Vào mùa hè, khi thời tiết bắt đầu nóng lên tại New York, những chiếc áo polo dần trở thành lựa chọn quen thuộc trong các văn phòng tài chính ở phố Wall. Nhưng không phải áo polo nào cũng giống nhau. Với những người đam mê golf, đặc biệt là giới sành chơi, chiếc áo có khả năng thấm hút tốt kèm theo logo của một sân golf danh giá từng chinh phục là cách thể hiện đẳng cấp một cách kín đáo.
Theo Business Insider, những món đồ như áo, mũ hay phụ kiện in biểu tượng của các sân golf nổi tiếng như Augusta National hay Winged Foot không chỉ là thời trang, mà còn được xem như dấu hiệu nhận biết đẳng cấp. Nhiều người trong giới gọi đó là mật mã xã hội, thậm chí là một kiểu khơi gợi sự chú ý từ giới sành điệu.
Ông Vince Sampson, một luật sư ngoài 50 tuổi sống tại bang Virginia, ví chiếc áo polo in logo sân golf như một chiếc bùa may mắn. "Thực ra mọi người chỉ dùng logo như cái cớ để bắt chuyện. Cuối cùng, câu chuyện cũng sẽ rẽ sang hướng khác", ông nói.
Logo sân golf – ngôn ngữ của sự tinh tế và quyền lực
Một chiếc logo nhỏ xíu từ sân Winged Foot hay Sleepy Hollow có thể âm thầm khẳng định người mặc là nhân vật có ảnh hưởng trong giới tài chính. Còn biểu tượng của Augusta National, nơi tổ chức giải Masters, từ lâu đã trở thành biểu tượng tối thượng, chỉ dành cho những người thực sự đặc biệt.
Dù vậy, mặc quá nhiều logo cùng lúc lại phản tác dụng. Người trong giới có hẳn một biệt danh để nói về kiểu khoe khoang quá đà này: "Bag Tag Barry", dành cho những ai thích phô trương một cách kệch cỡm.
Ngay cả việc mặc áo golf đến văn phòng, dù đã dần trở nên phổ biến trong mùa hè, vẫn có thể bị một số đồng nghiệp đánh giá là thiếu tinh tế, nhất là trong những môi trường làm việc nghiêm túc và bảo thủ.
![]() |
Những người sở hữu vật phẩm từ Winged Foot thường được xem là những tay chơi hàng đầu trong làng golf. Ảnh: Caddie Network. |
Mặc áo in logo sân golf: Quy tắc ngầm khiến giới golfer dè chừng
Trong giới chơi golf, có một luật bất thành văn mà ai cũng ngầm hiểu: tuyệt đối không được mặc áo có logo của sân golf mà bạn chưa từng đặt chân đến. Hành động này bị xem là "đánh cắp danh dự", một điều cấm kỵ không thể chấp nhận với cộng đồng yêu golf.
“Giới golfer chúng tôi có phần kỳ quặc và hơi kiêu ngạo. Đây là một thế giới nhỏ với những quy tắc riêng mà phần lớn xã hội không hề biết tới”, Todd Schuster, hay còn gọi là Tron Carter, đồng dẫn chương trình podcast No Laying Up chuyên dành cho những người đam mê golf, chia sẻ.
Ben Palet, quản lý vận hành tại bang Wisconsin, Mỹ, ví von việc khoe logo sân golf giống như một "trò đùa nội bộ" của giới golfer. Anh cho rằng để được đánh giá là sân golf danh giá, nơi đó cần sở hữu một biểu tượng dễ nhận biết và đủ sức lan tỏa thông qua hàng hóa.
Thực tế, các sản phẩm liên quan đến golf là nguồn lợi nhuận lớn. Theo Hiệp hội Các nhà bán lẻ Golf, mỗi năm ngành này mang về hơn 1 tỷ USD. Riêng giải Masters tổ chức tại Augusta National đã giúp sân golf này thu về 69 triệu USD từ hàng hóa trong năm 2022, theo Forbes.
Tuy nhiên, văn hóa logo cũng gây tranh cãi, nhất là trong môi trường công sở. Tại Chicago, một chuyên gia bảo hiểm ngoài 50 tuổi không ngần ngại thể hiện thái độ khó chịu với kiểu mặc áo golf đi làm. Anh từng mỉa mai một đồng nghiệp mặc áo golf giữa mùa đông: “Chiều nay định ra sân à?”.
Ở New York, một chuyên gia đầu tư tư nhân cũng không giấu sự bực bội khi liên tục bị lôi kéo vào những cuộc trò chuyện không mong muốn chỉ vì chiếc áo in logo sân golf của người đối diện. Với anh, không phải golfer nào cũng dễ chịu để nói chuyện.
![]() |
Một số sân còn phân biệt rõ giữa logo dành cho thành viên và khách mời nhằm phân tầng đẳng cấp. Ảnh minh họa: @randomgolfclub/IG. |
Nick Ribeiro, người điều hành câu lạc bộ golf tư nhân Preserved Links, cho rằng những ý kiến chỉ trích thường đến từ những người chưa từng đặt chân đến các sân golf danh giá.
"Họ đâu có cố gắng kết nối với các thành viên trong câu lạc bộ để được mời chơi. Không bước chân vào thì sao hiểu được," anh nói.
Trái ngược với quan điểm đó, Anthony Polcari, một influencer sống tại Washington DC, lại có cách nhìn thoáng hơn. Anh sẵn sàng mặc áo in logo của sân mình chưa từng chơi và không ngại mang loa Bluetooth ra sân, một hành động bị xem là cấm kỵ với nhiều golfer truyền thống.
"Người ta làm quá mọi chuyện lên thôi. Giống như khi họ mắng tôi chỉ vì cho tương cà vào bánh mì kẹp vậy," Polcari chia sẻ.
Còn theo Josh Brown, đồng sáng lập công ty quản lý tài sản Ritholtz Wealth Management, ở phố Wall, chuyện đẳng cấp không nằm ở sân golf hay quần áo mà nằm ở thu nhập.
"Tấm bảng lương W2 hay K1 mới là thứ thể hiện đẳng cấp thật sự. Còn mấy thứ khác chỉ là trò trẻ con," anh thẳng thắn nói.