Cúng ông Công ông Táo năm 2025 ngày, giờ nào đẹp nhất?

Cúng ông Công ông Táo giờ nào đẹp năm 2025 là câu hỏi được quan tâm bởi đây là một trong những phong tục quan trọng nhất của người Việt.

Năm 2025, cúng ông Công ông Táo giờ nào đẹp để mang lại nhiều may mắn cho gia chủ? Hãy cùng tham khảo ngay sau đây.

Giờ đẹp cúng ông Công ông Táo năm 2025

Năm 2025, ngày ông Công ông Táo 23 tháng Chạp rơi vào thứ tư (ngày 22/1 dương lịch). Nhiều gia đình lựa chọn ngày giờ thích hợp cúng ông Công ông Táo để tiện bố trí công việc cũng như đón nhận những điều tốt đẹp, an lành.

Theo sách Tìm hiểu văn hóa Phương Đông 365 ngày của tác giả Thiên Nhân, Nhà xuất bản Thanh Hóa, năm 2025, ngày 23/12 âm lịch - Tết ông Công ông Táo - chính là ngày hoàng đạo, các gia đình có thể lựa chọn thực hiện lễ cúng vào một số giờ tốt như giờ Tý (23h-1h), Dần (3h-5h), Mão (5h-7h), Ngọ (11h-13h).

Theo quan niệm phong thủy, giờ Ngọ (11h-13h) của ngày 23 tháng Chạp được coi là thời điểm đẹp nhất để thực hiện lễ cúng tiễn Táo quân.

Tuy nhiên, do 23 tháng Chạp năm nay rơi vào thứ tư là ngày làm việc giữa tuần nên nhiều gia đình khó thu xếp để cúng được đúng ngày. Nhiều gia đình chọn cúng trước ngày 23 tháng Chạp để đảm bảo có đủ thời gian chuẩn bị lễ vật một cách chu đáo mà không bị áp lực.

Nếu gia chủ cúng ông Công ông Táo ngày 21 tháng Chạp (20/1 dương lịch), có thể chọn các thời điểm làm lễ cúng ông Công ông Táo gồm: giờ Dần (3h-5h), Mão (5h-7h), Tỵ (9h-11h), Thân (15h-17h), Tuất (19h-21h) và Hợi (21h-23h).

Lưu ý, không nên cúng muộn hơn 12h trưa ngày 23 tháng Chạp vì theo quan niệm giờ Ngọ là giờ ông Công ông Táo sẽ bay về trời. Tuyệt đối không được cúng sau ngày 23 tháng Chạp.

Ong Cong ong Tao anh 1

Năm 2025, Tết ông Công ông Táo rơi vào thứ tư (ngày 22/1 dương lịch).

Những điều cần lưu ý khi cúng ông Công ông Táo năm 2025

Khi hành lễ, gia chủ cần mặc trang phục ngay ngắn gọn gàng, không nên mặc quần áo ngắn, váy ngắn hoặc hở ngực, hở nách. Có thể gọi toàn thể con cháu trong gia đình cùng hành lễ.

Lời văn khấn cần nêu rõ ngày giờ, họ tên gia chủ, địa chỉ nơi ở. Những vị thần bắt buộc phải mời là Táo quân - Thổ công (ông Công tức là Thổ công) và các vị gia thần. Phải nêu đủ danh vị của các thần, không nói vắn tắt.

Cụ thể gồm: Đông trù Tư mệnh Táo phủ thần quân, Ngũ phương Ngũ thổ Phúc đức chính thần và Ngũ phương Long mạch Tiếp dẫn tài thần.

Đặc biệt, trong văn khấn, các gia đình cần "kiểm điểm" lại những việc đúng - sai trong năm, thành thật nhận sai lầm của mình và nguyện sẽ sửa đổi (phần này có thể mặc niệm trong đầu).

Việc tốt nên tâu bẩm rõ ràng để động viên cả gia đình, việc sai sót cần rút kinh nghiệm. Cúng khấn như vậy là thực sự thành tâm, cầu thị, phát huy tốt ý nghĩa của lễ cúng.

Khi cúng xong, việc hóa đồ mã cần làm chậm rãi, đợi từng thứ hóa gần hết mới hóa đồ tiếp theo để tránh khói bụi, hỏa hoạn, không dùng que cời khiến tro bụi bay mù mịt.

Vừa hóa mã, gia chủ vừa tâm niệm những điều tốt đẹp hoặc lẩm nhẩm niệm Phật, niệm câu chú "Úm a hồng" để tăng trưởng phúc đức. Tro hóa mã nên để nguội, gói kín vứt vào thùng rác để bảo vệ môi trường.

Với những gia đình cúng cá chép sống nên tìm nơi phóng sinh phù hợp. Khi thả cá cần tìm chỗ nước trong, nhẹ nhàng thả cá xuống. Thả cá với tấm lòng thành kính, hướng tới những ý nghĩa cao đẹp. Khi thả, dùng hai tay đưa cá sát mặt nước rồi thả xuống, không nên ném, liệng cá từ trên cao.