![]() |
Chị Như Ý đặt trọn niềm tin vào chồng trong việc chăm sóc và dạy dỗ con trai đầu lòng. |
Cô dâu Việt sống trong dinh thự 20.000 m2 của chồng đại gia Ấn Độ
Năm 2019, sau hai tuần trò chuyện qua tin nhắn, chị Đỗ Như Ý, sinh năm 1986, quyết định sang thành phố Bangalore để gặp anh Porithosh Shetty, sinh năm 1978.
Ngay khi đặt chân đến nơi, chị bất ngờ trước dinh thự rộng 20.000 m2, phải đi qua ba lớp cổng mới vào tới nhà chính. Một nửa khuôn viên được làm resort, phần còn lại là khu nhà ở. Ngôi nhà được ốp đá hoa cương, trải thảm đỏ sang trọng, nội thất gỗ và có hàng chục người giúp việc cúi chào khi chị bước vào.
Anh Shetty chia sẻ mình là con trai trưởng trong một gia đình thượng lưu, thừa kế bệnh viện tư do cha sáng lập, đồng thời sở hữu chuỗi resort, nhà hàng, trang trại cà phê 40 ha và một căn nhà cổ hơn 150 năm tuổi.
Sau khi quyết định kết hôn, chị Ý và anh Shetty trở về Việt Nam để làm thủ tục. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát khiến hai người phải yêu xa suốt một năm bảy tháng. Đến tháng 10/2021, họ mới gặp lại, đăng ký kết hôn và tổ chức lễ cưới ngay tại resort của gia đình chồng.
Cuộc sống làm dâu và nửa tỷ đồng để có con
Những ngày đầu về làm dâu, chị Ý choáng ngợp trước nếp sinh hoạt tại Ấn Độ.
“Tiệc thường bắt đầu từ 20 đến 21 giờ, ăn tối vào nửa đêm và kết thúc lúc 3 đến 4 giờ sáng. Gần như tuần nào vợ chồng tôi cũng phải dự tiệc, nhất là trong dịp lễ Diwali hay cuối năm”, chị Ý chia sẻ.
Không quen với lịch sinh hoạt đó, chị thường chỉ xuất hiện chào hỏi rồi nhờ tài xế đưa về trước. Anh Shetty tôn trọng lựa chọn của vợ, không ép ở lại, và chị cũng không yêu cầu chồng về sớm.
Ngay từ khi kết hôn, hai vợ chồng đã thẳng thắn bàn chuyện con cái. Cả hai từng trải qua hôn nhân trước nhưng chưa có con. Biết mình bị suy buồng trứng sớm, chị Ý chủ động đề nghị nếu sau sáu tháng chưa có thai tự nhiên sẽ làm thụ tinh ống nghiệm.
Tuy vậy, anh Shetty muốn dành thêm thời gian để tận hưởng cuộc sống vợ chồng mới cưới, chưa vội sinh con.
“Mẹ chồng tôi cũng tôn trọng, không hối thúc, để chúng tôi tự quyết định”, chị Ý kể.
![]() |
Tháng 10 năm 2024, chị Như Ý chào đón con trai đầu lòng. |
Sau nhiều lần cố gắng chưa thành công, chị Như Ý quyết định làm thụ tinh ống nghiệm. Chi phí lên đến hơn 500 triệu đồng bởi mỗi chu kỳ chị chỉ lấy được hai trứng, phải tiêm kích thích và chọc hút nhiều lần mới đủ số lượng.
Trong suốt quá trình điều trị, vợ chồng chị luôn giữ tinh thần lạc quan. Anh Shetty luôn bên cạnh động viên và chia sẻ cùng vợ. Khi bác sĩ báo tin có thai, anh vui mừng gọi ngay cho mẹ, em trai và bạn bè để báo tin vui.
Tháng 10 năm 2024, chị Như Ý hạ sinh con trai đầu lòng, bé Devansh Shetty. Sự ra đời của con khiến anh Shetty thay đổi hoàn toàn. Từ một người yêu thích tiệc tùng, anh bắt đầu về nhà đúng 10 giờ tối để chăm con. Trong bốn tháng đầu, anh thường xuyên thức đêm để trông con, để vợ được nghỉ ngơi và tránh nguy cơ trầm cảm sau sinh.
Anh Shetty tâm sự rằng sau tất cả những đau đớn vợ đã trải qua khi làm thụ tinh ống nghiệm, anh chỉ muốn cô được nghỉ ngơi và hạnh phúc.
Về cách nuôi con, ở Ấn Độ, đặc biệt trong gia đình chồng, trẻ dưới một tuổi hoàn toàn không được ăn mặn hay dùng gia vị. Bé Devansh bắt đầu ăn dặm từ khi sáu tháng tuổi bằng rau củ hấp chín, xay nhuyễn. Khi tròn tám tháng, bé mới được ăn thêm trái cây tươi, nhưng rau củ vẫn phải hấp chín trước khi cho bé ăn.
Chị Như Ý cho biết chị hoàn toàn tin tưởng phương pháp này của chồng vì gia đình anh có truyền thống ngành y, sở hữu bệnh viện tư và nhiều người là bác sĩ.
Anh Shetty cũng là người chủ động trong mọi việc của con như chọn sữa, sắp xếp lịch tiêm vaccine, chuẩn bị đồ dùng và lên thực đơn ăn dặm.
"Anh luôn tìm hiểu cách tốt nhất để con được khỏe mạnh và thông minh", chị Ý chia sẻ.
![]() ![]() ![]() ![]() |
Những khoảnh khắc đời thường bên con gái được chị Như Ý chia sẻ. |
Anh Shetty đặt ra nguyên tắc nghiêm ngặt trong việc hạn chế con tiếp xúc thiết bị điện tử. Trước khi bé tròn hai tuổi, tuyệt đối không được xem tivi hay nhìn vào màn hình. Gia đình chỉ bật nhạc thiếu nhi và luôn đảm bảo bé không nhìn vào màn hình.
“Khi con đang chơi, không ai được sử dụng điện thoại bên cạnh. Chỉ khi con ngủ, bố mẹ mới được dùng điện thoại ở phòng khác” chị Như Ý chia sẻ.
Phương pháp này bắt nguồn từ tuổi thơ của anh Shetty. Từ nhỏ, anh đã được bố mẹ khuyến khích đọc sách, vui chơi ngoài trời, nghỉ hè ở rừng cà phê hoặc biệt thự ven biển, không xem tivi hay dùng thiết bị điện tử. Anh tin điều này giúp trẻ phát triển trí tuệ, sự tự lập, khả năng vận động và sáng tạo. Vì vậy, anh mong muốn áp dụng cho con.
Bên cạnh đó, anh Shetty cũng rất coi trọng việc gìn giữ văn hóa gia đình bên ngoại. Anh mong con thường xuyên về Việt Nam để gần gũi ông bà, học tiếng Việt và hiểu phong tục quê mẹ.
Trong chuyến về nước tháng 4 vừa qua, vợ chồng chị Ý đã mua một căn hộ tại Việt Nam. Dự kiến căn hộ sẽ được bàn giao sau hai năm, để cả gia đình có thể thường xuyên về sinh sống.
Hiện nay, chị Như Ý vẫn chia sẻ cuộc sống và bán hàng online qua kênh Cô Dâu Ấn Độ - Cuộc Sống Ở Bangalore. Dù không trực tiếp tham gia công việc kinh doanh của vợ, anh Shetty luôn sẵn sàng hỗ trợ khi cần.
Chị Ý tiết lộ chồng mình khá khép kín, ít quan tâm đến mạng xã hội. Nếu muốn anh xuất hiện trong video, chị chỉ cần nói trước chủ đề và để anh tự trả lời.
“Anh là người học thức và rất văn minh. Tôi chỉ đặt câu hỏi, anh tự trả lời, tôi không thể sắp đặt trước được” chị Ý nói.