Ông Nguyễn Đức Tài tiết lộ Thế giới di động chấp nhận rủi ro khi thử nghiệm bán thêm nhiều mặt hàng?

Minh Lâm

Nhận "thấy rủi ro" khi bán từ điện thoại, thuốc, thực phẩm, đến trang sức... nhưng ông Nguyễn Đức Tài, chủ tịch TGDD cho rằng, một doanh nghiệp bán lẻ thành công thì phải không ngừng thử nghiệm.

Trong buổi gặp mặt mới đây, các nhà đầu tư chia sẻ với lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) nhiều lo ngại về mô hình kinh doanh hiện nay của doanh nghiệp. Một trong số đó là việc Thế Giới Di Động đang tham gia làm quá nhiều lĩnh vực, mở nhiều chuỗi.

Chia sẻ với các nhà đầu tư, ông Nguyễn Đức Tài thừa nhận công ty nhìn thấy rủi ro khi làm quá nhiều thứ, từ điện thoại, điện máy đến hàng hoá thiết yếu, dược phẩm, thời trang, trang sức lẫn đồ dùng cho mẹ và bé.

ong-nguyen-duc-tai-tai-mot-buoi-gap-co-dong-nam-2021-anh-phuong-dong-1645583060.png
Ông Nguyễn Đức Tài tại một buổi gặp cổ đông năm 2021. Ảnh: Phương Đông.

Tuy nhiên, ông khẳng định rủi ro này không lớn đến mức làm rối loạn hoạt động và khiến kết quả kinh doanh lao dốc. Nguyên nhân vì chuỗi điện thoại và điện máy đã cứng cáp, năm ngoái mang về doanh thu gần 95.000 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ bất chấp việc phải đóng cửa nhiều tháng bởi lệnh giãn cách xã hội.

"Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh giờ như những đứa trẻ đã trưởng thành, tự lên thành phố tìm kiếm cơ hội phát triển nên cha mẹ ở dưới quê có làm thêm gì cũng ít ảnh hưởng", ông Tài ví von.

Công ty đặt mục tiêu năm nay doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng hai chữ số, lần lượt đạt 140.000 tỷ đồng và 6.350 tỷ đồng. Ban lãnh đạo công ty cho rằng chìa khoá quan trọng để đạt mức này là mở rộng hai chuỗi có nền tảng vững chắc, tăng tốc ở những chuỗi có tiềm năng và tiếp tục thử nghiệm các mảng kinh doanh mới.

c-cu-doanh-thu-ca-mwg-tr-1645582189.png

Không chỉ nguy cơ dẫn tới những rối loạn hoạt động khi tham gia quá nhiều lĩnh vực, Thế Giới Di Động còn bị lo ngại sẽ không giữ được thị phần những lĩnh vực truyền thống do phải dồn nguồn lực, chi tiền nhiều hơn cho các chuỗi mới. Một lần nữa, ông Nguyễn Đức Tài phủ nhận nguy cơ này.

Theo ông, tiền chưa bao giờ là nút thắt cổ chai cho sự phát triển của doanh nghiệp. Số liệu tài chính gần nhất được công bố cuối tháng trước cho thấy công ty có tổng tài sản gần 63.000 tỷ đồng, tăng gần 17.000 tỷ đồng trong vòng một năm. Lượng tiền nắm giữ (bao gồm tiền mặt, tiền gửi ngân hàng và trái phiếu ngắn hạn) đang lên đến 18.400 tỷ đồng.

Ông Tài nói thêm, công ty chưa từng phát hành thêm cổ phiếu riêng lẻ để huy động tiền của nhà đầu tư từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2014 đến nay. Công ty chỉ phát hành cổ phần ưu đãi cho người lao động (ESOP) và xem đây là yếu tố sống còn để giữ chân nhân tài, phục vụ việc phát triển kinh doanh bấp chất nhiều lần bị cổ đông than phiền việc làm này khiến giá cổ phiếu bị pha loãng.

"Nhìn vào dấu hiệu đó để thấy tiền bạc không phải là vấn đề", người đứng đầu Thế Giới Di Động nhấn mạnh.

Ông Tài cho biết công ty làm nhiều nhưng chỉ một vài lĩnh vực thật sự tiềm năng sẽ được ưu tiên đẩy trước, còn lại sẽ theo lộ trình. "Công ty luôn ý thức phải có cái đi trước, cái đi sau chứ không để 10 cánh quân dâng lên cùng một lúc", ông nói.

Quan niệm của ông về một doanh nghiệp bán lẻ thành công là phải không ngừng thử nghiệm những cái mới để chọn được cái hiệu quả. Do đó, ông và đội ngũ bên dưới trong chiến lược phát triển hàng năm đều xác định sẽ "vừa đi nhanh vừa đi dọn". Dự án nào hiệu quả, thị trường đang thuận lợi thì công ty không ngại rót tiền để phát triển và đánh chiếm thị phần. Ngược lại, công ty sẵn sàng dừng những thử nghiệm không đáp ứng các tiêu chí để nhân rộng và đúc rút bài học để làm dự án khác.