Tiền không mua được hạnh phúc - lời nói dối lớn nhất của người giàu!

Trong khi những người quyền lực luôn nói tiền không mua được hạnh phúc, nghiên cứu mới xác nhận rằng nhiều tiền hơn có thể cải thiện cảm xúc hạnh phúc.

nhieu-tien-se-hanh-phuc-1678953420.png
 

Nhiều người thường nói tiền không mua được hạnh phúc. Vào năm 2010, Daniel Kahneman - nhà kinh tế học và tâm lý học từng đoạt giải Nobel - đã đưa ra giả thuyết rằng có một “mức độ hạnh phúc bình ổn” về tiền bạc.

Khi bạn đạt thu nhập hộ gia đình hàng năm là 75.000 USD, việc kiếm thêm tiền không khiến bạn hạnh phúc hơn chút nào.

Tuy nhiên, năm 2021, nhà nghiên cứu hạnh phúc Matthew Killingsworth đã công bố một nghiên cứu không đồng tình, cho thấy hạnh phúc tăng lên cùng với thu nhập và không có bằng chứng về sự “bình ổn” hạnh phúc.

Cặp đôi trên sau đó đã cùng tham gia quá trình “hợp tác đối nghịch” và công bố nghiên cứu mới phát hiện ra cả hai đều đúng. Nhưng lập luận của Killingsworth có phần đúng hơn: Đối với hầu hết con người, kiếm được nhiều tiền hơn khiến họ hạnh phúc hơn.

Đáp ứng nhu cầu cơ bản

Theo đó, nếu một người đang cực kỳ bất hạnh, hạnh phúc dường như tăng lên khi thu nhập hộ gia đình lên tới 100.000 USD. Nhưng rồi nó “đột ngột” chững lại vì có một số vấn đề mà tiền bạc không thể giải quyết được.

Đối với những người ở “phạm vi cảm xúc hạnh phúc trung bình”, hạnh phúc tăng tuyến tính với thu nhập.

Nghiên cứu không xem xét thu nhập trên 500.000 USD, vì vậy khó có thể biết liệu việc đi vòng quanh không gian có khiến tỷ phú Jeff Bezos cảm thấy thỏa mãn hay không. Hay liệu bể bơi nước nóng mới của Thủ tướng Anh Rishi Sunak có đang sưởi ấm trái tim và thỏa mãn những cảm xúc sâu sắc nhất của ông hay không.

Cây bút Arwa Mahdawi của Guardian đánh giá đây dường như là một trong những nghiên cứu mà có thể nhận thấy “khá rõ ràng" trong thực tế. Một người không cần những chiếc xe ôtô thể thao và máy bay riêng để hạnh phúc, nhưng họ cần nơi ở và sự ổn định - những thứ ngày nay tiêu tốn rất nhiều tiền.

có mua được hạnh phúc ảnh 1

Đối với những người ở “phạm vi cảm xúc hạnh phúc trung bình”, hạnh phúc tăng tuyến tính với thu nhập. Ảnh: Reuters.

Theo dữ liệu mới, khả năng chi trả nhà ở ở Mỹ đang ở mức thấp kỷ lục. Một hộ gia đình trung bình ở Mỹ cần chi 42,9% thu nhập của mình để mua một ngôi nhà có giá trung bình.

Câu chuyện tương tự xảy ra ở Anh. Những ngôi nhà ở nước này chưa từng đắt như bây giờ kể từ năm 1876, theo Bloomberg. Mahdawi chia sẻ cô từng nghĩ đến việc chuyển về London từ Philadelphia nhưng sau 5 phút trên trang web bất động sản, ý định đó đã bị dập tắt.

Sau đó là vấn đề nghỉ hưu. Căng thẳng về việc liệu có phải sống bằng thức ăn của mèo khi về già hay không thường không dẫn đến hạnh phúc.

Ở Mỹ, hầu hết công ty không còn cung cấp lương hưu phù hợp, Mahdawi nhận định.

Vào giữa những năm 1980, khoảng một nửa số người lao động trong khu vực tư nhân có kế hoạch hưu trí với mức phúc lợi được xác định. Theo đó, chủ lao động cam kết một khoản thanh toán lương hưu cụ thể, một lần hoặc kết hợp khi nghỉ hưu, phụ thuộc vào thời gian làm việc, lịch sử thu nhập và tuổi tác của nhân viên.

Vào năm 2022, chỉ 15% người lao động trong khu vực tư nhân được tiếp cận với kế hoạch hưu trí trên.

Vì vậy, giờ đây, nhiều người thường phụ thuộc vào lợi nhuận đầu tư cá nhân như bỏ tiền vào thị trường chứng khoán và xem còn lại bao nhiêu khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, đánh giá dựa trên các sự kiện và tình hình gần đây, nó có thể chẳng còn gì.

Điều chỉnh lại câu chuyện

Một vấn đề khác là chi phí chăm sóc trẻ em. Với nhiều người, trẻ em mang lại niềm vui, nhưng chăm sóc những “món quà” này rất đắt đỏ.

có mua được hạnh phúc ảnh 2

Việc không phải căng thẳng về vấn đề thanh toán hóa đơn sẽ giúp sức khỏe tinh thần tốt hơn. Ảnh: Reuters.

Nghiên cứu năm 2019 cho thấy ở nhiều xã hội công nghiệp hóa, có “sự suy giảm về mức độ hạnh phúc chủ quan của các cá nhân - hạnh phúc hoặc sự hài lòng trong cuộc sống - một khi vai trò làm cha mẹ bắt đầu”.

Đây là điều mà các nhà nghiên cứu gọi là “khoảng cách hạnh phúc của việc nuôi dạy con cái”.

Người Mỹ có khoảng cách hạnh phúc làm cha mẹ lớn nhất. Điều đó phần lớn là do chi phí chăm sóc trẻ em và việc các bậc phụ huynh không có ngày nghỉ được trả lương cùng ngày đau ốm.

Tuy nhiên, nếu kiếm đủ tiền, họ có thể khắc phục những “vết nứt cấu trúc” này bằng cách thuê trợ giúp.

Trên thực tế, trừ khi là tỷ phú sống trên du thuyền với một “đội quân” bảo mẫu, thông tin này không có gì mới lạ.

Hầu hết mọi người đều nhận thức rõ rằng sức khỏe tinh thần sẽ tốt hơn nếu không có một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, với giá cả mặt hàng thiết yếu hàng ngày nằm ngoài tầm kiểm soát. Và việc không phải căng thẳng về vấn đề thanh toán hóa đơn sẽ giúp họ hạnh phúc hơn.

Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ từng nhận định những người trưởng thành gặp khó khăn về tài chính có nguy cơ bị phiền muộn, mệt mỏi hơn người có mức sống trung bình hoặc cao.

Tuy nhiên, dù kết luận của nghiên cứu có vẻ hiển nhiên, Mahdawi nhận định nó vẫn đóng vai trò điều chỉnh quan trọng đối với câu chuyện mà rất nhiều người nắm quyền từng cố gắng thúc đẩy.

Thật buồn cười là bằng một cách khó hiểu, có rất nhiều người giàu cố gắng nói với những người khác rằng tiền không làm bạn hạnh phúc.

Ví dụ, CEO của Google gần đây đã nói với tất cả nhân viên của mình rằng “vui vẻ… không phải lúc nào cũng bằng tiền” sau khi cắt giảm phúc lợi của nhân viên.

Nguồn: Minh An

ZING