Gọi tên 10 gia tộc giàu có nhất thế giới năm 2021

Little Scarlet

Đây là 10 gia tộc giàu có, kế thừa truyền đời của những gia tộc giàu có & chi phối nhiều lĩnh vực của kinh tế thế giới. Họ sở hữu những tập đoàn, thương hiệu danh tiếng như Chanel, Boehringer Ingelheim, Thomson Reuters, Saudi Aramco, Walton, ...

1. GIA ĐÌNH WALTON

Trong danh sách 25 gia tộc giàu nhất thế giới năm 2021 mà Bloomberg vừa công bố, Walton vẫn giữ vị trí đầu bảng. Trong 12 tháng qua, họ kiếm được 23 tỉ USD, nâng tổng tài sản lên 238 tỉ USD, nhiều hơn gần 100 tỉ USD so với gia tộc giàu thứ 2 thế giới là Mars (141,9 tỉ USD). Walmart là hãng bán lẻ lớn nhất thế giới về doanh thu, đạt hơn 559 tỉ USD từ 10.500 cửa hàng trên toàn cầu trong năm 2020. Hầu như tất cả tài sản của gia đình Walton đã được duy trì trong cổ phiếu của Walmart. Những người nhà Walton nắm cổ phần 48% trong hãng bán lẻ này, nhờ đó giữ vị trí gia tộc giàu nhất thế giới. Năm nay, các thành viên nhà Walton đã bán ra lượng cổ phiếu Công ty trị giá 6 tỉ USD. Tuy nhiên, việc này gần như không gây ra tổn hại đáng kể nào cho tài sản của họ, các thành viên Walton vẫn kiểm soát trực tiếp Walmart.

4 người con của người sáng lập Sam Walson, ngoại trừ con cả, 3 người khác không quan tâm đến ngành bán lẻ. Trước khi qua đời, ông đã thiết lập chính sách đồng quản lý doanh nghiệp. Hiện nay Steuart Walton là người tiếp theo lèo lái Walmart. Với tầm hiểu biết chiến lược trong lĩnh vực kinh doanh điện tử, Steuart nhanh chóng phát triển Walmart lên hơn 11.000 cửa hàng tại khoảng 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

2. GIA ĐÌNH MARS

Mars, gia tộc đứng sau đế chế sản xuất kẹo của Mỹ, hưởng lợi lớn khi tăng 28% giá trị tài sản, tương đương 21 tỉ USD trong khoảng thời gian từ tháng 3/2020 đến tháng 5 năm nay. “Triều đại” Mars bắt đầu từ năm 1911 khi ông bà Franklin và Ethel Mars mở một nhà máy sản xuất kẹo chuyên sản xuất các loại kẹo bán chạy như Milky Way và Snickers trong những năm 1920 và 1930. Dù vậy, các sản phẩm chăm sóc thú cưng chiếm khoảng một nửa trong số doanh thu 39,2 tỉ USD của Mars trong năm 2020. Ngày nay, cơ sở sản xuất kẹo này đã trở thành một tập đoàn sản xuất kẹo khổng lồ và đang được điều hành bởi các con cháu họ.

Năm 2020, tổng tài sản của gia đình Mars là 94 tỉ USD. Từ năm 1983 đến năm 2020, tài sản của gia đình Mark đã tăng 3.517%. Stephen Badger, cháu trai của người sáng lập Mars - Mars Franklin, hiện là Chủ tịch Tập đoàn. Ông chủ của đế chế bánh kẹo khổng lồ này chia sẻ, khó khăn nhất mà ông phải đối mặt là khi thay vào vị trí của 2 người chú đã có kinh nghiệm hơn 40 năm. Badger cho biết ông đã vượt qua được quá trình chuyển đổi này bằng cách cởi mở với gia đình và xây dựng một tầm nhìn tập thể cho những mục tiêu mà Công ty đang cố gắng làm.

3. GIA ĐÌNH KOCH

4 anh em Frederick, Charles, David và William Koch thừa hưởng công ty dầu lửa từ người cha là Fred Koch. Sau một cuộc tranh giành quyền kiểm soát Công ty vào đầu thập niên 1980, Frederick và William rời Công ty, còn Charles và David ở lại. Công ty sau đó đã phát triển thành Koch Industries với doanh thu hằng năm khoảng 115 tỉ USD. Gia đình Koch quản lý một phần tài sản của mình thông qua văn phòng gia đình có tên 1888 Management.

Ban đầu, Tập đoàn Koch Industries chỉ chuyên về hóa dầu, hiện nay đã mở rộng sang sản xuất thiết bị và công nghệ giảm thiểu ô nhiễm, polyme và sợi, khoáng chất, phân bón. Trong quá trình điều hành Koch Industries, người sáng lập Tập đoàn là Charles Koch đã phát triển một thuyết quản trị riêng dựa vào thị trường. Theo đó, Công ty được tổ chức như một thị trường nội bộ, và việc sử dụng cơ chế giá sẽ tự động tối ưu hóa hoạt động của hệ thống. Công ty duy trì lương cơ bản ở mức thấp, lương chính phụ thuộc vào giá trị đóng góp của từng người. Không quan trọng bạn là ai, nếu bạn làm tăng lợi nhuận Công ty, bạn sẽ được trả lương xứng đáng và trao quyền ra quyết định. Theo tỉ phú Koch, đây chính là bí quyết để ông xây dựng Koch Industries thành đế chế hùng mạnh như hiện nay.

4. GIA ĐÌNH HERMèS

Bắt đầu từ một cửa hàng sản xuất yên ngựa do Thierry Hermès sáng lập vào năm 1837, sau hơn 180 năm, Hermès trở thành công ty tăng trưởng nhanh trong ngành công nghiệp xa xỉ với doanh số hàng tỉ USD.

Gia đình 6 thế hệ Hermès là những người sở hữu hãng đồ hiệu cùng tên, nhà kiến tạo nên những chiếc túi xách da Birkin có giá lên tới hàng trăm ngàn USD. Trong số những thành viên của gia đình này còn giữ vị trí cấp cao trong Công ty có Pierre-Alexis Dumas và CEO Axel Dumas.

Dù Hermès đã niêm yết từ năm 1993, để tránh bị thâu tóm, hầu hết cổ phiếu của công ty này nằm trong tay khoảng 60 người thừa kế và được chia thành nhiều nhánh khác nhau.

Từ những năm đầu tiên thành lập cho đến giờ, Hermès vẫn giữ chiến lược duy trì hào quang của độc quyền và khan hiếm mà gia tộc Dumas đưa ra cho thương hiệu của mình. Hãng sản xuất và tung ra các sản phẩm độc quyền làm tăng sức hấp dẫn của thương hiệu, củng cố vị thế bằng cách hướng đến đối tượng khách hàng thuộc tầng lớp thượng lưu. Gia đình Hermès luôn yêu cầu mỗi cửa hàng phải có ít nhất sản phẩm của 1 trong 11 thợ thủ công Hermès để bán độc quyền.

Ngày nay, Hermès vận hành 307 cửa hàng trên toàn cầu tại Mỹ, Nga và châu Á và có hơn 13.000 nhân viên. Là thương hiệu nổi tiếng toàn cầu nhưng Hermès lại không có bộ phận tiếp thị. Thay vào đó, mọi cán bộ, nhân viên của Công ty đều chịu trách nhiệm tiếp thị.

5. GIA ĐÌNH AL SAUD

Sự giàu có của nhà Al Saud, hoàng tộc đã trị vì 89 năm ở Saudi Arabia, đến từ nguồn tài nguyên dầu lửa vô song của quốc gia vùng Vịnh này. Giá trị tài sản của gia tộc Al Saud dựa trên tổng số tiền mà các thành viên đã nhận được trong vòng 50 năm qua từ Royal Diwan, văn phòng điều hành của nhà vua. Tổng tài sản nằm dưới sự kiểm soát của khoảng 15.000 thành viên nhà Al Saud thậm chí có thể lớn hơn nhiều. Nhiều thành viên hoàng gia kiếm tiền từ việc môi giới các hợp đồng chính phủ, các thương vụ đất đai, và thông qua những công ty phục vụ cho các doanh nghiệp quốc doanh, chẳng hạn hãng dầu khí quốc doanh khổng lồ Saudi Aramco. Riêng thái tử Mohammed bin Salman, con trai của vua Salman - người trị vì thứ 7 của Saudi Arabia, kiểm soát lượng tài sản hơn 1 tỉ USD.

Mới đây, hoàng tử Alwaleed của hoàng tộc Al Saud bán lại cổ phần trong chuỗi khách sạn Four Seasons cho công ty đầu tư Cascade của tỉ phú Bill Gates với giá 2,2 tỉ USD.

6. GIA ĐÌNH AMBANI

Doanh nhân Ấn Độ Dhirubhai Ambani lập nên công ty tiền thân của Reliance Industries vào thập niên 1950. Khi ông Dhirubhai qua đời vào năm 2002 mà không để lại di chúc, dẫn đến cuộc tranh giành phân chia tài sản của 2 người con trai. Theo sự phân chia của mẹ, Mukesh nắm quyền kiểm soát Reliance Industries kinh doanh trong mảng lọc dầu, hóa dầu, dầu mỏ, khí đốt và dệt may; còn Anil quản lý các nhánh kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng, viễn thông, quản lý tài sản, giải trí và sản xuất điện. Tuy nhiên, khối tài sản khổng lồ của dòng họ Ambani chủ yếu đến từ Reliance Industries, công ty lớn thứ 2 ở Ấn Độ với giá trị thị trường lên tới hơn 100 tỉ USD. Thậm chí, Mukesh Ambani còn phải giúp em trai Anil Ambani trả số nợ 77 triệu USD để cứu người em khỏi cảnh tù tội, sau hơn 2 thập kỷ không nhìn mặt nhau vì tranh giành gia sản.

Năm ngoái, Reliance Industries huy động được 27 tỉ USD từ nhiều nhà đầu tư nước ngoài lớn gồm KKR, Silver Lake… để thúc đẩy sự dịch chuyển từ lĩnh vực năng lượng sang công nghệ bao gồm cả việc quảng bá 5G tại thị trường Ấn Độ hay nhúng dịch vụ thanh toán WhatsApp trên Facebook, giúp nền tảng mua sắm trực tuyến JioMart mở rộng các kênh.

Mukesh Ambani – nhà tài phiệt đằng sau đế chế đa ngành Reliance Industries - đã vượt qua ông chủ Jack Ma của Alibaba để trở thành người giàu nhất châu Á trên bảng xếp hạng Bloomberg Billionaires Index. Mukesh có 3 người con. Cặp song sinh 26 tuổi Isha và Akash đều nắm giữ các vị trí chủ chốt trong mảng viễn thông. Người con út Anant chỉ thỉnh thoảng tham gia các cuộc họp và sự kiện của Công ty.

7. GIA ĐÌNH WERTHEIMER

Hai anh em Alain và Gérard Wertheimer đang hưởng lợi từ việc ông nội của họ rót vốn cho nhà thiết kế Coco Chanel vào thập niên 1920. Gia đình Wertheimer nắm quyền kiểm soát hãng thời trang Chanel có doanh thu 10,1 tỉ USD vào năm 2020. Ngoài ra, họ còn sở hữu nhiều ngựa đua và những cơ sở sản xuất rượu vang.

Chanel nổi tiếng với phong cách thiết kế đơn giản mà tinh tế, cổ điển mà hiện đại, sang trọng mà tiện dụng, với các sản phẩm lấy cảm hứng từ quá khứ và mang đậm bản sắc thương hiệu như chất liệu tweed, chi tiết thắt nơ, sợi xích… Theo bảng xếp hạng của Interbrand, Chanel là thương hiệu xa xỉ giá trị thứ 2 thế giới năm 2019, chỉ xếp sau Louis Vuitton. Thương hiệu Chanel được định giá 21,1 tỉ USD, xếp thứ 22 trong Top 100 thương hiệu toàn cầu. Để tăng doanh thu, Chanel phát triển những dòng sản phẩm bình dân hơn để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng trung lưu và các thị trường đang phát triển như châu Á. Các dòng sản phẩm làm đẹp như son, dưỡng da, make-up hay các loại phụ kiện như kính mắt, đồng hồ với giá cả phải chăng đã giúp Chanel gần như kiểm soát toàn bộ thị trường, với 36 cửa hàng tại Nhật, 15 cửa hàng tại Hàn Quốc và 11 cửa hàng tại Trung Quốc.

Anh em Alain và Gérard Wertheimer thừa kế đế chế Chanel năm 1996 sau khi cha của họ, Jacques Wertheimer (con trai của Pierre Wertheimer) qua đời. Alain trở thành Chủ tịch của Chanel, trong khi Gérard đứng đầu mảng đồng hồ của Công ty. Họ là thế hệ thứ 3 của nhà Wertheimer điều hành doanh nghiệp 110 tuổi này.

8. GIA ĐÌNH JOHNSON (Fidelity)

Quỹ tương hỗ (mutual fund) của nhà Johnson ra đời vào năm 1946 với bàn tay sáng lập của Edward C. Johnson II. Công ty Fidelity Investments hiện nằm dưới sự điều hành của bà Abigail, cháu gái nhà sáng lập. Fidelity Investments hiện quản lý khối tài sản hơn 3.300 tỉ USD và trở thành một trong những công ty dịch vụ tài chính lớn nhất nước Mỹ. Theo Forbes, bà Abigail sở hữu khối tài sản khoảng 15 tỉ USD và được bình chọn là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới.

Abigail Johnson đã điều hành Fidelity bằng sự khéo léo, mềm dẻo của một người phụ nữ kết hợp với sự quyết đoán, trí tuệ. Bà đã nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc của Fidelity vào các quỹ tương hỗ truyền thống - vốn được ông nội và cha bà tích cực áp dụng. Thay vào đó, bà tăng gấp đôi nguồn doanh thu từ mảng tư vấn tài chính, dịch vụ môi giới và đầu tư mạo hiểm. Ngoài ra, bà cũng cho ra mắt các sản phẩm mới nhắm đến nhóm nhân khẩu học lớn nhất trong tương lai, đó là thế hệ trẻ - những người không hài lòng với mức phí cao và đang phát triển sở thích đầu tư.

9. GIA ĐÌNH THOMSON

Khối tài sản của gia tộc giàu nhất Canada bắt đầu được xây dựng từ những năm 1930. Roy Thomson là người đầu tiên nhận thấy tiềm năng thị trường vô cùng lớn của hệ thống đài truyền thanh khi nó mới lần đầu xuất hiện. Sau đó, ông phát triển sang lĩnh vực báo in và trở thành người đi đầu ngành truyền thông ở Canada. Tập đoàn truyền thông Thomson Corp. trở thành một trong những tập đoàn kinh tế lớn nhất của Canada. Không chỉ trở thành ông chủ kinh doanh truyền thông lớn nhất ở Canada, Roy Thomson còn rất thành công trong đầu tư ở nước khác, đặc biệt là ở Anh.

Khi Kenneth Thomson chập chững bước vào kinh doanh cùng gia đình thì bố ông - Roy Thomson đã thiết lập được những nền tảng ban đầu trong lĩnh vực truyền thông tại Anh và Canada.

Nhà Thomson hiện nắm 2/3 cổ phần trong công ty dịch vụ và dữ liệu tài chính Thomson Reuters thông qua công ty đầu tư Woodbridge. Năm ngoái, công ty này đạt doanh thu 6 tỉ USD.

10. GIA ĐÌNH BOEHRINGER, VON BAUMBACH

Hãng dược phẩm Đức Boehringer Ingelheim được thành lập vào năm 1885 bởi Albert Boehringer. Hơn 130 năm sau, gia tộc Boehringer và gia tộc von Baumbach nắm quyền kiểm soát hãng dược này. Chủ tịch Hubertus von Baumbach là cháu của Albert Boehringer.

Chủ tịch Hubertus von Baumbach và gia đình lớn của ông là những người nắm quyền sở hữu một phần Boehringer Ingelheim, bên cạnh nhà Boehringer. Nhà von Baumbach rót vốn đầu tư cổ phần tư nhân vào công ty thông qua Profunda - một văn phòng quản lý tài sản gia đình.

Thuốc điều trị tiểu đường type 2 có tên Jardiance là loại thuốc bán chạy nhất của Boehringer Ingelheim. Năm 2020, doanh thu của hãng này là 2,9 tỉ USD.