Đầu năm 2023, Quốc Việt (28 tuổi, quận 10, TP.HCM) tậu một chiếc Mazda đời cũ. Việc mua xe từng nằm ngoài kế hoạch của anh, song vì chiều người yêu, cũng là vợ tương lai, anh quyết định mua xe trước khi mua nhà.
“Bạn gái tôi muốn cả hai sớm có xe để tiện di chuyển, tránh mưa nắng, sau này có con nhỏ cũng rất cần thiết. Bố mẹ cũng hứa sẽ mua nhà cho sau khi chúng tôi kết hôn. Do đó, từ kế hoạch tự mua nhà, tôi chuyển sang mua ôtô”, Việt nói với Tri Thức - ZNews.
Chiếc Mazda CX-5 cũ của Việt có giá 800 triệu đồng. Anh đã có sẵn khoản tích góp 500 triệu đồng, số còn lại Việt lựa chọn hình thức trả góp.
Tương tự Việt, nhiều người trẻ đã quyết định mua ôtô trước khi sở hữu bất động sản. Một số cho rằng việc mua nhà là ngoài khả năng, họ ưu tiên mua xe để giải quyết nhu cầu thiết yếu khi đi lại. Một số có sự hậu thuẫn, giúp đỡ từ gia đình để sở hữu chiếc ôtô đầu tiên.
Tuy nhiên, việc “nuôi" xe cũng như giải quyết những bài toán về tài chính khi mua xe cũng là vấn đề khiến không ít người đau đầu.
Ở nhà thuê, tậu xế hộp
Vẫn ở nhà thuê, Việt Hoàng (29 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội) sẵn sàng chi trả hơn 500 triệu đồng để tậu một chiếc ôtô Mazda. Đầu năm 2023, Hoàng chuyển công tác đến công ty mới có trụ sở cách nhà hơn 15 km.
Nhận thấy việc di chuyển bằng xe máy 30 km cả đi và về mỗi ngày không hợp lý, anh quyết định thay đổi phương tiện đi lại, mua chiếc xế hộp đầu tiên trong đời. Việt Hoàng trả trước 50% chi phí mua xe, số tiền còn lại thanh toán bằng phương thức trả góp theo tháng.
Sở hữu ôtô, anh cũng dễ dàng về thăm bố mẹ sống tại Hạ Long (Quảng Ninh) mỗi tuần. Việc tự lái xe giúp Hoàng chủ động sắp xếp thời gian, công việc cá nhân khi đi xa.
“Việc sử dụng ô tô cũng giúp tôi tự tin hơn khi gặp gỡ khách hàng, dễ dàng tạo uy tín với đối tác làm ăn”, Hoàng chia sẻ với Tri thức - ZNews.
Trong khi Việt Hoàng mua xe mới để hưởng quyền lợi trả góp, Đức Hùng (26 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chọn phương án mua lại xe cũ khi chưa dư dả tài chính, vẫn phải vay tiền bố mẹ để tậu ô tô.
Năm ngoái, một người bạn của Hùng bán lại chiếc Toyota Vios mới dùng một năm. Nhận thấy chiếc xe còn tốt, lại được bán gấp với mức giá tương đối hời, anh quyết định vay người thân một khoản để tậu chiếc xế hộp này.
“Tôi không thể trả góp vì người bán cần tiền gấp nên mới thanh lý xe, đành mượn tạm tiền bố mẹ để giao dịch nhanh. Đằng nào cũng mua ôtô, tôi không mua bỏ lỡ mối hời này”, Đức Hùng nói.
Bố mẹ của anh cũng lớn tuổi, bắt đầu gặp bất tiện trong việc di chuyển. Chiếc xe 4 chỗ trở thành phương tiện phù hợp để Hùng chở cả gia đình trong những dịp như họp mặt, thăm hỏi họ hàng hay cưới hỏi.
“Ở nhà thuê, tậu xế hộp" cũng là xu hướng sống của người trẻ tại Hàn Quốc. Theo Hiệp hội các nhà nhập khẩu và phân phối ôtô Hàn Quốc (KAIDA), những người khoảng 30 tuổi chiếm thị phần lớn nhất, khoảng 33% trong thị trường xe nhập khẩu.
Các câu chuyện về "người nghèo mua xe hơi", đề cập đến những thanh niên 20-30 tuổi sở hữu một chiếc xe đắt tiền trong khi chật vật kiếm sống, thường gây xôn xao dư luận Hàn Quốc.
Tuy nhiên, những khách hàng trẻ tuổi lại cho rằng đó chỉ là quyết định cá nhân tại thời điểm có nhiều sự lựa chọn hơn trong cuộc sống.
"Trong hoàn cảnh khó khăn, nhiều người trẻ có xu hướng tập trung vào thời điểm hiện tại hơn là một tương lai không chắc chắn, và ôtô đã trở thành một thứ giống như ‘món đồ phải có’ đối với giới trẻ", Kwak Keum-joo, giáo sư tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul, nhận định.
Xu hướng "trẻ hóa" chủ sỡ hữu xe hơi cũng xuất hiện ở Trung Quốc. Theo khảo sát được thực hiện bởi Renren Network, tại xứ tỷ dân, 54,4% người ra quyết định mua xe sinh sau năm 1990.
Người lái xe sang tại Trung Quốc cũng ở độ tuổi trẻ nhất trên thế giới. Đối với các hãng ôtô cao cấp như Maserati và Bentley, quốc gia châu Á này là nơi có số lượng khách hàng Gen Z lớn nhất.
Giá trị thị trường ôtô hạng sang ở Trung Quốc hiện là 154,67 tỷ USD, dự kiến chạm mốc 181,49 tỷ USD trong năm 2029. Gen Z là nhóm người tiêu dùng góp phần lớn vào sự tăng trưởng này.
Bất cập
Chỉ sau 1 năm, Quốc Việt thừa nhận việc mua xe là một quyết định bốc đồng của anh.
“Vì chiều người yêu nên tôi suy tính chưa kỹ, chúng tôi nên dành số tiền đó để chuẩn bị cho đám cưới trước khi mua ôtô”, anh nói.
Theo dự tính, đám cưới của Việt sẽ được tổ chức vào cuối năm 2024. Anh đang có một khoản nợ 300 triệu đồng do mua xe. Nếu muốn làm đám cưới hoành tráng, anh phải bán bớt một số tài sản tích lũy của mình trước đó như cổ phiếu, vàng…
Với Việt, chi trả đầy đủ tiền góp xe mỗi tháng là đặc biệt quan trọng, vì điều này ảnh hưởng trực tiếp đến điểm tín dụng của anh.
Ngoài ra, mỗi tháng, chi phí “nuôi xe" làm anh tốn thêm khoảng 4-7 triệu đồng. Điều này đã ảnh hưởng đến quá trình Việt tiết kiệm, đầu tư.
“Mua xe thế nhưng chúng tôi cũng rất ít sử dụng, chủ yếu để đi hẹn hò, gặp bố mẹ 2 bên. Thời gian còn lại xe đều ở trong hầm gửi, ít dùng đến. Tôi nghĩ nên đợi đến khi có con nhỏ thì mua xe cũng chưa muộn", Việt nói.
Trong khi đó, văn phòng công ty ở gần nhà, Đức Hùng vẫn đi làm bằng xe máy mỗi ngày, tránh bị tắc đường. Anh chỉ dùng ôtô trong 2 ngày cuối tuần hoặc khi làm tài xế cho bố mẹ, không sử dụng hết công năng của chiếc xe.
Do ít lái, Đức Hùng không quen đỗ xe ở các bãi đậu, thường xuyên va chạm, tạo ra tình trạng trầy xước, bong tróc sơn. Chi phí sửa chữa, bảo dưỡng ngốn một khoản lớn, lẹm vào phần tiết kiệm mua nhà của anh.
“Tôi từng chứng kiến tài khoản ngân hàng bị trừ hơn 10 triệu đồng khi đánh xe ra khỏi salon sau một lần sơn sửa”, Hùng chia sẻ với Tri thức - ZNews.
Với chi phí “nuôi” xe lớn, kế hoạch mua nhà của anh có thể phải hoãn lại. Đây là khoản chi mà Hùng không ngờ tới khi quyết định tậu xe.
Chủ sở hữu xe hơi 26 tuổi này cảm thấy hối hận vì vội mua xế hộp khi chưa thực sự có nhu cầu sử dụng.
Trong khi đó, Việt Hoàng lại gặp áp lực với chi phí trả góp xe hơi. Ban đầu, Hoàng cho rằng thu nhập hàng tháng của mình hoàn toàn đủ để trích ra một khoản trả góp.
Tuy nhiên, công ty anh gặp khó khăn trong kinh doanh, quyết định cắt giảm hoa hồng, thưởng KPI từ giữa năm 2023. Thu nhập bị ảnh hưởng nghiêm trọng khiến khoản vay này trở thành gánh nặng tài chính đối với Hoàng.
Để cải thiện khó khăn kinh tế, Việt Hoàng dự định đổi chỗ ở, chuyển đến căn hộ nhỏ hơn. Song, căn studio mà anh muốn thuê không có chỗ gửi xe hơi.
“Lái chiếc ôtô từng yêu thích đi làm mỗi ngày, tôi đau đầu tìm cách xoay tiền trả nợ, thậm chí nghĩ đến chuyện bán lại”, Hoàng nói.