Mê mẩn trước nét thêu thủ công của nghề truyền thống Tây Nguyên

Hoàng Lam/Theo TTXVN

Theo thời gian, nhiều nét văn hóa bản sắc các dân tộc thiểu số của Gia Lai nói riêng và của Tây Nguyên nói chung đang dần mai một vì không có lực lượng kế cận tiếp nối các nghề truyền thống. Tuy nhiên, tại một số buôn làng ở Gia Lai, những khung dệt kẽo kẹt đưa mỗi ngày của các bà, các mẹ vẫn còn với mong mỏi gìn giữ nét đẹp của người phụ nữ Tây Nguyên.

 

Sợi dây kết nối cộng đồng và thể hiện bản sắc tộc người

* Kỳ công của những người thợ dệt  

Người Tây Nguyên luôn xem nghề dệt là một trong những tiêu chí cốt lõi để có thể đánh giá một phụ nữ trưởng thành. Nó còn được xem như một bảo chứng cho phái đẹp dân tộc mình trong cộng đồng. Theo tục lệ ở Tây Nguyên, đàn ông, con trai phải biết đan lát, săn bắt, đánh cồng chiêng. Đàn bà, con gái phải biết dệt vải, múa xoang, nội trợ. Đối với người bản địa Tây Nguyên, văn hóa truyền thống dân tộc chính là điều quý báu nhất mà họ có được và muốn gìn giữ đến tận mai sau.

Khung cửi dệt thổ cẩm của người Tây Nguyên không cố định, mà là những thanh gỗ dài đơn giản, lấy một đầu căng khung là thanh ngang cửa sổ, đầu còn lại là phần lưng eo của phụ nữ. Khung dệt có thể di chuyển bất kỳ đâu nên các bà, các chị thường dệt lúc rảnh rỗi, đặc biệt là vào buổi tối, bên cạnh khung cửa sổ.

Dệt hoàn thiện một tấm thổ cẩm mất rất nhiều thời gian, nhưng công đoạn khó nhất có thể nói là dệt hoa văn. Những nét hoa văn trên tấm thổ cẩm thể hiện những nét đẹp của người Tây Nguyên như cây, lá, hoa, mái nhà rông hay đồi, núi, rừng, chim thú.... thể hiện những nét vui tươi, thoải mái trong đời sống sinh hoạt thường ngày của cộng đồng người Jrai, Bahnar tại Gia Lai. Nhìn các bà, các chị luồn thanh gỗ trơn tuột từ đầu này sang đầu kia của tấm thổ cẩm mới thấy được hết sự tỉ mỉ, kỳ công của những người thợ dệt.

Thổ cẩm, nét đẹp thổ cẩm, bản sắc văn hóa, bản sắc văn hóa Tây Nguyên, dân tộc thiểu số, dân tộc thiểu số Tây Nguyên
Phụ nữ tại một số buôn làng thuộc xã Biển Hồ, thành phố Pleiku (Gia Lai) dệt thổ cẩm và bán cho du khách. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Tấm thổ cẩm của những người mới biết dệt sẽ có hoa văn đơn giản. Với thợ lành nghề, các nghệ nhân lớn tuổi, họa tiết hoa văn càng sắc sảo và kỳ công. Để làm được một chiếc áo váy cho mình, họ phải dệt liên tục trong vòng 2 tuần. Có cùng màu sắc đen, đỏ chủ lực nhưng chỉ cần nhìn tấm thổ cẩm hoặc trang phục thổ cẩm, người Tây Nguyên sẽ biết đâu là người Jrai, đâu là người Bahnar. Vì khi may đồ, các họa tiết hoa văn thổ cẩm của người Jrai sẽ được sắp thếp theo chiều ngang cơ thể, còn của người Bahnar đi theo chiều dọc cơ thể.

Bà Rơ Châm Mir, dân tộc Jrai, làng Kép 2, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh cho hay, nghề dệt thổ cẩm tương đối khó chọn người truyền nghề vì nó cần sự tỉ mỉ mà bây giờ lớp trẻ chỉ thích đồ công nghiệp may sẵn. Do đó, các bà, các chị vẫn thường vận động con em mình giữ nghề truyền thống để thế hệ sau còn nhớ đến văn hóa dân tộc.

* Giữ nghề truyền thống 

Hiện nay, trong các buôn làng người dân tộc thiểu số, chỉ có số ít người còn đam mê với nghề vì ít người sử dụng, do đó đầu ra cho sản phẩm cũng hạn chế. Tuy nhiên, ở những vùng bản sắc văn hóa còn nhiều và còn những người chú trọng công tác bảo tồn những nét văn hóa đặc trưng này có những phương án linh động nhằm tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm truyền thống.

Thổ cẩm, nét đẹp thổ cẩm, bản sắc văn hóa, bản sắc văn hóa Tây Nguyên, dân tộc thiểu số, dân tộc thiểu số Tây Nguyên
Phụ nữ tại một số buôn làng thuộc xã Biển Hồ, thành phố Pleiku (Gia Lai) dệt thổ cẩm và bán cho du khách. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Là một trong những thế hệ trẻ hiếm hoi tại Gia Lai đam mê nghề dệt thổ cẩm, chị Hồ Thị Viên đã cùng các bà, các chị, em trong làng thành lập Tổ hợp tác dệt thổ cẩm tại làng Pơ Nang, xã Tú An, thị xã An Khê (Gia Lai). Một tấm thổ cẩm có giá thành khá cao và cũng ít khách có nhu cầu sử dụng.

Do vậy, các bà, các chị trong làng bàn nhau không dệt nhiều quần áo, chăn nữa vì giá cao mà chuyển hướng sang làm các sản phẩm như bộ trang sức bông tai, dây cột đầu, vòng cổ, vòng tay, túi đựng điện thoại, móc khóa, khăn trải bàn, tấm lót ly ấm uống nước, tấm trang trí trên tường, khăn quàng cổ, túi đựng laptop, Ipad… Đây là các sản phẩm thông dụng để du khách dễ dàng mua làm quà lưu niệm vì giá cả hợp lý và nhu cầu sử dụng cao hơn.

Chị Hồ Thị Viên, dân tộc Bahnar, Tổ trưởng Tổ dệt truyền thống xã Tú An, thị xã An Khê chia sẻ" " làng nghề dệt đã hình thành, tay nghề của nhiều người đã thành thạo. Tuy nhiên, vấn đề nan giải là việc tìm đầu ra cho sản phẩm, bởi dệt thủ công nên giá sản phẩm cao hơn nhiều so với các loại vải công nghiệp. Thời gian qua, do dịch COVID-19 nên hàng hóa không bán được. Chúng tôi rất mong chính quyền địa phương có những phương án thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm dệt thổ cẩm để người dân vừa có thể gìn giữ văn hóa dân tộc lại có thêm thu nhập để ổn định cuộc sống".

Thổ cẩm, nét đẹp thổ cẩm, bản sắc văn hóa, bản sắc văn hóa Tây Nguyên, dân tộc thiểu số, dân tộc thiểu số Tây Nguyên
Những nét hoa văn tinh xảo của những tấm thổ cẩm của dân tộc Jrai tại Tây Nguyên. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Thổ cẩm, nét đẹp thổ cẩm, bản sắc văn hóa, bản sắc văn hóa Tây Nguyên, dân tộc thiểu số, dân tộc thiểu số Tây Nguyên