Năm 2025 khởi đầu đầy hứa hẹn với Arnault khi ông được đích thân Trump mời đến dự lễ nhậm chức. Thị trường Mỹ, miếng bánh béo bở của LVMH, cũng chứng kiến sức mua tăng vọt đối với các sản phẩm xa xỉ. Tuy nhiên, cơn địa chấn thuế quan ập đến, khiến giá cổ phiếu LVMH lao dốc không phanh.
“Cho đến cuối tháng 2, mọi thứ vẫn diễn ra suôn sẻ. Rồi chúng tôi phải đối mặt với tình hình địa chính trị và kinh tế toàn cầu đảo lộn vì chính sách thuế quan”, Arnault chia sẻ trước các cổ đông tại Đại hội đồng thường niên của LVMH.
Ông cho rằng, "cuộc chiến thương mại" này nằm trong tay các nhà lãnh đạo châu Âu. Nếu thất bại, LVMH có thể phải dời đô sang Mỹ, quay lưng với châu Âu. Ông cũng đề xuất thiết lập khu vực thương mại tự do với Mỹ, một ý tưởng từng được Elon Musk đưa ra.
LVMH, với 75 thương hiệu đình đám như Louis Vuitton, Dior, Tiffany & Co., chịu ảnh hưởng nặng nề từ chính sách thuế. Cổ phiếu của tập đoàn đã giảm 35% kể từ tháng 2, và tiếp tục giảm thêm 8% sau khi công bố doanh thu quý I giảm 3%. LVMH mất vị trí công ty có vốn hóa lớn nhất tại Pháp, và danh hiệu tập đoàn xa xỉ giá trị nhất thế giới rơi vào tay Hermès.
Trước tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", Arnault cho biết LVMH có thể tăng giá bán tại Mỹ để bù đắp chi phí. Điều này có thể ảnh hưởng đến nhóm khách hàng tầm trung, những người khao khát hàng hiệu thông qua các sản phẩm giá mềm.
Mối quan hệ thân thiết giữa Arnault và Trump được giới quan sát đặc biệt chú ý. Con trai của Arnault, Alexandre, từng điều hành Tiffany & Co. tại Trump Tower và có mối quan hệ tốt với gia đình Trump.
Tuy nhiên, tại Louvre, Arnault khẳng định ông dành nhiều thời gian làm việc với ban lãnh đạo LVMH, bao gồm cả 5 người con, để tìm ra chiến lược ứng phó. Tập đoàn đang tích trữ hàng hóa và xem xét mở rộng sản xuất tại Mỹ.
Câu hỏi lớn nhất đặt ra cho LVMH là: Nên mở rộng phân khúc khách hàng hay tiếp tục tập trung vào xa xỉ thuần túy? Arnault khẳng định LVMH không hạ thấp đẳng cấp thương hiệu, và dù tăng trưởng có chậm lại, ông vẫn giữ vững niềm tin vào tương lai.