Mỹ nhân Song Ji A - sự nghiệp sớm tàn vì dùng hàng giả: “Tôi đã nghĩ rằng chỉ cần mình đẹp là được”
Bùng nổ danh tiếng từ show Singles Inferno (Địa ngục độc thân) của Netflix và JTBC ra mắt tháng 12/2021 đến 8/1/2022, Song Ji A (YouTuber Free Zia) trở thành cái tên được hàng loạt thương hiệu đình đám và nhiều chương trình Hàn Quốc săn đón. Tuy nhiên, sự nghiệp người đẹp nhanh chóng tàn vì scandal dùng hàng giả (fake).
Song Ji A toả sáng sau một đêm, trượt dốc cũng chỉ sau một ngày
Một pha dùng hàng giả hiếm người có sức ảnh hưởng nào dám làm của Song Ji A là đeo túi Lady Dior giả trong quảng cáo nước hoa Miss Dior được chính nhãn hàng xa xỉ này đặt hàng cô quảng cáo.
Chiếc túi Lady Dior giả ngay trong chính quảng cáo cho sản phẩm của Dior. Ảnh: Dispatch
Sau đó, công ty quản lý của Song Ji A là Hyowon CNC cũng đã thừa nhận chiếc túi Lady Dior là đồ nhái và xoá bài đăng quảng cáo nước hoa. Công chúng ngay lập tức quay lưng và kêu gọi tẩy chay Song Ji A.
Scandal Song Ji A đang thu hút sự quan tâm của giới trẻ lẫn các chuyên gia dù sự việc bị phanh phui từ giữa tháng 1 đến nay. Trước khi tham gia show, tài khoản Youtube của Song gồm các video hướng dẫn phối đồ, trang điểm, làm đẹp thu hút 500 nghìn người theo dõi. Sau Địa ngục độc thân, con số này đã tăng vọt lên 1,8 triệu người. Thành công của chương trình giúp Song vụt sáng chỉ sau một đêm.
Một cảnh trong Singles Inferno (Địa ngục độc thân).
Không chỉ là một buổi hẹn hò trong mơ, hình ảnh cô gái xinh đẹp, trẻ trung và những món hàng xa xỉ như chiếc túi Prada, bộ bikini Louis Vuitton, đồ hiệu của Chanel, Dior, Versace, Alexander McQueen...mà cô gái 25 tuổi khoe trước ống kính cũng giúp cô được yêu thích hơn.
Chỉ hai tuần sau khi show kết thúc, ngày 15/1, Song liên tục bị khán giả tố cáo những món đồ này là giả. Cũng sau một ddêm, sự nghiệp đang thuận lợi của cô gái bỗng chốc thay đổi.
Hôm 25/1, Song Ji A đã đăng tải video xin lỗi lên trang cá nhân: "Tôi thừa nhận mặc đồ xa xỉ giả. Tất cả là lỗi của tôi. Là một YouTuber, lẽ ra tôi phải cẩn thận và chu đáo hơn trong mọi hành động. Nhưng tôi đã làm hỏng hình ảnh của các nhãn hàng và khiến nhiều người thất vọng".
Xuất hiện trong video xin lỗi khán gỉa, cô nàng lộ rõ sự phờ phạc, nhợt nhạt.
Đồng thời, người đẹp xóa hết các bài đăng trên Instagram và YouTube, ngừng mọi hoạt động, nói rằng cần thời gian để xem xét bản thân.
Trong một cuộc phỏng vấn với Dispatch, công ty quản lý của Song Ji A - Hyowon CNC - cho biết cô mua đồ ở các quầy hàng trên đường phố và cửa hàng trực tuyến vì thấy đẹp mà không hay biết đó là hàng giả. Nhiều người chỉ trích Song là “dối trá” vì không ai ngu ngốc mua đồ hiệu ở sạp vỉa hè. Trên Instagram, một người dùng bình luận: "Cô ta đã lừa dối chúng ta, xem thường khán giả".
Khi Song Ji A đã xoá 174 bài trên Instagram nhưng cư dân mạng vẫn tiếp tục lục lại những clip cô đăng trên Youtube để bóc phốt cô dùng hàng giả những thương hiệu lớn như Saint Laurent, Chanel, Versace và Fendi.
Chiếc áo Chanel giả. Ảnh: Dispatch
Theo một nguồn tin, Song Ji A kiếm được khoảng 30 triệu won (khoảng 570 triệu đồng) cho mỗi bài đăng quảng cáo trên Instagram, giá book quảng cáo hàng trên Youtube là khoảng 80 triệu won, (tương đương 1,5 tỷ đồng). Biết mức cát xê khủng của Ji A, cư dân mạng bất ngờ và khó hiểu khi tại sao cô lại dùng nhiều hàng giả đến thế.
Trong buổi phỏng vấn với Ditspatch, cô đã trả lời: "Tôi không biết nữa. Tất cả là lỗi của tôi.. Khi bị hiểu nhầm là dùng hàng hiệu, đáng lẽ ra tôi phải đính chính lại ngay lập tức... Tôi đã nghĩ rằng "Chỉ cần mình đẹp là được". Tôi sai rồi. Tôi không có gì để biện mình cả".
Sau sự cố, nhiều chương trình chưa phát sóng như Point of Omniscient Interfere (MBC), Knowing Bros (JTBC) đã quyết định chỉnh sửa, cắt bỏ các cảnh có liên quan đến Song Ji A. Người hâm mộ cho rằng việc mặc đồ nhái xuất hiện trên một chương trình phát sóng quốc tế là không thể chấp nhận. Họ kêu gọi các biện pháp trừng phạt Song Ji A.
Theo Sports Chosun, hình ảnh Song Ji A phần nào cho thấy sự gia tăng chủ nghĩa vật chất, lối sống ảo của giới trẻ Hàn Quốc.
Song Ji A sinh ra và lớn lên tại Busan trong một gia đình trung lưu Hàn Quốc. Năm 19 tuổi, người đẹp chuyển đến Seoul, theo học bộ môn múa truyền thống Hàn Quốc tại Đại học Hanyang. Song song đó, cô phát triển nghề làm YouTuber. Khi được hỏi đến lọ nước hoa yêu thích, Song Ji A từng nói mê đắm mùi hương Chanel No.5 từ thời còn học trung học.
Vẻ đẹp ngọt ngào của cô nàng.
SCMP cho rằng Song dùng hàng giả vì áp lực duy trì hình ảnh sang trọng, kiêu sa. Khi tham gia Địa ngục độc thân, việc ngày càng nổi tiếng đòi hỏi Song có thêm nhiều bộ cánh thời thượng và hợp mốt. Không có tiền để mua sắm đồ hiệu khiến người đẹp làm liều. Ngôi sao từng cho biết áp lực mỗi lần đăng thứ mới lên mạng xã hội. "Tôi thấy mình không thể mặc lại quần áo đã dùng một lần hoặc đăng những thứ giống nhau lên mạng xã hội", cô kể trong một chương trình truyền hình năm 2021.
Cảnh xếp hàng chờ mua hàng Chanel tại Hàn Quốc. Ảnh: Internet
Thường xuyên khoe bộ sưu tập những món đồ đắt tiền trong các video, Song đã xoáy vào tâm lý chung của người tiêu dùng trẻ Hàn Quốc. Theo SCMP, những video trên YouTube có từ khóa "thương hiệu xa xỉ" bằng tiếng Hàn đạt hàng triệu lượt xem. Gần hai năm qua, giới trẻ nước này rơi vào cơn khát hàng xa xỉ. Hồi tháng một, hàng chục người dựng lều, xếp hàng từ sớm trước các cửa hàng Chanel tại trung tâm thương mại Shinsegae và Lotte ở Seoul trong tiết trời âm 13 độ C, để kịp mua những sản phẩm trước khi hết hàng.
Giáo sư Kwak Keum Joo của Đại học Quốc gia Seoul nói với SCMP: "Ngay cả người bình thường cũng thấy cần liên tục đăng ảnh khoe mình với người khác. Người dùng có xu hướng đăng những thứ họ nghĩ bạn bè thích. Là một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, bạn sẽ điều chỉnh bản thân theo những gì người xem mong muốn và khát khao".
Theo bà Kwak, ngày nay, giới trẻ Hàn Quốc cho rằng đồ xa xỉ giúp chủ nhân được xếp hạng ở tầng lớp xã hội cao hơn. Trên Korea Times, Yoo Hyun Jung - giáo sư về khoa học tiêu dùng ở Đại học Quốc gia Chungbuk - nói: "Gen Z hiện nay thích đăng tải những hình ảnh phô trương và hào nhoáng, cho thấy mình giàu có trên mạng xã hội. Không phải ai cũng thể hiện cuộc sống thật. Những người không có điều kiện sẵn sàng diện đồ giả (fake) để theo kịp xu hướng của giới nhà giàu".
Theo SCMP, Korean Times, VBS, Dispatch và tổng hợp