Profile Doanh nhân: “Cựu Shark” Nguyễn Ngọc Thủy Egroup - hành trình khởi nghiệp và ồn ào trốn nợ

Andro

Ông Nguyễn Ngọc Thủy, người từng tham gia chương trình Shark Tank đình đám với tư cách khách mời. Hiện ông là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Anh ngữ Apax kiêm Chủ tịch Tập đoàn Egroup.

1. "Shark Thủy" là ai?

nguyen-ngoc-thuy-6-1670317247.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Thủy  là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax. Đồng thời là founder kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị – Tổng Giám đốc Tập đoàn Egroup. Ảnh: Apax Leaders

"Shark Thuỷ" tên thật là Nguyễn Ngọc Thủy, sinh ngày 17/4/1982. Ông là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax. Đồng thời là founder kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị – Tổng Giám đốc Tập đoàn Egroup.

Ông Thủy là một trong những người áp dụng phương pháp giáo dục trên nền tảng công nghệ hiện đại tại Việt Nam, xây dựng Egroup thành một hệ sinh thái giáo dục tại Việt Nam. Liên kết và hợp tác với các tập đoàn lớn như Chungdahm Learning, SK Telecom, MegaNext, Yakson Myungga, Culture 21, Franklin Learning Center (Mỹ)…

2. Sự nghiệp và giải thưởng

nguyen-ngoc-thuy-5-1670317248.jpg
Năm 2017, ông Thủy được Enterprise Asia bình chọn là 1 trong 14 doanh nhân xuất sắc tại Việt Nam. Ảnh: Apax Holdings

Khi đang học lớp 11 tại trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Tây), Shark Thủy đã hợp tác với một thầy giáo cùng mở trung tâm luyện thi đại học tại Hà Đông.

Ông luôn cố gắng để vừa làm tốt việc học, vừa làm tốt việc kinh doanh. Khi đang là sinh viên năm nhất ngành Mỏ – Địa chất, ông đã chọn cách bảo lưu sau năm đầu tiên, để tập trung hoàn toàn vào việc kinh doanh của mình.

Ông Thủy bắt đầu ý tưởng khởi nghiệp từ trung tâm luyện thi đại học. Ông cũng không ít lần thất bại với dự án cung cấp người giúp việc, hay công ty buôn bán thiết bị máy tính.

Năm 2008, Nguyễn Ngọc Thủy quyết định thành lập Công ty Cổ phần Trò chơi Giáo dục trực tuyến Egame - tiền thân của Tập đoàn Giáo dục Egroup. Đồng thời, ông xây dựng được một “hệ sinh thái giáo dục” Egroup với chuỗi 12 công ty con chuyên phát triển các lĩnh vực công nghệ thông tin, giáo dục và sức khoẻ. Tính đến nay, Egroup đã tồn tại và phát triển được 14 năm.

Egroup đang cung cấp giải pháp giáo dục từ chương trình mầm non, đến bậc trung học phổ thông. Ông Thủy đã khởi tạo rất nhiều dự án giáo dục dưới nền tảng ứng dụng công nghệ hiện đại của thế giới.

Cụ thể là chuỗi trung tâm tiếng Anh Apax (Apax English) với sự hợp tác cùng Chungdahm Learning, Hàn Quốc. Chungdahm Learning là tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, giảng dạy tiếng Anh được thành lập vào năm 1998 tại Seoul, Hàn Quốc – một trong những quốc gia có nền giáo dục được đánh giá tốt hàng đầu khu vực.

Apax English ban đầu được ông Thủy định hình là Hệ thống trung tâm tiếng Anh cao cấp dành cho trẻ em tại khu vực Hồ Chí Minh và Hà Nội. Cuối cùng, ông và các cộng sự đã quyết định mở rộng ra 64 tỉnh thành cả nước.

Ông Nguyễn Ngọc Thủy chia sẻ: “Tôi sẽ dừng công việc kinh doanh của tôi khi tôi 48 tuổi và khởi nghiệp lần hai với các start-up. Tài sản tôi có được trong quá trình đầu tư hiện tại sẽ dành để đầu tư cho các sự án khởi nghiệp.”

Năm 2017, ông Thủy được Enterprise Asia bình chọn là 1 trong 14 doanh nhân xuất sắc tại Việt Nam. Ông được trao tặng giải thưởng Doanh nhân châu Á – Thái Bình Dương (APEA).

3. Các dự án trái phiếu và gọi vốn

nguyen-ngoc-thuy-4-1670317248.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Thủy tại Đại hội Cổ đông thường niên năm 2022 của Apax Holdings. Ảnh: Apax Holdings

Theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tháng 6/2022, một công ty trong hệ sinh thái Apax Holdings là CTCP Tập đoàn Hạ tầng Giáo dục thông báo đã hoàn thành đợt phát hành lô trái phiếu trị giá hơn 1.340 tỷ đồng vào ngày 29/6 với kỳ hạn 5 năm. Ngày đáo hạn tương ứng là 4/4/2027.

Các thông tin về lãi suất, mục đích phát hành, tài sản đảo bảo hay bên đứng ra tư vấn, bảo lãnh không được công bố.

Trước đó, vào ngày 20/5, doanh nghiệp này cũng đã huy động thành công gần 622 tỷ đồng trái phiếu mã EIGCH2227001 cũng với kỳ hạn 5 năm. Ngày đáo hạn là 22/2/2027.

Lô trái phiếu này có lãi suất 12%/năm cho các nhà đầu tư nắm giữ từ đủ 24 tháng đến dưới 36 tháng; tăng lên 12,5% đối với các nhà đầu tư nắm giữ từ đủ 36 tháng đến dưới 48 tháng; và 13%/năm đối với các nhà đầu tư nắm giữ từ đủ 48 tháng đến dưới 60 tháng.

Đây đều là những mức lãi suất ở mức cao so với mặt bằng chung. Như vậy, tổng giá trị trái phiếu mà công ty này huy động từ đầu năm đến nay hơn 1.962 tỷ đồng.

Theo giới thiệu, Tập đoàn Hạ tầng Giáo dục tiền thân là CTCP Đầu tư xây dựng Bộ Ba (Trinity Design), được thành lập năm 2007. Đây là đơn vị chuyên về lĩnh vực từ thiết kế quy hoạch các dự án lớn, khu nghỉ dưỡng, các công trình lớn cho đến thiết kế và thi công nội thất các công trình biệt thự, chung cư, khách sạn, nhà phố, các chuỗi dịch vụ có quy mô mở rộng trên cả nước (như Nhà thuốc Pharmacity, Long Châu);…

Ngoài ra, công ty này còn đang sở hữu Khu du lịch Hồng Quang Long Hải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với quy mô 5,3 ha đã được cấp phép và xây dựng hoàn thành cơ bản phần hạ tầng.

Thông tin trên website Tập đoàn Hạ tầng Giáo dục, những năm đầu doanh thu của công ty đạt vài tỷ đồng, đến giai đoạn từ năm 2016 - 2019 doanh thu đạt vài trăm tỷ đồng mỗi năm.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra tháng 6/2021, Apax Holdings có chủ trương góp vốn vào công ty này. Tại báo cáo tài chính riêng lẻ quý 3/2022 của Apax Holdings cho thấy, công ty mẹ đang đầu tư 160 tỷ đồng vào Tập đoàn Hạ tầng Giáo dục nói trên.

Ngoài ra, Apax Holdings - nơi ông Thủy đang làm Chủ tịch có dự định rót 300 tỷ đồng vào Khu du lịch Hồng Quang Long Hải trong tổng số tiền thu được từ đợt chào bán 83,1 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

4. Các dự án đầu tư của Shark Thủy trong Shark Tank

nguyen-ngoc-thuy-2-1670317248.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Thuỷ đã từng tham gia với vai trò là Nhà đầu tư khách mời (guest Shark) vào các mùa 2 năm 2018, mùa 3 năm 2019. Ảnh: Egroup

Ông Nguyễn Ngọc Thuỷ đã từng tham gia với vai trò là Nhà đầu tư khách mời vào các mùa 2 năm 2018, mùa 3 năm 2019. Và một số sự án đầu tư của Shark Thủy trong chương trình Shark Tank đình đám như:

  • Soya Garden

Startup F&B này được sáng lập bởi hai chị em Hoàng Thu Thủy và Hoàng Anh Tuấn. Shark Thủy cam kết đầu tư 15 tỷ đồng để đổi lấy 45% cổ phần của đơn vị này với lộ trình hoàn vốn 3 năm. Sau khi nhận được đầu tư từ shark Thủy, Soya Garden nhanh chóng tăng vốn điều lệ từ 30 triệu đồng lên 20 tỷ đồng vào tháng 3/2018 và một năm sau lên mức 100 tỷ đồng. Nguồn vốn này phần lớn đến từ tập đoàn Egroup của Shark Thủy.

Tuy nhiên, sau gần 3 năm, từ một chuỗi có 50 cửa hàng tại nhiều tỉnh thành hiện trên Soya Garden chỉ còn vỏn vẹn 4 cửa hàng tại Hà Nội, theo thông tin trên website.

  • Volunteer For Education

Startup này được sáng lập bởi Nguyễn Huyền Phương với định hướng của trở thành mạng lưới lớn nhất kết nối người trẻ cống hiến vì cộng đồng trên toàn thế giới.

Các nhà đầu tư gồm: shark Nguyễn Xuân Phú, shark Trần Anh Vương cùng đưa ra đề nghị 2,7 tỷ đồng cho 36% cổ phần. Hiện startup này vẫn hoạt động.

  • Xe lăn đa năng - VH

Startup này sáng lập bởi Lê Văn Hóa với mô hình sản xuất xe lăn đa năng cho người khuyết tật. Tại thương vụ 3 nhà đầu tư gồm shark Phạm Thanh Hưng, shark Vương và Shark Thủy đồng ý đầu tư 1 tỷ đồng cho 36% vốn cổ phần công ty.

  • Umbala

Umbala được sáng lập bởi Nguyễn Minh Thảo, là một ứng dụng tiên phong cho trào lưu quay, và chia sẻ video của giới trẻ do chính người Việt tạo ra sớm hơn cả Tiktok. Hiện Umbala đã tái định vị thương hiệu thành Umbala Network theo hướng áp dụng công nghệ blockchain vào thương mại điện tử.

Thương vụ này được shark Thủy và shark Vương thỏa thuận đầu tư 260.000 USD (gần 6 tỷ đồng theo tỷ giá thời điểm đó) cho 15% cổ phần.

  • Magic Book

Startup trong lĩnh vực giáo dục được sáng lập bởi Bùi Quang Huy. Với thương vụ này, shark Thủy thỏa thuận đầu tư 550.000 USD (khoảng 12,5 tỷ đồng) cho 30% cổ phần.

  • Chè bưởi Bống nấu

Startup do bé Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc hay còn gọi là bé Bống lập ra. Thương vụ này shark Hưng và shark Thủy cùng thỏa thuận đầu tư 300 triệu đồng cho 30% vốn cổ phần.

  • Talks Café 100% English

Shark Thủy đồng ý đầu tư 5 tỷ đồng đổi lấy 45% cổ phần của startup giáo dục do Đinh Minh Quyền sáng lập. Startup này là mô hình quán cà phê kết hợp dạy tiếng Anh.

  • Pema - Nhà hàng Chay

Thương vụ này shark Thủy thỏa thuận đầu tư 3 tỷ đồng đổi lấy 80% cổ phần của startup chuyên về nhà hàng chay do Lâm Thị Hoài sáng lập.

  • We Escape

Startup chuyên về trò chơi nhập vai thực tế 5D này cho Vương Chí Nhân sáng lập. Shark Thủy thỏa thuận đầu tư 5 tỷ đồng cho 36% cổ phần. Thực tế sau đó ông rót tới 30 tỷ đồng vào startup này. Năm 2018, We Escape chính thức trở thành một dự án giải trí đầy hứa hẹn trong hệ thống Egroup.Hiện toàn bộ hệ thống của We Escape đã đóng cửa sau 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19.

5. Những tin đồn liên quan đến Shark Thủy

nguyen-ngoc-thuy-7-1670317246.jpg
Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư Apax Holdings - Nguyễn Ngọc Thủy đã giải trình với Sở giao dịch chứng khoán về những tin đồn liên quan đến Apax Leaders. Ảnh: Egroup

Gần đây nhất, Ông Nguyễn Ngọc Thủy vướng lùm xùm nợ nần từ lương giáo viên, thuế đến vốn của nhà đầu tư.  Những ngày qua nhiều phụ huynh đến Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders (Đồng Nai) để đòi lại học phí do đơn vị này vi phạm cam kết chất lượng, đồng thời nợ lương giáo viên.

Tình trạng nợ lương giáo viên và nhân viên cũng xảy ra ở nhiều tỉnh thành khác thuộc hệ thống Apax Leaders.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh phản ánh Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) bất ngờ "bốc hơi", ôm theo học phí của hàng trăm học sinh.

Sau những phản ánh về việc hàng loạt trung tâm Anh ngữ Apax Leaders bị giáo viên tố nợ lương, phụ huynh đòi tiền, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư Apax Holdings - Nguyễn Ngọc Thủy đã gửi công văn giải trình đến Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) về các thông tin liên quan đến Công ty cổ phần Anh ngữ Apax (Apax English).

Giải trình với Sở Giao dịch chứng khoán, ông Thủy cho biết Apax English là công ty con của Apax Holdings, với tỉ lệ sở hữu 66,36%. Một số thông tin báo chí nêu liên quan công ty con này đã được Apax Holdings tiến hành rà soát, kiểm tra và xác minh.

Kết quả kiểm tra cho thấy, những vấn đề được báo chí đưa ra đang là những tồn tại của Apax English, và lãnh đạo của Apax English phối hợp cùng với Apax Holdings để có những phương án xử lý phù hợp.

Ông Thủy cũng khẳng định các thông tin của Apax English xuất hiện trên báo chí: Không có ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh cũng như tình hình quản trị của Apax Holdings, vì Apax Holdings là công ty mẹ và hoạt động độc lập. Trải qua hai năm dịch COVID-19, sau khi sự việc xảy ra, phía công ty đã có trong dự phòng hoạt động đầu tư kinh doanh.

6. Ông Nguyễn Ngọc Thủy đã từng khuyên start-up những gì

nguyen-ngoc-thuy-1-1670317246.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Thủy từng dành nhiều lời khuyên bổ ích và kinh nghiệm của bản thân cho những startup. Ảnh: Egroup

Trước khi có ồn ào không hay trong việc kinh doanh, ông Nguyễn Ngọc Thủy từng dành lời khuyên và kinh nghiệm của bản thân cho những startup.

“Tôi đã có những bước đầu thành công với các lĩnh vực đầu tư vào giáo dục, công nghệ thông tin và sức khỏe. Nhưng, tôi không khuyên các bạn đi theo đường của tôi. Trước khi tôi quyết định, tôi đã tự hỏi rất nhiều lần rằng, tôi thực sự muốn gì, tôi đi làm thì ai tạo việc làm cho tôi… Và tôi quyết định chọn dừng lại việc học để kinh doanh, vì biết mình không thể làm hai việc một lúc và cũng tự xác định rất rõ đam mê của mình. Nếu các bạn có đam mê, xác định rõ việc mình muốn làm và sẵn sàng đánh đổi, chấp nhận nhiều thử thành để thực hiện thì hãy chọn và hãy tự chịu trách nhiệm” - ông Thủy chia sẻ.

"Shark Thuỷ" không còn là Shark

Đơn vị sản xuất Shark Tank Việt Nam - TVHub - vừa chính thức lên tiếng xung quanh mối quan hệ giữa ông Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch HĐQT EGroup, Chủ tịch HĐQT CTCP đầu tư Apax Holdings, công ty mẹ của Apax English (thường được gọi là Shark Thủy sau khi ngồi ghế nhà đầu tư trên chương trình Shark Tank Việt Nam từ năm 2018).

Theo đó, bà Lê Hạnh - Giám đốc sản xuất Shark Tank Việt Nam - khẳng định ông Nguyễn Ngọc Thủy không còn là “shark” của chương trình Shark Tank Việt Nam.

Đơn vị sản xuất chương trình cho biết, trên các nền tảng mạng xã hội đã xuất hiện một số video clip, bài viết có nội dung gán ghép tiêu cực những thông tin hoạt động kinh doanh của tập đoàn Egroup, Apax English và ông Nguyễn Ngọc Thủy với chương trình Shark Tank Việt Nam.

Bà Hạnh khẳng định, việc cá nhân của ông Nguyễn Ngọc Thủy và doanh nghiệp do ông Nguyễn Ngọc Thủy điều hành, không liên quan gì đến chương trình Shark Tank Việt Nam.

Đồng thời, Giám đốc sản xuất Shark Tank Việt Nam đề nghị các bên liên quan xem xét, rà soát, không cho phép khai thác, đăng tải những thông tin gán ghép tiêu cực về doanh nghiệp của ông Nguyễn Ngọc Thuỷ với chương trình Shark Tank Việt Nam, để không làm ảnh hưởng đến các Nhà đầu tư, các đơn vị hiện đang đồng hành với chương trình hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam đang chuẩn bị bước sang mùa thứ 6.

Mới đây nhất, ông Đoàn Hiếu Minh - một đại gia từng nổi tiếng trong việc phân phối Rolls-Royce đã viết một bài chia sẻ chuyện gặp ông Nguyễn Ngọc Thủy.

Ông Đoàn Hiểu Minh nhận định: "Ông Thủy không phải là người xấu và "chắc chắn không phải kẻ lừa đảo". Căn nguyên của những vấn đề hiện tại là do tham vọng của ông quá lớn khi ông muốn "đưa Apax trở thành một điểm đến để học ngoại ngữ cho mọi trẻ em ở Việt Nam".

Từ đó dẫn đến việc Apax Leaders phát triển nhanh chóng. Ông Thủy không còn đủ tiền nên phải huy động vốn để đảm bảo cho chất lượng của trung tâm, sau đó thì dịch Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp đều gặp khó khăn không riêng gì Apax.

Theo ông Minh, nhà đầu tư nên cho ông Thủy cơ hội để làm lại. Bởi ông là một người rất tâm huyết và có khát vọng lớn với giáo dục Việt Nam. Apax Leaders cũng là một trung tâm với dịch vụ tốt.