Tadashi Yanai đã nhiều năm giữ vị trí đầu trong danh sách những người giàu nhất Nhật Bản do Forbes công bố. Ông là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của Fast Retailing, tập đoàn sở hữu thương hiệu Uniqlo.
Trong cuốn 1 thắng 9 bại, ông đã kể lại hành trình đầy những thăng trầm để đưa Uniqlo trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về trang phục thường ngày, trong đó ông suy ngẫm về những thất bại và chia sẻ triết lý kinh doanh độc đáo được đúc kết qua nhiều thử thách.
Tỷ phú giàu nhất Nhật Bản Tadashi Yanai. Nguồn: newsroom.ucla. |
Đối thủ lớn nhất của cuộc đời Tadashi Yanai
Tadashi Yanai có một người cha rất nghiêm khắc, nhưng đã để lại cho ông một di sản tuyệt vời: lẽ sống và khát vọng vươn tới vị trí số 1.
“Cái gì cũng phải đứng thứ nhất”, đó là lời giáo huấn của người cha dành cho Tadashi Yanai. Sự nghiêm khắc và kỳ vọng của người cha là khởi đầu cho tất cả, dẫu bấy giờ cậu “con trai hư” Tadashi chưa nhận ra điều đó, nên thường tránh mặt và e sợ cha mình.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế ở Đại học Waseda, Yanai làm việc ở Jusco (về sau là Aeon - nhà bán lẻ hàng đầu châu Á). Dưới sự đốc thúc của cha, ông trở về kế nghiệp và vào làm ở “Cửa hàng trang phục nam Ogori Shoji” chuyên bán áo vest. Đó cũng chính là tiền thân của Uniqlo sau này.
Những trải nghiệm ở Jusco đã giúp Yanai nhận ra được những điểm chưa tốt trong quy trình làm việc ở cửa hàng của cha. Dưới sự can thiệp của ông, trong vòng hai năm, các nhân viên đã… lần lượt nghỉ việc. Lạ thay, người cha nghiêm khắc của Yanai lúc này chẳng chê trách gì. Một ngày nọ, ông chuyển cho con trai quyển sổ tiết kiệm và con dấu công ty quý giá.
Đó là lúc quyết tâm bắt đầu bừng lên trong Yanai: “không thể quay đầu, nếu như được giao phó thì tuyệt đối không được thất bại, bây giờ chính là lúc cần cố gắng”. Thiếu nhân viên, Yanai đã phải “tự mình suy tính, tự mình hành động”, tự làm hết các phần việc như mua hàng, tính toán doanh thu, quyết toán, sắp xếp công việc cho nhân viên…
Ngày trước từng cho rằng mình không phù hợp với thương mại, nhưng khi bắt tay vào làm, ông bất ngờ nhận ra: “Mình cũng có thể làm được”. Niềm vui công việc đã đến với ông từ đó, khi ông bắt đầu tự mình gánh vác.
Năm 1949, cửa hàng âu phục của người cha bắt đầu mở cửa, và Tadashi Yanai cũng chào đời. Tháng 6/1984, cửa hàng Uniqlo số 1 đi vào hoạt động, cha của Tadashi Yanai rời khỏi ghế giám đốc sau khi ngã bệnh, và ông ngồi vào vị trí đó.
Ngày 1/2/1999, Công ty niêm yết lên Sở giao dịch chứng khoán Tokyo, và đến ngày 7, sinh nhật lần thứ 50 của Tadashi Yanai, cha ông đã ra đi ở tuổi 79. Trước chân dung người quá cố, Yanai đã khóc và thầm thì: “Cha là đối thủ lớn nhất của cuộc đời con”.
Khởi đầu của Uniqlo: một ý tưởng đơn giản
Từ kinh nghiệm làm việc ở Jusco và ở Ogori Shoji, Yanai đã có những quan sát và nhận định sắc bén về ngành thời trang bán lẻ. Ông nhận ra với trang phục nam, nếu bạn không tiếp xúc với khách thì không thể bán hàng được. Ngược lại, với trang phục thường ngày, không cần tiếp xúc với khách vẫn bán được hàng.
Qua những chuyến đi ra nước ngoài, ông cũng nhận thấy các chuỗi cửa hàng bán quần áo tại Mỹ như Limited hay Gap phát triển rất nhanh, loại cửa hàng tự phục vụ và cửa hàng hạ giá đang lớn mạnh.
Sách 1 thắng 9 bại. Ảnh: ML. |
Đó là lúc ông có ý định chuyển hướng sang kinh doanh trang phục thường ngày dưới dạng thức này. Ý tưởng bao trùm của Yanai là xây dựng một “cửa hàng tự phục vụ, nơi bạn có thể mua quần áo với giá hợp lý và dễ dàng như mua tạp chí tuần san”. Hình dung của ông rất rõ ràng, cửa hàng mà ông muốn tạo ra là một “kho hàng lớn lúc nào cũng có thể chọn được hàng”.
Ngày 2/6/1984, cửa hàng quần áo hàng ngày mang tên Unique Clothing Warehouse (Kho quần áo độc đáo) đã được khai trương tại thành phố Hiroshima. Đằng sau cái tên Uniqlo hiện giờ là một câu chuyện thú vị.
Ban đầu, logo là chữ UNICLO. Sau đó 4 năm, đã xảy ra một chuyện bất ngờ. Khi chuẩn bị thành lập công ty Uniclo trade để mua các sản phẩm qua liên kết với một người ở Hồng Kông, Trung Quốc, người này đã nhầm lẫn chữ C thành chữ Q lúc làm thủ tục đăng ký kinh doanh. Khi nhìn dòng chữ, Yanai thấy chữ Q có tính thẩm mỹ hơn, và quyết định thay tên toàn bộ cửa hàng tại Nhật Bản thành Uniqlo. Đôi khi một sự việc ngẫu nhiên đưa đến thành quả thú vị.
Cửa hàng đầu tiên của Uniqlo đã thể hiện tầm nhìn của Tadashi Yanai về “một không gian để khách có thể tự lựa chọn mặt hàng”. Toàn bộ trang phục của Uniqlo cũng hướng tới chức năng cơ bản là “dễ mặc” và “dễ mặc phối với đồ khác”, và không nhất thiết phải cùng hãng Uniqlo.
Bước vào bất kỳ cửa hàng Uniqlo nào trên thế giới, ta cũng thấy rõ những hình dung và định hướng ban đầu của Tadashi Yanai đã được triển khai rất tốt và thống nhất, tạo nên hình ảnh riêng rất dễ nhận diện của thương hiệu này.
Kinh doanh là phải biết thất bại
1 thắng 9 bại là một trong các cuốn sách khởi nghiệp thành công nhưng lại nhắc nhiều đến sự thất bại. Tadashi Yanai không ngần ngại điểm qua rất nhiều thất bại mà Uniqlo gặp phải trong quá trình hình thành, mở rộng qua các tỉnh, tăng số lượng cửa hàng, hướng tới niêm yết trên sàn chứng khoán, áp dụng công nghệ mới, mở rộng ra nước ngoài.
Không như các tỷ phú thành đạt khác, vốn thường tự thuật về hành trình của họ một cách hùng hồn và đầy tự hào, Yanai viết rất giản dị, tự nhiên, như thể có gì nói đó. Ông thú nhận mình vốn có tính nhút nhát, kém tài, không giỏi diễn đạt. Khi kể về quá trình phát triển Uniqlo, ông nhấn mạnh vào việc “thử và sai”: liên tục thực hiện, quan sát và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.
Hàng loạt thất bại đã được ông kể ra, như khó khăn trong vay vốn ngân hàng, lựa chọn điểm bán hàng, thất bại liên quan đến chất lượng sản phẩm, việc biến công ty khác thành công ty con, mở thương hiệu Famiglo và Spoglo… Thế nhưng cách nhìn nhận vấn đề rất thực tế, linh hoạt và chủ động của Yanai đã giúp Uniqlo cải cách mỗi ngày và đi qua từng thử thách.
Hiểu rõ rằng “thịnh suy thành bại luôn song hành” và “nếu không thay đổi, thích ứng với những biến hóa của môi trường kinh doanh thì không thể nào tồn tại”, Tadashi Yanai luôn nhìn thẳng vào thực tế và làm mọi cách để đáp ứng với các yêu cầu đặt ra trước mắt.