Đại văn hào Lev Tolstoy xé bỏ thân phận quý tộc và gia đình giàu có để hoà đồng cùng dân nghèo

Robert Stephens

Đã có lúc, gia đình và bạn bè nghĩ Lev Tolstoy bị điên, ông vẫn kiên định theo con đường của mình.

lev-tolstoy-dai-van-hao-1645549322.jpeg

Lev Tolstoy là một trong những đại văn hào Nga vĩ đại nhất thế kỷ 19 với tiểu thuyết "Chiến tranh và Hòa bình". Dù xuất thân quyền thế trong thời đại Sa hoàng, đại văn hào Nga Lev Tolstoy xé bỏ rào cản định kiến và gắn bó với tầng lớp bình dân.

Gia đình Tolstoy là một dòng họ quý tộc nổi tiếng từ xưa tại Nga, mẹ của ông khi sinh là nữ công tước Volkonsky, trong khi bà ông có nguồn gốc xuất thân từ gia đình hoàng gia Troubetzkoy và Gorchakov. Tolstoy có họ hàng với các gia đình quý tộc lớn nhất nước Nga.

Thực tế sinh ra trong một trong những gia đình đại quý tộc bậc nhất ở Nga khiến Tolstoy rất khác biệt với toàn bộ những nhà văn khác cùng thế hệ với ông. Ông luôn là một nhà quý tộc có ý thức về vấn đề giai cấp.

Với vị thế là con cháu gia đình quý tộc quyền thế, nhưng Lev Tolstoy dần thoát ly những lề thói phong kiến và đón nhận các tư tưởng phi truyền thống đáng kinh ngạc. Năm 1844, Tolstoy bắt đầu học luật và các ngôn ngữ phương Đông tại Đại học Kazan, và nghỉ ngang vì không tìm thấy ý nghĩa trong học tập.

Đa phần thời gian học tập tại trường đại học và những ngày tháng tiếp theo trong cuộc đời ông giống với nhiều chàng trai trẻ và người ở tầng lớp của ông khi ấy, không theo quy luật nào và luôn tìm kiếm các trò vui qua rượu, bài bạc, và phụ nữ.Cũng chính thời gian đó, Lev Tolstoy không chỉ gác lại những ngày tháng xa hoa tuổi trẻ, ông cũng từ bỏ lối sống "vứt tiền qua cửa sổ" của giới quý tộc để đổi mới thế giới quan.

Chìa khóa giúp Lev Tolstoy tự làm mới tư tưởng là tinh thần cầu thị, sẵn sàng thay đổi suy nghĩ bằng trải nghiệm mới. Kỹ năng này được ông rèn giũa khi gia nhập quân đội Nga hoàng vào thập niên 1850. Chiến dịch vây hãm đẫm máu ở thành phố Sevastopol trên bán đảo Crimea, để lại vết hằn sâu trong tâm trí quân nhân trẻ tuổi, biến ông thành một người theo chủ nghĩa hòa bình.

Bước ngoặt xảy đến vào năm 1857, khi ông chứng kiến buổi hành quyết bằng máy chém giữa Paris. Cảnh tượng kinh hoàng ám ảnh Tolstoy đến mức đưa ông đến chủ nghĩa vô chính phủ, với niềm tin rằng mọi nhà nước tại châu Âu thời điểm đó "không chỉ được thiết kế để bóc lột mà còn hủy hoại người dân". Trong bối cảnh đó, nhà văn Nga tuyên bố ông sẽ không bao giờ phục vụ cho bất kỳ chính quyền nào nữa và chỉ trích kịch liệt chế độ Sa hoàng, nguồn gốc giàu có của chính gia đình mình.

Không giống những một số nhà phong kiến cấp tiến cùng thời, Tolstoy tin rằng khả năng thấu cảm với người nông dân cần trải nghiệm thực tế, không dừng ở những lời nói suông kêu gọi đoàn kết.

Ông tin rằng mỗi người, dù là kẻ quyền lực hay phường trộm cắp, đều tự cho rằng cách sống của mình là đúng. "Để bảo vệ thế giới quan riêng, theo bản năng, họ chỉ tiếp xúc với những người có cùng cách nhìn và vị trí trong xã hội", Tolstoy viết trong tác phẩm "Tái sinh".

Sau sắc lệnh giải phóng nông nô vào năm 1861 và hưởng ứng làn sóng ngợi ca giai cấp nông dân, Tolstoy từ bỏ cuộc sống quý tộc ở Moskva. Ông đến sống và lao động cùng những người làm thuê trên điền trang của mình. Hàng ngày, ông tự tay cày cuốc và sửa nhà cùng nông dân. Ông mở trường dạy tư tưởng Rousseau đến Proudhon cho trẻ em nghèo.

Người được bao bọc bởi đặc quyền, đặc lợi thường cảm thấy xa lạ với nỗi khổ cực của kẻ khác, song Tolstoy là một trường hợp đặc biệt. Năm 1873, ông đang viết tiểu thuyết Anna Karenina, tác phẩm sau này được xếp cùng hàng với "Chiến tranh và Hòa Bình" là những đỉnh cao văn học Nga, thấy cảnh nông dân khốn đốn vì mùa màng thất bát, chủ nhân điền trang Yasnaya Polyana gác bút suốt một năm để cứu đói người dân.

Gia đình lẫn bạn bè Tolstoy có lúc chỉ trích ông bị điên. Một trong những nhà văn tài ba nhất thời đại lại chấp nhận trì hoãn kiệt tác để giúp đỡ nông dân nghèo là điều nằm ngoài trí trưởng tượng những người cùng thời đại. "Tôi không thể chia cắt bản thân khỏi những tạo vật đang sống để lo nghĩ về tạo vật trong trí tưởng tượng", ông giải thích trong thư gửi một người họ hàng.

Đi tìm ý nghĩa cuộc sống là niềm trăn trở dai dẳng đối với đại văn hào Nga. Tất cả tiền tài và danh vọng không thể giúp ông giải đáp lý do để mình tồn tại. Nỗi ám ảnh còn đẩy ông đến bờ vực tự sát, cho đến khi tìm thấy sự giải thoát trong Phật giáo, kinh thánh và triết học vào cuối thập niên 1870 để chuyển sang lối sống tối giản.

Ông cũng từ bỏ rượu, thuốc lá, Chính thống giáo rồi bắt đầu ăn chay, tiên phong lập nên những công xã tự cung tự cấp. Mô hình này đã tạo cảm hứng cho Mahatma Gandhi lập ra "ashram", một nơi trú ẩn tâm linh cho mọi người, vào năm 1910 với tên gọi "Nông trại Tolstoy".

Vào thập niên 1890, Lev Tolstoy từ bỏ luôn bản quyền nhiều tác phẩm để đời của mình bất chấp phản đối từ người thân. Chỉ khi vợ và con cái can ngăn quyết liệt, ông mới đồng ý không để lại toàn bộ cơ ngơi cho nông dân trong vùng.

Dù không thể phủi sạch mọi đặc quyền bản thân, ông cố gắng sống hòa đồng hết khả năng cùng tầng lớp bình dân. Khi cánh nhà báo văn sĩ đến thăm đại văn hào người Nga vào những năm cuối đời, họ bắt gặp cảnh ông tự tay đóng giày, chẻ củi dù trong nhà không thiếu người hầu hạ.

Từ một nhà quý tộc phong kiến thành người nhiệt huyết với tư tưởng bình quyền của đại văn hào thế kỷ 19 đã nhận được sự ngưỡng mộ của nhiều thế hệ.

(Tổng hợp)