Với một chuỗi cung ứng trải dài khắp toàn cầu, việc Mỹ áp thuế đối ứng mới thực sự là một "cú giáng" mạnh vào Apple. Điều này đồng nghĩa với việc những chiếc iPhone nhập khẩu vào Mỹ có nguy cơ trở nên đắt đỏ hơn bao giờ hết.
Nhà phân tích Mark Gurman của Bloomberg nhận định, Apple đang nỗ lực hết mình để giữ giá iPhone ổn định tại Mỹ. Trong bối cảnh "nước sôi lửa bỏng" này, Táo Khuyết có thể phải cân nhắc đến nhiều giải pháp "khôn ngoan" để vượt qua "ải" thuế quan.

Bài toán hóc búa và những "nước cờ" tiềm năng của Apple
Theo "người trong cuộc" Gurman, Apple có một "truyền thống" đáng nể: chưa bao giờ tăng giá khởi điểm cho các mẫu iPhone cao cấp. Kể từ chiếc iPhone X "huyền thoại" năm 2017, các phiên bản tương đương vẫn duy trì mức giá "gây thương nhớ" 999 USD.
Dù đã có những điều chỉnh nhỏ trong suốt 8 năm qua, như sự xuất hiện của phiên bản Pro Max và việc loại bỏ các tùy chọn dung lượng thấp, nỗi lo về việc iPhone "đội giá" đang trở lại ám ảnh người dùng. Câu hỏi đặt ra là, liệu giá iPhone sẽ "nhảy vọt" đến mức nào?
Tất nhiên, nhiều người mua smartphone thông qua chương trình trả góp và thu cũ đổi mới, vậy nên giá niêm yết có thể ít liên quan hơn. Dù vậy, vẫn còn câu chuyện về cú sốc giá. 999 USD là ngưỡng tâm lý mà nhiều người có lẽ không muốn vượt qua”, Gurman phân tích.
Đây chính là lý do Apple "sống chết" muốn giữ vững mức giá khởi điểm này. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Apple đã thành công trong việc thuyết phục tổng thống miễn thuế cho iPhone. Hơn thế nữa, Táo Khuyết cũng đã chủ động đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm bớt sự phụ thuộc vào "công xưởng thế giới" Trung Quốc.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020, Apple càng đẩy nhanh tốc độ "chia tay" sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Dù phải đối mặt với "cơn bão" lạm phát tại Mỹ, Apple vẫn kiên định với chiến lược định giá hiện tại.
Tuy nhiên, cây viết từ Bloomberg cho rằng, chính sách thuế quan mới từ ông Trump sẽ là "thử thách đỉnh cao" đối với Apple, đặc biệt khi các quốc gia bị ảnh hưởng không chỉ giới hạn ở Trung Quốc mà còn lan rộng ra nhiều mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của hãng.
Liệu CEO Tim Cook có thể một lần nữa "lách luật" tìm kiếm chính sách miễn trừ? Hay các quốc gia chịu thuế sẽ ngồi vào bàn đàm phán? Giả sử các khoản thuế có hiệu lực vào ngày 9/4, Apple sẽ phải đưa ra những quyết định mang tính sống còn: chấp nhận "gánh" thuế, yêu cầu nhà cung cấp giảm giá, "chia lửa" chi phí cho người dùng, hay "xào xáo" lại toàn bộ chuỗi cung ứng?
Theo Gurman, Apple có thể sẽ "tung ra" một "combo" cả 4 giải pháp trên. Đầu tiên, đội ngũ "cá mập" mua hàng của Apple sẽ "ra tay" đàm phán để các đối tác sản xuất "nhả" bớt lợi nhuận. Tiếp theo, Apple nhiều khả năng đã chuẩn bị sẵn phương án "tự thân vận động", chấp nhận "gánh" một phần nhỏ chi phí, đặc biệt khi biên lợi nhuận mảng phần cứng của hãng vẫn thuộc hàng "khủng" (khoảng 45%).
Việc điều chỉnh giá iPhone cũng là một "nước cờ" không loại trừ. Trong bối cảnh hiện tại, phản ứng từ người dùng có lẽ sẽ không quá gay gắt. Cuối cùng, Apple chắc chắn sẽ tiếp tục "tái cấu trúc" chuỗi cung ứng để giảm thiểu thiệt hại từ thuế quan, không nhất thiết phải "dời đô" toàn bộ dây chuyền sản xuất về Mỹ.
Apple sẽ "đi nước cờ" nào?
Thực tế, Gurman tiết lộ rằng Apple đã "âm thầm" tích trữ một lượng lớn hàng tồn kho tại Mỹ trong nhiều tháng qua, bởi thuế quan không áp dụng cho hàng hóa đã "nhập tịch" vào Mỹ. Về mặt lý thuyết, Apple có thể trì hoãn việc tăng giá cho đến khi iPhone 17 ra mắt vào tháng 9 tới.
Tuy nhiên, "con dao hai lưỡi" ở đây là mọi sự chú ý về chiếc iPhone mới có thể chỉ xoay quanh giá bán, thay vì những nâng cấp phần cứng đáng giá. Điểm sáng hiếm hoi là mức thuế quan ở nhiều quốc gia khác thấp hơn so với Trung Quốc.

“Nếu đi vào phía sau một cửa hàng bán lẻ của Apple tại Mỹ trong hôm nay, bạn sẽ thấy rất nhiều hàng tồn kho được sản xuất tại Trung Quốc.Tuy nhiên, ngày càng nhiều iPhone sản xuất tại Ấn Độ. iPad, Apple Watch và AirPods được sản xuất tại Việt Nam, trong khi máy Mac sản xuất ở Thái Lan và Việt Nam. Trong vài tháng tới, bạn sẽ thấy sự đa dạng ngày càng lớn để ứng phó thuế quan", Gurman chỉ ra.
Cần phải lưu ý rằng, Apple hoàn toàn có thể "âm thầm" tăng giá tại các thị trường khác để "ứng phó" với chính sách thuế, biến động tiền tệ và lạm phát. Ví dụ điển hình là việc Apple đã "mạnh tay" tăng giá iPhone tại Nhật Bản vào năm 2022 do đồng yên "rớt giá". Cùng năm đó, "cơn lốc" lạm phát cũng khiến giá iPad và một số sản phẩm khác "nhảy múa" tại châu Âu và Vương quốc Anh. Thậm chí, sau Brexit, giá máy Mac tại Anh còn "leo đỉnh" đáng kể.
"Cuộc di cư" sản xuất về Mỹ: Nhiệm vụ bất khả thi
Theo Bloomberg, chiến lược dài hạn của Apple là "phân tán" cơ sở sản xuất tại nhiều thị trường lớn. Ví dụ, Foxconn đã "mở rộng địa bàn" sản xuất iPhone tại Ấn Độ và Brazil, giúp Apple "né" được thuế quan tại những quốc gia này.

Việc tăng cường sản xuất tại Brazil có thể là một "liều thuốc giảm đau", bởi ông Trump chỉ áp thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia này. Tuy nhiên, quy mô sản xuất tại Brazil còn quá nhỏ bé so với châu Á, đòi hỏi một kế hoạch mở rộng "khổng lồ". Hơn nữa, Brazil hiện chỉ tập trung sản xuất các dòng iPhone "bình dân", không phải các phiên bản Pro cao cấp.
Một "tia hy vọng" khác là các quốc gia sản xuất thiết bị Apple tại Đông Nam Á có thể "ngồi lại" đàm phán với chính quyền Mỹ để giảm thiểu thuế quan. Tuy nhiên, Gurman tin rằng, trong mọi trường hợp, khả năng một "gã khổng lồ" như Apple "dời đô" toàn bộ hoạt động sản xuất về Mỹ trong vài năm tới là một nhiệm vụ "bất khả thi".
"Nếu ban lãnh đạo Apple thực sự muốn 'Make iPhone in America', họ cần ít nhất nửa thập kỷ để xây dựng và vận hành. Đó là chưa kể đến tác động khủng khiếp lên giá bán iPhone. Động thái này có khả năng đẩy chi phí lên gấp đôi, một viễn cảnh 'ác mộng' cho cả công ty lẫn người tiêu dùng," cây viết của Bloomberg nhấn mạnh.
Trong thời gian gần đây, Apple đã có những động thái "tăng cường tình hữu nghị" với Mỹ, bao gồm kế hoạch đầu tư "khủng" 500 tỷ USD trong 4 năm tới, được công bố vào tháng 2. CEO Tim Cook thậm chí còn "móc hầu bao" 1 triệu USD cho quỹ nhậm chức của ông Trump hồi tháng 1. Tuy nhiên, "mối quan hệ" giữa Táo Khuyết và chính quyền Mỹ vẫn chưa thực sự "xuôi chèo mát mái".
Trước mắt, Apple cần một "liệu pháp tâm lý" để xoa dịu những lo lắng của người dùng về việc iPhone "đắt đỏ" hơn. Theo Gurman, Apple có thể đẩy mạnh các chương trình mua hàng trả góp và thu cũ đổi mới, thậm chí "hồi sinh" kế hoạch cho thuê thiết bị.
“Nếu trật tự mới này thực sự tồn tại, ít nhất Apple có nhiều cách đối phó”, Gurman kết luận.