Bí mật của “Tờ rí” - phù thuỷ piano thầm lặng sau tiếng đàn của giới thượng lưu
“Tờ rí là Tori – “con chim” trong tiếng Nhật. Hoàng Tori: con chim sáng trên bầu trời.” – Hoàng Việt Trí giải thích về biệt danh thường được giới piano gọi mình. Anh được xem là “phù thuỷ piano” đứng sau thanh âm ma thuật của những cây đàn piano đắt giá trên thế giới, là người Việt hiếm hoi được đào tạo chuyên nghiệp trong môi trường quốc tế về sản xuất, phục chế và chỉnh âm piano.
Trí là người chỉnh cây đàn Steinway dòng Louis vô giá của Micheal Jackson, có chữ kí của cố danh ca, hiện thuộc quyền sở hữu của một nhà sưu tập người Việt; 3 cây đàn của đức vua Campuchia đều do anh chỉnh dây; Anh được mời phục chế và chỉnh âm cho những cây piano quý như Thuận Xương - cây đàn piano đầu tiên do Việt Nam sản xuất (1920); từng chỉnh đàn cho phòng thu của Elvis Phương và hàng loạt cây đàn tại các nhà thờ trên thế giới, của giới thượng lưu.
Cây đàn piano tại Nhà thờ chính toà Đức bà Sài Gòn, Roland T945, là do Trí cùng anh em dòng Donbosco đem về, cũng như các cây đàn piano tại Nhà thờ Huyện Sĩ, Nhà thờ Chánh Tòa Long Khánh, Xito Nho Quang Ninh Bình, Nhà Thờ Đức Bà, Donbosco Xuân Hiệp, Thủ Đức, …Sắp tới có thể là một cây đàn ống triệu đô, tại Lavang.
Trong thời gian tại nước Áo, anh tham gia cùng thầy Stephena chỉnh dây cho cây đàn tại nhà hát Wien (Nhà hát Opera quốc gia Vienna), trị giá khoảng 260.000 USD (5,9 tỷ đồng).
Hiện tại, anh đang sở hữu và phục chế cây đàn Đàn piano Bluthner sản xuất từ khoảng năm 1888, chỉ sản xuất cho hoàng gia Đức, mua tại vùng Tasmania, bán đảo thịnh vượng nhất ở Australia, là nơi nghỉ dưỡng của nữ hoàng Elizabeth (I, II) trước đây.
Không chỉ say mê nghiên cứu đàn piano, Trí còn chịu đầu tư học ngôn ngữ để tự mình khám phá nguồn tài liệu sơ cấp. Ngoài việc thông tạo tiếng Campuchia, Anh, anh còn học thêm tiếng Đức, Nhật, Tiếng Trung.
Trong cuộc chia sẻ cùng Luxlifestyle.vn, Hoàng Việt Trí lần đầu tiên kể nhiều về hành trình trong ngành piano, không màu mè, không hoa mĩ - đơn giản là cố gắng làm từng chút một với tất cả đam mê với con đường đã theo đuổi.
Thừa hưởng “cốt cách thượng lưu” từ gia tộc trí thức
Hoàng Việt Trí - “Tờ rí” là một người đặc biệt!
Chưa cần nói đến sự nghiệp, bản thân anh sinh ra đã rất khác đám đông: một bên là chảy trong mình chất doanh nhân của phía nội - gia tộc trí thức kinh doanh và sản xuất ô tô Genau giàu có, mang hai dòng máu Pháp – Việt, về sau kinh doanh ngành dệt, sản xuất và cung cấp vải tại Soái Kình Lâm; Một bên là phía ngoại có gốc Campuchia, ông ngoại là nhà thầu xây dựng nên trường ĐH Bách Khoa (cơ sở Lý Thường Kiệt) ngày nay.
Hoàng Việt Trí sinh năm 1985, lớn lên ở Sài Gòn. Anh thừa nhận gia đình không ai theo âm nhạc, nhưng có lẽ, cốt cách thượng lưu từ các thế hệ đã truyền đến anh, tạo nên một tâm hồn biết rung động, một trí óc minh mẫn và cả đôi tay khéo léo để cảm được tinh tuý của thanh âm, rồi từ đó điều khiển chúng.
Piano: Gặp gỡ và từ bỏ
15 tuổi, Trí lần đầu chạm tay vào cây đàn piano, tại Nhà văn hoá thiếu nhi TP HCM. “Lúc đó cảm giác như cây đàn đắt tiền lắm” – anh nói. Và không lâu sau, anh lao vào tự học, bị cuốn theo những âm thanh hấp dẫn của piano
18 tuổi, gia đình gặp biến cố, trở nên khó khăn, Hoàng Việt Trí bắt đầu ra đời kiếm tiền - “Tôi bắt đầu cuộc chiến … quăng đơn tìm việc trên mạng internet. May mắn, lúc đó Toyo MFG Japan (Toyo), của Nhật Bản đang tuyển đội ngũ trẻ, ưu tiên biết tiếng Nhật, biết IT nên dù chỉ mới tốt nghiệp cấp 3, tôi đã được nhận vào làm việc”.
Vào Toyo, Trí được huấn luyện bởi những chuyên gia đến từ cường quốc piano, học các công đoạn làm nên một cây đàn Piano chất lượng.
“Thời đó, tôi giống như một thanh niên hay phàn nàn, kiểu như kêu ca “cái này khó quá, không làm đâu”, chính những người như thầy Shichi Anzai, Shimomura Kanneko và Aikawa đã uốn nắn tôi.”
Hoàng Việt Trí kể lại, thầy Shichi Anzai từng dạy anh một câu: “Trí à, đừng bao giờ biện hộ. Làm đi!”. Và câu nói đó đã trở thành kim chỉ nam, thôi thúc anh tiến về phía trước với tất cả sự chăm chỉ, cố gắng, tự chịu trách nhiệm về mọi việc.
Thầy Kanneko thì rất hiền, dạy anh cách học; Thầy Shichi dạy anh tính kỷ luật và tiết kiệm từ cái con ốc nhỏ, tất cả đều phải tận dụng đầu óc của mình để biến thành hữu dụng; Thầy Shimomura dạy anh về bộ máy, dây; thầy Aikawa là một người rất khó tính, thầy dạy về bộ môn Sơn - mài nghệ thuật Maki-e của Nhật Bản, dạy cách pha sơn như thế nào, tỷ mỉ, chi tiết làm sao để tạo độ bóng hoàn hảo.
Sau khi Toyo tan rã, tách ra làm Toyo và Music World, các thầy trở về Nhật.
Ám ảnh câu hỏi “Làm sao để sản xuất cây đàn piano?”
Từ lúc làm việc tại Toyo, Trí đã đặt câu hỏi làm sao để sản xuất cây đàn piano. Tại công ty Nhật Bản, những người thầy chỉ cung cấp nền tảng, chiếm khoảng 20% công đoạn làm piano, như lắp ráp, còn các quá trình tạo ra nguyên vật liệu, thông số kỹ thuật như thế nào thì không được tiết lộ.
“Không có nơi nào đào tạo quy trình sản xuất piano đâu, vì quá nhiều bộ môn, tách ra nhiều bộ phận.” – Trí nói, là lý do anh học thêm ở ĐH Kiến trúc, ĐH Mỹ thuật.
Song song đó, khoảng từ 2008, 2009, Hoàng Việt Trí vừa học vừa làm, phụ trách việc quản lý trung tâm bồi dưỡng năng khiếu suốt 7 năm, tại Nhạc viện TP HCM.
Buổi sáng, Trí làm tại Nhạc viện, chiều chăm chỉ học tất cả các bộ môn nghiên cứu. Ở trường đại học, anh được thầy Đỗ Lệnh Hùng Tú (hiện tại đang là GĐ của hội điện ảnh Việt Nam) dạy nhiều kiến thức về mỹ thuật.
“Khi tôi hỏi về việc sản xuất piano, thầy Tú nói “bộ môn này chưa bao giờ có ở Việt Nam. Tôi nghe lạ quá. Thực sự là tôi chưa bao giờ nghe.” Thầy nói thầy dạy tôi hết về mỹ thuật, tôi đi học biên tập viên với thầy đi. Biết đâu tôi sẽ biên tập lại những gì học và biết.” – Trí kể lại. Vậy là anh học biên tập viên tại VOV. Đồng thời, anh cũng làm kinh doanh, có 2 showroom piano hoạt động tốt.
Anh từng vượt qua 3 vòng tuyển chọn khắt khe để trở thành thành viên của Hiệp hội piano quốc tế. Đến 2014, vì nhiều lý do, anh đột ngột nghỉ việc, rời xa âm nhạc. 2 năm tiếp theo là quãng thời gian mất phương hướng.
“Tôi muốn đến châu Âu”
Thời điểm 2 năm mất phương hướng, Trí muốn bỏ piano, muốn đi tu, và chỉ phục vụ công việc về đàn piano tại các nhà thờ. Các vị cha xứ nói: “Trí, cậu dường như bỏ hết mọi thứ, không màng tới cuộc sống rồi.”
May mắn, thầy Stephane Boussuge - 1 trong 20 người thầy mà anh gọi là vĩ đại trong cuộc đời mình, người giúp anh thay đổi mọi thứ, ngay trong lúc tưởng như bế tắc nhất.
Đó là thời điểm thầy Stephane đến Việt Nam giảng bộ môn chỉnh dây, trong 3 ngày học. Với vai trò thông dịch viên, Trí mô tả đúng những gì thầy làm bằng 4 công thức, còn mọi người trong nhóm học viên không hiểu hết được chúng. Thầy Stephane mới nói bốn năm kinh nghiệm anh đã học hết trong 4 công thức rồi, thầy còn hỏi thăm anh về sở thích piano.
“Thế giới rất rộng lớn, tôi muốn đến châu Âu, muốn coi có cái gì” – Trí nói với thầy Stephane Boussuge, khi trong tay anh không có tiền bạc tích luỹ, ngoài vốn kinh nghiệm làm việc và học tập đa ngành tại các trường đại học.
Và thầy Stephane đã giúp cậu có được học bổng toàn phần đến Thuỵ Sĩ, học trường Feurich. Đó là khoảng 2018, 2019, Trí hơn 34 tuổi.
Có học bổng toàn phần, sinh viên được trả thêm giờ công làm việc là 8 Euro/giờ và các chế độ khác, chưa gồm 40% tiền thuế. Nhờ đó, ở châu Âu Trí không cần phải làm việc, tự tin học hỏi.
Chạm vào giấc mơ châu Âu, nước Áo là nơi đầu tiên anh đến, sau đó là Thuỵ Sĩ, được sự giúp đỡ rất nhiều từ vợ chồng thầy Stephane. Anh cho biết, nhờ vốn tiếng Latinh được thầy Mai Trung Chính trước kia dạy trong nhà thờ, anh nhanh chóng làm quen ngôn ngữ mới, học hỏi nền văn hoá, phong cách và ý tưởng từ nền kinh doanh của bản địa.
Ở Áo, thầy Stephane trực tiếp dạy Trí, đưa anh làm công việc chỉnh đàn tại Khách sạn 5 sao Kemipinski trên đỉnh núi trượt tuyết ở Thuỵ Sỹ. Địa điểm này là nơi diễn ra những giải lớn như Olympic. Được biết, cây đàn đặt tại khách sạn hạng sang này được một giám đốc hãng xe ô tô BMW thời đó thường tới chơi.
Để vươn ra đấu trường piano quốc tế, anh đã đấu vài lần và giành chiến thắng trong các tranh luận, phản biện chuyên ngành cùng sinh viên quốc tế.
“Khi bạn lên dây đàn piano thì thứ nhất bạn phải có kiến thức, thứ hai bạn cần hiểu về cây đàn đó, tiếp theo là hiểu người nhạc sĩ, nghệ sĩ sắp chơi cây đàn đấy, dòng nhạc họ chọn. Với mỗi trường hợp đều có một cách lên dây khác nhau, đòi hỏi sự chuyên nghiệp và tập trung cao độ” - Trí giải thích về những điều cần lưu ý để làm nghề.
Những điều thú vị tại châu Âu
Thời gian đầu du học tại châu Âu, trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ giáng sinh, anh đi dọc phố Maria Theresa vắng lặng, vô tình gặp một quán ghi chữ “pho” không dấu, anh bước vào, gặp chủ quán là người Việt - cô Bình.
Một tô phở tại đó có giá 15 Euro, nhưng thấy anh là người Việt, cô chỉ để anh 6 đồng, rồi cuối cùng khi tính tiền lại từ chối, tặng luôn bữa ăn. Những người Việt trên đất khách gặp nhau, cuộc nói chuyện trở nên thân tình như cách người mẹ, người cô nói chuyện với con cháu, cô Bình gợi ý anh kinh doanh các mặt hàng nước hoa, đồng hồ từ Thuỵ Sỹ.
Mùa đông năm đó, Trí thu về lợi nhuận 5.000 Euro từ bán hàng. Được thầy Stephane tặng thẻ tàu điện xuyên châu Âu, cùng với số tiền kiếm được, anh bắt đầu hành trình đến Praha (Séc), Leipzig (Đức), Amsterdam (Hà Lan), Ý, … trải nghiệm cuộc sống KTX sinh viên của các người bạn, trải nghiệm sống trong các nhà thờ, khách sạn năm sao, tham quan cảnh đẹp và các nền văn hoá, …
Kết thúc chương trình học, anh có cơ hội ở lại nước Áo, nhưng anh muốn về. "Đối với tôi, nhà là sự an toàn."
Tham vọng cây đàn piano “Made in Vietnam” với “Vietnam style”
Theo Hoàng Việt Trí, 40 năm nay, ngành piano Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nước ngoài. Đáng chú ý, nhiều người tiêu dùng phải bỏ số tiền rất lớn để mua lại một cây piano cũ chưa tương xứng với giá trị. Anh không muốn người Việt bỏ ra quá nhiều tiền như vậy nên anh liên tục nghiên cứu để tối ưu mọi thứ.
Trí luôn trăn trở về việc "Malaysia, Trung Quốc đã trở thành công xưởng piano, lý do gì Việt Nam mình lại không, trong khi chúng ta có sở hữu công nghiệp CNC, thủ công nghiệp, nội ngoại thất làm ra những sản phẩm tiêu chuẩn châu Âu."
“Tôi cho rằng Việt Nam thừa sức làm những sản phẩm cùng chất lượng và có giá tốt hơn. Hi vọng Việt Nam sẽ vào top 10 nhà sản xuất piano thủ công nghiệp trên thế giới” – Trí nói.
Năm 2019, quay về Việt Nam, anh đi khắp cả nước, từ Sapa, Phú Quốc, Tây Nguyên, … để tìm nguyên liệu thuần Việt, vì muốn tôn vinh người Việt trong sản phẩm piano đầu tay.
Trải qua quá trình học tập nhiều chuyên ngành giúp ảnh mở mang được rất nhiều kiến thức chuyên sâu giúp ích cho ngành chế tạo piano. “Ngoài việc tạo ra cây piano thiết kế đẹp mắt, khi học kết cấu mới hiểu được một cây piano nó chịu lực như thế nào” – anh cho biết.
Ngay cả những kiến thức như ép gỗ, có sự khác biệt lớn giữa Việt Nam và thế giới. Ở các nước anh đến, anh đã được học về cách cắt gỗ như thế nào, chọn khung thời gian ra sao, gỗ bao nhiêu năm. "Gỗ cũng như một sinh vật sống, chẳng hạn gỗ thông vùng Everest nên chặt vào ban đêm, vì khi đó cây sản sinh ra CO2, tiết hết nhựa ra, vùi trong tuyết 4 năm mới lấy nhựa đó, cây đó, gia cố, cắt ra từng miếng, đưa về phơi khô trong 2 năm. Sau đó, họ mới đưa vào tiến trình đẩy ép nhựa, bằng cách hấp lên. Mất 6-7 năm mới tạo ra được gỗ thành phẩm."
Anh cho biết các sản phẩm đại trà thường dùng gỗ công nghiệp, bị xử lý hoá chất. Khi nhúng, tẩm lên gỗ, xenlulose chết, nó không còn âm thanh thuần tuý của nó. Đó là quy trình nhỏ trong quá trình tạo ra chất liệu âm thanh của cây đàn.
Cây đàn piano 6000 chi tiết, chỉ một vật liệu rẻ tiền cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng âm thanh, nên từng bộ phận hoàn hảo sẽ tạo nên thành phẩm luxury.
"Một chi tiết để phân biệt giữa sản phẩm luxury và sản phẩm thường là chất liệu: càng sử dụng nguyên liệu, chất liệu công nghiệp giá thành càng giảm." - Trí giải thích thêm về cách nhận biết phân khúc đàn piano.
Để hiện thực hoá giấc mơ thương hiệu piano Việt Nam, anh đã có 10 năm âm thầm sản xuất cây đàn piano mạ vàng made in Vietnam – Vietnam Style, và theo hướng luxury, chỉn chu từng chi tiết như đã nói ở trên.
Gọi là “Vietnam style” - Phong cách Việt vì anh đã ứng dụng toàn bộ nghệ thuật của người Việt, như kỹ thuật điêu khắc Việt Nam phổ theo điêu khắc ngày xưa mình có, nghệ thuật dát vàng Kiêu Kì, gỗ đến từ vùng Sapa …
Đến nay, Hoàng Việt Trí trải qua 18 năm học tập và làm việc chuyên sâu về thiết kế piano, trong đó có 5 năm ở nước ngoài, và kết hợp tự đi nghiên cứu, tự đi học, tự tìm đến những hiệp hội và lấy bằng chuyên nghiệp.
Hiện tại anh vẫn đi đi về về giữa Việt Nam và các nước để làm việc, kết nối với bạn bè, khách hàng và đối tác trên thế giới. Với cây đàn piano “Vietnam style” dát vàng sắp ra mắt, sẽ là “lời chào” ấn tượng mà phù thuỷ piano Hoàng Việt Trí – Tờ rí dành cho giới yêu piano.