Từ thanh âm quen thuộc “đây là đài tiếng nói Việt Nam” đến không gian nghệ thuật Bách Thảo Collective 

Hoài Trần

Trong lòng quận Nhất, thuộc Bảo tàng lịch sử TP HCM cổ kính, một không gian ấm cúng đã dần hình thành những buổi sinh hoạt ‘âm nhạc – hội hoạ - điện ảnh’ mang tên “Bách Thảo”. Đó là nơi những con người gạo cội trong nghề ngồi lại bóc tách, bàn chuyện nghệ thuật một cách gần gũi, và giá trị vượt ngoài tưởng tượng của người tham dự … 

bach-thao-collective-1667292432.jpeg
Không gian Bách Thảo Collective tại Bảo tàng lịch sử TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Bách Thảo Collective

Bảo tàng lịch sử TP HCM được biết là nơi bảo tồn và trưng bày hàng chục ngàn hiện vật quý được sưu tầm trong và ngoài nước Việt Nam, nằm tại số 2 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, Quận 1, trong khuôn viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Hai tháng gần đây, một không gian ấm cúng trong bảo tàng vốn là phòng tranh Lý Thị Auction dần trở thành địa điểm quen thuộc của cộng đồng yêu nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc, hội hoạ và điện ảnh, tạo nên bởi ‘Bách Thảo Collective’. 

khong-gian-bach-thao-collective-1667292879.jpeg
Bách Thảo Collective sinh hoạt tại phòng tranh Lý Thị Auction - những ngày đầu chuẩn bị. Ảnh: Bách Thảo Collective

Những gì không gian nghệ thuật nơi đây tạo ra vượt ngoài trông đợi của khán giả, khi nội dung thể hiện vốn chỉ ‘trên tivi, trên sách báo và radio’ được giải thích, chia sẻ thấu đáo với thiện chí cởi mở và chân tình. Đó là nơi hiếm hoi mà những nhân vật gạo cội như nhạc sĩ Vũ Huy Tiến, nhạc sĩ Lưu Hữu Chí, pianist Thuý Uyển, … xuất hiện, nói về nghệ thuật, về giá trị lịch sử, về cái hay của những tác phẩm, … 

Buổi đầu tiên ngày 18/8/2022, người tham dự đơn thuần là rủ nhau đi ‘coi phim miễn phí’ The Legend of 1900 (1998, đạo diễn Giuseppe Tornatore) nhưng lại nhận về bất ngờ khác. Hơn cả một buổi chiếu phim thông thường, người tham dự buổi trình chiếu này còn được ‘phù thuỷ piano’ Hoàng Việt Trí đã giải thích về cây đàn piano và nhạc Jazz, nghe nhạc sĩ danh tiếng Vũ Huy Tiến kể chuyện nhạc Jazz và chơi piano, nghe tiếng đàn của Nguyễn Đăng Trung Thuỵ. 

nhac-si-danh-tieng-vu-huy-tien-1667292297.jpeg
Nhạc sĩ Vũ Huy Tiến. Ảnh: Bách Thảo

Những buổi tiếp theo, người tham dự lại tò mò "Trăng lên nhớ đất phương Nam" sẽ như thế nào. Rồi lại bất ngờ nghe các trích đoạn cải lương, giải thích về câu ca, câu hò, hát với, … trong từng trích đoạn.  Nào là "Dạ cổ hoài lang", hiều phiên bản lạ lẫm của bài "Vọng cổ” được thể hiện bởi nghệ sĩ  Song Oanh, nghệ sĩ Hữu Hạnh, trên tiếng đờn réo rắt của nghệ sĩ thấm thía cái tình Nam Bộ được vang lên trong không gian di sản. Tưởng chừng những câu ca xưa ít nhiều bị lãng quên sẽ không bắt nhịp cùng với thời đại, nhưng người xem đã ở lại đến khuya, còn hẹn "bữa sau ghé nữa". 

nghe-si-chinh-dan-hoang-viet-tri-1667292433.jpeg
'Phù thuỷ piano' Hoàng Việt Trí chỉnh lại thanh âm trước mỗi buổi biểu diễn. Ảnh: Bách Thảo Collective

Nói về việc ra đời của không gian kết nối văn hóa - nghệ thuật này, chị Nguyễn Điền Lan Chi - Production Director Bách Thảo, và là một trong những sáng lập đầu tiên, chia sẻ: “Xuất phát từ tình yêu với phim ảnh và âm nhạc, chúng tôi tổ chức những buổi xem phim và giao lưu văn hóa với mong muốn góp phần lan tỏa đến các thế hệ những giá trị bản địa của Việt Nam, nhất là vùng đất Miền Nam - nơi gia đình, bạn bè mình sinh sống.”

Mới đây nhất, ngày 30/10, Bách Thảo Collective chiêu đãi khán giả với Bách Thảo Concert mang tên "Tâm hồn Việt Nam", có sự tham gia của 16 nghệ sĩ trình diễn, cùng nhau kể chuyện về về tâm hồn con người vùng đất phương Nam, về tuổi thơ thấm đẫm âm nhạc xứ sở và những câu dân ca đi vào tiềm thức. "Tâm hồn Việt Nam" dưới sự dẫn dắt của pianist Nguyễn Thúy Uyển, sự chỉ huy của Nhạc sĩ Lưu Hữu Chí, tạo ngữ điệu âm thanh của Phù Thủy Piano Hoàng Việt Trí và các nghệ sĩ khác.

tu-thanh-am-quen-thuoc-day-la-dai-tieng-noi-viet-nam-den-khong-gian-nghe-thuat-bach-thao-collective-1667292187.JPG
Bách Thảo Collective đưa giàn nhạc giao hưởng biểu diễn trong không gian ấm cúng và gần gũi hơn. Ảnh: Bách Thảo Collective

Trong chương trình, nhạc sĩ Văn Hai và Tiến sĩ Lê Hồng Phước (Giảng viên trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn TP HCM) đã khiến khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi biến đấu những thanh âm vui, buồn chỉ trên cùng một nốt nhạc.

Đêm nhạc còn tái hiện lại những bản dân ca Lý cây bông, ru con, … trên giàn nhạc vốn xuất phát từ phương Tây như piano, violin, cello, ... Hay đáng chú ý, bản giao hưởng ‘Bài ca đất Phương Nam’ đậm chất Việt Nam, phác thảo nên một kí ức Nam bộ trọn vẹn và đầy xúc cảm. Tác phẩm do con trai cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước - Lưu Hữu Chí chỉ huy, tác giả Thái Kiệt chuyển soạn riêng cho Bách Thảo Concert, nhân dịp kỷ niệm tròn 25 năm ra mắt ca khúc và bộ phim Đất Phương Nam.

Chia sẻ tại buổi hoà nhạc, chị Lý Bích Ngọc, sáng lập và cũng là giám đốc Lý Thị Auction đã bày tỏ mong muốn tạo ra một không gian sinh hoạt nghệ thuật chất lượng, vì những giá trị nuôi dưỡng tâm hồn mà các tác phẩm mang lại.

bac-thao-collective-1-1667293461.jpeg
Một buổi chiếu phim kết hợp workshop tại Bách Thảo. Ảnh: Bách Thảo Collective

Về một trong những mảnh ghép thôi thúc lập nên Bách Thảo Collective, chị Lan Chi kể lại: “Tôi nhớ có lần dạy học về Sáng tạo, các bạn sinh viên rất sôi nổi nói về âm nhạc thường có trong các phim quảng cáo. Các bạn nói phim các nhãn hàng đắt tiền, thì thường dùng nhạc sang sang. Tôi hỏi “sang sang” là sao, diễn tả cụ thể đi em. Các bạn nói là thường dùng nhạc giao hưởng. Tôi lại hỏi “giao hưởng là nhạc như thế nào?”, em ấy nói là không biết.”

Thời điểm đó, chị Chi nghĩ bạn sinh viên này mắc cỡ, không dám diễn giải về một khái niệm vì sợ nói ra lại không đủ ý. “Thật sự điều này làm tôi thấy hơi buồn! Tự tin trình bày kiến thức là một việc ngươi tri thức nào cũng có thể làm và nên làm. Vì kiến thức của nhân loại có sức mạnh khiến bản thân ta ngày càng tiến bộ hơn, ngay cả khi ta chỉ đơn giản nhắc đến tên/khái niệm của chúng trong 5,10 giây”, chị Chi bày tỏ.

bach-thao-collective-1667293019.jpg
Người tham dự buổi hoà nhạc "Tâm hồn Việt Nam" trải dài ở nhiều độ tuổi, quốc tịch. Ảnh: Bách Thảo Collective

Nhà sáng lập Bách Thảo Collective cho rằng, âm nhạc luôn là cách dễ dàng nhất để kết nối từ trái tim đến trái tim. “Tôi rất yêu những âm thanh đẹp và câu chuyện hay hình ảnh nảy ra trong đầu khi nghe âm thanh. Vì vậy thật hân hoan khi có thể kết hợp với các nghệ sĩ tâm huyết, lập ra Bách Thảo Concert và trình diễn ở một không gian khán phòng ấm cúng, phong cách Đông Dương như Bách Thảo Collective - Bảo Tàng Lịch sử Việt Nam Tp.HCM. Các nghệ sĩ khí nhạc thường theo đuổi nghề trình diễn rất lâu dài, tình yêu âm nhạc của tôi và các bạn cộng sự cũng vậy. Chắc từ nhỏ tôi đã yêu âm nhạc từ những câu à ơi mẹ ru hay tiếng dàn nhạc giao hưởng trên sóng radio Việt Nam: “đây là đài tiếng nói Việt Nam phát thanh từ thủ đô Nước Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam””, chị cho biết thêm.

tu-thanh-am-quen-thuoc-day-la-dai-tieng-noi-viet-nam-den-khong-gian-nghe-thuat-bach-thao-collective-1-1667293218.jpg
Nhạc sĩ Lưu Hữu Chí - chỉ huy giàn nhạc trong đêm "Tâm hồn Việt Nam", giao lưu cùng khán giả. Ảnh: Bách Thảo Collective

Theo chị Lan Chi, “Kiến thức về nghệ thuật và văn hóa – là tình yêu của con người chúng ta với thế giới thiên nhiên, nhân loại mấy ngàn năm lịch sử. Vì vậy nếu có thể đóng góp công sức nhỏ nhoi hơn hạt cát của mình trong dòng chảy lan tỏa vẻ đẹp của kiến thức về nghệ thuật và văn hóa, tôi đã và đang có cuộc sống rất thú vị và viên mãn”.

Kể từ buổi chiếu phim đầu tiên, đến nay, Bách Thảo Collective đã trải qua 13 buổi chiếu phim, hoà nhạc, kết hợp workshop trao đổi chuyên sâu về âm nhạc, thu hút khán giả Việt Nam lẫn quốc tế - ngay cả một vài người cần nhờ đến phiên dịch vẫn hào hứng tham dự.

Xuyên suốt chặng đường vừa qua, ngân sách hoạt động tại Bách Thảo hoàn toàn đến từ sự đóng góp của các cộng sự sáng lập Bách Thảo Collective. “Bán vé hòa nhạc đủ kinh phí cho nghệ sĩ và bánh nước phục vụ khán giả tham gia chương trình là vui lắm rồi”, chị Lan Chi nói.

Cùng với các tác giả, nghệ sĩ tài năng, đồng đội nhiệt huyết, những lời cảm ơn, lời khen ngợi, .. của khán giả, hành trình đưa nghệ thuật đến gần công chúng của Bách Thảo chỉ mới bắt đầu …