Du thuyền - từ thú chơi xa hoa thành “cục nợ”

Minh Quang

Du thuyền từng là thú chơi xa hoa, thời thượng của không ít đại gia, điểm nhấn trong các tour du lịch cao cấp. Thế nhưng, giờ đây nhiều chiếc du thuyền ở TP.HCM đang trở thành gánh nặng cho chủ nhân vì chi phí bảo trì, neo đậu...

img-bgt-2021-2-1-1639047341-width1280height780-1639392946.jpg
Du thuyền neo đậu dài ngày tại bến dọc sông Sài Gòn ở TP Thủ Đức

La liệt nằm bãi đợi thanh lý

Những ngày cuối tháng 11/2021, PV Báo Giao thông trực tiếp khảo sát các bến du thuyền nằm 2 bên bờ sông Sài Gòn.

Đáng ngạc nhiên là số lượng du thuyền neo tại bến sông chỉ khoảng 2 - 3 chiếc/bến nhưng bên trong các xưởng sửa chữa ven sông, số lượng du thuyền ký gửi để đợi bán nhiều gấp 5 lần so với trước.

Chiếc ca-nô đưa chúng tôi rẽ qua cầu Ông Nhiêu, TP Thủ Đức vào một xưởng sửa chữa ca-nô, du thuyền sát con rạch nhỏ.

Phía sau những tán dừa nước là la liệt phương tiện đường sông. Ngoài những ca-nô, thuyền câu, mô-tô nước là 4 chiếc du thuyền tầm trung.

Anh Duy Đông, chủ cơ sở sửa chữa cho biết, những du thuyền mini này đã nằm bãi 6 tháng nay.

“Hai trong số bốn chiếc này là của K.V - một doanh nhân chuyên kinh doanh du thuyền nổi tiếng cả nước nhưng phá sản 2 năm trước nên cấn trừ nợ cho đối tác và về Mỹ”, anh Đông kể và cho biết, sau một thời gian neo tại bến sông, chi phí trông giữ và bảo trì 2 du thuyền quá cao nên người chủ mới của du thuyền phải ký gửi trên bờ và nhờ rao bán giúp.

Anh Đông cho biết, chỉ tính riêng công nợ kéo thuyền lên bờ, sửa chữa, bảo trì, lưu bãi trông coi suốt từ đầu năm đến nay, các chủ tàu đã nợ anh gần 1 tỷ đồng.

Nhưng éo le ở chỗ, tất cả những du thuyền này, hiện đã hạ giá hơn một nửa so với giá nhập về Việt Nam mà vẫn chưa có khách nào mua. Cũng vì nằm bãi quá lâu, các phương tiện đã hết hạn đăng kiểm, không được phép hạ thủy.

Chúng tôi theo chân anh Đông lên xem tình trạng một chiếc du thuyền mini Caver 350 Mariner đang được rao bán giá 1,2 tỷ đồng.

Đây là du thuyền gia đình được ưa chuộng do một công ty tại Phú Quốc nhập về với tổng chi phí hạ thủy là 2,8 tỷ đồng, sử dụng khai thác du lịch.

Con tàu dài hơn 11m, rộng gần 4m và có 1 phòng khách, 1 phòng ngủ, 1 bếp nấu ăn. Toàn bộ nội thất bên trong được bọc da công nghiệp màu kem và lau sạch sẽ hàng ngày để bảo trì như mới.

“Đây gọi là con tàu “bán hụt” vì có một nữ đại gia bất động sản hỏi mua, kế tiếp lại một hoa hậu hỏi mua nhưng sau đó vẫn tiếp tục nằm bãi do dự án khu du lịch của 2 vị khách kia cũng đang phải dừng lại”, anh Đông nói.

Tìm hiểu của PV, chi phí neo đậu và bảo trì tại các bến thủy lớn dành cho du thuyền hiện nay khá cao, dao động từ 30 - 50 triệu đồng/tháng tùy vào các gói dịch vụ.

Đặc biệt, có những dòng siêu cao cấp, nhiều tiện nghi như du thuyền Azimus, Searay 58 hay Arquimedes 95 thường neo tại bến Bình Khánh, chi phí neo đậu tính theo tháng cũng gần trăm triệu đồng.

Chủ du thuyền, chủ bến đều gặp khó

Du thuyền - từ thú chơi xa hoa thành “cục nợ” 2

Một du thuyền mini hiện đang rao bán với giá chỉ bằng 1/3 giá nhập mới nhưng vẫn không có khách mua

PV tiếp tục ghi nhận tại bến du thuyền Đảo Kim Cương, bến Lan Anh, các du thuyền neo lại hầu như toàn bộ thời gian.

Một du thuyền trong số này hiếm hoi có 1 lần xuất bến đi Cần Giờ. Số còn lại có bảo vệ canh gác trông coi 24/24h.

Anh Huy (35 tuổi), thợ máy tàu chuyên bảo trì du thuyền mini dọc tuyến sông Sài Gòn chia sẻ: “Trong khoảng 1 - 2 ngày lại có một thợ máy điều khiển cho tàu khởi động, nâng hạ chân vịt để kiểm tra hoặc vệ sinh.

Đối với các loại du thuyền thế hệ cũ chạy động cơ 2 thì, việc bảo dưỡng còn cần đi kèm súc bình xăng, ống dẫn xăng, dẫn nhớt, để tránh trường hợp “nằm sông” rất nguy hiểm”.

Sandy, chuyên viên nghiên cứu phân tích thị trường của một nhà sản xuất du thuyền tại TP.HCM cho biết, thị trường kinh doanh du thuyền có sự thay đổi từ năm 2019.

Đến năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, cá nhân, đơn vị đã đầu tư sở hữu du thuyền càng trở nên khó khăn hơn, khi họ đã đầu tư trong khoảng 2 - 3 năm trước đó.

Đến giai đoạn này, gần như tất cả các chủ sở hữu du thuyền đều đã âm vốn nếu mua để khai thác du lịch.

Bên cạnh đó, quá trình chuyển giao công nghệ trong ngành tàu thuyền cũng diễn ra mạnh mẽ nên các xưởng sản xuất đã có thể tự đúc vỏ tàu composite theo nhiều kiểu dáng thiết kế, sau đó kết hợp với động cơ và trang trí tiện nghi nội thất để cho ra đời du thuyền tầm trung, thuyền câu gia đình có giá thành rẻ hơn nhập khẩu nguyên chiếc.

Dù đa số những loại du thuyền tầm trung, thuyền câu dạng này chỉ được phép đi trên sông nhưng lại phù hợp với túi tiền và nhu cầu của khách hàng thành phố, họ sẽ hạn chế đi tour đông người trên du thuyền lớn mà thay vào đó là thuê du thuyền nhỏ để sử dụng.

“Do vậy, ngay cả khi kinh tế hồi phục, nguy cơ du thuyền hạng sang cỡ lớn ế ẩm vẫn khó tránh khỏi. Một vài tour siêu cao cấp cũng không thể bù đắp được chi phí duy trì”, Sandy nói.

Để trang trải chi phí suốt hơn 1 năm qua, chị Phương, chủ công ty cho thuê du thuyền vừa đăng bán chiếc thuyền hiệu Siray với giá 980 triệu đồng, vừa kêu gọi thêm 5 tỷ đồng cho 10% cổ phần.

Công ty chị Phương sở hữu 4 du thuyền mini và 50% vốn góp cổ phần một siêu du thuyền trị giá 18 tỷ đồng đang neo tại bến Bãi Vòng (Phú Quốc) nhưng cũng chung tình trạng ế ẩm nhiều tháng nay.

Không chỉ nhà đầu tư du thuyền lâm vào tình cảnh khốn khó, ngay cả chủ đầu tư bến thủy nội địa cũng ngao ngán trước bài toán thu chi vì làn sóng thanh lý tàu thuyền hiện nay.

“Từ đầu năm đến nay, bến chỉ nhận được 3 hợp đồng neo đậu trông coi trong khi phải trả lương cứng thợ máy 30 triệu đồng mỗi tháng và lương bảo vệ 24 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể chi phí đầu tư ban đầu cả tỷ đồng, vừa mở bến mấy tháng sau thì dịch ập đến”, một chủ bến tại quận 2 cho biết.

Cũng theo chủ bến này, hiện thú chơi du thuyền gần như tắt lịm do không còn phù hợp với bối cảnh chung.

Các cá nhân sở hữu du thuyền không còn nhiều mà chủ yếu sang nhượng cho một số pháp nhân công ty là chủ đầu tư dự án bất động sản muốn gia tăng tiện ích trong khu vực để dễ chào bán căn hộ, biệt thự.

Thống kê của Sở GTVT TP.HCM, trong năm 2020 số lượng du thuyến đăng ký chiếm 8,2% trong tổng số phương tiện đường thủy đăng ký mới. Thế nhưng, qua năm 2021 con số này chỉ chiếm 1%, đủ để cho thấy sự khó khăn của loại hình phương tiện đặc thù này.

Gần đây, Sở GTVT cũng có tờ trình đề xuất Bộ GTVT xem xét cho thí điểm lập bến thủy nội địa cá nhân, hộ gia đình để tháo gỡ dần các khó khăn, bất cập về việc neo đậu du thuyền, ca-nô trên địa bàn.