Nội bộ gia tộc Wahaha dậy sóng sau một năm ông trùm ngành giải khát qua đời
Một năm sau khi ông Tông Khánh Hậu – người sáng lập tập đoàn nước giải khát lớn nhất Trung Quốc Wahaha qua đời ở tuổi 79, dư luận Trung Quốc đang đặc biệt quan tâm đến những tranh chấp nội bộ trong gia tộc họ Tông liên quan đến khối tài sản khổng lồ để lại.
Hiện nay, bà Tông Phức Lệ, 43 tuổi, con gái duy nhất của ông Tông với người vợ chính thức là bà Thi Ấu Trân, đang giữ vai trò Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của Wahaha. Từ trước đến nay, bà vẫn được xem là người thừa kế duy nhất của đế chế hàng tỷ USD này.
Tuy nhiên, sóng gió bắt đầu nổi lên khi ba người tự nhận là con riêng của ông Tông đệ đơn kiện, yêu cầu tòa án can thiệp nhằm ngăn bà Phức Lệ toàn quyền xử lý khối tài sản trị giá khoảng hai tỷ USD. Hai vụ kiện hiện đang được xem xét và khiến cuộc chiến thừa kế tại một trong những tập đoàn gia đình lớn nhất Trung Quốc trở thành tâm điểm chú ý.

Tông Phức Lệ xuất hiện tại một sự kiện tổ chức ở Hàng Châu vào năm 2020. Ảnh: Sipa USA
Truyền thông Hong Kong ngày 15/7 cho biết ba người mang họ Tông gồm Jacky Zhong, Jessie Zhong và Jerry Zhong đã đệ đơn kiện lên tòa án Hong Kong vào tháng 12 năm ngoái. Họ yêu cầu tòa án ban hành lệnh ngăn chặn Tông Phức Lệ rút tiền từ một tài khoản tại ngân hàng HSBC đứng tên ông Tông Khánh Hậu.
Theo nội dung đơn kiện, tài khoản này thực chất là quỹ tín thác mà ông Tông từng cam kết sẽ chia đều cho ba người con, mỗi người 700 triệu USD. Bên cạnh đó, họ cũng khởi kiện tại một tòa án ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.
Ba nguyên đơn được cho là con của ông Tông Khánh Hậu và bà Đỗ Kiến Anh, một người từng giữ vị trí trợ lý thân cận của ông trong nhiều năm. Khi Tông Phức Lệ sang Mỹ du học vào năm 14 tuổi, ông Tông đã cử bà Đỗ đi cùng làm người giám hộ để chăm sóc con gái.
Bà Đỗ Kiến Anh sinh năm 1966 tại Hàng Châu, tốt nghiệp Đại học Chiết Giang năm 1984. Bà gia nhập tập đoàn Wahaha vào năm 1991 sau khi vượt qua vòng phỏng vấn trực tiếp với ông Tông Khánh Hậu, người đánh giá cao năng lực và sự quyết đoán của bà. Bắt đầu với vị trí thư ký văn phòng tổng giám đốc, bà nhanh chóng thăng tiến và trở thành một trong những nhân vật được ông Tông tin tưởng nhất.
Năm 1996, bà sang Mỹ cùng Tông Phức Lệ. Cùng năm đó, bà sinh con trai đầu lòng Jacky Zhong tại Los Angeles, sau đó lần lượt sinh Jessie Zhong vào năm 2007 và Jerry Zhong vào năm 2017. Trong suốt thời gian sinh sống tại Mỹ, bà Đỗ vẫn quản lý mảng kinh doanh quốc tế của Wahaha và thường xuyên di chuyển giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ông Tống Khánh Hậu chụp ảnh cùng con gái Tống Phức Lệ. Ảnh: Sina.
Sau khi ông Tông Khánh Hậu qua đời, con gái ông là Tông Phức Lệ tiếp quản quyền kiểm soát tập đoàn nước giải khát Wahaha. Một trong những quyết định đầu tiên của bà là cho dừng hoạt động toàn bộ dây chuyền sản xuất tại 18 nhà máy chi nhánh của tập đoàn, đặt tại nhiều thành phố lớn như Thẩm Dương, Trùng Khánh, Thâm Quyến. Bà giải thích lý do là để "điều chỉnh và tối ưu hóa".
Tuy nhiên, động thái này đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của bà Đỗ Kiến Anh, người đang nắm giữ 40% cổ phần tại các nhà máy bị đóng cửa. Việc ngừng sản xuất đồng nghĩa bà Đỗ mất nguồn thu nhập từ cổ tức.
Sau khi cho dừng hoạt động sản xuất, Wahaha chuyển sang thuê ngoài dịch vụ gia công. Tất cả các hợp đồng gia công đều được ký thông qua hệ thống công ty Hồng Thắng, đơn vị do chính Tông Phức Lệ kiểm soát.
Không dừng lại ở đó, bà Lệ còn yêu cầu toàn bộ hệ thống phân phối của Wahaha ký lại hợp đồng mới với Hồng Thắng, bao gồm việc chuyển quyền kiểm soát hơn 1,6 triệu điểm bán hàng trên khắp Trung Quốc như tiệm tạp hóa và siêu thị từ hệ thống cũ sang hệ thống mới.
Bộ máy nhân sự cấp cao tại Wahaha cũng thay đổi lớn. Những người từng làm việc dưới thời ông Tông bị cho nghỉ. Bà Lệ đưa người thân tín từ Hồng Thắng vào thay thế, giải thích rằng "nhân viên cũ chỉ nghe lời cha tôi, tôi cần dùng người của mình".
Song song với những thay đổi nội bộ, tranh chấp pháp lý trong gia đình cũng nổ ra. Ba người con riêng của ông Tông cho biết quỹ tín thác mà ông từng hứa rót 2,1 tỷ USD mới chỉ giải ngân được 1,8 tỷ USD. Họ cáo buộc Tông Phức Lệ đã rút 1,1 triệu USD từ quỹ này dưới danh nghĩa công ty Wahaha và lo ngại bà có thể tiếp tục rút sạch số tiền còn lại.
Tòa án Hong Kong đã can thiệp, yêu cầu Tông Phức Lệ không được rút tiền từ tài khoản tại ngân hàng HSBC cho đến khi bổ sung đầy đủ giấy tờ cần thiết. Việc các con ông Tông có được chia tiền trong quỹ hay không còn phụ thuộc vào hiệu lực của bản di chúc do bà Lệ công bố.
Trong bản di chúc này, toàn bộ tài sản và cổ phần của ông Tông ở ngoài Trung Quốc đại lục được giao lại cho con gái. Bản di chúc cũng khẳng định không tồn tại quỹ tín thác nào, và khoản 1,8 tỷ USD đang bị tranh chấp thực chất là tiền công ty dùng để hoạt động ở thị trường nước ngoài, được gửi vào tài khoản cá nhân ông Tông.
Tuy nhiên, ba người con riêng cho rằng di chúc không có giá trị pháp lý vì chưa được công chứng. Họ đã đệ đơn yêu cầu tòa án tuyên bố vô hiệu hóa văn bản này, áp dụng quy định pháp luật về thừa kế để chia đều cổ phần cho bốn người con và thành lập lại quỹ tín thác, đảm bảo rót đủ 2,1 tỷ USD như lời hứa của cha họ khi còn sống.

Đỗ Kiến Anh xuất hiện tại một sự kiện tổ chức ở thành phố Hàng Châu vào tháng 9/2020. Ảnh do Đại học Tây Hồ cung cấp.
Thành lập từ năm 1987, tập đoàn Wahaha hiện có ba nhóm cổ đông chính. Trong đó, một công ty đầu tư thuộc chính quyền quận Thượng Thành tại Hàng Châu nắm giữ 46% cổ phần. Gia đình ông Tông Khánh Hậu sở hữu 29,4%, còn nhóm cổ đông đại diện cho nhân viên chiếm 24,6%.
Ngày 14 tháng 7, Wahaha lên tiếng cho biết các vụ kiện tụng gần đây không ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, những rắc rối pháp lý vẫn khiến hình ảnh của tập đoàn bị tác động đáng kể.
"Wahaha không chỉ là thương hiệu nước giải khát hàng đầu Trung Quốc mà còn được xem như biểu tượng thành công của các doanh nghiệp tư nhân", ông Eric Han, quản lý cấp cao tại công ty tư vấn Suolei ở Thượng Hải, nhận định. Theo ông, những rạn nứt hiện tại đang khiến cả giới kinh doanh lẫn người tiêu dùng trong nước cảm thấy hoài nghi.
Doanh nhân Zhang Mingjun tại Thượng Hải, hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật điện, cho biết ông từng rất ngưỡng mộ ông Tông Khánh Hậu. Tuy nhiên, sau khi thông tin về việc ông Tông có con riêng xuất hiện, ông Zhang bắt đầu nghi ngờ tính minh bạch và định hướng tương lai mà nhà sáng lập Wahaha từng công bố.
Chủ tịch Ye Lang Capital, ông Uông Phong, cho rằng mâu thuẫn gia đình và tranh chấp quyền lực trong nội bộ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần làm việc của nhân viên và hình ảnh thương hiệu. Điều này đặc biệt đáng lo ngại trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang trong quá trình chuyển giao thế hệ lãnh đạo từ cha mẹ sang con cái.