Ái nữ nhà ''Vua hàng hiệu'' Johnathan Hạnh Nguyễn: Tôi có hướng đi riêng, dựa trên hiểu biết và đam mê của bản thân
Tôi thích có nhiều gam màu khác nhau với những vai trò khác nhau trong cuộc sống. Hiện nay, tôi là người yêu thời trang và là người kinh doanh thời trang. Mạng xã hội là nơi truyền cảm hứng cũng như tinh thần của các bộ sưu tập thời trang thời thượng nhất đến giới mộ điệu bằng chính phong cách cá nhân của bản thân.
Còn trong vai trò một người điều hành công ty, tôi chỉ lo tập trung đến việc phát triển kinh doanh sao cho hiệu quả chứ chưa nghĩ đến việc PR cho mình. Đây là lần hiếm hoi tôi xuất hiện trước truyền thông trong vai trò là CEO Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC).
Hàng hiệu đi cùng với sự giàu có, sang trọng nên phân khúc này dành cho người thành đạt. Mà những người thành đạt để có thể mua hàng hiệu ở VN thường cũng “có tuổi” trong khi bạn lại thuộc thế hệ Gen Z. Bạn có khó khăn trong tiếp cận, tìm hiểu thói quen, sở thích, gu... khách hàng của mình không?
Đúng là ở VN, phần lớn người tiêu dùng hàng hiệu thực sự là những người thành đạt. Họ có thu nhập ổn định và tích lũy nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống. Song, tôi lại cho rằng khách hàng của chúng tôi không bao giờ là "có tuổi". Khi họ sành điệu, hiểu biết về thời trang hàng hiệu thì họ sẽ mạnh tay mua sắm dù món đồ đó thuộc phong cách "trẻ trung" hay "có tuổi", như cách bạn nói, miễn là họ thấy phù hợp với cá tính và phong cách của mình!
Ở góc độ kinh doanh, tôi và đội ngũ của mình đã áp dụng nhiều phương thức để hiểu rõ hơn về khách hàng. Chúng tôi luôn có các khóa đào tạo cho đội ngũ nhân sự về việc tìm hiểu thị hiếu khách hàng, phân tích đối tượng cũng như tâm lý mua hàng ở từng phân khúc. Các thương hiệu cũng hỗ trợ đưa các chuyên gia qua đào tạo cho đội ngũ nhân sự DAFC. Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên khảo sát nghiên cứu thị trường, tổ chức các buổi phỏng vấn nhóm tập trung hoặc riêng để hiểu rõ hơn về nhu cầu cũng như mong muốn của khách hàng, đồng thời hợp tác với những người có ảnh hưởng (KOL) ở nhiều độ tuổi để tạo trend (xu hướng).
Thêm một yếu tố mà tôi cho rằng quan trọng hàng đầu đối với thời trang, đó là sự đổi mới. Chúng tôi sẽ khuyến khích đổi mới phong cách, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại để thu hút khách hàng, bao gồm cả thế hệ Gen Z, Millennial, có cả Gen Alpha và đang xây dựng chiến lược tập trung vào đối tượng này. Ngoài ra, đầu tư áp dụng công nghệ cũng là thế mạnh giúp DAFC thu thập và phân tích dữ liệu khách hàng một cách hiệu quả, từ đó tạo ra những chiến dịch marketing cùng sản phẩm phù hợp.
Thực ra, luôn có những thách thức khi tiếp cận và hiểu rõ khách hàng. Song với sự kiên trì, nỗ lực và sáng tạo, tôi cùng đội ngũ của mình luôn tìm ra cách để vượt qua thách thức, hướng tới mục tiêu phục vụ khách hàng một cách tốt nhất.
Bạn vừa chia sẻ DAFC sẽ đặc biệt chú trọng đến phân khúc khách hàng tiềm năng là Gen Z. Cụ thể chiến lược này được thực hiện như thế nào?
Trong năm 2023, DAFC đã thành công mang về nhiều thương hiệu trẻ trung và thời thượng. Có thể kể tới một vài cái tên nổi tiếng như Moschino (Ý), Balmain (Pháp), Alessandra Rich (Anh), thương hiệu giày Santoni và Gianvito Rossi của Ý. Năm sau, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa về VN một số thương hiệu thời trang xa xỉ tầm trung khác phù hợp với giới trẻ.
Đối với các thương hiệu đang kinh doanh, chúng tôi đẩy mạnh thêm hình thức "collaboration" kết hợp với các thương hiệu trẻ khác ngành để tạo nên sự phối hợp thời thượng, sành điệu, thu hút nhóm khách trẻ. Như dự án MCMxRangRang kết hợp với các trường học để tổ chức workshop về phong cách thời trang, hoặc đẩy mạnh công nghệ vào quá trình học tập kết hợp vui chơi với thương hiệu AI UBtech nhằm gây sự chú ý và thiện cảm từ Gen Z, Gen Alpha…
Bên cạnh đó, DAFC cũng đang hoàn thiện kênh thương mại điện tử và social commerce (thương mại điện tử trên nền tảng mạng xã hội), là một trong những kênh bán hàng không thể thiếu đối với thế hệ Z.
VN là nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới, nhưng thời trang thì vẫn rất sơ khai - nếu tính trên thương hiệu thuần Việt, những hoạt động tạo xu hướng trong nước cũng như tham gia vào sân chơi thời trang thế giới. Thường xuyên xuất hiện ở các tuần lễ thời trang lớn trên thế giới, bạn đánh giá thế nào về thị trường thời trang trong nước?
Tôi cho rằng VN là một thị trường thời trang đầy tiềm năng. Với tỷ lệ lý tưởng về dân số trẻ, chúng ta có lượng lớn người tiêu dùng quan tâm đến thời trang và sẵn lòng chi trả cho sản phẩm chất lượng, có phong cách. Ngoài ra, chúng ta có nhiều nhà thiết kế (NTK) trẻ tài năng. Nếu thế hệ các NTK Việt "đàn anh" đã và đang để lại dấu ấn trên sàn diễn thời trang thế giới, được tin tưởng bởi các sao hạng A của ngành giải trí quốc tế thì thế hệ tiếp theo lại như một làn gió mới. Họ có sự sáng tạo, đột phá và khả năng tạo nên xu hướng nhờ mạng xã hội, các KOL và influencer điển hình như Fanci Club…
Đặc biệt, có một sự nhận thức rất cao của giới trẻ Việt về thời trang bền vững và trách nhiệm xã hội. Nhiều thương hiệu và NTK đang hướng đến thời trang bền vững bằng việc sản xuất và sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường, có trách nhiệm với cộng đồng. Hơn nữa, sự phát triển của công nghệ đang được tích hợp vào thị trường thời trang, từ quá trình sản xuất cho đến tiếp thị và bán hàng. Chưa kể nếu nói về sự phát triển của internet và điện thoại di động, thị trường mua sắm trực tuyến E-commerce, TikTok... thì thị trường thời trang VN đang trở nên ngày càng sôi động và có tiềm năng lớn.
Tuy nhiên, rõ ràng ngành thời trang của chúng ta vẫn phải đối mặt với thách thức về việc nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng nhận diện thương hiệu mạnh mẽ trên thị trường quốc tế. Cần có những chiến lược đúng đắn và đầu tư hợp lý để nâng cao vị thế của thời trang Việt trên bản đồ thời trang thế giới.
Bạn đã bao giờ nghĩ đến việc tạo ra một hãng thời trang của riêng mình không, khi bản thân đang là một trong những người nổi tiếng tạo trend trên thị trường?
Đó là một ý tưởng hấp dẫn vì khả năng tạo ra xu hướng giúp tôi có cái nhìn sắc bén về thị trường cũng như định hướng đúng cho thương hiệu. Tuy nhiên, việc này cũng đòi hỏi một chiến lược kinh doanh mạnh mẽ, chuyên nghiệp từ khâu thiết kế, sản xuất, quảng bá thương hiệu, hệ thống phân phối chuẩn chỉnh... Nó đòi hỏi đầu tư lớn và sự kiên nhẫn. Nếu tất cả các yếu tố trên được chuẩn bị sẵn sàng và đảm bảo, thì việc tạo ra một thương hiệu thời trang VN có tiềm năng, định vị rõ ràng trên thị trường quốc tế sẽ là một bước tiến quan trọng và đầy ý nghĩa.
Hai năm gần đây, bất chấp kinh tế thế giới suy thoái, các hãng thời trang xa xỉ vẫn làm ăn phát đạt. Đáng nói hơn là giá các thương hiệu thời trang cao cấp như Chanel, LV, Hermes… vẫn tăng đều đặn và khách hàng vẫn phải đặt trước để có được mẫu mới mà mình mong muốn. Điều này cũng diễn ra với Công ty DAFC mà bạn đang làm sếp. Thậm chí năm 2022, doanh thu của công ty còn tăng kỷ lục. Là do bạn kinh doanh giỏi, do suy thoái không chạm tới người giàu hay có bí ẩn gì đằng sau những sản phẩm hàng hiệu?
Trong bất kỳ tình hình kinh tế nào, hàng hóa xa xỉ vẫn là biểu tượng của đẳng cấp và địa vị. Thế nên dù kinh tế khó khăn, người có thu nhập cao thường vẫn duy trì và thậm chí tăng cường chi tiêu cho những mặt hàng xa xỉ để khẳng định vị trí xã hội của mình. Còn giá cả, các thương hiệu xa xỉ thường giới hạn số lượng sản phẩm được sản xuất, tạo ra sự khan hiếm và độc đáo. Điều này khiến cho giá sản phẩm không chỉ duy trì mà còn có thể tăng lên. Khách hàng không chỉ mua sản phẩm mà còn mua giá trị, trải nghiệm, và danh tiếng của thương hiệu.
Với DAFC, hai năm đại dịch là một phép thử khó nhằn nhưng cũng đầy thú vị. Thị trường hàng hiệu xách tay cũng như du lịch bị đình trệ khiến khách hàng quay lại mua sắm trong nước. Khách hàng cũ mua nhiều hơn và khách hàng mới cũng tăng lên vì không thể đi du lịch, mua sắm ở nước ngoài như trước đây. Nhờ vậy, DAFC có cơ hội cho khách hàng thấy được chất lượng dịch vụ, giá thành cạnh tranh và những ưu thế về bảo hành, hậu mãi mà cửa hàng chính hãng tại VN mang lại.
Tất nhiên, ở thời điểm như vậy, sự tỉnh táo quyết đoán và phản xạ thích ứng nhanh là vô cùng quan trọng. Suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến mọi tầng lớp và phân khúc khách hàng, các khách hàng cao cấp cũng thận trọng hơn trong chi tiêu. Vì thế, chúng tôi đã thay đổi chiến lược marketing và chăm sóc khách hàng theo hướng cá nhân hóa hơn, để mỗi khách hàng đều có trải nghiệm được phục vụ "đo ni đóng giày" cho mình. Chúng tôi xây dựng một mối quan hệ mạnh mẽ với khách hàng thông qua trải nghiệm mua sắm, dịch vụ sau bán hàng, tổ chức các sự kiện độc quyền. Cùng với đó, đưa ra các giải pháp tăng cường chiến lược kỹ thuật số, từ trải nghiệm mua sắm trực tuyến cho đến chiến dịch tiếp thị kỹ thuật số, đáp ứng nhu cầu của thế hệ khách hàng trẻ trung hoặc mê công nghệ thế hệ mới.
Ngoài ra, chúng tôi cũng liên tục tổ chức các chiến dịch marketing và sự kiện Private Sales để thu hút các khách hàng mới từ trung cấp đến cao cấp. Chính sách giá cạnh tranh so với các thị trường lân cận nhờ vào Hiệp định thương mại tự do EU - VN (EVFTA) cũng góp phần mang đến thành công của DAFC.
Và như bạn đã thấy, việc "làm ăn phát đạt" của thời trang xa xỉ trong thời gian vừa qua là sự kết hợp giữa chiến lược kinh doanh linh hoạt, đúng đắn, giá trị thương hiệu, chất lượng sản phẩm, và sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng. Không hẳn là do tôi kinh doanh giỏi.
Ở VN hiện nay, hàng nhái, hàng giả và cả hàng lậu rất nhiều. Bạn có thể mua vài trăm ngàn đồng cho 1 chiếc bóp LV, vài triệu cho 1 giỏ Chanel... ở chợ Bến Thành hay trên mạng. Chưa kể sau hàng loạt vụ hàng lậu, hàng giả bị triệt phá, nhiều người tiêu dùng cảm thấy nghi ngại với hàng hiệu trong nước. Điều này có ảnh hưởng đến việc kinh doanh của DAFC? Bạn và công ty đã và sẽ làm gì để lấy niềm tin của khách hàng, cũng là góp phần lành mạnh thị trường thời trang trong nước trước nạn hàng nhái, hàng giả tràn lan hiện nay?
Nạn hàng nhái, hàng giả là một thách thức lớn cho bất kỳ thị trường thời trang nào và VN không phải ngoại lệ. Rõ ràng, sự hiện diện của hàng nhái ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của thương hiệu thật. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc kinh doanh bởi khách hàng có thể hoang mang về tính xác thực của sản phẩm. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã triển khai hàng loạt biện pháp chống hàng giả. Các thương hiệu đang kinh doanh tại VN cũng chung tay với các cơ quan chức năng để có những biện pháp quyết liệt nhằm bảo vệ người tiêu dùng và góp phần làm minh bạch thị trường kinh doanh hàng xa xỉ.
Để tăng cường niềm tin, công ty của tôi cũng áp dụng công nghệ chứng thực sản phẩm, như việc sử dụng mã QR hoặc công nghệ NFC để khách hàng có thể xác minh nguồn gốc và tính xác thực của sản phẩm; đầu tư công nghệ tem RFID thông minh vào quá trình kiểm duyệt, quản lý hàng hóa, giúp đảm bảo việc kiểm soát chất lượng hàng hóa nghiêm ngặt, thông minh chính xác và nhanh chóng hơn.
Bên cạnh đó, trải qua 15 năm kinh nghiệm cùng uy tín trong kinh doanh thời trang và các ngành hàng xa xỉ, DAFC may mắn có được tập khách hàng thân thiết "khổng lồ", họ có sự tin tưởng và chỉ mua những sản phẩm do DAFC phân phối.
Rất nhiều người luôn nhìn vào thế hệ thứ 2 trong các gia tộc nổi tiếng như gia đình bạn bằng con mắt khắt khe, so sánh. Bạn có bị áp lực vì điều đó và làm thế nào để vượt qua “cái bóng” quá lớn của cha mẹ để khẳng định bản thân mình?
Khi tham gia vào một gia đình kinh doanh thành công và tiếp quản công việc từ cha mẹ, việc phải đối mặt và vượt qua "cái bóng" của họ là một thách thức không nhỏ.
Đúng là có một áp lực lớn đặt lên vai tôi, không chỉ từ kỳ vọng của gia đình mà còn từ cả xã hội và nhân viên công ty. Tôi nhận biết rằng áp lực này là điều không thể tránh khỏi nên luôn tự nhắc nhở bản thân việc quản lý công ty không chỉ là trách nhiệm, mà còn là cơ hội để tôi phát triển bản thân và khẳng định mình. Áp lực, theo tôi cũng là động lực để mình vượt qua thử thách và phát huy tiếp từ chính nền tảng vững chắc mà cha mẹ đã tạo nên.
Mỗi người có phong cách và chiến lược kinh doanh riêng. Tôi xác định hướng đi riêng dựa trên hiểu biết và đam mê của bản thân. Thị trường và ngành công nghiệp thời trang luôn thay đổi. Tôi không ngừng học hỏi, cập nhật kiến thức và tìm kiếm những cách làm mới mẻ, đổi mới để mang lại sự khác biệt cho công ty. Đồng thời, luôn lắng nghe ý kiến và phản hồi từ nhân viên, người thân giúp tôi nhận biết và chỉnh sửa sai lầm, cũng như tạo ra một môi trường làm việc tích cực, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. "Ở sẵn vạch đích" không có nghĩa là không có thất bại. Tôi cũng đã từng thất bại nhưng với tôi, nó là một phần của quá trình. Thay vì tránh xa nó, tôi sử dụng chúng như bài học để phát triển và tránh lặp lại trong tương lai.
Đối mặt với "cái bóng" của cha mẹ và vượt qua áp lực không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, nhưng bằng sự kiên trì, đam mê và quyết tâm, tôi tin rằng mình có thể khẳng định vị trí riêng và mang lại giá trị đặc biệt cho công ty trên thị trường, cũng như phát huy tối đa những giá trị quý báu mà thế hệ trước đã tạo dựng nên.