Tỷ phú John Paulson thu về quả ngọt sau 15 năm đầu tư kiên định vào kim loại quý

Nhà quản lý quỹ huyền thoại John Paulson, người từng kiếm được hàng chục tỷ USD nhờ đi ngược dòng thị trường nhà đất Mỹ trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, một lần nữa cho thấy tầm nhìn đi trước thời đại của mình. Canh bạc kéo dài hơn 15 năm của ông với vàng, từng vấp phải không ít nghi ngờ, giờ đây đang trên đà trở thành một thương vụ vĩ đại thứ hai trong sự nghiệp lẫy lừng của vị tỷ phú này.

Trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump khơi mào cuộc chiến thương mại toàn cầu và những động thái khó lường từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed), niềm tin vào đồng USD đã bị xói mòn, đẩy giá vàng vượt ngưỡng 3.500 USD/ounce vào tuần trước. Thay vì vội vàng chốt lời, phù thủy thị trường John Paulson lại quyết định tất tay hơn nữa khi chi tới 800 triệu USD để sở hữu 40% cổ phần một mỏ vàng đầy tiềm năng ở vùng tây nam Alaska hiểm trở.

ty-phu-john-paulson-thu-ve-qua-ngot-sau-15-nam-dau-tu-kien-dinh-vao-kim-loai-quy-1747312151.jpg

Với niềm tin sắt đá vào kim loại quý, tỷ phú Paulson tuyên bố: "Trên thế giới, vàng là loại tài sản vật chất hữu hình duy nhất sẽ bảo vệ nhà đầu tư khỏi mọi mối nguy trong hàng thiên niên kỷ." Ông chỉ ra hàng loạt rủi ro kinh tế tiềm ẩn, từ lạm phát phi mã đến nguy cơ chính phủ tịch thu tài sản, khẳng định vai trò của vàng trong mọi biến động.

Vàng, từ xa xưa đã được xem là biểu tượng của sự giàu có và an toàn. Cả những người theo chủ nghĩa sinh tồn lẫn các nhà quản lý quỹ lớn đều coi vàng là lá chắn đáng tin cậy trước mọi cú sốc kinh tế, chính trị hay thiên tai. Mặc dù nước Mỹ hiện tại chưa phải đối mặt với những khủng hoảng tồi tệ nhất, nhưng căng thẳng địa chính trị toàn cầu, sự suy yếu của đồng USD và xu hướng tích trữ vàng của các ngân hàng trung ương đã củng cố niềm tin của Paulson vào các kim loại quý.

Tuy nhiên, con đường đầu tư vào vàng của Paulson không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng. Vàng không mang lại lãi suất như trái phiếu và chi phí lưu trữ cũng không hề nhỏ. Trong lịch sử, không ít giai đoạn cổ phiếu và trái phiếu mang lại lợi nhuận vượt trội hơn vàng.

Paulson bắt đầu nung nấu niềm tin mạnh mẽ vào vàng sau khi bỏ túi hàng tỷ đô la nhờ dự đoán chính xác sự sụp đổ của thị trường nhà đất Mỹ. Quỹ đầu cơ của ông đã kiếm được con số khổng lồ 15 tỷ USD vào năm 2007, trong đó cá nhân ông thu về gần 4 tỷ USD. Để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính năm đó, Fed đã thực hiện chính sách nới lỏng định lượng, làm tăng nguồn cung tiền và thanh khoản cho các ngân hàng. Paulson lo ngại rằng chính sách này sẽ châm ngòi cho lạm phát phi mã, và đó là lý do ông mạnh tay gom vàng khi giá chỉ khoảng 900 USD/ounce.

Ban đầu, canh bạc này khá thành công. Trong các báo cáo chiến lược gửi đến khách hàng, Paulson thậm chí còn quy đổi giá trị các khoản đầu tư ra vàng thay vì USD. Thế nhưng, dự đoán về cú sốc lạm phát của ông đã không trở thành hiện thực. Hệ quả là một số chiến lược đầu tư vàng của ông đã thất bại, bao gồm cả việc nắm giữ cổ phiếu các công ty khai thác mỏ. Những khoản đầu tư sai lầm vào cổ phiếu dược phẩm và ngân hàng cũng khiến lợi nhuận quỹ của ông sụt giảm nghiêm trọng. Đến năm 2020, Paulson đã chuyển đổi quỹ đầu cơ thành công ty quản lý đầu tư tư nhân, chỉ phục vụ cho cá nhân ông, các nhân viên và một số tổ chức liên quan.

ty-phu-john-paulson-thu-ve-qua-ngot-sau-15-nam-dau-tu-kien-dinh-vao-kim-loai-quy-2-1747312185.jpg

Trong những năm sau đó, khi lạm phát dần trở lại, cùng với cuộc chiến Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt của Mỹ, vàng đã dần lấy lại sức hấp dẫn trong mắt Paulson.

Hiện tại, Paulson không tiết lộ tổng giá trị các khoản đầu tư vào vàng của mình với tờ Wall Street Journal (WSJ). Tuy nhiên, vị tỷ phú này chủ yếu đặt cược vào kim loại quý thông qua cổ phiếu của các công ty khai thác mỏ và một số vị thế phái sinh, chứ không trực tiếp sở hữu vàng miếng.

Ông Marcelo Kim, đối tác chịu trách nhiệm quản lý các khoản đầu tư vàng tại công ty của Paulson, tiết lộ rằng quỹ này đang nắm giữ cổ phiếu của 8 công ty khai thác mỏ niêm yết với tổng trị giá khoảng 840 triệu USD. Tất cả các cổ phiếu này đều tăng giá trong năm nay, một số thậm chí còn tăng hơn 30%. Paulson nhận thấy rằng lợi nhuận của các công ty khai thác mỏ thường tăng mạnh hơn nhiều so với giá vàng khi kim loại quý này đi lên, trong khi chi phí khai thác lại tương đối ổn định. Do đó, ông kỳ vọng sẽ tiếp tục thu được lợi nhuận ngay cả khi giá vàng hạ nhiệt.

Vị tỷ phú giải thích chiến lược mới: Chúng tôi chuyển trọng tâm sang việc phát triển mỏ vàng bởi đó là cách tạo ra nhiều tiền nhất từ số vốn bỏ ra. Nếu làm vậy, bạn không cần chờ giá vàng tăng để thu về lợi nhuận cao hơn”.

Ông Kim đã trực tiếp khảo sát hơn 150 mỏ vàng trên khắp thế giới, bao gồm cả mỏ vàng ở Alaska mà Paulson vừa đồng ý đầu tư 800 triệu USD để nắm giữ 40% cổ phần. Trữ lượng ước tính của khu mỏ này lên tới 39 triệu ounce vàng, một con số khổng lồ. Mặc dù dự án khai thác vàng ở Alaska được dự báo sẽ rất tốn kém, với chi phí phát triển ước tính lên đến 7,4 tỷ USD và thêm 1,7 tỷ USD cho vòng đời của mỏ, và có thể phải đến đầu thập niên 2030 mới bắt đầu sản xuất ra vàng, Paulson vẫn tỏ ra vô cùng tự tin. Ông khẳng định: "Mỏ này sẽ là một con quái vật nhả ra tiền trong hơn 50 năm."

Sự kiên trì "ôm vàng" suốt 15 năm, vượt qua những giai đoạn thị trường trầm lắng, cuối cùng cũng đang mang lại "quả ngọt" cho tỷ phú John Paulson. Với tầm nhìn dài hạn và sự quyết đoán, ông một lần nữa chứng minh được đẳng cấp của một nhà đầu tư huyền thoại, không ngại đi ngược lại đám đông và luôn tin tưởng vào giá trị bền vững của những lựa chọn của mình.