Bước tiến mới trong hành trình nghệ thuật kết hợp với nghỉ dưỡng tại Ana Mandara Đà Lạt

Không chỉ mang đến một không gian đối thoại đặc biệt, một tinh thần “liên văn hóa” giữa hội họa và âm nhạc, giữa phương Đông và phương Tây, triển lãm “Nguyễn Tư Nghiêm - Đối thoại với nhạc cổ điển phương Tây” vừa khai mạc ngày 10/03 còn đánh dấu một bước tiến mới trong hành trình kết nối nghệ thuật và nghỉ dưỡng của Ana Mandara Đà Lạt.

Hành trình trở thành điểm đến đặc biệt của nhiều danh họa và người yêu nghệ thuật

Những năm qua, Ana Mandara Villas Dalat Resort & Spa được biết đến là một trong những khu nghỉ dưỡng nổi tiếng với 17 căn biệt thự Pháp cổ tọa lạc giữa không gian thiên nhiên trong lành, nguyên bản của thành phố ngàn hoa. Từ năm 2022, dưới sự vận hành của CTCP Ninh Vân Bay, bên cạnh các hoạt động nghỉ dưỡng, khu nghỉ bắt đầu bén duyên với nhiều hoạt động tổ chức, tài trợ các sự kiện hội họa, định hướng trở thành một khu nghỉ của di sản và nghệ thuật, góp phần mang nghệ thuật đến gần hơn với công chúng.

Toàn cảnh khu nghỉ dưỡng Ana Mandara Đà Lạt với nét kiến trúc châu Âu cổ điển, được xây dựng từ thế kỷ 19.

Bắt đầu từ triển lãm đầu tiên với tên gọi “Những em bé Ballet”, tiếp đến “Gặp gỡ Đà Lạt”, “Phố bên đồi”, triển lãm “Cho mùa gió”, “Tay níu thời gian”, “Nhìn lại” và hiện tại, “Nguyễn Tư Nghiêm - Đối thoại với nhạc cổ điển phương Tây” đã trở thành triển lãm thứ 10 được tổ chức thành công tại khu nghỉ, cho tới nay đã thu hút gần 8.000 lượt du khách tới tham quan, thưởng lãm.

Khán phòng Le Lycée Artspace - địa điểm tổ chức các triển lãm tại Ana Mandara Đà Lạt - nay đã trở thành không gian nghệ thuật quen thuộc, được nhiều nghệ sĩ, du khách và những người yêu hội họa tìm đến đến mỗi ngày.

Khu nghỉ cũng đã tổ chức thành công 2 trại sáng tác “Mây Đông Dương” và “Art Trail #01”, vừa tạo môi trường lý tưởng và cũng là nguồn cảm hứng để nhiều lớp thế hệ nghệ sĩ có thể tự do nghiên cứu và sáng tạo nghệ thuật.

Các triển lãm tại khu nghỉ đã tạo cơ hội, kết nối thành công giữa họa sĩ và những nhà sưu tập, những người mua tranh. Đặc biệt như tại triển lãm “Nhìn lại” của họa sĩ Bùi Văn Tuất, toàn bộ 46 bức tranh trưng bày được bán hết chỉ sau 2 ngày khai mạc, tạo nên tiếng vang lớn trong giới hội họa tại Đà Lạt.

Chuyên nghiệp hóa và có những bước tiến trong quá trình tổ chức triển lãm, gắn liền hình ảnh của khu nghỉ với những giá trị di sản và nghệ thuật

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt 2 năm qua, Ana Mandara Đà Lạt đã có nhiều bước tiến lớn, ngày càng chuyên nghiệp hóa trong quá trình tổ chức triển lãm và hoạt động hỗ trợ các nghệ sĩ, trở thành địa chỉ tin cậy cho những sự kiện triển lãm quan trọng tại Đà Lạt.

Buổi khai trương triển lãm “Nguyễn Tư Nghiêm - Đối thoại với nhạc cổ điển phương Tây” với màn biểu diễn song tấu của Pianist Trần Lê Bảo Quyên và nghệ sĩ violin Trần Lê Quang Tiến.

Triển lãm “Nguyễn Tư Nghiêm - Đối thoại với nhạc cổ điển phương Tây” là một trong những minh chứng rõ nét nhất, khẳng định cho sự chuyên nghiệp và vị thế của một khu nghỉ gắn liền với di sản và nghệ thuật. Khán phòng Le Lycée Artspace được lựa chọn là nơi tổ chức, trưng bày 12 tác phẩm của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm - một trong những bậc thầy hội họa của nền mỹ thuật Việt Nam, nằm trong nhóm tứ trụ hiện đại “Nghiêm - Liên - Sáng - Phái”. Đây cũng được coi là một trong những triển lãm có giá trị bậc nhất tại Đà Lạt từ trước đến nay, trưng bày các tác phẩm có chủ đề về 12 con giáp của họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm được sáng tác trong giai đoạn từ 1993 - 2011 trên chất liệu bột màu và giấy dó. Các tác phẩm thuộc bộ sưu tập của Pianist Trần Lê Bảo Quyên - chắt ngoại của nhà văn Nguyễn Tuân (cha của bà Thu Giang, vợ danh họa Nguyễn Tư Nghiêm).

Khán phòng Le Lycée Artspace đang trưng bày các tác phẩm của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Đây cũng là lần đầu tiên Ana Mandara Đà Lạt tổ chức một triển lãm tranh gắn liền với âm nhạc cổ điển.

Tại sự kiện, Pianist Trần Lê Bảo Quyên đã song tấu cùng em trai -  nghệ sĩ violin Trần Lê Quang Tiến ngay tại khán phòng, tạo nên cuộc đối thoại nghệ thuật thú vị giữa Đông với Tây, giữa tranh với nhạc; giữa bột màu, giấy dó mỏng manh với cấu trúc chặt chẽ của âm nhạc cổ điển. 

Âm nhạc cổ điển và các tác phẩm hội họa đỉnh cao theo phong cách Đông Dương, được thưởng lãm trong một không gian kiến trúc Pháp cổ với tuổi đời hơn 100 năm tuổi…, tất cả như đang xóa nhòa đi ranh giới giữa âm nhạc và hội họa, tạo nên một tổng hòa của các giác quan giữa một không gian đặc biệt mang đậm dấu ấn của lịch sử và tinh hoa giữa phương đông và phương Tây. Triển lãm đã tạo ra một tinh thần liên văn hóa, một sự giao thoa kỳ diệu giữa các loại hình nghệ thuật trong cùng một không gian và thời gian.

Với triển lãm “Nguyễn Tư Nghiêm - Đối thoại với nhạc cổ điển phương Tây”, Ana Mandara Đà Lạt đã khẳng định được sự phát triển mạnh mẽ của khu nghỉ trong lĩnh vực nghệ thuật, không chỉ về mặt số lượng mà còn về chất lượng. Các chủ đề, hình thức, cách thể hiện cũng ngày càng được đầu tư, sáng tạo để mang đến những trải nghiệm đa dạng cho khán giả. Không dừng lại ở hội họa, ở đó còn có các tác phẩm đa dạng về chất liệu như gương, gỗ, giấy… đến các triển lãm nghiên cứu đặc thù về sinh vật cảnh tại Đà Lạt, và đến hiện tại là những thể nghiệm giữa hội họa và âm nhạc… Ana Mandara Đà Lạt đang nỗ lực làm mới mình trong hành trình gắn bó với nghệ thuật, mang nghệ thuật đến gần hơn với công chúng trong sự sáng tạo và dựa trên những chất liệu độc đáo riêng có của mình. Chính điều đó đã tạo nên sự đặc biệt, và được ghi nhận bởi các họa sĩ, các giám tuyển nổi tiếng cả ở trong nước và quốc tế như Ace Lê, Nguyễn Như Huy…

Còn với Pianist Trần Lê Bảo Quyên - chủ nhân của bộ sưu tập và cũng là nghệ sĩ trực tiếp biểu diễn tại triển lãm, cô cho biết: “Tôi cảm thấy rất may mắn khi được biểu diễn tại Ana Mandara Đà Lạt - một không gian văn hóa giao thoa giữa Đông và Tây. Mừng hơn nữa là nơi đây đã giúp mọi người được biết đến nhiều hơn với nhạc cổ điển và cụ Nguyễn Tư Nghiêm. Được chơi đàn ở đây, giữa những bức tranh của cụ, nó là một trải nghiệm đặc biệt, không giống như tôi biểu diễn ở các phòng hòa nhạc lớn, tôi có cảm giác như cụ Nghiêm đang dõi theo hành trình làm nghề của mình”.
 

Pianist Trần Lê Bảo Quyên xúc động chia sẻ cảm xúc tại buổi khai mạc triển lãm.

Triển lãm Nguyễn Tư Nghiêm - Đối thoại với nhạc cổ điển phương Tây, diễn ra từ ngày 10/3 đến ngày 17/3. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Lễ hội Âm nhạc Cổ điển Đà Lạt 2024 do Vietnam Youth Music và Vietfest đồng sáng tạo và tổ chức. Và tại lễ bế mạc triển lãm (17/3), nghệ sĩ piano người Đức - Tim Allhoff, sẽ biểu diễn các tác phẩm cổ điển xen lẫn với những sáng tác cá nhân theo nhiều phong cách đa dạng.

Link nội dung: https://luxlifestyle.vn/buoc-tien-moi-trong-hanh-trinh-nghe-thuat-ket-hop-voi-nghi-duong-tai-ana-mandara-da-lat-a25621.html