Cơ hội tại ngoại nào cho bà Phương Hằng sau khi con trai bà đơn xin nộp 10 tỷ đồng bảo lãnh?

Thế Bảo

Về số tiền nộp để được tại ngoại, các cơ quan tố tụng sẽ quyết định nhưng không dưới 30 triệu đồng đối với tội ít nghiêm trọng; 100 triệu đồng đối với tội nghiêm trọng; 200 triệu đồng đối với tội rất nghiêm trọng; 300 triệu đồng đối với tội đặc biệt nghiêm trọng.

co-hoi-tai-ngoai-nao-cho-ba-phuong-hang-sau-khi-con-trai-ba-don-xin-nop-10-ty-dong-bao-lanh-1666686321.jpeg
 

Ông Nguyễn Quang Tuấn, 30 tuổi, là con trai của bà Nguyễn Phương Hằng, vừa gửi đơn đến công an và VKS xin nộp 10 tỷ đồng để bảo lãnh bà Hằng được tại ngoại. 
"Mẹ tôi nhiều lần viết đơn xin được tại ngoại để điều trị bệnh và cam kết không tái diễn hành vi live stream trên mạng xã hội...", ông Tuấn nêu trong đơn. Đây là lần thứ hai ông Tuấn làm đơn xin tại ngoại cho bà Hằng.

Nội dung đơn "xin đặt tiền để đảm bảo", ông Tuấn bày tỏ mong muốn các cơ quan tố tụng thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bà Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) - bị can vụ án Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.  Theo ông Tuấn, bà Hằng "hội đủ các điều kiện" theo Điều 7 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-BCA BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 7/8/2018 (có hiệu lực từ ngày 20/9/2018) được áp dụng biện pháp ngăn chặn đặt tiền bảo đảm để thay thế biện pháp "tạm giam" quy định tại Điều 122 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Cụ thể là bà Hằng phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, chưa có tiền án, có địa chỉ cư trú rõ ràng; trước khi bị bắt có nhiều bằng khen, giấy khen của nhiều cơ quan nhà nước, nhiều tổ chức xã hội về hoạt động từ thiện.

Ông Tuấn cho rằng hành vi của bà Hằng không thuộc các trường hợp "không được áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm". Bởi tính từ ngày bị bắt đến nay, trong quá trình điều tra, bà Phương Hằng đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, nhận thức được sai phạm và cam kết không tái phạm. Ngoài ra, bà Hằng hiện có sức khoẻ không tốt, phải điều trị nhiều bệnh, thường xuyên phải uống thuốc. Bà còn phải chăm sóc mẹ hơn 90 tuổi cùng 2 con nhỏ, và bà Hằng cũng là người điều hành hoạt động doanh nghiệp với rất nhiều người lao động.

Thông tin luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn Luật sư TP HCM cho biết, đặt tiền để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam được quy định tại Điều 122 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, cơ quan điều tra, VKS, tòa án có thể quyết định cho bị can hoặc người thân của bị can được đặt tiền để bảo đảm.

Về số tiền nộp để được tại ngoại, căn cứ Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-BCA BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC, các cơ quan tố tụng sẽ quyết định nhưng không dưới 30 triệu đồng đối với tội ít nghiêm trọng; 100 triệu đồng đối với tội nghiêm trọng; 200 triệu đồng đối với tội rất nghiêm trọng; 300 triệu đồng đối với tội đặc biệt nghiêm trọng. "Bà Hằng bị Công an TP HCM tạm giam theo Điều 331 Bộ luật Hình sự - là tội phạm nghiêm trọng, thì mức đặt tiền tối thiểu 100 triệu đồng. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ khi nhận được đơn đề nghị của ông Tuấn và các giấy tờ có liên quan, cơ quan tố tụng đang thụ lý vụ án có trách nhiệm xem xét", luật sư Mạch cho biết.
Theo đó, nếu thấy bà Hằng có đủ điều kiện áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm thì cơ quan đang thụ lý sẽ ra thông báo cho bị can, người thân hoặc người đại diện để làm thủ tục; trường hợp bà này không đủ điều kiện thì phải thông báo bằng văn bản cho người đề nghị biết, trong đó nêu rõ lý do.

Về điều kiện áp dụng biện pháp đặt tiền, ngoài việc căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; tình trạng tài sản, nhân thân thì bị can phải có nơi cư trú rõ ràng, phạm tội lần đầu, tố giác đồng phạm; có tình tiết giảm nhẹ như: tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong việc phát hiện tội phạm, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại...

Cơ quan tố tụng đang thụ lý vụ án phải có căn cứ cho thấy bị can tại ngoại không gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì có thể quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm. Bị can, bị cáo bắt buộc phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ như: phải có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan; không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội; không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này. Nếu vi phạm, họ sẽ bị tạm giam và số tiền đặt bị tịch thu, nộp ngân sách.
Ngoài ra, người thân thích của bị can, bị cáo cũng phải làm giấy cam đoan không để người này vi phạm các nghĩa vụ nêu trên, nếu vi phạm thì số tiền đã đặt bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước.

Tháng 4/2021, bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam đã bị Sở Thông tin Truyền thông TP HCM xử phạt vi phạm hành chính do thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín của UBND tỉnh Bình Thuận và chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận.

Ngày 24/3/2022, bà Nguyễn Phương Hằng bị Công an TP HCM bắt tạm giam để điều tra tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Đến ngày 21/6, bị can Nguyễn Phương Hằng bị gia hạn tạm giam thêm 2 tháng. Ngày 6/9/2022, báo CAND cho biết, Viện KSND TP Hồ Chí Minh đã trả hồ sơ để Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh điều tra bổ sung vụ án Nguyễn Phương Hằng.