Câu hỏi đáng suy ngẫm trong lễ tốt nghiệp trường đại học Stanford của Steve Jobs: Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của đời mình, liệu mình có muốn làm những điều đang định làm?

Hà Lam

Chỉ với 15 phút, bài phát biểu năm 2005 của Steve Jobs tại Stanford trở thành "kinh thánh" cho nhiều thế hệ. Sự sống - cái chết được đề cập đến nhẹ nhàng, bóc tách đơn giản mà chạm đến trái tim nhiều người ...

cau-hoi-dang-suy-ngam-trong-le-tot-nghiep-truong-dai-hoc-stanford-cua-steve-jobs-neu-hom-nay-la-ngay-cuoi-cung-cua-doi-minh-lieu-minh-co-muon-lam-nhung-dieu-dang-dinh-lam-1647218098.jpeg
ẢSteve Jobs. Ảnh: Cultofmac

Steven Paul "Steve" Jobs là doanh nhân và nhà sáng chế người Mỹ. Ông là đồng sáng lập viên, chủ tịch, và cựu tổng giám đốc điều hành của hãng Apple, là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất ở ngành công nghiệp vi tính. Di sản ông để lại cho nhân loại không chỉ là Apple, là những tiến bộ kĩ thuật, mà còn là hàng hoạt tư tưởng thúc đẩy tiến bộ của con người.

Dưới đây là bản dịch của toàn văn bài phát biểu đầy tâm sự và chiêm nghiệm của một trong những thiên tài trong lịch sử công nghệ thế giới hiện đại.

"Tôi vinh dự có mặt cùng các bạn tại lễ phát bằng tốt nghiệp hôm nay tại một trong những trường đại học tốt nhất thế giới. Tôi chưa bao giờ tốt nghiệp đại học. Thực sự đây là lần tôi tiến “gần” nhất đến một lễ tốt nghiệp đại học. Hôm nay, tôi muốn kể ba câu chuyện đời mình. Chỉ có vậy, không có gì to tát. Chỉ ba câu chuyện.

*

Câu chuyện thứ nhất là về việc kết nối các điểm.

Tôi đã bỏ trường Reed sau 6 tháng học, nhưng rồi vất vưởng ở đó trong 18 tháng trước khi tôi chính thức bỏ học. Tại sao tôi lại bỏ học?

Điều đó bắt đầu từ trước khi tôi được sinh ra. Mẹ đẻ tôi là một nữ sinh viên trẻ mới tốt nghiệp, độc thân, và bà quyết định mang tôi cho người khác nuôi. Bà tin tưởng mạnh mẽ rằng tôi nên được nuôi bởi những người đã tốt nghiệp đại học, vậy là mọi việc được sắp đặt để tôi làm con nuôi một cặp vợ chồng luật sư. Nhưng rồi khi tôi ra đời thì họ lại quyết định vào phút chót là thực sự muốn nuôi một bé gái. Thế là bố mẹ nuôi của tôi, lúc đó đang trong danh sách chờ, nhận được một cú điện thoại lúc nửa đêm để hỏi rằng “Chúng tôi có một đứa bé trai không được mong đợi, ông bà có muốn nhận nó không?” Họ bảo “Tất nhiên”. Sau đó mẹ đẻ tôi biết được là mẹ nuôi tôi thì chưa tốt nghiệp đại học, còn bố nuôi tôi thì chưa tốt nghiệp trung học và bà từ chối kí giấy tờ cho con. Bà chỉ đồng ý vài tháng sau đó, khi bố mẹ nuôi tôi hứa một ngày nào đó tôi sẽ được học đại học.

17 năm sau tôi cũng vào đại học. Nhưng tôi đã ngây thơ khi chọn một trường đại học đắt đỏ gần ngang tầm Stanford, và tất cả tiền tiết kiệm của bố mẹ nuôi - thuộc tầng lớp lao động - đã phải dành cả để đóng học phí. Sau 6 tháng, tôi chẳng thấy được lợi ích gì của việc đó. Tôi chẳng biết tôi muốn làm gì với đời mình và cũng chẳng biết liệu trường đại học có thể giúp tôi trả lời câu hỏi đó. Tôi đã tiêu tất cả tiền tiết kiệm mà bố mẹ nuôi dành dụm cho lúc về già. Vậy là tôi quyết định bỏ học và tin rằng rồi mọi chuyện cũng sẽ ổn thỏa. Lúc đó cũng hơi sợ, nhưng nhìn lại thì đó là một trong những quyết định đúng đắn nhất của tôi. Lúc bỏ học, tôi bỏ những giờ học mà mình không thích để bắt đầu dự thính những môn học khác mà mình thấy có vẻ thú vị hơn.

Mọi chuyện không diễn ra như trong tiểu thuyết. Tôi không có phòng trọ, vì thế phải ngủ nhờ dưới sàn trong phòng của các bạn, đem trả vỏ chai coke để kiếm 5 cent mua đồ ăn, và chủ nhật nào cũng đi bộ 7 dặm sang bên kia thành phố để có một bữa ngon mỗi tuần ở đền Hare Krishna. Tôi yêu thích điều đó. Nhất là khi việc theo đuổi sự tò mò và trực giác của mình trở nên vô giá sau này. Để tôi đưa ra một ví dụ:

Thời điểm đó Reed có lẽ là trường đại học dạy môn nghệ thuật viết chữ đẹp tốt nhất nước. Trong khắp khu trường, mỗi tấm áp phích, nhãn mác trên từng chiếc ngăn kéo đều được viết chữ rất đẹp. Vì đã thôi học và không phải học những giờ thông thường nên tôi quyết định tham gia giờ nghệ thuật viết chữ để học cách tạo ra chúng. Tôi đã học về kiểu chữ có chân và không chân, học cách thay đổi khoảng cách giữa các kí tự, học để biết điều gì khiến một bản in trở nên đẹp. Nó mang tính thẩm mỹ, lịch sử, tinh tế, sắc sảo theo một cách mà khoa học không thể nắm bắt được, và tôi thấy điều đó hấp dẫn.

Những thứ đó đã chẳng mang lại hy vọng nào có thể áp dụng thực tế cho cuộc sống của tôi. Nhưng 10 năm sau, khi chúng tôi đang thiết kế chiếc Machintosh đầu tiên, tất cả những điều đó đã trở lại với tôi. Và chúng tôi đã thiết kế tất cả những thứ đó cho Mac. Nó là chiếc máy tính đầu tiên có những mẫu chữ đẹp. Nếu tôi không tham gia vào giờ học đó ở trường, máy Mac sẽ chẳng bao giờ có nhiều kiểu chữ hay tỉ lệ khoảng cách phông chữ như vậy. Và vì Windows chỉ copy Mac nên sẽ không máy tính cá nhân nào có những phông chữ đó. Nếu không bỏ học, tôi sẽ không tham gia vào giờ học nghệ thuật chữ đẹp đó, và các máy tính cá nhân chẳng thể có được những phông chữ tuyệt vời như bây giờ. Tất nhiên khi tôi đang ở trường đại học thì tôi không thể kết nối những điều đó. Nhưng 10 năm sau, điều đó rất, rất rõ ràng khi nhìn lại.

Xin nhắc lại, các bạn không thể kết nối những điểm đó khi nhìn về tương lai; Các bạn chỉ có thể kết nối chúng khi nhìn lại. Vì thế, các bạn phải tin rằng, bằng cách nào nó, những điểm mốc sẽ liên kết với nhau trong tương lai của mình. Các bạn phải tin vào điều gì đó - sự quyết tâm, số phận, cuộc sống, nhân quả của mình hay bất cứ thứ gì. Phương pháp đó chưa bao giờ làm tôi thất vọng, và nó đã tạo ra tất cả những khác biệt trong cuộc sống của tôi.

*

Câu chuyện thứ hai của tôi là về tình yêu và mất mát.

Tôi đã may mắn khi biết những gì mình muốn làm từ khi còn trẻ. Woz và tôi khởi động Apple trong gara của bố mẹ khi tôi 20 tuổi. Chúng tôi đã làm việc chăm chỉ, và sau 10 năm, từ chỗ chỉ có 2 người chúng tôi trong gara nhỏ, Apple đã phát triển thành một công ty trị giá 2 tỷ đô la với hơn 4.000 nhân viên. Một năm trước đó, chúng tôi đã ra mắt sáng tạo tốt nhất của mình - máy Macintosh - khi tôi mới sang tuổi 30. Và rồi tôi bị sa thải. Làm cách nào mà bạn có thể bị một công ty do chính mình tạo ra đuổi việc?

Vì Apple phát triển nên chúng tôi đã thuê người, mà tôi tưởng rằng rất thông minh, cùng điều hành công ty với tôi, và trong khoảng một năm đầu tiên mọi việc diễn ra suôn sẻ. Nhưng rồi quan điểm của chúng tôi về tương lai bắt đầu trệch nhau, cuối cùng là tan rã. Lúc diễn ra chuyện đó, ban giám đốc đứng về phía anh ta. Vậy là khi 30 tuổi tôi bị đuổi. Bị đuổi một cách rõ ràng. Những thứ tôi theo đuổi cả thời thanh niên đã ra đi, và nó làm tôi suy sụp.

Tôi thực sự chẳng biết làm gì trong vài tháng. Tôi cảm thấy rằng mình đã làm những thế hệ những nhà đầu tư trước đây thất vọng, rằng tôi đã để rơi cây gậy chỉ huy khi nó được chuyển lại cho mình. Tôi đã gặp David Packard và Bob Noyce để cố xin lỗi vì mình đã cư xử không hay. Tôi đã thua hiển nhiên, và thậm chí đã nghĩ đến việc rời bỏ thung lũng (Silicon). Nhưng có điều gì đó đã từ từ hé lộ trong tôi - Tôi vẫn yêu những gì mình đã làm. Biến cố ở Apple chẳng làm thay đổi tình cảm đó chút nào. Tôi đã bị ruồng bỏ nhưng tôi vẫn còn yêu nó. Và vậy là tôi quyết định mình sẽ làm lại.

Lúc đó tôi không nhận thức được, nhưng rồi hóa ra bị Apple sa thải lại là điều tuyệt vời nhất từng xảy đến trong đời mình. Gánh nặng của thành công đã được thay bằng sự nhẹ nhàng của việc lại trở thành người khởi nghiệp, ít chắc chắn hơn về mọi thứ. Nó đã khiến tôi tự do để bước vào một trong những giai đoạn sáng tạo nhất của đời mình.

5 năm sau đó, tôi khởi động công ty NeXT cùng một công ty khác có tên Pixar, và yêu một người phụ nữ tuyệt vời, người sau này trở thành vợ tôi. Pixar đã sáng tạo ra bộ phim hoạt hình sử dụng công nghệ máy tính đầu tiên trên thế giới - Toy Story - và giờ đây là xưởng phim hoạt hình thành công nhất thế giới. Một sự kiện đáng nhớ là Apple mua lại NeXT, tôi quay lại Apple và công nghệ mà chúng tôi phát triển tại NeXT trở thành là trái tim cho sự phục hưng hiện tại của Apple. Laurene và tôi cùng nhau có một gia đình hạnh phúc.

Tôi chắc rằng những điều đó sẽ chẳng bao giờ xảy ra nếu tôi không từng bị đuổi khỏi Apple. Đó là một viên thuốc đắng, nhưng tôi đoán bệnh nhân cần nó. Đôi khi cuộc đời ném một viên gạch vào đầu bạn. Đừng mất niềm tin. Tôi chắc chắn rằng thứ duy nhất giúp tôi tiếp bước là tình yêu tôi dành cho những thứ mình làm. Các bạn phải tìm cho ra thứ mình yêu. Điều này đúng cả trong công việc cũng như với những người bạn yêu. Công việc sẽ chiếm một phần lớn cuộc đời bạn, cách duy nhất để thực sự thỏa mãn là làm những gì các bạn tin đó là công việc tuyệt vời. Nếu chưa tìm ra, hãy tiếp tục tìm. Đừng dừng lại. Bằng trái tim mình các bạn sẽ biết khi nào tìm thấy nó. Và như bất kể mối quan hệ tuyệt vời vào khác, nó chỉ tốt hơn khi năm tháng trôi qua. Vậy nên hãy tiếp tục tìm kiếm cho đến khi tìm thấy. Đừng dừng lại.

*

Câu chuyện thứ ba của tôi là về cái chết.

Khi 17 tuổi, tôi đã đọc một câu châm ngôn có ý: "Nếu bạn sống mỗi ngày đều như ngày cuối cùng của đời mình, một ngày nào đó bạn chắn chắn sẽ đúng." Câu nói ấy đã để lại ấn tượng trong tôi, và kể từ đó, trong suốt 33 năm qua, tôi luôn nhìn vào gương mỗi sáng và tự hỏi: "Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của đời mình, liệu mình có muốn làm những điều đang định làm?" Và khi câu trả lời là "Không" trong nhiều ngày liên tiếp thì tôi biết mình cần thay đổi điều gì đó.

Ghi nhớ rằng mình sắp chết chính là phương cách quan trọng nhất tôi từng sử dụng khi phải đưa ra những lựa chọn lớn cho cuộc đời. Vì hầu hết tất cả mọi điều - tất cả sự kỳ vọng của mọi người, tất cả niềm tự hào, tất cả sự sợ hãi những xấu hổ hay thất bại - tất cả những điều đó đều biến mất khi phải đối mặt với cái chết, chỉ còn lại những thứ thực sự quan trọng. Ghi nhớ rằng mình sẽ chết là cách tốt nhất mà tôi biết khi cần tránh khỏi tình trạng cứ lo nghĩ rằng mình có điều đó để mất. Bạn đã hoàn toàn trần trụi. Chẳng có lí do nào để không đi theo sự mách bảo của con tim.

Khoảng một năm trước tôi được chẩn đoán bị ung thư. Tôi chụp cắt lớp lúc 7g30 sáng, và một khối u trong tuyến tụy hiện ra rất rõ. Tôi thậm chí chẳng biết tuyến tụy là gì. Các bác sỹ bảo tôi rằng có vẻ chắc đây là một dạng của ung thư và không chữa được, và rằng tôi nên chuẩn bị vì sẽ chỉ sống được từ 3 đến 6 tháng nữa. Bác sỹ riêng khuyên tôi về nhà và sắp xếp các việc của mình. Đó là cách nói của bác sỹ để bệnh nhân chuẩn bị cho cái chết. Điều đó có nghĩa là hãy cố gắng nói hết với con cái trong vài tháng tất cả những gì bạn từng định nói với chúng trong 10 năm tới. Rằng hãy đảm bảo mọi thứ được sắp đặt để mọi chuyện dễ dàng nhất cho gia đình. Nghĩa là cần nói những lời từ biệt.

Tôi đã sống với cái chẩn đoán ấy cả ngày. Tối hôm đó tôi kiểm tra sinh thiết, họ nhét một cái ống đèn nội soi vào cổ họng tôi, luồn xuống dạ dày và chui vào ruột, cắm một cái kim vào tụy để lấy vài tế bào của khối u. Tôi bình tĩnh, nhưng vợ tôi ở đó bảo rằng khi nhìn những tế bào dưới kính hiển vi, các bác sỹ đã reo lên khi phát hiện ra đó là một dạng đó là một dạng hiếm của ung thư tuyến tụy có thể chữa bằng phẫu thuật. Tôi đã trải qua cuộc phẫu thuật và giờ tôi khỏe mạnh.

Đó là lần gần nhất tôi đối diện cái chết, và tôi hy vọng đó lần "gần nhất" trong vài chục năm nữa. Sống qua trải nghiệm đó, giờ tôi có thể nói với các bạn chắc chắn hơn một chút, so với khi cái chết mang lại lợi ích nhưng thực sự chỉ là khái niệm tinh thần thuần túy.

Không ai muốn chết. Thậm chí những người muốn lên thiên đường cũng không muốn chết để được lên đó. Và đến giờ thì cái chết là cái đích chung mà tất cả chúng ta đều phải đến. Chưa ai từng thoát khỏi nó. Và nên như thế, bởi Cái Chết là phát kiến tốt nhất của Cuộc Sống. Đó là tác nhân thay đổi Cuộc Sống. Nó loại những cái cũ để mở đường cho những cái mới. Ngay lúc này, các bạn đang là những cái mới, nhưng sẽ không lâu nữa, các bạn sẽ dần trở nên cũ đi, và sẽ bị loại bỏ. Xin lỗi vì có vẻ bi đát nhưng đó hoàn toàn là sự thật.

Thời gian của các bạn là có hạn, vì thế đừng lãng phí để sống cuộc đời của ai đó. Đừng nhốt mình trong những giáo điều - sống với thành quả là suy nghĩ của những người khác. Đừng để tiếng ồn phát ra từ ý kiến của những người khác nhấn chìm tiếng nói nội tâm của chính bạn. Và điều quan trọng nhất, hãy tự tin để đi theo trái tim và trực giác của mình. Bằng cách nào đó chúng đã biết bạn thực sự muốn trở thành cái gì. Tất cả những thứ khác chỉ là thứ yếu.

Khi tôi còn trẻ, có một ấn phẩm ấn tượng có tên The Whole World Catalog (Cẩm nang Toàn Thế giới), là một trong những cuốn “kinh thánh” của thế hệ chúng tôi. Nó được sáng tạo bởi Stewart Brand, sống ở công viên Menlo cách đây không xa. Ông ấy đem nó đến với mọi người bằng một chút thơ mộng. Đó là vào khoảng cuối những năm 1960, trước khi có máy tính cá nhân và máy tính để bàn. Nó ra đời bằng máy chữ, cắt kéo và máy ảnh polaroid. Tác phẩm này như một trang Google dưới dạng một cuốn sách khổ nhỏ, 35 năm trước khi Google ra đời. Cuốn sách thật lí tưởng, tràn ngập những công cụ gọn gàng và những khái niệm vĩ đại.

Stewart và nhóm của mình đã phát hành vài số The Whole World Catalog. Đến lúc hết thời, họ ra mắt số cuối cùng - vào giữa thập kỉ 70, khi tôi đang ở độ tuổi của các bạn bây giờ. Bìa sau của ấn bản này là bức ảnh một con đường thôn quê lúc sáng sớm, kiểu hình ảnh các bạn hay nhìn thấy khi đi du ngoạn, phía dưới có dòng chữ "Hãy cứ khát khao. Hãy cứ dại khờ." Đây chính là thông điệp chia tay khi họ dừng cuốn sách này.

Hãy cứ khát khao. Hãy cứ dại khờ. Và tôi đã luôn mong điều này cho bản thân. Và giờ, tại lễ tốt nghiệp của các bạn như một khởi đầu lần nữa, tôi cầu chúc điều này cho các bạn.

Hãy cứ khát khao. Hãy cứ dại khờ!

Cám ơn tất cả các bạn rất nhiều".