Nguyên nhân Rolex và Chanel Hàn Quốc giới hạn số lượng bán ra dù nhu cầu mua tăng cao

Cao Kiều Vy

Hàn Quốc là thị trường tiêu thụ hàng xa xỉ đứng thứ 7 thế giới. Trong 2 năm diễn ra đại dịch covid, con số mua hàng tại đây vẫn rất ấn tượng. Nhưng dù nhu cầu người dùng tăng cao, Rolex và Chanel vẫn quyết định hạn chế lượng khách mua, vì ngăn chặn hành vi làm xấu hình ảnh thương hiệu.

nguyen-nhan-rolex-va-chanel-han-quoc-gioi-han-so-luong-ban-ra-du-nhu-cau-mua-tang-cao-1652087301.png

Vốn dĩ, chuyện phải xếp hàng từ sáng sớm trong trời mưa tuyết để có cơ hội được sở hữu một thiết kế mới nhất từ Chanel đã không còn quá lạ lẫm tại xứ Kim chi. Thậm chí, có một khảo sát còn chỉ ra rằng, đồng hồ Rolex và túi Chanel là 2 món quà cưới được ưa chuộng nhất tại Hàn Quốc. Thực hư như thế nào?

Rolex chỉ cho phép người dùng đặt chỗ 15 ngày một lần

Vào năm 2020, Rolex Hàn Quốc đã ghi nhận tổng doanh thu ấn tượng - 232,9 tỷ KRW (200 triệu đô la).
Tháng 9 năm ngoái, hai giờ sáng tại Hàn Quốc, dòng người xếp hàng trước Cửa hàng đồng hồ Rolex tăng cao, dù giá bán của mỗi món đồ tính theo tiền Việt cũng ở hàng trăm triệu trở lên. Người dùng Hàn Quốc cũng sẵn sàng chờ đợi hàng tháng trời để được chạm tay vào thương hiệu cao cấp này. 

Trên Diesel Mania, diễn đàn chia sẻ thông tin về thời trang và xu hướng của Hàn Quốc, một người dùng đã đăng tải rằng cuối cùng anh ta đã thành công trong việc mua một chiếc đồng hồ Rolex Datejust sau 3 tháng chờ đợi. 
 “Tại toà nhà Hyundai vào Chủ nhật, có 30 người đợi lúc 2 giờ sáng và 70 người lúc 5 giờ sáng”, vị khách hàng của Rolex đã viết. Phía dưới, nhiều người khen ngợi lẫn ganh tỵ với “sự may mắn”của anh.

Thật không may, hầu hết những khách hàng xếp hàng đều ra về tay trắng. Nhiều người xếp hàng mua cho biết, Rolex chỉ bán hàng tại cửa hàng, vì nguồn cung hạn chế.

trong-anh-chup-ngay-188-nay-moi-nguoi-cho-doi-de-vao-cua-hang-rolex-tai-cua-hang-shinsegae-o-quan-jung-gu-seoul-anh-korea-times-1652087463.png
Dòng người chờ đợi để vào cửa hàng Rolex tại Cửa hàng Shinsegae ở quận Jung-gu, Seoul, ngày 18/8/2021. Ảnh: Korea Times

Không phải ai cũng xếp hàng để mua chiếc đồng hồ tuyệt đẹp về sở hữu. Một số người chỉ đơn giản là cố gắng dựa vào cơn sốt của đồng hồ Rolex để mua đi bán lại, và giao dịch sang tay để kiếm lợi nhuận, số tiền lời thu được có thể lên đến vài tháng lương người bình thường.

Năm nay, 2022, cửa hàng Rolex, chi nhánh chính tại toà nhà Lotte, Hàn Quốc đã giới thiệu hệ thống chờ 10 ngày vào tháng trước. Theo hệ thống này, ví dụ khách hàng có số điện thoại kết thúc bằng số 6 thì chỉ có thể đăng ký danh sách chờ vào các ngày 6, 16, 26 hàng tháng.

Tương tự, cửa hàng Rolex tại Apgujeong và trung tâm thương mại Hyundai cũng ra mắt hệ thống đặt hàng trước qua điện thoại vào đầu năm nay. Khách hàng sẽ đặt hàng vào giờ mở cửa với danh sách chờ mỗi ngày chỉ được giới hạn 40 người. Mỗi người cũng chỉ được đặt chỗ 15 ngày một lần.

Trước nhu cầu cao, không có nhiều khả năng Rolex sẽ tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu, nhà sản xuất đồng hồ được cho rằng đang cố gắng tạo ra giá trị lâu dài cho khách hàng thay vì tràn ngập thị trường và làm giảm giá trị của đồng hồ.

Chanel giới hạn khách hàng chỉ được mua một chiếc túi mỗi năm

Không chỉ có Rolex, nhà mốt Chanel cũng giới hạn số lượng các mặt hàng phổ biến như túi Classic Flap Bags và Coco Handle. Mỗi khách hàng chỉ được mua một chiếc túi mỗi năm và 2 chiếc đối với những món đồ da nhỏ khác. 
Năm ngoái, các nhà phân tích trong ngành cho rằng Chanel đã đánh mất vị thế do có quá nhiều người sở hữu túi xách và các mặt hàng khác của hãng.

Riêng đối với Chanel, Hàn Quốc là “ mỏ vàng” đối với nhà mốt Pháp. Bởi lẽ, trong hai năm đại dịch bùng nổ, đa số các cửa hàng của Chanel buộc phải đóng cửa, doanh thu của nhiều quốc gia tụt dốc thảm hại nhưng thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc Đại Lục vẫn rất ấn tượng.  

ly-giai-nguyen-nhan-rolex-chanel-han-quoc-gioi-han-so-luong-khach-mua-hang-1652087375.jpeg

Khách hàng xếp hàng dài chờ đợi  bên ngoài một cửa hàng Chanel tại Seul, Hàn Quốc, ngày 16/3/2022. Ảnh: Reuters/Heo Ran

Dù vậy gần đây Chanel đã đưa ra quyết định siết chặt chính sách mua sắm tại Hàn Quốc. Cụ thể, vào tháng 3/2021, Chanel quyết định đóng toàn bộ cửa hàng miễn thuế tại Hàn Quốc. Tháng 7 cùng năm, Chanel quyết định thu hẹp nguồn cung khi đưa ra quy định mỗi một khách hàng chỉ được mua tối đa 2 chiếc túi dòng classic của hãng mỗi năm.

Tổng cộng, Chanel đã tăng giá 4 lần vào năm ngoái, nhưng do có quá nhiều người xếp hàng chờ đợi tại các cửa hàng của hãng trước giờ mở cửa và mua hàng nên hình ảnh thương hiệu đã bị xấu đi, dẫn đến giá bán lại thấp hơn mức ban đầu tại cửa hàng chính hãng.

Sự phổ biến của trào lưu “tiêu tiền trả thù” từ năm ngoái đã khiến truyền thông phải chú ý, khi những người tiêu dùng trẻ tuổi xếp hàng dài hầu như hàng ngày trước các cửa hàng Chanel trên khắp Seoul từ vài giờ trước giờ mở cửa chính thức. 

Dù hãng đã nhiều lần tăng giá để ngăn chặn tình trạng bán lại, túi Chanel vẫn được giao dịch tràn lan trên các trang bán lại trực tuyến Hàn Quốc.

Thêm vào đó, vào đầu tháng 3 này, Chanel lại tiếp tục tăng giá lên ít nhất 5.5%. Việc mua được một chiếc túi xách Chanel tại Hàn Quốc chưa bao giờ khó khăn đến vậy. Hậu quả của chính sách mạnh tay mà nhà mốt Pháp áp dụng, Chanel đã giảm tới 30% lượng khách hàng.

Tuy nhiên, đại diện Chanel giải thích rằng việc tung ra những chính sách khó khăn đã giúp hãng thanh lọc được những khách hàng mua sắm đồ Chanel với ý định kinh doanh. Như vậy, hãng có thể vừa đảm bảo quyền lợi của mình đồng thời nâng cao trải nghiệm của khách hàng.

Hiện tại, Rolex lẫn Chanel ở Hàn Quốc đều áp dụng chính sách giới hạn số lượng khách được mua hàng bằng những hệ thống khác nhau. Lý do chính khiến các thương hiệu xa xỉ hành động là để ngăn chặn việc làm xấu đi hình ảnh của hãng từ việc mua đi bán lại để ăn chênh lệch. Nhờ đó, những thương hiệu xa xỉ có thể bảo vệ được hình ảnh của mình và nâng cao trải nghiệm của khách hàng.