Quách Chính Lợi sinh năm 1957 tại thành phố Gia Nghĩa, Đài Loan (Trung Quốc), trong một gia đình giàu có. Tuy nhiên, khi ông lên 8 tuổi, gia đình rơi vào khủng hoảng: cha ông phá sản vì bảo lãnh cho người khác, bỏ đi biệt tích, để lại mẹ con ông gánh chịu mọi hậu quả. Từ biệt thự sang trọng, gia đình phải chuyển vào sống trong túp lều tồi tàn. Mẹ ông phải đưa 4 con nhỏ về nương nhờ nhà ngoại, kiếm sống bằng các công việc vặt.
Là con trưởng, Quách Chính Lợi buộc phải trưởng thành sớm. Ông đi học ban ngày, tối làm đủ nghề: phục vụ, phát tờ rơi hay nhặt ve chai. Để giảm gánh nặng chi tiêu, ông thi vào trường quân sự, gửi toàn bộ trợ cấp về nuôi gia đình. Cú ngã đầu đời đã sớm đổi hướng số phận Quách Chính Lợi, từ cậu ấm chốn hào môn đến nghèo túng nợ nần.
Sau khi xuất ngũ, ông sang Nhật theo học đại học và tự trang trải cuộc sống bằng đủ nghề: ban ngày đi học, buổi tối tranh thủ làm thêm, khi thì làm hướng dẫn viên cho các đoàn du lịch nhỏ, khi thì phụ việc cho các đoàn quay quảng cáo. Cũng trong những năm tháng bươn chải ấy, ông nhận ra cơ hội lớn trong ngành du lịch cao cấp.
"Ông trùm du lịch cao cấp" và giấc mơ triệu đô
Sau khi tốt nghiệp, Quách Chính Lợi quay về Đài Loan với quyết tâm xây dựng sự nghiệp để bù đắp cho mẹ và các em trai. Ban đầu, ông làm phục vụ tại một khách sạn quốc tế lớn, sau đó nhờ kinh nghiệm hướng dẫn viên, ông được tuyển vào một công ty lữ hành. Tại đây, ông phát hiện nhu cầu du lịch Nhật Bản ngày càng tăng, đặc biệt ở phân khúc khách hàng cao cấp, điều mà thị trường lúc đó chưa ai tập trung khai thác.
Năm 1990, ông dùng 8.000 TWD (khoảng 7,1 triệu đồng) thuê văn phòng 9m² lập công ty “Thiên Hỷ Du lịch”. Trong khi các công ty khác đua nhau tổ chức tour giá rẻ, Quách Chính Lợi chọn lối đi riêng: phục vụ khách VIP, đưa họ sang Nhật trải nghiệm suối nước nóng, ẩm thực Kaiseki, trà đạo và văn hóa truyền thống.
Với khả năng tiếng Nhật lưu loát và dịch vụ xuất sắc, công ty của ông nhanh chóng thành công vang dội, doanh thu một năm lên tới 53 tỷ TWD (khoảng 47,3 nghìn tỷ đồng). Ông sở hữu 27 bất động sản, siêu xe, đồng hồ xa xỉ không đếm xuể.
Năm 2007, ông kết hôn với con gái đại gia suối nước nóng Nhật Bản. Đám cưới tiêu tốn 16 triệu TWD (khoảng 14,3 tỷ đồng), thuê trọn 300 phòng tại khách sạn cao cấp, tiếp đãi hơn 1.000 khách. Đám cưới được truyền thông trong nước và Nhật đưa tin rầm rộ.
Sai lầm đầu tư, gia đình tan vỡ và hành trình "làm lại từ đầu"
Khi công ty ngày càng lớn mạnh, Quách Chính Lợi bắt đầu dấn thân vào lĩnh vực bất động sản mà ông không hề có kinh nghiệm. Năm 2014, ông mạo hiểm dốc toàn bộ lợi nhuận kinh doanh đầu tư vào thị trường nhà đất, kỳ vọng tạo nên đòn bẩy tài chính. Tuy nhiên, thị trường bất động sản Đài Loan năm 2014 sụp đổ, khiến ông mất sạch tài sản, còn gánh thêm khoản nợ khổng lồ lên đến 1,5 tỷ TWD (khoảng 1.300 tỷ đồng).
Công ty phá sản, vợ bỏ ông quay về Nhật, em trai ông cũng tự sát vì không chịu nổi áp lực. Trong thư tuyệt mệnh, người em viết: “Cảm ơn anh đã luôn chăm sóc em. Em cũng đã quá mệt mỏi rồi. Mong một ngày anh có thể vực dậy từ nơi anh ngã xuống”.
Từ tỷ phú trở thành người mất hết tất cả, Quách Chính Lợi vẫn không buông xuôi. Nhìn người mẹ già bên cạnh, ông quyết không đi vào vết xe đổ của cha mình. Để trả nợ, ông học lại từ mẹ cách nấu món gà tẩm dầu mè truyền thống rồi ra chợ dựng xe bán hàng rong, trong túi chỉ còn vài trăm Đài tệ.
Ông tự giễu mình: “Một ngày bán 200 bát mới sống nổi”. Từng được mệnh danh là “ông trùm du lịch cao cấp”, nay Quách Chính Lợi chấp nhận bắt đầu lại từ đầu với nồi gà dầu mè, tự học cách bán hàng và quảng bá trên mạng xã hội. Câu chuyện của ông lay động hàng nghìn người, thực khách xếp hàng dài trước xe đẩy. Có ngày ông bán được 400 bát. Trong vòng 5 năm, ông trả nợ được đáng kể, chỉ còn khoảng 20 triệu TWD (khoảng 17,9 tỷ đồng) chưa thanh toán.
Cái kết bi thảm và những tranh cãi còn lại
Nhưng cái giá là sức khỏe. Tháng 11/2016, ông nhiễm viêm phổi nhưng vẫn gắng gượng bán hàng. Ngày 10/11, ông đổ gục trước xe đẩy, qua đời ở tuổi 59 với một ít tiền trong túi.
Cái chết của Quách Chính Lợi gây ra tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội. Nhiều người cảm phục ông vì lòng kiên cường, nhưng số khác lại chỉ trích ông vì quá tự tin, không biết dừng đúng lúc và kéo theo người thân xuống vực.
Dù yêu mến hay chỉ trích, mọi người cũng thừa nhận: cuộc đời ông là chuỗi biến động hiếm ai sánh kịp. Từ cậu ấm sinh ra trong nhung lụa đến tay trắng nghèo khó, rồi vươn lên trở thành tỷ phú, để rồi một lần nữa rơi xuống đáy vực, gánh gồng xe đẩy bán hàng rong giữa phố đêm nhưng cũng trả được đáng kể các khoản nợ rồi đột ngột ra đi.