![]() |
Bop House là nơi sinh sống và làm việc của bảy nhà sáng tạo nội dung người lớn. Ảnh: Bop House |
Ngôi nhà triệu USD của các ngôi sao mạng xã hội
Hơn một thập kỷ trước, một ý tưởng mới mẻ xuất hiện: quy tụ các nhân vật có sức ảnh hưởng về sống chung dưới một mái nhà. Mục tiêu là tạo ra không gian sáng tạo liên tục, nơi các nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng có thể cộng tác và sản xuất sản phẩm chung.
Ý tưởng này được khởi xướng bởi những người đứng sau Second Life, nền tảng ảo nổi tiếng từng gây sốt. Họ cho ra mắt 02L Mansion, mở đường cho loạt mô hình tương tự sau này. Netflix từng phát sóng chương trình thực tế Hype House xoay quanh nhóm TikToker và blogger sống cùng nhau, tiếp tục đưa mô hình này đến gần hơn với công chúng.
Đến tháng 12/2024, Bop House chính thức ra đời. Tên gọi lấy cảm hứng từ thuật ngữ "bop", thường dùng để chỉ những người thích khoe cơ thể trên mạng xã hội. Ngôi biệt thự là nơi sinh sống và làm việc của bảy nhà sáng tạo nội dung người lớn, với đội ngũ biên tập nội bộ riêng, thường xuyên hợp tác cùng các thương hiệu đồ lót.
Bop House được thành lập bởi hai influencer nổi tiếng là Sophie Rain, sở hữu 7 triệu người theo dõi trên Instagram, và Aishah Sofey với 5,5 triệu người theo dõi. Từ khi ra mắt, tài khoản TikTok của họ đã thu hút hơn 3,4 triệu lượt theo dõi, theo tờ EL PAÍS.
Thu nhập khủng từ nội dung người lớn
Rain cho biết cô từng kiếm được 43 triệu USD chỉ trong một năm nhờ nền tảng OnlyFans. Tháng 12/2024, cô đăng bài chia sẻ: “Hôm nay là ngày ăn mừng vì Bop House đã cùng nhau kiếm được hơn 10 triệu USD chỉ trong một tháng.”
Một video đăng trên tài khoản Instagram của Bop House cho thấy một số thành viên trong nhà đã kiếm tới 8 triệu USD kể từ khi chuyển đến sinh sống.
Không ít người đánh giá mô hình nhà chung của các influencer mang đến môi trường an toàn hơn cho người mẫu nội dung người lớn so với những gì từng diễn ra tại biệt thự Playboy Mansion.
![]() |
Trên Instagram, nhiều cô gái đăng video nhảy múa nhằm thu hút người xem nhấp vào đường link dẫn tới nền tảng nội dung người lớn. Ảnh: Bop House |
Dù hoạt động mạnh trên mạng xã hội, các tài khoản của Bop House không hề đề cập đến OnlyFans, nền tảng nổi tiếng với nội dung người lớn. Thay vào đó, người xem được dẫn tới một liên kết nằm trong phần giới thiệu, nơi họ truy cập vào một trang trung gian để tìm thấy hồ sơ OnlyFans của từng nhà sáng tạo nội dung.
Hiện bảy nhà sáng tạo của nhóm này vẫn tiếp tục đăng bài trên các nền tảng thuộc sở hữu của Meta. Tuy nhiên, nội dung nhạy cảm mà họ chia sẻ đã được đưa ra khỏi môi trường mạng xã hội chính, và chỉ có thể truy cập sau hai lần nhấp chuột.
"Đây là một cách thích nghi khá khéo léo với các quy định của nền tảng. Instagram có chính sách rất nghiêm ngặt về nội dung nhạy cảm. Bằng cách này, các nhà sáng tạo vừa tránh bị chế tài, vừa tận dụng lượng người dùng khổng lồ mà nền tảng này cung cấp", Ignacio Cabra Bellido, Giám đốc tiếp thị số tại Piazza Comunicación, nhận xét.
Trong một báo cáo mới công bố mang tên "OnlyFans: Một không gian được tẩy trắng trong ngành công nghiệp tình dục", Liên đoàn Phụ nữ Trẻ Tây Ban Nha (FMJ) cho rằng các nền tảng như OnlyFans đã giúp ngành mại dâm chuyển từ không gian thực sang môi trường kỹ thuật số. Việc tiếp cận phụ nữ tham gia hoạt động này cũng trở nên dễ dàng hơn.
Phát biểu tại buổi giới thiệu báo cáo, bà Raquel Pérez Benasco, Phó chủ tịch FMJ, khẳng định OnlyFans là "một hình thức bóc lột tình dục hiện đại".
"Họ cho rằng người sáng tạo có quyền kiểm soát nội dung, đặt giới hạn cá nhân và trực tiếp thu lợi từ công việc của mình. Điều này được cho là khác với mô hình bóc lột rõ ràng trong ngành công nghiệp tình dục truyền thống", chuyên gia Rodríguez nói.
Tuy vậy, đằng sau hình ảnh tự do là nhiều câu chuyện trái chiều. Một số phụ nữ chia sẻ rằng họ chịu áp lực vượt qua giới hạn của bản thân, đối mặt với quấy rối và cạnh tranh khốc liệt trong môi trường này.
Bên cạnh đó, lời hứa về thu nhập cao chỉ thành hiện thực với số ít người. Phần lớn nhà sáng tạo không kiếm được nguồn thu ổn định, cũng như không được bảo vệ đầy đủ trước nguy cơ bóc lột và bạo lực trên không gian số.
![]() ![]() |
Sự phát triển của Bop House mở đường cho nhiều mô hình tương tự xuất hiện trên thị trường. Ảnh: Bop House và Creator House |
Nền tảng OnlyFans thu một phần lợi nhuận từ mọi giao dịch và cho phép sự tham gia của các công ty quản lý cũng như trung gian. Theo chuyên gia María Rodríguez, điều này dễ dẫn đến việc tái tạo các mô hình bóc lột truyền thống dưới hình thức hiện đại và mang danh nghĩa tự do cá nhân. Ngoài ra, sự thiếu vắng quy định rõ ràng và các cơ chế bảo vệ hiệu quả khiến nhiều nhà sáng tạo nội dung dễ rơi vào trạng thái dễ bị tổn thương.
Bop House, nơi tập hợp các nhà sáng tạo nội dung hoạt động trên OnlyFans, hiện có hơn 40 triệu người theo dõi. Mô hình này đã tạo cảm hứng cho sự ra đời của những ngôi nhà tương tự như Creator House và Rebel House. Các thành viên trong đó đều là những người sản xuất nội dung độc lập trên nền tảng này.
Nữ ca sĩ kiêm nhà sáng tạo nội dung Roxburg từng ở lại Bop House một tuần và sau đó đăng tải video chia sẻ trải nghiệm. Cô mô tả biệt thự như một căn nhà chung giữa bạn bè, thay vì là phiên bản hiện đại hóa của biệt thự nổi tiếng Playboy Mansion.
Dù vậy, không ít ý kiến cho rằng những mô hình như vậy có thể khiến nội dung khiêu dâm trở nên gần gũi và dễ tiếp cận hơn. Sự lôi cuốn về hình ảnh một cuộc sống hấp dẫn có thể thôi thúc nhiều phụ nữ trẻ bước chân vào lĩnh vực này, mà theo một số người, đây là con đường dẫn đến ngành công nghiệp tình dục.
Theo nhà nghiên cứu Cabra Bellido, các mô hình này xây dựng một câu chuyện hấp dẫn: những phụ nữ trẻ độc lập có thể kiếm được nhiều tiền thông qua việc du lịch, làm việc cùng nhau và tự sản xuất nội dung. Trên mạng xã hội, hình ảnh này được thể hiện như một giấc mơ của thế hệ trẻ sau Millennials. Bellido cho rằng nhiều nhà sáng tạo ban đầu theo đuổi các nội dung về thời trang, thể thao hoặc phong cách sống có thể cân nhắc chuyển sang nền tảng này nếu nhận thấy việc kiếm tiền dễ dàng hơn và ít bị kỳ thị hơn.
Về bản chất, đây là sự mở rộng của xu hướng người có sức ảnh hưởng kiếm tiền trực tiếp từ cộng đồng người theo dõi, không thông qua thương hiệu trung gian, không phụ thuộc vào thuật toán, và có lượng người sẵn sàng trả tiền cho nội dung.
Rodríguez nhìn nhận, những sáng kiến như vậy có thể mang lại lợi ích thực sự về mặt cộng đồng, tạo điều kiện cho sự hỗ trợ lẫn nhau và tăng khả năng tiếp cận.
Tuy nhiên, cô cũng chỉ ra mặt trái của mô hình này. Việc không có nam giới điều hành các không gian làm việc không đồng nghĩa với việc thay đổi được bản chất vận hành của nền tảng, vốn hướng đến mục tiêu lợi nhuận từ các nội dung chủ yếu do phụ nữ tạo ra để phục vụ người xem nam giới.
Rodríguez cho rằng, ngay cả khi người quản lý là phụ nữ, cán cân cung cầu vẫn không cân bằng. Phần lớn nhà sáng tạo nội dung là nữ, trong khi người tiêu dùng chủ yếu là nam. Điều này duy trì một cơ chế vận hành trong đó nhu cầu của người xem nam vẫn là yếu tố kinh tế chi phối, ảnh hưởng đến loại hình nội dung được sản xuất.