3 lời khuyên từ triệu phú dành cho Gen Z

George Gellert, 87 tuổi, Chủ tịch tập đoàn thực phẩm Gellert Global Group, là một trong những doanh nhân kỳ cựu của Mỹ với sự nghiệp gần 60 năm trong ngành. Từng điều hành tập đoàn đạt doanh thu tỷ USD, ông cho rằng bí quyết thành công không nằm ở những điều cao siêu mà ở ba nguyên tắc sống còn, đặc biệt quan trọng đối với thế hệ Gen Z.

3-loi-khuyen-tu-trieu-phu-danh-cho-gen-z-1753169404.jpg

1. Trễ một phút là trễ một giờ: Nguyên tắc đúng giờ tuyệt đối

George Gellert khẳng định: "Mẹ tôi từng nói, nếu con trễ một phút, cũng giống như trễ một giờ." Ông coi đây là nguyên tắc sống còn và là phép lịch sự tối thiểu trong kinh doanh.

Dù một khảo sát năm 2024 của ResumeBuilder cho thấy 47% Gen Z xem việc đến trễ 5 đến 10 phút vẫn là đúng giờ (tỷ lệ này giảm dần ở các thế hệ trước), Gellert vẫn duy trì thói quen đúng giờ tuyệt đối. Ông đặt báo thức lúc 4h45 sáng và có mặt ở văn phòng lúc 8h. Trong suốt hơn 50 năm làm việc, ông không bao giờ đến trễ các cuộc họp, ngay cả trong những điều kiện khắc nghiệt nhất. Các nhân viên của ông cho biết Gellert thường đến sớm hơn 15 phút trong mọi cuộc hẹn.

Ông nhấn mạnh rằng việc đến đúng giờ và duy trì thói quen nghe có vẻ đơn giản, nhưng với nhiều người trẻ, điều đó ngày càng trở nên lỏng lẻo. Lịch trình chặt chẽ không chỉ thể hiện sự chuyên nghiệp mà còn giúp ông xử lý khủng hoảng hiệu quả, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn.

2. Bắt đầu thấp, đi đường dài: Học hỏi từ những việc nhỏ

Năm 1966, khi mới vào làm tại Atalanta, công ty của bố vợ, George Gellert bắt đầu bằng công việc mở thư. Dù đơn giản và lặp lại, công việc này giúp ông hiểu sâu cách doanh nghiệp vận hành. Gellert cho rằng người trẻ nên học cách bắt đầu từ những việc nhỏ, thay vì chỉ tìm kiếm vị trí cao.

Tuy nhiên, khảo sát cho thấy 56% Gen Z cho rằng đổi việc sau mỗi hai đến ba năm là hợp lý, chủ yếu để tăng thu nhập hoặc chức danh. Gellert cho rằng việc giữ chân người trẻ đòi hỏi doanh nghiệp phải tạo môi trường giúp họ phát triển, bởi họ luôn tìm kiếm lộ trình rõ ràng, nếu không thấy bước tiếp theo, họ sẽ rời đi.

Vì vậy, ông đặc biệt chú trọng khâu tuyển dụng, ưu tiên những người có định hướng nghề nghiệp rõ ràng và loại trừ các ứng viên thiếu động lực. Dưới sự lãnh đạo của ông, Atalanta phát triển từ nhà nhập khẩu thịt hộp thành doanh nghiệp tỷ đô khi bước vào năm hoạt động thứ 80. Ông đúc kết: "Thành công không nên đo bằng sự công nhận từ người khác mà bằng việc hoàn thành mục tiêu cá nhân."

3. Ưu tiên mối quan hệ bền vững: Tài sản thực sự trong mọi biến động

Năm 2012, khi cơn bão Sandy tàn phá bờ đông nước Mỹ, kho hàng của Gellert Global Group bị thiệt hại hơn 15 triệu USD. Dù vậy, George Gellert không sa thải bất kỳ nhân viên nào và chỉ sau hai tuần, công ty đã khôi phục hoàn toàn hoạt động.

Theo ông, yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng là sự tin cậy được xây dựng từ trước giữa con người với con người, từ nhân viên đến khách hàng và ngân hàng. Những mối quan hệ này không chỉ dựa trên giao dịch mà còn là tình thân, sự gắn bó cá nhân, và đó là nền tảng bền vững trong mọi biến động.

Ông tin rằng không cần chỉ tập trung vào kỹ năng chuyên môn, hãy đầu tư vào sự liêm chính và các mối quan hệ đáng tin cậy. Khi khó khăn ập đến, đó mới là tài sản thực sự giúp mỗi người và cả tổ chức đứng vững. Điều này cũng phù hợp với báo cáo của Gallup cho thấy chỉ 52% Gen Z tin tưởng vào lãnh đạo nơi họ làm việc, thấp hơn mức trung bình 59%.

George Gellert, cũng như Warren Buffett, là những doanh nhân kỳ cựu vẫn đang làm việc, đều có điểm chung là duy trì mối quan hệ bền vững với cộng sự thân thiết.