Chuyện gì đang xảy ra? Tại Hội nghị Making Money Make Change ở Nashville, hàng loạt con cháu triệu phú, tỷ phú đã tụ họp. Nhưng không phải để tìm cách làm giàu thêm, mà là để… từ bỏ tài sản!
Thực tế, chúng ta đang chứng kiến cuộc chuyển giao tài sản lớn nhất lịch sử Mỹ với 16.000 tỷ USD sắp đổi chủ trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, nhiều người thừa kế giàu có lại không muốn giữ số tiền khổng lồ này.
Vì sao họ lại từ chối tài sản?
Nhiều bạn trẻ thuộc giới siêu giàu nhận ra tiền bạc có thể góp phần tạo ra bất bình đẳng, và họ muốn thay đổi điều đó. Ash (30 tuổi) chia sẻ: “Tôi từng đấu tranh chống biến đổi khí hậu, nhưng rồi phát hiện ra gia đình mình đang kiếm tiền từ các công ty nhiên liệu hóa thạch mà tôi phản đối.
Tổ chức Resource Generation (RG) đang giúp những người này chuyển tài sản của mình vào các quỹ hỗ trợ nhà ở, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Kể từ khi phong trào bùng nổ vào thời ông Trump, số lượng thành viên RG đã vượt 1.000 người, với 100 triệu USD được cam kết quyên góp chỉ trong năm nay.
“Giàu có không có nghĩa là ôm trọn tài sản”
Sarah (24 tuổi), một người tham dự hội nghị, từng nghĩ mình cũng chỉ như bạn bè cùng trang lứa. Cho đến khi cô nhận ra… mình sẽ thừa kế cả một khối tài sản khổng lồ. “Tôi chưa từng xem mình là người giàu, nhưng khi nhìn vào tài khoản ngân hàng, tôi hiểu rằng mình khác biệt.”
Nhưng từ bỏ tài sản không hề dễ dàng. Nhiều người thừa kế cảm thấy tội lỗi, xấu hổ, thậm chí xung đột với gia đình. Meg, con gái một tỷ phú, nhớ lại: “Hồi nhỏ tôi xem phim Richie Rich và nghĩ: ‘Người giàu toàn kẻ xấu. Vậy mình cũng vậy sao?’”
Hành động mạnh mẽ từ những người thừa kế
Bên trong hội nghị, những người tham dự mặc áo phông với dòng chữ “Tax the Rich” (Đánh thuế người giàu) hay “Liberation” (Giải phóng). Nhưng đừng để vẻ ngoài đánh lừa bạn, tổng tài sản của họ lên tới 246 triệu USD và họ dự kiến sẽ thừa kế thêm 1,5 tỷ USD!
Khi số tài sản khổng lồ của họ được công bố, cả căn phòng chìm trong im lặng. Nhưng sau đó, Sarah đã đứng lên và cam kết cho đi 1 triệu USD từ quỹ tín thác của mình. Cô dự định giảm tài sản cá nhân xuống chỉ còn 70.000 USD vào cuối năm 2025 để không còn bị ràng buộc bởi số tiền mà cô cho là “sản phẩm của chủ nghĩa tư bản”.
Kavi (28 tuổi), lớn lên ở Ấn Độ, chia sẻ: “Tôi đấu tranh vì công bằng xã hội, nhưng rồi nhận ra… chính mình cũng là một phần của hệ thống bất bình đẳng mà tôi phản đối.”
Kết thúc hội nghị: Hơn 233 tỷ đồng được cam kết quyên góp.
Sau khi hội nghị khép lại, 35 người thừa kế cam kết quyên góp tổng cộng 9,2 triệu USD (hơn 233 tỷ đồng). Họ tin rằng đây mới chỉ là bước khởi đầu cho một cuộc cách mạng phân phối tài sản.
Bạn nghĩ sao về quyết định này? Nếu bạn thừa kế hàng trăm tỷ đồng, liệu bạn có sẵn sàng từ bỏ một phần để tạo ra thay đổi tích cực?