Sinh ra tại tỉnh Hồ Bắc, Lôi Quân sớm bộc lộ năng khiếu và niềm đam mê đặc biệt với máy tính. Khi còn là sinh viên Khoa Máy tính tại Đại học Vũ Hán, ông đã hoàn thành toàn bộ tín chỉ trong vòng hai năm và thậm chí bài tập về ngôn ngữ lắp ráp của ông còn được đưa vào sách giáo khoa. Bài nghiên cứu về diệt virus máy tính mà ông viết thời sinh viên từng gây tiếng vang với phần kết luận "không cần tài liệu tham khảo" – một điều hiếm gặp trong giới học thuật.
Sau tốt nghiệp, Lôi Quân thử sức khởi nghiệp nhưng thất bại. Tuy nhiên, đó lại là tiền đề nuôi dưỡng tinh thần doanh nhân trong ông. Sau đó, ông gia nhập Kingsoft Software, bắt đầu từ vị trí lập trình viên và vươn lên thành CEO sau 16 năm cống hiến, lãnh đạo công ty cạnh tranh trực tiếp với Microsoft Office. Tại Kingsoft, ông đã phát triển nhiều sản phẩm nổi tiếng như Kingsoft PowerWord và Kingsoft Video Player. Năm 2007, khi Kingsoft niêm yết cổ phiếu, ông bất ngờ rút lui để tìm hướng đi mới, thể hiện sự nhạy bén với thời cuộc.
Xiaomi: Đột phá với triết lý "luôn nghĩ mình sắp phá sản"
Năm 2010, Lôi Quân thành lập Xiaomi và chính thức bước vào lĩnh vực sản xuất điện thoại di động. Ông áp dụng tư duy Internet vào ngành sản xuất truyền thống, tạo ra mô hình kinh doanh "ba trong một" gồm phần cứng, phần mềm và dịch vụ Internet.
Những chiến lược táo bạo như hệ điều hành MIUI cập nhật hàng tuần, định giá 1.999 NDT (hơn 7 triệu đồng) cho smartphone, và chính sách phát triển sản phẩm lấy ý kiến từ cộng đồng người dùng đã giúp Xiaomi nhanh chóng tạo nên cú hích trên thị trường di động Trung Quốc. Đặc biệt, bản thân Lôi Quân thường xuyên sử dụng tài khoản "Xiao Xiami" để tham gia diễn đàn người dùng và trực tiếp trả lời phản hồi vào lúc 3 giờ sáng.
Tinh thần làm việc khắt khe này, cùng triết lý "luôn nghĩ mình chỉ cách phá sản 16 giờ", đã trở thành cốt lõi văn hóa của Xiaomi, giúp thương hiệu này nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và vươn tầm quốc tế.
Tầm nhìn tỷ phú: Từ di động đến đế chế xe điện thông minh
Không dừng lại ở mảng di động, Lôi Quân sớm định hình chiến lược xây dựng hệ sinh thái công nghệ. Thông qua đầu tư và ươm tạo doanh nghiệp, Xiaomi phát triển hệ thống sản phẩm thông minh đa dạng, từ nhà thông minh, thiết bị đeo đến các ứng dụng Internet. Năm 2018, khi Xiaomi chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông, tập đoàn này đã trở thành một trong số ít công ty công nghệ hệ sinh thái toàn diện trên thế giới.
Sau này, Lôi Quân tiếp tục gây tiếng vang khi quyết định lấn sân sang lĩnh vực xe điện thông minh vào năm 2021. Ông thành lập nhóm nghiên cứu và phát triển hơn 5.000 người, cho ra mắt mẫu xe điện Xiaomi SU7 chỉ sau ba năm. Sản phẩm này ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng tích cực từ thị trường với gần 300.000 đơn đặt hàng chỉ trong vòng một giờ sau khi ra mắt, một lần nữa khẳng định bản lĩnh nắm bắt cơ hội và sự nhạy bén với xu thế công nghệ mới.
Theo thông tin mới nhất ngày 28/6, cổ phiếu của Xiaomi đã xác lập mức giá cao nhất từ trước tới nay, 61,45 HKD/cổ phiếu (hơn 204.000 đồng), đưa Lôi Quân trở thành người giàu nhất Trung Quốc. Vào thời điểm cổ phiếu Xiaomi đạt mốc 52 HKD, tổng tài sản của ông đã ước tính lên tới 440 tỷ tệ (khoảng 68 tỷ USD hay 1,6 triệu tỷ đồng).
Giản dị, cống hiến và những bài học vượt thời gian
Dù trở thành tỷ phú giàu nhất Trung Quốc, Lôi Quân vẫn duy trì lối sống giản dị với áo sơ mi quen thuộc và thói quen bắt đầu công việc lúc 5 giờ sáng. Triết lý "luôn nghĩ mình sắp phá sản" giúp ông và Xiaomi giữ được sự thận trọng, tỉnh táo trong mọi quyết định kinh doanh. Với ông, giá trị thực sự của một doanh nghiệp không chỉ nằm ở con số vốn hóa, mà còn ở khả năng đóng góp cho cộng đồng và thúc đẩy sự tiến bộ của toàn ngành công nghệ.
Không chỉ thành công trên thương trường, Lôi Quân còn gây chú ý với các hoạt động xã hội ý nghĩa. Ông từng quyên góp 1,3 tỷ NDT (hơn 4 nghìn tỷ đồng) cho Đại học Vũ Hán – số tiền kỷ lục mà một cá nhân từng trao tặng cho các trường đại học tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, ông còn sáng lập các lớp học nhằm đào tạo tài năng trẻ trong lĩnh vực công nghệ.
Hành trình khởi nghiệp và phát triển sự nghiệp của Lôi Quân là bài học sâu sắc cho thế hệ doanh nhân mới. Ông cho thấy rằng, đổi mới không chỉ nằm ở việc nâng cấp thông số kỹ thuật mà chính là tái thiết mô hình kinh doanh. Phát triển bền vững không dựa vào những cú bùng nổ ngắn hạn mà là khả năng xây dựng hệ sinh thái lâu dài. Và quan trọng hơn, mọi sự nghiệp lớn đều khởi đầu từ những việc nhỏ và thành công đến từ sự kiên trì không ngừng.