10 dấu hiệu phổ biến của chứng "trầm cảm thầm lặng" - Perfectly Hidden Depression

Hà Lam

Có nhiều loại trầm cảm, nhưng trong đó có một loại đặc biệt khó nhận thấy và thường nấp dưới vỏ bọc “tính cầu toàn”, gọi là “trầm cảm thầm lặng” (Perfectly Hidden Depression) – một thuật ngữ do tiến sĩ tâm lý Margaret Rutherford đặt ra.

Có nhiều loại trầm cảm, nhưng trong đó có một loại đặc biệt khó nhận thấy và thường nấp dưới vỏ bọc “tính cầu toàn”, gọi là “trầm cảm thầm lặng” (Perfectly Hidden Depression) – một thuật ngữ do tiến sĩ tâm lý Margaret Rutherford đặt ra. Dưới đây là bài viết của bà mô tả các dấu hiệu của loại vấn đề tâm lý này.

10-dau-hieu-pho-bien-cua-chung-tram-cam-tham-lang-perfectly-hidden-depression-1645721451.jpeg

Câu hỏi thú vị khi khám phá và tìm hiểu về trầm cảm thầm lặng (perfectly hidden depression – viết tắt là PHD) đó là: nếu bạn không biết cách bộc lộ nỗi đau ẩn chứa trong lòng thì người khác làm sao có thể giúp bạn? Làm thế nào bạn có thể tự nhận ra điều đó?

Chúng ta cần nhận biết được đâu là dấu hiệu của chứng trầm cảm thầm lặng (thuật ngữ này do tôi đặt tên). Triệu chứng của nó là gì? Đó là một nhóm các cách ứng xử hoặc niềm tin thường đi kèm với nhau, giống như muối hay đi với tiêu vậy. Khi bạn thấy một dấu hiệu này, bạn cũng sẽ thấy dấu hiệu khác đi kèm.

Hy vọng rằng việc nhận biết các dấu hiệu này sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn cho chính mình hay với tư cách là bác sĩ, nhà trị liệu, giáo viên hay một người bạn. Tôi nghĩ nên ngừng phần giới thiệu về hội chứng trầm cảm thầm lặng tại đây – một triệu chứng tâm lý không giống với trầm cảm thông thường nhưng mang những mối nguy hại tiềm ẩn.

10 dấu hiệu thường thấy ở người mắc chứng trầm cảm thầm lặng

Sau đây là 10 dấu hiệu cơ bản của hội chứng PHD. Không phải ai có hội chứng này cũng đều có đủ 10 dấu hiệu đó. Nhưng nhìn chung dấu hiệu của các trường hợp khá nhất quán.

  1. Bạn có tính cầu toàn cao, tiếng nói nội tâm luôn hiện hữu, chỉ trích và đay nghiến

Tính cầu toàn là một phần trong tính cách của bạn. Bạn luôn cố gắng hết sức trong mọi việc, bạn nghĩ “nếu việc đó đáng để làm, thì nó phải được làm cho thật tốt”. Nhưng lúc nào cũng vậy, bạn hay mắng nhiếc bản thân nếu bạn không đạt thành tích cao.

Bạn có thể vẫn cho phép bản thân mình không giỏi ở một lĩnh vực nào đó, ví dụ cười to và nói rằng có chết mình không biết trượt băng.

Nhưng nếu đó là việc bạn đang theo đuổi hoặc có ý nghĩa với bạn, thì bạn đòi hỏi nó phải xuất hiện dưới hai chữ “hoàn hảo”, đặc biệt là khi được người khác nhìn vào và đánh giá. Bạn cần phải là người cha/mẹ hoàn hảo, một luật sư thành công nhất, là lớp trưởng, hoặc một người bạn tuyệt vời nhất. Bạn không ngừng đánh giá bản thân, và nếu không đạt được những gì mình mong đợi thì áp lực sẽ đè nặng lên bạn. Sự xấu hổ tồn tại trong nội tâm sẽ chi phối các lựa chọn và cuộc đời bạn.

  1. Bạn thể hiện tinh thần trách nhiệm cực kỳ cao

Bạn có tính tự giác rất cao về trách nhiệm, nghĩa vụ, sự trung thành và là người có thể tin cậy trong những tình huống khó khăn. Bạn là người phát hiện ra những điều bất ổn và tìm kiếm các giải pháp. Bạn là một người lãnh đạo tốt mặc dù không hẳn là người đại diện tuyệt vời.

Tinh thần trách nhiệm cao có thể khiến bạn khổ sở, thay vì dành thời gian để có cái nhìn toàn diện, bạn lại trách móc bản thân mình. Điều này có thể khiến bạn dễ bị lợi dụng.

  1. Khó khăn trong việc chấp nhận và bộc lộ nỗi đau

Khi tôi ngồi đối diện với một người, họ đang thổ lộ về những mất mát và nỗi thất vọng nhưng trên môi lại nở nụ cười tươi rói, tôi biết còn một con người khác đang trốn sau vỏ bọc đó. Chuyện này không thường xuyên xảy ra nhưng khiến tôi tự đặt câu hỏi cho mình với tư cách là một nhà trị liệu.

Họ sẽ né tránh và chối bỏ cơn giận. Nỗi buồn sẽ được chôn sâu. Sự thất vọng chỉ dành cho kẻ hay than vãn. Có lẽ trong từ điển của bạn không có từ nào để thể hiện các cảm xúc này. Bạn quẩn quanh với suy nghĩ lý trí mà thiếu đi sự kết nối với trái tim – bạn chỉ quen phân tích, giải mã và suy nghĩ thông qua mọi việc.

  1. Bạn hay lo lắng và tránh né những tình huống bạn không thể kiểm soát

Bạn không phải là người quen với kiểu “sống trong thực tại”. Ví dụ như khi tập yoga, bạn sẽ thường ghét tư thế cuối cùng, vốn yêu cầu bạn thở và thư giãn. Bạn thích nấu nướng nhưng lại không thích ngồi thưởng thức món ăn cùng những vị khách.

Nhu cầu kiểm soát của bạn khá mạnh, vì thế mà bạn tốn nhiều thời gian lo lắng về những rắc rối có thể xảy ra, gây ảnh hưởng đến quyền kiểm soát của bạn. Trớ trêu thay, bạn lại rất muốn che giấu những lo lắng đó. Vì vậy người khác không nhận ra được bạn đang lo lắng. Mọi người sẽ lắc đầu và tự hỏi “bạn dường như chẳng bao giờ quan tâm đến điều gì. Những thứ nhỏ nhặt không khiến bạn phải để tâm.”

Bạn sẽ vờ như mọi thứ diễn ra suôn sẻ mà không cần phải nỗ lực quá nhiều, nỗi lo được giấu kín, sau những nụ cười.

  1. Bạn tập trung cao độ vào nhiệm vụ, lấy thành tích làm thước đo giá trị của mình

“Thành công sẽ nói lên tài năng của bạn.” Bạn tập trung vào hành động và thành tích để hướng sự chú ý của mình ra khỏi cảm giác bất an trong nội tâm hay sự sợ hãi đang tìm cách bộc lộ ra ngoài.

Xét một khía cạnh nào đó, chúng ta đều hành động như vậy. Nếu bạn có một ngày tệ hại, bạn sẽ thấy tâm trạng tốt hơn khi hoàn thành một việc mà trước đó bạn bỏ dở. Hoặc bạn được thăng tiến trong công việc. Hay một ai đó gửi mail cảm ơn sự tử tế đầy ý nghĩa của bạn đối với họ. Mục đích tốt đẹp và các nỗ lực thực sự mang đến giá trị.

Nhưng bạn lại đẩy nó đi quá xa. Có lẽ bạn không biết điều gì mang lại cho bạn cảm giác tự tin ngoại trừ thành quả và nhiệm vụ. Và đó chính là vấn đề.

  1. Bạn thường quan tâm chân thành đến hạnh phúc của người khác, nhưng ít khi cho ai biết thế giới nội tâm của mình

Sự quan tâm của bạn là chân thành, không phải là giả tạo. Bạn rất giỏi trong việc quan tâm người khác. Tuy nhiên, bạn không để người khác cảm nhận được sự bất ổn trong bạn. Bạn giấu kín nỗi đau trong quá khứ. Có thể vợ/chồng bạn biết quá khứ đó nhưng nó không bao giờ là đề tài trong các cuộc nói chuyện, chia sẻ.

Bạn sẽ dựng lên một bức tường phòng thủ trước những ai khám phá ra nỗi cô đơn, mệt mỏi, trống rỗng hay những cảm xúc lẫn lộn tràn ngập trong bạn.

Điều đó đặc biệt trở nên đáng sợ khi ý định tự tử xuất hiện. Và bạn không để ai bước vào thế giới riêng của bạn.

Nghiệt ngã thay, ngay cả khi bạn cho phép, người đó cũng không tin, họ sẽ nghĩ “Cái gì? Anh ư? Trầm cảm sao? Sao có thể như thế, anh có mọi thứ trên thế giới này còn gì”. Và điều đó có thể dẫn đến một kết quả tàn khốc.

  1. Bạn xem nhẹ hoặc gạt bỏ tổn thương, sự lạm dụng mà bạn phải chịu trong quá khứ cũng như hiện tại

Tách biệt cảm xúc là một kỹ năng. Nó là khả năng cho phép bị tổn thương, buồn bã, thất vọng, tiếc nuối, giận dữ và gác lại cảm giác đó qua một bên cho đến khi bạn có thể đối mặt với những cảm giác đó tốt hơn. Người có sức khỏe tinh thần tốt cũng thường làm thế suốt. Thậm chí có thể làm điều đó trong sự vui vẻ và thoải mái. Nhưng cũng có lúc kỹ năng này gây hại.

Nếu bạn mắc hội chứng PHD, bạn tách biệt một cách quá cứng nhắc. Bạn tạo một chiếc hộp kiên cố nơi bạn khóa giữ những cảm xúc đau đớn, vô thức hay cố ý, rồi để nó vào nơi bí mật tăm tối nhất trong tâm trí. Điều đó cho phép bạn xem nhẹ, chối bỏ hoặc phớt lờ tác động của những trải nghiệm mang lại nỗi đau trong quá khứ hay hiện tại.

Một người phụ nữ có hội chứng PHD gần đây có gửi mail cho tôi, nói rằng cô ấy được chẩn đoán là mắc bệnh rối loạn căng thẳng sau sang chấn (gọi tắt là PTSD), và cô ấy hoàn toàn không quan tâm đến nó. Cô ấy viết “Điều này chẳng có gì to tát cả. Người khác còn gặp những chuyện tệ hơn thế nhiều.” Suy nghĩ này có thể đúng hoặc không, nhưng nỗi đau vẫn sẽ là nỗi đau.

  1. Bạn có một số vấn đề về sức khỏe tinh thần, bao gồm kiểm soát hoặc trốn tránh nỗi lo

Cuộc đời bạn được đặt dưới sự kiểm soát và điều khiển chặt chẽ. Vì thế, các chẩn đoán về tâm thần thường đi cùng hội chứng PHD cũng sẽ có liên quan đến việc kiểm soát, như hội chứng rối loạn ăn uống, rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Rượu bia hoặc thuốc an thần có thể là một cách bạn dùng để giải tỏa lo lắng.

  1. Bạn có niềm tin mạnh mẽ rằng may mắn là nền tảng của hạnh phúc

Tôi tin vào những điều may bạn có được. Bạn thì cho rằng: những may mắn đó là điều tốt đẹp, chúng giúp bạn luôn giữ được tinh thần lạc quan và biết ơn. Tuy nhiên nếu đã đọc đến đây và bạn có hội chứng PHD, có lẽ bạn sẽ có chút cảm giác áy náy hay thậm chí xấu hổ khi cả cuộc đời bạn luôn tích cực một cách thường hằng. Thấy thương cảm cho chính mình sao? Câu hỏi đó hơi lạc đề mất rồi, bạn có quá nhiều may mắn. Và bất kỳ điều gì liên quan đến lòng trắc ẩn đều được xem là dành cho những kẻ hay than vãn. Đó là điều không thể chấp nhận.

  1. Bạn gặp khó khăn về cảm xúc trong các mối quan hệ cá nhân, nhưng lại thể hiện những thành công đáng ngưỡng mộ

Sự bất ổn và tổn thương trong một mối quan hệ tình cảm thật sự khó khăn đối với bạn. Mặc dù là người làm việc hiệu quả cao và có thành quả, bạn lại khó có thể tiến đến một mức độ thân thiết nhất định. Và bạn có thể sẽ chọn người mà thực ra không chấp nhận sự tổn thương tình cảm, hay không có khả năng đó.

Mối quan hệ hai người cơ bản sẽ dựa trên những gì mà các bạn làm cho nhau, chứ không phải con người thật của mỗi người dành cho nhau thế nào, và bạn tập trung vào con cái, sự nghiệp và cố thể hiện hai người là một cặp đôi hoàn hảo.

Tác giả: Margaret Rutherford