6 bí mật quan trọng giúp gia tộc Rockefeller giàu có qua 7 đời là gì?

Hà Lam

“Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, thế nhưng, bước sang thế hệ thứ 7 với hơn 200 người thừa kế, các thế hệ trong gia tộc Rockefeller vẫn duy trì được khối tài sản kếch xù 11 tỷ USD và hùng mạnh hơn.

6-bi-mat-quan-trong-giup-gia-toc-rockefeller-giau-co-qua-7-doi-la-gi-1649927891.png
Chân dung gia đình Rockefeller, mùa hè năm 1920, Cảng Seal, Maine / Từ trái qua: Laurance, Babs, John D III, Abby Aldrich Rockefeller ôm David Senior, Winthrop, John D Rockefeller Junior và Nelson. Ảnh: Rockefeller Archive Center

Tranh chấp tài sản hay người thừa kế chi tiêu mạnh tay trong các gia tộc lớn là điều dễ thấy, kết quả là gia tộc bị chia rẽ. Nhưng sau 7 đời, những vấn đề này không xảy ra ở gia đình Rockefeller.

Trong lịch sử hiện đại nước Mỹ, dấu chân của gia đình Rockefeller ở khắp mọi nơi, từ Ngân hàng Chase JPMorgan đến Trung tâm Rockefeller, từ Quỹ Rockefeller đến Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại, Đại học Rockefeller. Trong suốt cuộc đời của mình, David Rockefeller đã cho đi hơn 1 tỷ USD.

Cuối thế kỉ XIX, John D. Rockefeller trở thành người giàu nhất nước Mỹ chủ yếu nhờ buôn bán dầu lửa, từ đối đầu tranh giành giữa thị trường tài chính phố Wall sang liên kết nhằm kiểm soát chính trị Mỹ.

Cùng với Morgan, Rockefeller đã biến nền kinh tế non trẻ của Mỹ thành một cường quốc công nghiệp mạnh nhất thế giới và khiến trung tâm tài chính thế giới dịch chuyển từ London sang New York.
Đã hơn 100 năm kể từ khi John Davison Rockefeller thành lập công ty Standard Oil, gia tộc Rockefeller bước sang đời thứ bảy, với gần 200 người thừa kế, vẫn duy trì khối tài sản hơn 11 tỷ USD (Forbes, 2016).

Tuy nhiên, điều khó xảy ra hơn nữa là gia tộc vẫn phần lớn đoàn kết, không có những vụ bê bối, mối thù, vụ kiện và thảm kịch công khai thường xảy ra với các gia tộc giàu có khác. Hiện có khoảng 250 thành viên trong gia đình là hậu duệ trực tiếp của John D. Rockefeller và Laura Spelman Rockefeller.

Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi, David Rockefeller Jr. (1915-2017), cháu nội của nhà tài phiệt dầu mỏ John D. Rockefeller, chủ tịch Rockefeller & Co., nói rằng lý do quan trọng là gia đình đã phát triển một hệ thống các giá trị, truyền thống và thể chế giúp gia đình gắn bó với nhau và bảo tồn của cải. Chúng hữu ích cho bất kỳ gia đình nào đang cố gắng nuôi dạy con cái  - ngay cả khi bạn không giàu có.

david-rockefeller-jr-and-susan-rockefellergetty-images-monica-schipper-1649927995.png

David Rockefeller Jr và Susan Rockefeller. Ảnh: Getty Images/Monica Schipper

Thực tế, "ông tổ" Rockefeller không chỉ là một doanh nhân thành đạt mà còn là một người cha thấu tình đạt lý. Ông đã viết rất nhiều lá thư cho các con trong cuộc đời mình, trong đó 38 bức thư để động viên con trai duy nhất John D. II, hiện được xuất bản thành sách.
Trong những bức thư này, ông đã không tiếc công sức truyền lại kinh nghiệm thành công của bản thân, đồng thời ghi lại nhiều lời dặn dò có tính chất khai sáng, như cảnh báo con cái rằng điểm xuất phát không quyết định điểm cuối, chỉ có bỏ cuộc mới thất bại. Và sự truyền dạy, khai sáng của ông cho con cháu chính là nền tảng và kim chỉ nam cho thế hệ này tới thế hệ khác của gia đình tiếp nối.

Dưới đây là 6 "bí mật" giữ gìn gia tộc của nhà Rockefeller

Thứ nhất, những buổi họp mặt gia đình thường xuyên

Rockefeller rất coi trọng khái niệm "gia đình", nhất là khi gia đình ngày càng lớn mạnh. Vì vậy, họ cần thông qua các hoạt động gia đình khác nhau để tăng sự tương tác và giao tiếp giữa các thành viên mục đích gắn kết và truyền lại các giá trị cốt lõi. "Chúng tôi gặp nhau hai lần một năm. Thường là tất cả sẽ ở một phòng và và thưởng thức bữa Giáng sinh với hơn 100 người", David Rockefeller cho biết.

Ngoài ra, họ còn có diễn đàn gia đình. Khi một người nhà Rockefeller đủ 21 tuổi, sẽ được mời đến những cuộc họp đó. Tại buổi họp, các thành viên được tự do trao đổi. Tại các buổi họp mặt, gia đình nói về hướng đi, dự án, thành viên mới và bất kỳ tin tức gia đình nào khác liên quan đến nghề nghiệp hoặc các cột mốc quan trọng. Điều quan trọng thường không phải là thu được thông tin có giá trị, mà là mọi người đều cảm thấy mình là một phần của gia đình, ngay cả khi họ đã kết hôn.

Rockefeller nói rằng việc duy trì lịch sử gia đình cũng rất quan trọng. Địa điểm gặp gỡ trước đây được đặt tại dinh thự Little Rockefeller ở New York. Sau đó, khi gia đình lớn mạnh và số lượng người ngày càng đông, gia tộc đã chọn chọn một trang viên khác. "Đây là một địa điểm quen thuộc và đã được truyền qua nhiều thế hệ. Chúng tôi quay lại nơi ông cố đã sống hơn 100 năm trước, để xem ông sống như thế nào, để xem các con trai và cháu trai của ông sống như thế nào, điều đó rất ý nghĩa", David Rockefeller nói.

Thứ hai là từ chối kết giao với hai loại người

Tỷ phú Rockefeller khuyên các con cháu không kết giao với hai loại người. "Loại thứ nhất là những người hoàn toàn buông xuôi và bằng lòng với hiện tại; loại thứ hai là những người không thể gánh vác được trọng trách đến cùng".

Ông gọi hai kiểu người này là "khối u tư duy" rất dễ lây lan, một khi tiếp xúc sẽ trở nên thụ động và bi quan. Tệ nhất là hai kiểu người này thường có mặt ở khắp nơi, không chỉ bi quan và bằng lòng với thực tại, họ thậm chí còn phá hoại kế hoạch thành công của người khác. Ví dụ, khi bạn quyết tâm hoàn thành mục tiêu, kiểu người này thường có vẻ ân cần khuyên "bỏ cuộc đi". Khi bạn thất bại thật sự, họ sẽ nói "Tôi đã khuyên mà không nghe".

Ông Rockefeller dặn các con phải kết giao những người thành công có tham vọng. Từ bức thư này có thể thấy mặc dù gia đình vốn giàu có, họ không chọn ngủ yên trên đống tài sản, mà tiếp tục truyền lại tinh thần phấn đấu cho thế hệ sau.

Thứ ba: giàu có là kết quả phụ của quá trình làm việc chăm chỉ

Gia đình Rockefeller cho rằng những đứa trẻ sinh ra trong gia đình giàu dễ bị cám dỗ về vật chất hơn trẻ xuất thân từ nhà bình thường và dễ an bài với những gì mình có. Ông Rockefeller dạy con cháu ngay từ nhỏ hãy sử dụng sức lao động của chính mình để tạo ra giá trị. Gia đình Rockefeller thực hiện kinh tế thị trường ảo, đứa trẻ nào cũng cần phải làm việc. "Tất cả nhân phẩm và danh dự phải có được do chính mình tạo ra thì nhân phẩm và danh dự đó mới có thể tồn tại lâu dài", gia đình Rockefeller quan niệm.

Thứ tư, tiết kiệm là nền tảng tạo ra của cải

Dù Rockefeller luôn nằm trong top các gia tộc giàu nhất nước Mỹ, siêng năng và tiết kiệm luôn là chủ đề giáo dục quen thuộc của gia đình. Cố tỷ phú Rockefeller chịu ảnh hưởng của mẹ, người có lối sống tiết kiệm nên cả đời ông sống thanh đạm và tính toán kỹ lưỡng đến mức từng xu đều mang lại lợi ích. Ông cũng đòi hỏi con mình theo cách tương tự.

Khi John Rockefeller III còn là một đứa trẻ, ông và cha mình đã ký hợp đồng gồm ba chương và lập ra một quy tắc phân phối tiền tiêu vặt. Mỗi tuần ông được một USD và 50 xu. Người cha kiểm tra tài khoản hàng tuần để ghi lại chi tiêu cụ thể của từng khoản. Nếu sử dụng không đúng, tháng sau số tiền tiêu vặt sẽ bị giảm. Thỏa thuận này sau đó đã trở thành tiêu chuẩn tiền tiêu vặt cho mỗi thế hệ trong gia đình và mọi người phải tuân thủ, có giám sát kiểm tra thường xuyên.

Khi David Rockefeller 16 tuổi, ông đã hình thành thói quen ghi chép các khoản chi tiêu. Mỗi xu chi tiêu phải được ghi vào một cuốn sổ nhỏ. Thói quen này vẫn được duy trì ngay cả khi đã là một chủ ngân hàng nổi tiếng thế giới.

Thứ năm, không tồn tại công ty gia đình

Rockefellers đã không còn một doanh nghiệp gia đình kể từ năm 1911, khi Standard Oil bị chính phủ chia thành các công ty giao dịch công khai do luật chống độc quyền mới. Chỉ với quyết định đó, khối tài sản của Rockefeller đã chuyển từ một công ty khổng lồ thành nhiều công ty niêm yết đại chúng. Từ đó, các khoản nắm giữ tài chính dễ dàng được truyền lại cho các thế hệ tương lai hơn và ít phải đối mặt với các cuộc chiến tài chính hơn.

Rockefeller nói: “Tất nhiên, sự giàu có trong gia đình chúng tôi đến từ việc kinh doanh dầu mỏ của Standard Oil. Nhưng thành thật mà nói, công việc kinh doanh đã không giữ chúng tôi lại với nhau và có nhiều gia đình đã ly tán. Tôi nghĩ cũng thật tình cờ khi chúng tôi không có một công việc kinh doanh nào khiến chúng tôi xa cách nhau”. Ông nói thêm khối tài sản của gia đình được phân chia qua nhiều thế hệ, đến nhiều người nhưng vẫn giữ gìn được, và không có hoạt động kinh doanh chính nào.

Và cuối cùng, chất keo gìn quan trọng chính là các giá trị gia đình, cụ thể là lòng nhân ái

Chất keo bền chặt nhất giữ gia đình Rockefeller lại với nhau là các giá trị gia đình, cụ thể là lòng nhân ái. Ông Rockefeller khuyến khích tạo ra của cải, đồng thời cũng tin người giàu chỉ là người được ủy thác của cải. Các quỹ gia đình khác nhau của họ, bao gồm Quỹ Rockefeller, Quỹ Anh em Rockefeller và Quỹ David Rockefeller có tổng tài sản trị giá hơn 5 tỷ USD.

Các thành viên trong gia đình được khuyến khích tham gia vào các quỹ. Bằng cách chú trọng bản sắc gia đình, nhà Rockefeller đã duy trì các giá trị cốt lõi, như "câu thần chú" được khắc trên đá tại Trung tâm Rockefeller: "Mỗi quyền lợi đều gắn liền với một trách nhiệm; mỗi cơ hội đều gắn với một nghĩa vụ và mỗi sự sở hữu là một bổn phận".

David Rockefeller Jr nhớ rằng đã làm từ thiện lần đầu tiên khi mới 10 tuổi, bằng tiền tiêu vặt của mình. Ông nói: “Nếu các giá trị không được tồn tại, thì lời nói sẽ không có tác động. Vì vậy, tôi nghĩ gia đình đã cố gắng hết sức để sống theo những giá trị đó, cho ai nhiều thì được mong đợi bấy nhiêu”.

Triết lý làm từ thiện của họ cũng đã ảnh hưởng đến một thế hệ tỷ phú Mỹ hiện tại. Dự án từ thiện "Lời cam kết cho đi" (The Giving Pledge) do hai người giàu nhất nước Mỹ là Bill Gates và Warren Buffett khởi xướng, chịu ảnh hưởng từ gia đình Rockefeller.

Theo CNBC, tổng hợp.