Xe gắn máy đời cổ hàng hiếm của dân chơi Hà thành

Trần Đình

Dù đã có “tuổi đời” hơn 60 năm, chiếc Mobylette AV88 sản xuất năm 1959 vẫn đang được rao bán với giá 10.000 USD bởi tình trạng xe vẫn còn nguyên zin, nước sơn mới, chưa có linh kiện nào bị thay thế.

Chủ sở hữu của Mobylette AV88 là anh Trịnh Ngọc Đức, trú tại Hà Nội. Chia sẻ với Tiền Phong, anh Đức cho biết: “Mình đã có cơ hội sở hữu chiếc xe qua một nhà sưu tầm có tiếng với giá gần 200 triệu đồng. Từ khi mua Mobylette AV88, mình vẫn luôn giữ gìn, nâng niu nó đúng như ý muốn của người chủ cũ”.

Xe gắn máy đời cổ hàng hiếm của dân chơi Hà thành - Ảnh 1.

Chiếc AV88 do anh Ngọc Đức sở hữu đang được lưu giữ tại Hà Nội.

Xe Mobylette cổ hay còn được biết đến với cái tên ngắn gọn hơn là Moby. Đây là một sản phẩm của hãng Motobecane đến từ nước Pháp vào nửa sau thế kỷ 20. Những sản phẩm này được ra mắt vào năm 1949 và nó tồn tại được trên thị trường gần 50 năm khi bị dừng sản xuất vào năm 1997. Trong khoảng thời gian trên, “Mobylette” đã trở thành một khái niệm chung trong tiếng Pháp để nói về một dòng xe gắn máy sử dụng động cơ chạy bằng xăng có công suất nhỏ. Điều này có thể được công nhận là một thành công lớn của nhà sản xuất Motobecane.

Vào năm 1978, một người Canada có tên Walter Muma sử dụng một sản phẩm thuộc dòng Mobylette để di chuyển quãng đường dài 11.500 dặm (khoảng 18.500 km) từ bang Toronto, Canada đến bang Alaska, Mỹ và quay trở lại Toronto. Chuyến du lịch của ông đã diễn ra trong vòng 3 tháng. Câu chuyện này đã chứng minh được sự bền bỉ của của thương hiệu Motobecane.

Mobylette du nhập vào Việt Nam từ năm 1960-1970, được sử dụng nhiều nhất ở khu vực miền Nam và rải rác ở miền Bắc. Có tính tiện dụng cao và dễ dàng điều khiển, mẫu xe này gắn liền với đời sống dân thành thị khá giả lúc bấy giờ.

Xe Mobylette ở Việt Nam được cung cấp với hai màu sơn vàng và xanh. Cả hai đều dùng động cơ 49,99cc để được xếp vào loại phương tiện không cần bằng lái. Tuy nhiên, phiên bản Mobylette vàng thì nhỏ hơn, chỉ có ống nhún giảm xóc phía trước, còn Mobylette xanh thì lớn, nặng hơn có ống nhún ở cả bánh trước lẫn bánh sau nên đi êm hơn và giá cao hơn.

Xe gắn máy đời cổ hàng hiếm của dân chơi Hà thành - Ảnh 2.

Mobylette gắn liền với đời sống của người dân thành thị vào khoảng nửa sau thế kỷ 20.

Xe Mobylette được cho là không thay đổi thiết kế qua nhiều năm. Những phiên bản sản xuất trong thập niên 50 thế kỷ trước sở hữu thân xe có nguồn gốc từ những ống tuýp hàn lại. Qua thập niên 1960 thì bộ phận này làm bằng tôn ép. Ngoài màu vàng và xanh, có một số phiên bản Mobylette màu xám đã xuất hiện tại Việt Nam.

Chiếc xe được sản xuất để dễ sử dụng, không cần sang số mà chỉ cần vặn tay ga là có thể điều khiển được độ mạnh, yếu của động cơ. Khi muốn khởi động, người dùng chỉ cần sử dụng đạp thật mạnh vào bàn đạp pedan. Trong một số trường hợp bàn đạp không phát huy tác dụng, không thể nổ máy được, chúng ta có thể gạt một cái chốt ở phanh đĩa có dây curoa gắn với động cơ để tách rời động cơ và bánh sau, lúc đó có thể đạp xe như xe đạp truyền thống.

Xe gắn máy đời cổ hàng hiếm của dân chơi Hà thành - Ảnh 3.

Bàn đạp là bộ phận khởi động các sản phẩm thuộc dòng Mobylette.

Quay trở lại với chiếc Mobylette AV88 đời 1959 của anh Trịnh Ngọc Đức, chủ sở hữu nói rằng điều khiến chiếc xe có giá trị cao là do là nước sơn còn rất mới (yếu tố mà ít dòng xe lâu năm có được). Cùng với đó, xe mang giá trị văn hoá và lịch sử Việt Nam gắn liền với những năm 60 thế kỷ trước, khiến nhiều nhà sử học và các nhà sưu tập luôn luôn tìm kiếm, săn đón.

Các chi tiết như đồng hồ, dây công tơ mét vẫn hoạt động ổn định, chưa bị rạn nứt. Một số bộ phận có chất liệu từ cao su cũng vẫn còn mới, chưa bị “lão hóa” nhiều. Đặc biệt, bộ phận giảm xóc của xe có thể hoạt động ngang ngửa những mẫu xe máy hiện đại, cung cấp những chuyến đi êm ái.

Xe gắn máy đời cổ hàng hiếm của dân chơi Hà thành - Ảnh 4.

 

Xe gắn máy đời cổ hàng hiếm của dân chơi Hà thành - Ảnh 5.

 

Xe gắn máy đời cổ hàng hiếm của dân chơi Hà thành - Ảnh 6.

 

Xe gắn máy đời cổ hàng hiếm của dân chơi Hà thành - Ảnh 7.

 

Chiếc AV88 còn rất mới dù ở những chi tiết nhỏ.

Vì từ khi mua xe đến thời điểm hiện tại, chủ sở hữu rất ít sử dụng AV88. Anh luôn có ý thức phải bảo quản chiếc xe thật cẩn trọng để giữ nguyên vẹn giá trị lịch sử.

Anh Đức cho biết: “Tại Việt Nam, những mẫu xe như Mobylette AV88 vốn đã hiếm, những sản phẩm còn nguyên zin như chiếc xe của mình lại càng hiếm hơn. Mình tự tin rằng đây là một chiếc xe có tình trạng nguyên bản thuộc top đầu tại Việt Nam”.

Truyền sức mạnh cho AV88 là Động cơ xi-lanh đơn 2 thì làm mát bằng gió, dung tích xi-lanh 50 phân khối với tốc độ tối đa 45 km/h.

Trả lời Tiền Phong về kỷ niệm gắn liền với chiếc Mobylette AV88, chủ sở hữu nói: “Khi mua xe từ chủ cũ, do người này quá yêu quý và nâng niu nó nên đã để xe ngay bên cạnh giường ngủ ở trên tầng. Vì vậy, mình đã phải tự tay bê xe xuống để mang nó về. Phải nói rằng, quá trình này vừa mệt, vừa lo lắng vì sợ xe có thể va quệt khi di chuyển. Tuy nhiên, do có niềm đam mê xe cổ, lúc đó bao trùm trong mình là cảm giác phấn khích khi sắp sở hữu chiếc AV88 này nên đã thực hiện rất tỉ mỉ và thành công”.

Xe gắn máy đời cổ hàng hiếm của dân chơi Hà thành - Ảnh 8.

 

AV88 được người chủ cũ cất giữ ngay bên cạnh giường ngủ.

Cho đến nay, anh Đức vẫn luôn yêu quý AV88 nhưng vị chủ này cho biết có thể sẽ nhượng lại chiếc xe cho người khác nếu người ta thực sự mong muốn và đảm bảo bảo quản kỹ càng. Anh định giá chiếc xe 10.000 USD, điều này chứng tỏ Trịnh Ngọc Đức đã sẵn sàng trong trường hợp người mua xe là một vị khách nước ngoài.

Xe gắn máy đời cổ hàng hiếm của dân chơi Hà thành - Ảnh 9.

Mobylette AV88 đời 1959 của anh Đức có giá 10.000 USD.