Địa chấn chaebol Hàn Quốc: Chủ tịch SK Group công khai có con với tiểu tam, lên tòa chia tài sản 3,7 tỷ đô

Theo tờ Nikkei Asian Review, Tòa án có thể sẽ phán quyết khác so với tiền lệ trong vụ ly hôn Chủ tịch SK, qua đó tạo nên một cơn địa chấn toàn quốc về cách xử lý các đại gia tộc nắm giữ Chaebol.

f09dff6ff07924277d68-1695953357.jpg

Cách đây 35 năm, đám cưới của ông Chey Tae Won và cô Roh Soh Yeong đã làm chấn động giới truyền thông khi được tổ chức đình đám tại Nhà Xanh-vốn là Phủ tổng thống Hàn Quốc.

Những hình ảnh năm đó cho thấy đôi trai gái này đầy hạnh phúc khi bước vào lễ đường.

Sự kiện này được người dân Hàn Quốc gọi là “đám cưới thế kỷ” (Wedding of the Century) khi không chỉ gây ấn tượng về mức độ hoành tráng mà còn là dấu mốc cho sự hợp tác giữa các nhóm lợi ích của giới thượng lưu lẫn Chaebol thập niên 1980.

Trong khi ông Chey Tae Won là con trưởng của Chey Jong Hyun, chủ tịch tập đoàn SK Group, một trong những Chaebol lớn nhất Hàn Quốc hiện nay thì gia đình nhà cô dâu cũng có quyền lực trong giới chính trị. Cả 2 đã gặp gỡ nhau ở trường đại học Chicago.

5ef94a0b451d9143c80c-1695953357.jpg

Ông Chey Tae Won và cô Roh Soh Yeong thời trẻ

Kết quả của sự liên minh này đã đem lại những lợi ích to lớn cho gia tộc Chey khi SK Group vào thời điểm đó chỉ là tập đoàn hạng trung chuyên về mảng lọc hóa dầu chứ chưa vươn tầm thành một trong những Chaebol lớn nhất nước.

Sau khi đám cưới diễn ra thì đúng như theo kế hoạch, chú rể Chey kế thừa tập đoàn Sunkyung vào năm 1998, tiền thân của SK Group ngày nay và dần biến công ty trở thành đế chế tỷ USD.

Hiện SK Group là tập đoàn có tổng giá trị lớn thứ 2 Hàn Quốc sau Samsung với 153,6 nghìn tỷ Won, tương đương 113 tỷ USD.

Gia tộc Chey hiện kiểm soát SK Telecom, hãng dịch vụ viễn thông lớn nhất Hàn Quốc, và SK Hynix, hãng sản xuất chip nhớ lớn thứ 2 thế giới sau Samsung Electronics.

Vậy nhưng khi SK đang ăn nên làm ra nhờ mối liên minh thông gia trên thì cuộc hôn nhân của ông Chey và bà Roh lại dần tan vỡ.

Vào năm 2015, sau khi đã nắm được quyền lực và không còn chịu sự kiểm soát từ thế hệ cũ, ông Chey đã thừa nhận bản thân đã có con ngoài giá thú với người tình, một động thái gây bất ngờ cho giới truyền thông khi đây chẳng khác nào là một cú tát vào gia đình thông gia.

Việc ngoại tình trong giới thượng lưu Hàn Quốc không hiếm lạ nhưng thừa nhận chính thức trên truyền thông lại là một điều hoàn toàn khác.

“Việc duy trì 2 gia đình cùng một lúc là điều không phù hợp và cũng bất khả thi”, ông Chey nói với giới truyền thông khi đề nghị ly hôn với bà Roh.

Thế nhưng cuộc hôn nhân này không đơn thuần chỉ là chuyện của cô dâu và chú rể mà còn là mối liên minh giữa 2 gia tộc cũng như nhiều nhóm lợi ích khác. Hệ quả là cuộc chiến ly dị đã diễn ra trong nhiều năm mà vẫn chưa có hồi kết.

Thậm chí theo Nikkei, tầm ảnh hưởng của SK quá lớn đến nền kinh tế Hàn Quốc nên có thể tòa án sẽ đưa ra một phán quyết chấn động từ trước đến nay trong giới Chaebol.

Thông thường những vụ xung đột lợi ích này sẽ được giải quyết kín hoặc ít nhất tách biệt với mảng kinh doanh để hạn chế tầm ảnh hưởng, nhưng mọi chuyện có thể sẽ khác với SK.

727665926a84bedae795-1695953357.jpg

Địa chấn

Giới truyền thông Hàn Quốc cho hay sức hút của cuộc chiến ly hôn nhà SK có tầm ảnh hưởng không kém gì “đám cưới thế kỷ” cách đây 35 năm.

Hiện nền kinh tế Hàn Quốc vẫn phụ thuộc quá nhiều vào những siêu tập đoàn gia đình trị hay Chaebol và sự phân chia tài sản, biến động về quyền khống chế trong cuộc chiến gia tộc có thể làm chao đảo toàn thị trường.

Trước đây, tòa án Hàn Quốc thường sẽ hạn chế đưa ra những phán quyết gây chia nhỏ cổ phần và làm biến động quyền khống chế của các Chaebol, đồng thời cũng không đưa ra các phán quyết gây tổn thương đến các tập đoàn này vì lo sợ hậu quả kinh tế khi chúng bị chia tách.

Vào tháng 12/2022, bà Roh (62 tuổi) đã vô cùng tức giận khi Tòa án gia đình Seoul (Seou Family Court) chỉ trao cho bà 66,5 tỷ Won, tương đương 50,2 triệu USD và từ chối chia sẻ thêm bất kỳ cổ phiếu SK nào cho người vợ.

Đây là điều đáng thất vọng với bà Roh khi người phụ nữ này yêu cầu một nửa trong số 17,5% cổ phần SK mà người chồng Chey nắm giữ.

Phía luật sư bà Roh lập luận rằng dù đây là vụ ly hôn lớn nhất trong lịch sử Hàn Quốc nhưng số tiền mà người vợ được trả chỉ bằng 1,2% trong tổng số gần 5 nghìn tỷ Won của người chồng, đồng thời chưa bằng 5% tổng giá trị tài sản mà bà Roh yêu cầu.

Hiện số cổ phần của ông Chey có tổng giá trị khoảng 1,9 nghìn tỷ Won, qua đó giúp ông kiểm soát được tập đoàn SK trong khi bà Roh chỉ nắm giữ 0,01% cổ phần.

“Tôi cảm giác như công sức làm vợ của tôi bị phủ nhận vậy. Kiểu như những đóng góp của tôi chỉ đáng 1,2% tổng tài sản của gia đình dù tôi đã nuôi 3 đứa con trong suốt 34 năm kết hôn và giúp chồng chăm lo việc nhà”, bà Roh nói với tờ Law Times vào tháng 1/2023.

b658e4b4eba23ffc66b3-1695953357.jpg

Bà Roh Soh Yeong

Vụ việc của bà Roh hiện đã được đưa lên Tòa án tối cao Seoul (Seoul Hight Court) để xét xử.

Ban đầu bà Roh không chấp nhận yêu cầu ly hôn của chồng nhưng sau đó đã thay đổi quyết định và phát động một cuộc chiến đòi quyền lợi tài sản cho mình.

Tờ Nikkei cho hay vụ ly dị lịch sử này đang được các nhóm nữ quyền theo dõi sát sao và được cho là sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giới chính trị cũng như hình ảnh của chính phủ vì sự ảnh hưởng của gia tộc bà Roh.

Đáng nói hơn, vụ xét xử diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều chỉ trích về lối hành xử gia trưởng khi người chồng áp đặt người vợ, hoặc cấp trên nam giới bắt nạt nữ giới cấp dưới.

Ví dụ điển hình là vào tháng 7/2023, những thành viên nữ của gia tộc Koo nắm giữ tập đoàn LG đã khởi kiện chủ tịch công ty vì liên quan đến tranh chấp quyền thừa kế cổ phiếu mà họ cho rằng đã bị làm giả di chúc.

Theo Nikkei, thông thường trong các vụ ly hôn Hàn Quốc, vai trò chăm lo việc nhà của người vợ có thể được thừa nhận như một hình thức lao động đóng góp cho cuộc hôn nhân và được chia một phần đáng kể tài sản chung.

Thế nhưng phán quyết của Tòa án gia đình Seoul lại đang ưu tiên bảo vệ quyền kiểm soát của gia tộc Chey với SK, điều thường thấy với mỗi vụ kiện liên quan đến Chaebol.

Tuy nhiên mọi chuyện có thể thay đổi nếu bà Roh không chịu từ bỏ và Tòa án tối cao Seoul thay đổi phán quyết của Tòa án Gia đình Seoul.

“Đây là lần đầu tiên tòa án phải phán quyết phân chia tài sản cho một Chaebol tầm cỡ quốc gia thế này. Trước đây cũng có những vụ việc phân chia tài sản cổ phần công ty nhưng chưa bao giờ có vụ nào mà giá trị tổng tài sản lại lớn và có thể gây ảnh hưởng sâu rộng đến thế”, giáo sư luật Lee Dong Jin của trường đại học quốc gia Seoul và là cựu thẩm phán nói với Nikkei.

Những lợi ích ngầm

Tờ Nikkei cho hay vốn sinh ra trong gia đình có cha từng làm tướng quân đội nên bà Roh được thừa hưởng tính cách mạnh mẽ cũng như nhận được sự hậu thuẫn rất lớn từ nhà ngoại trước thế lực khổng lồ của gia tộc Chey.

Quan điểm của người vợ này rất rõ ràng, đó là “việc nhà” cần phải được đánh giá một cách công bằng khi phân chia tài sản.

32c1782d773ba365fa2a-1695953357.jpg

Ông Chey Tae Won

“Theo các tiền lệ trước đây thì bà Roh nên nhận được 40% tổng tài sản của ông Chey. Kể cả khi xem xét đến ảnh hưởng của một công ty đại chúng đến nền kinh tế thì tỷ lệ ít nhất cũng nên là 30%”, Cựu luật sư mảng hôn nhân đã có hàng chục năm kinh nghiệm, ông Bae Keum Ja cho biết.

Phía bà Roh cho biết công sức của mình không chỉ nằm ở “việc nhà” hay nuôi dậy 3 người con hoặc điều hành trung tâm nghệ thuật SK mà thực chất còn là ở những lợi ích mà tập đoàn này có được nhờ liên minh gia tộc.

Thông qua ảnh hưởng chính trị từ gia tộc bà Roh mà tập đoàn SK mới giành được nhiều lợi ích trong kinh doanh, qua đó vươn mình từ một Chaebol hạng trung lên tầm cỡ quốc gia.

“Còn rất nhiều những trợ giúp ngầm khác nữa và tôi sẽ tiết lộ chi tiết làm sao mà SK bành trướng được tài sản của mình đến như vậy tại tòa án”, bà Roh nói với tờ Law Times vào tháng 1/2023.

Hiện chưa rõ những lợi ích ngầm mà bà Roh nói đến là gì nhưng SK đã từng bị đồn đoán là được ưu ái khi chính phủ trao giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông vào năm 1992.

Đến năm 1994, tập đoàn này đã được phép mua lại cổ phần chủ chốt trong các doanh nghiệp viễn thông quốc doanh.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng điều quan trọng là bà Roh phải đưa ra được bằng chứng cụ thể trước tòa về những trợ giúp ngầm này.

783e71da7eccaa92f3dd-1695953357.jpg

“Nếu chứng minh được là sự thật thì điều này sẽ tổn hại rất lớn đến hình ảnh thương hiệu SK”, giáo sư kinh tế Park Sang In của trường đại học quốc gia Seoul nhận định.

Người phát ngôn của tập đoàn SK nói với Nikkei rằng không hề có chuyện như bà Roh nói bởi họ đã mua cổ phiếu của hãng viễn thông quốc doanh Korea Mobile Telecom với mức giá cao gấp 4 lần thị trường.

Không cần tiền

Giáo sư luật Hyun So Hea của trường đại học Sungkyunkwan University cho rằng thông thường người vợ trong các gia tộc Chaebol sẽ chỉ được chia một khoản tiền bồi thường do Tòa án không muốn làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty, gây tác động đến việc làm, kinh tế lẫn xã hội.

Thế nhưng với tầm ảnh hưởng của mình cũng như dư luận xã hội lên cao, mọi chuyện có thể sẽ thay đổi.

Trước đó vụ việc anh em đại chiến gia tộc đế chế Lotte đã từng làm rúng động dư luận Hàn Quốc. Thế rồi đầu năm nay, gia tộc Koo của LG cũng gặp biến động khi mẹ và 2 người chị em của Chủ tịch Koo Kwang Mo đã kiện cáo để đòi nhiều cổ phần hơn, đồng thời cho rằng vị chủ tịch này đã lừa dối di chúc.

Sau khi Cố Chủ tịch Koo Bon Moo qua đời cách đây 5 năm, ông Koo Kwang Mo đã được thừa kế 8,8% cổ phần và nắm giữ tổng cộng 15,9% cổ phần, qua đó kiểm soát được LG.

Trái lại, người mẹ Kim Yeong Sik không nhận được cổ phần nào, còn 2 người chị em là Koo Yeon Kyung và Koo Yeon Soo nhận tương ứng 15 và 0,5% cổ phần.

727665926a84bedae795-1695953357.jpg

Phía người mẹ và các chị em cho biết phán quyết này là không công bằng bởi họ được nói là di chúc của Cố Chủ tịch đã được viết tay nhưng chúng thực tế không tồn tại. Hiện vụ việc đã được đưa lên tòa án Seoul vào tháng 7/2023.

Rõ ràng, cuộc chiếm gia tộc Chaebol đang ngày càng nóng lên hơn bao giờ hết khi các thế hệ cũ dần qua đời và chuyển giao cho người kế cận, qua đó phát sinh hàng loạt những tranh chấp thừa kế, ly hôn và đổ vỡ.