Giáo sư Trung Quốc thành tỉ phú nhờ lập hãng công nghệ và IPO thành công

Huy Hoàng/Theo Nhịp cầu đầu tư

Không phải bằng con đường daỵ học, ông Tang Xiao’ou, giáo sư đaị học CUKH đã sáng lập SenseTime và trở thành tỷ phú với việc sở hữu khối tài sản 3,4 tỷ đô.

lux-giao-su-trung-quoc-thanh-ty-phu-1641544265.jpg
Giáo sư Tang Xiao'ou đã sáng lập SenseTime Group và đưa công ty IPO thành công.

Ông Tang Xiao’ou, người sáng lập SenseTime, hiện sở hữu 21% cổ phần công ty, tương đương 3,4 tỉ USD, theo Bloomberg Billionaires Index. Ông Tang năm nay 53 tuổi, tốt nghiệp Học viện Công nghệ Massachusetts và là giáo sư ngành kỹ thuật thông tin tại Đại học Hong Kong Trung Quốc CUKH. 

SenseTime Group là công ty trí tuệ nhân tạo lớn nhất Trung Quốc, tuần trước định giá IPO tại 3,85 đô la Hong Kong (HKD) mỗi cổ phiếu, huy động được 5,55 tỉ HKD. Cổ phiếu hãng này sẽ bắt đầu giao dịch trên sàn Hong Kong vào ngày mai (30/12). Công ty này hiện có vốn hóa hơn 16 tỉ USD.

Con số 3,85 HKD chỉ là mức dưới của khoảng giá dự kiến. Tuy nhiên, đây là dấu hiệu cho thấy bất chấp căng thẳng với Mỹ và chiến dịch siết kiểm soát các hãng công nghệ của Bắc Kinh, Trung Quốc vẫn tiếp tục sản sinh ra của cải và đem lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư mạo hiểm.

Tỉ phú Tang Xiao’ou từ lâu đã tham gia phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo yêu cầu nhận diện khuôn mặt. Ông tốt nghiệp Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, sau đó nhận bằng tại Đại học Rochester ở New York, rồi lấy bằng Tiến sĩ tại Học viện Công nghệ Massachusetts năm 1996.

Ông làm việc cho Microsoft Research Asia vài năm, rồi đồng sáng lập SenseTime năm 2014 tại Thượng Hải cùng Xu Li – khi đó làm nghiên cứu tại Lenovo Group. Công ty này sau đó được IDG Capital, SoftBank, Alibaba Group và cả Silver Lake đầu tư.

lux-van-phong-sensetime-group-cong-ty-tri-tue-nhan-tao-lon-nhat-trung-quoc-o-thuong-hai-anh-reuter-1641544265.jpg
Văn phòng SenseTime Group. Ảnh: Reuters.

Vài tuần trước, Mỹ đưa SenseTime vào danh sách đen về đầu tư, cáo buộc phần mềm nhận diện khuôn mặt của hãng bị sử dụng với mục đích vi phạm nhân quyền tại Tân Cương (Trung Quốc). Hãng đến nay vẫn bác bỏ cáo buộc này. SenseTime khi đó cũng thông báo hoãn IPO, nhưng tái khởi động chỉ sau vài ngày. SenseTime là IPO đầu tiên ở nước ngoài của một kỳ lân công nghệ nổi tiếng tại Trung Quốc, kể từ sau IPO của Didi Global hồi tháng 7 tại New York.

Theo bản cáo bạch, hãng này hiện là công ty AI lớn nhất châu Á với 11% thị phần. Công nghệ này được triển khai trong nhiều lĩnh vực, từ giúp cảnh sát Trung Quốc điều tra, quảng cáo sản phẩm trong phim đến ứng dụng trong game di động của Tencent.

SenseTime tái khởi động quá trình IPO khi một nhóm nhà đầu tư chủ chốt tăng rót vốn từ 450 triệu USD lên 512 triệu USD. Công ty này sau đó nộp hồ sơ lên Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong. Dù quy mô IPO vẫn được giữ nguyên, nhà đầu tư cá nhân tỏ ra thận trọng hơn.

"Điều này cũng dễ hiểu thôi. Những nhà đầu tư cá nhân tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn sẽ ít hào hứng khi thấy yếu tố trừng phạt", ông Kenny Ng – chiến lược gia tại Everbright Sun Hung Kai giải thích, "Đặc biệt là trong bối cảnh thị trường chứng khoán Hong Kong gần đây cũng không diễn biến tốt".

Doanh thu SenseTime năm ngoái tăng 14% lên 3,4 tỉ nhân dân tệ (534 triệu USD). Tuy nhiên, họ ghi nhận khoản lỗ hoạt động 1,8 tỉ nhân dân tệ. "Các hãng công nghệ giai đoạn đầu vẫn cần đầu tư nhiều vào R&D để duy trì cạnh tranh về công nghệ", ông Kenny Ng cho biết, "Với SenseTime, duy trì tăng trưởng ổn định quan trọng hơn là có lãi trong ngắn hạn".