tranh quyền lực “không phải là ai được bổ nhiệm, mà là quá trình thực hiện việc này”.
"Ông trùm" đồ hiệu vẫn duy trì sự cạnh tranh giữa các thương hiệu mà mình sở hữu. Hồi tháng 10, ông từng cho biết: "Tôi không đặc biệt yêu thích thương hiệu nào nhiều hơn. Làm sao có thể xác định mình yêu quý ai nhất trong số những “đứa con” của mình?"
Diệu Tuyết
Link nội dung: https://luxlifestyle.vn/bai-toan-chuyen-giao-quyen-luc-trong-gia-dinh-ty-phu-giau-nhat-the-gioi-a25246.html