Tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Nhiều ông lớn từng đứng số 1, số 2 thế giới còn đổ, Vingroup đã là gì đâu

Jack Kay

Đây là lần hiếm hoi thấy tỷ phú Phạm Nhật Vượng lên tiếng về các hoạt động của tập đoàn Vingroup sau thời gian dịch bệnh kéo dài.

luxlifestyle-ty-phu-pham-nhat-vuong-1642420221.jpeg
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong cuộc gặp gỡ đầu năm 2022. Ảnh: VnExpress

Công bố của Vietnam Report năm 2021 cho thấy thứ hạng Tập đoàn Vingroup đã tăng 1 bậc lên vị trí thứ 5 trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Đây là thứ hạng cao nhất mà một doanh nghiệp tư nhân đạt được trong lịch sử 15 năm qua, sánh ngang với nhiều tập đoàn nhà nước, doanh nghiệp vốn nước ngoài, và giữ vững vị thế doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.

6 tháng đầu năm 2021, có đến 70.209 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, hàng loạt doanh nghiệp kêu cứu vì khó khăn trong sản xuất, kinh doanh thua lỗ và các khoản nợ quá hạn. 

Cũng trong 2 năm đại dịch covid -19 đó, cái tên Vingroup được nhiều lần nhắc đến với hàng loạt hoạt động sôi nổi như chương trình từ thiện dành đến 9.400 tỷ đồng tặng cho chính phủ và người dân, dự án bất động sản Vinhomes và đặc biệt là sự kiện quốc tế ra mắt xe điện VinFast tại Mỹ gây xôn xao dư luận.

luxlifestyle-vinfast-ra-mat-xe-dien-tai-my-1642420575.jpeg
Triển lãm ô tô Los Angeles, Mỹ (LA Auto Show 2021). Sự kiện đánh dấu lần đầu tiên một thương hiệu ôtô Việt ra mắt sản phẩm tại Mỹ.

Dưới đây là chia sẻ mới nhất của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đầu năm 2022:

Vingroup có “quá lớn để có thể sụp đổ”?

Khi được hỏi tốc độ phát triển của Vingroup có đến mức “Too big to fail” không ("Quá lớn để có thể sụp đổ”)(*), vị tỷ phú trả lời: Nếu không chịu thay đổi, phấn đấu quyết liệt thì chẳng doanh nghiệp nào tồn tại được cả, cứ buông tay ra thôi là chết rồi. Nhiều ông lớn từng đứng số 1, số 2 thế giới còn đổ, Vingroup đã là gì đâu. Thế nên chúng tôi mới có slogan "Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp".

Nhằm nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp đó, Vingroup đã thường xuyên "tập thể dục" cho hệ thống.

"Tôi luôn đặt ra mục tiêu khó, ngày càng cao hơn và thường xuyên đánh giá hiệu quả rồi sàng lọc các cá nhân, bộ phận yếu kém. Tôi ngày càng đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền rồi kiểm soát chặt kết quả cuối cùng. Tôi cũng quyết liệt thúc đẩy thực hiện 5 hóa (hạt nhân hóa, chuẩn hóa, đơn giản hóa, tự động hóa và hiệu quả hóa)." - Ông Phạm Nhật Vượng chia sẻ.

Trong đó, ông cho rằng hạt nhân hóa là quan trọng nhất, yêu cầu mỗi cán bộ lãnh đạo phải là một hạt nhân, một thủ lĩnh đứng mũi chịu sào, dẫn dắt bộ phận của mình.

Để "hiệu quả hoá", cách đây 2-3 tháng ông cũng ra quy định 50-50-50 trên toàn hệ thống: yêu cầu giảm 50% số lượng cuộc họp, 50% số người dự họp và 50% thời lượng họp, email cũng yêu cầu giảm đáng kể luôn.

Dám mạnh tay đưa ra các quyết định, bất kể là con cái cũng bị xuống chức nếu làm không tốt, dứt khoát từ bỏ xe xăng

lux-ty-phu-pham-nhat-vuong-vingroup-1642422187.jpeg
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Ảnh: VnExpress

"Tôi luôn suy nghĩ về sản phẩm của mình. Nếu tìm được giải pháp tốt hơn thì dứt khoát sẽ làm, bất chấp tốn kém. Ví dụ, khi phát triển xe điện mà thiếu linh kiện để nghiên cứu thử nghiệm, có cái chúng tôi chấp nhận trả giá gấp 48 lần để có. Chúng tôi chấp nhận bù lỗ, dám làm vì tính được kết quả cuối cùng là mình có thị trường, có đẳng cấp.

Nhìn chung, thói quen xấu của chúng ta là cứ nêu vấn đề lên rồi cả tháng sau mới quay lại. Còn chúng tôi đã nêu vấn đề, chỉ trong 1-2 ngày là phải giải. Nếu khó quá thì treo, nhưng mấy ngày sau quay lại, chốt bằng được là xuôi hay ngược. Không quyết làm là "ngược luôn", tức là bỏ."

Ông Vượng hết mực yêu thương con cái, nhưng trong công việc, ông đối xử với người ngoài hay người nhà như nhau. "Làm tốt, tôi sẽ tạo sân chơi hết sức. Còn không được, vui lòng tránh ra để người khác làm. Cậu cả bị lên xuống mấy lần rồi đấy, cứ làm được thì thăng chức, không được thì xuống thôi!".

Cũng chính ông Vượng dứt khoát từ bỏ xe xăng để chuyển sang sản xuất xe điện chỉ trong mười mấy tháng - đầu tư mạnh tay ngay trong giai đoạn căng thẳng. 

vinfast-can-canh-tram-sac-nhanh-o-to-dien-vinfast-dau-tien-tai-quang-tri-1642420982.png
Trạm sạc nhanh ô tô điện đầu tiên tại Vinfast Quảng Trị.

"Ngay từ đầu, chúng tôi đã hiểu tương lai phải là xe điện. Và đây là thời điểm buộc phải dứt khoát chọn sớm, thay vì cứ nửa xăng nửa điện. Tất nhiên, chúng tôi phải tính làm sao cho khách hàng của mình không bị thiệt, thậm chí có lợi hơn. Nếu chất lượng không giảm, dịch vụ vẫn diễn ra bình thường, xe không mất giá thì khách hàng có hết chới với không?"

Quyết định không làm gì cũng quan trọng chẳng kém việc chọn ra những việc mình sẽ làm. Những lần ông chốt dừng các dự án của Vin đã diễn ra thế nào, có vẻ ông quyết dừng cũng nhanh như khi lập nó?

- Tôi chỉ muốn làm những gì để Vingroup có thể thực hiện được sứ mệnh của mình là "Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người", thấy gì phù hợp thì làm.

Tôi tư duy khá đơn giản: những dự án không làm được thì cũng phải sòng phẳng mà nhận thất bại rồi dừng. Những cái cần bán để thêm nguồn lực cho các dự án trọng điểm khác thì chấp nhận bán, cái nào đã không còn phù hợp sau một thời gian vận hành thì không nên cố. Việc dừng lại khó khăn và phải suy tính lâu hơn nhiều so với quyết định thành lập ban đầu vì khi đó đã có cán bộ nhân viên của mình tham gia, đã có khách hàng... Phải tính làm sao cho vẹn toàn.

Vì đâu mà ông tự tin xe điện VinFast sẽ "chất lượng như Tesla", khi xuất phát điểm của Vingroup là một tập đoàn thương mại dịch vụ và cũng mới gia nhập lĩnh vực này?

- Bắt tay vào thiết kế xe điện VinFast, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ tất cả tính năng của xe, so sánh với các đối thủ, đồng thời cũng xác định sẽ lấy các tiêu chuẩn cao của quốc tế làm cơ sở nên chúng tôi tự tin vào chất lượng và đẳng cấp các xe của mình.

"Làm nhanh hơn" thì cũng là một "know-how" của Vingroup. Chúng tôi sẵn sàng tuyển dụng các chuyên gia giỏi, liên kết trí tuệ toàn cầu, hợp tác với hàng chục công ty công nghệ để rút ngắn thời gian. Theo thông lệ quốc tế để làm ôtô cần 27-54 tháng nhưng chúng tôi chỉ cần 18 tháng. Không phải chúng tôi bỏ bớt chi tiết hay quy trình nào, đơn giản là làm nhanh và tập trung hơn thôi.

Cơ sở nào ông tin rằng người dùng sẽ không quay lưng với VinFast và xe xăng của ông không mất giá sau tuyên bố chuyển hẳn sang xe điện?

- Thường một trong những lý do xe mất giá là vì không được hãng bảo dưỡng, sửa chữa, không giữ các cam kết đã có, bán tháo sản phẩm tồn... Với xe xăng VinFast, chúng tôi không những giữ nguyên các cam kết mà còn bổ sung chính sách, dịch vụ có lợi hơn cho khách hàng, ví dụ tăng thời hạn bảo hành lên 10 năm, gấp 2-3 lần thông thường và thêm dịch vụ Mobile service. Để đủ phụ tùng cho sửa chữa, bảo dưỡng, chúng tôi cũng dự phòng với số lượng gấp 1,5 lần so với thông lệ. Tôi tin, giá xe xăng VinFast thậm chí sẽ còn tăng.

lux-pham-nhat-vuong-ty-phu-1642421172.jpeg
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng lái thử chiếc VinFast đầu tiên.

Ông từng nói, định hướng của Vingroup đi ra nước ngoài không phải vì lợi nhuận mà là để cắm cờ. Giờ đã làm được với VinFast, ông có thể chia sẻ vì sao khao khát việc đó hơn kiếm tiền?

- Tôi đã sống và làm ăn ở nước ngoài hơn 22 năm, dù có rất thành công và được coi trọng ở đó, nhưng vẫn thấy rất rõ là người Việt mình chưa được thế giới coi trọng. Nhiều người Việt ở nước ngoài, ra đường lại nhận mình là người Nhật, người Hàn. Tôi muốn góp thay đổi phần nào việc này.

Với VinFast, đến giờ thì lo lắng có, căng thẳng có, nhưng chỉ có tinh thần quyết chiến là dâng cao thôi. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức mình để "lá cờ" này ngày càng cao, xa hơn.

Giải thưởng VinFuture chuẩn bị được công bố vào vài ngày tới. Khi tuyên bố thành lập VinFuture 2 năm trước, ông từng nói muốn Việt Nam trở thành một quốc gia "có tên trên bản đồ khoa học thế giới". Với thực tế của Việt Nam, tuyên bố ghi danh này nên được hiểu như thế nào?

- Đến giờ, giới khoa học đều biết về VinFuture và chúng tôi nhận gần 600 đề cử từ khắp các châu lục. Phần lớn viện nghiên cứu, các nhà khoa học trước không biết vai trò với khoa học của Việt Nam là gì, còn giờ, họ hiểu là người Việt Nam rất quan tâm đến khoa học và bắt đầu có những đóng góp cho khoa học phát triển. Thông qua hoạt động này, tôi tin sẽ có kết nối khoa học Việt Nam với giới khoa học toàn cầu.

- Nhiều người cho rằng, với tiềm lực tài chính, ông đã mạnh tay đưa ra giải thưởng VinFuture Grand Prize với mức 3 triệu USD, cao chưa từng có trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đó chính là cơ sở để ông thuyết phục những nhà khoa học danh giá nhất tham gia Hội đồng bình chọn của VinFuture. Sự thực là gì?

- Giải thưởng đúng là rất cao nhưng tôi cho rằng sứ mệnh "Khoa học phụng sự nhân loại" cùng sự cam kết dài hạn của VinFuture và uy tín của Vingroup trên trường quốc tế mới là lý do thực sự thu hút được các nhà khoa học hàng đầu.

Ở Việt Nam, tiền thì chắc ông có nhiều nhất (nếu Forbes đúng) nhưng nó cũng chưa phải quá lớn, kiểu "đủ để muốn làm gì cũng được". Lòng tự tôn, khát vọng cho Việt Nam phát triển thì nhiều doanh nhân cũng nói. Vậy điều gì là mấu chốt giúp Vingroup làm được những điều nhiều người cho là không tưởng?

- Đơn giản là chúng tôi muốn để lại gì đó cho đời! Trước đây là xây các khu đô thị đẹp, hiện đại, đáng sống góp phần thay đổi bộ mặt các đô thị Việt Nam, tham gia vào các mảng dịch vụ để cùng thúc đẩy tạo ra các tiêu chuẩn sống cao hơn, nay thêm khát vọng xây dựng bằng được một thương hiệu Việt Nam đẳng cấp cao thế giới.

Không có dự án nào là "không tưởng", vì nếu "không tưởng" thì chúng tôi sẽ không làm. Và nói chung, không có dự án nào dễ dàng cả vì các dự án dễ thì hoặc đã không đến tay chúng tôi, hoặc sẽ thiếu thú vị khi làm. Vậy thôi.

Định hướng kinh doanh của Phạm Nhật Vượng

- Chúng tôi đã điều chỉnh một chút định hướng, xác định lại 3 nhóm hoạt động trọng tâm là Công nghệ - công nghiệp, Thương mại dịch vụ và Thiện nguyện xã hội. Thứ nhất là vì trong lĩnh vực công nghệ, chúng tôi chỉ tập trung nghiên cứu các công nghệ phục vụ kinh doanh sản xuất, phần nghiên cứu công nghệ cơ bản, hàn lâm không nhiều nên công nghệ và công nghiệp sẽ quện vào nhau, tương tác hỗ trợ nhau, do đó chúng tôi gom làm một.

Chúng tôi cũng tách Vinmec, Vinschool, VinUni, Quỹ Thiện Tâm... thành Khối Thiện nguyện xã hội vì muốn đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động này. Đây chính là điều trăn trở của chúng tôi khi gặp đợt dịch này.

Chúng tôi cũng điều chỉnh lại tỷ lệ đóng góp vào quỹ Thiện Tâm. Vingroup giảm đóng góp từ 90% xuống 10%, còn lại là phần của tôi, gia đình và một số lãnh đạo cao cấp Vingroup. Làm vậy vì tôi không muốn ảnh hưởng đến lợi ích của các cổ đông khi tăng chi cho từ thiện, một phần vì muốn chủ động tham gia nhiều hơn nữa vào hoạt động này.

Qua giai đoạn vừa rồi thấy quá nhiều cảnh thương tâm, chúng tôi tự coi mình có trách nhiệm phải tham gia mạnh mẽ hơn vào các hoạt động thiện nguyện xã hội.

Là đàn ông vốn đã có nhiều cám dỗ, mà với tỷ phú như ông thì thế nào?

- Tôi thường bị công việc cuốn đi nên nhiều cái không quan tâm. Mọi người bảo đánh golf thì thích nhưng tôi thấy... khó khăn lắm. Mấy người dạy tôi đánh golf xong đều chê "anh có đánh đâu, chả tập trung gì". Vì quả thật, cám dỗ lớn nhất của tôi là làm việc.

Nói vậy chứ có thú vui thì tốt. Tôi thích tốc độ. Hồi ở Ukraine, tôi rất thích lái xe tốc độ cao, từng lái BMW 240 km/h khi 40 tuổi nhưng giờ về Việt Nam thì đường sá không cho phép.

Ông hình dung Vingroup sẽ như thế nào sau 5-10 năm nữa?

- Tôi nghĩ đến lúc đó Vingroup sẽ là một tập đoàn công nghệ, công nghiệp có tiếng trên thế giới. Mảng thương mại dịch vụ và thiện nguyện ở Việt Nam sẽ được người Việt Nam yêu quý, đánh giá cao.

Tôi mong, sau này mọi người nghĩ đến Vingroup là một tập đoàn luôn có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm, truyền cảm hứng và luôn hướng thiện, vì cộng đồng. Và đến một ngày nào đó có thể phục vụ tất cả nhóm khách hàng.

Ông muốn để lại gì cho các con?

- Với tư cách người bố, tôi muốn để lại tình thương yêu vô bờ bến, và quan trọng nhất là muốn chúng luôn là người tử tế, chứ không yêu cầu con cái phải làm cái nọ cái kia. Tôi cũng không dứt khoát cứ phải cha truyền con nối. Vì nếu con không làm được hoặc không muốn làm mà mình bắt ép thì chúng khổ. Con đẻ và con nuôi đều như vậy.

Những bài học nào từ đại dịch của tỷ phú Phạm Nhật Vượng

- Khi gặp khó khăn thì phải bình tĩnh suy nghĩ tìm cách tháo gỡ, không hoảng loạn.

- Càng nhiều khó khăn càng nhiều cơ hội.

- Dù gian khó bao nhiêu cũng không để chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình xuống cấp, không bao giờ được để mất chữ tín.

- Phải liên tục rèn luyện, hoàn thiện bản thân cũng như hệ thống doanh nghiệp của mình. Tai họa có thể ập xuống rất nhanh, rất khủng khiếp như đợt dịch vừa rồi, nếu yếu kém sẽ khó tồn tại.

- Mình khó thì còn những người khó hơn rất nhiều. Nếu mình giúp đỡ, chia sẻ được cho họ thì trong lòng thanh thản, mình có động lực để tiếp tục phấn đấu mạnh mẽ hơn.

(*) "Quá lớn để ᴄó thể ѕụp đổ" (Too big to fail) là khái niệm mô tả tình trạng trong đó ᴄhính phủ ѕẽ ᴄan thiệp ᴠào những tình huống mà ѕự ѕụp đổ ᴄủa một doanh nghiệp ѕẽ là thảm họa đối ᴠới nền kinh tế nói ᴄhung. Nguуên nhân là do doanh nghiệp đó ᴄó ảnh hưởng ᴄựᴄ kỳ ѕâu ѕắᴄ đến nền kinh tế.