Tác phẩm “Mẹ và con” của nữ thủ khoa Mỹ thuật Đông Dương Lê Thị Lựu được chào giá gần 2 tỷ đồng

Little Scarlet

Vượt lên các nam hoạ sĩ danh tiếng, Lê Thị Lựu trở thành thủ khoa khoá 3 trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Trong sự nghiệp, bà đóng góp vào di sản mỹ thuật Việt Nam nhiều tác phẩm giá trị.

dau-gia-tranh-le-thi-luu-1-1650065477.jpeg
Tác phẩm “Mẹ và con” (Khoảng 1960) của Lê Thị Lựu (1911-1988). Ảnh: Sotheby

Từ ngày 14-20/4, trong “The Indochine Sale” của nhà đấu giá danh tiếng Sotheby có trụ sở chính tại Luân Đôn, nước Anh đã quy tụ hàng loạt tác phẩm mỹ thuật đắt giá của các hoạ sĩ đến từ trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Ecole des Beaux-Arts d’Indochine). Trong đó, nổi bật là tác phẩm “Mẹ và con” (Khoảng 1960) của Lê Thị Lựu (1911-1988) được bán đấu giá 60.000 – 80.000 Eur (1,48 – 1,98 tỷ đồng).

Họa sĩ Lê Thị Lựu sinh ngày 19/1/1911 tại làng Thổ Khối, phủ Thuận An, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc về địa giới quận Long Biên, Hà Nội) và mất ngày 6/6/1988 tại Antibes (Pháp).

Theo Sotheby mô tả, Lê Thị Lựu là một trong số ít học sinh nữ của trường Đông Dương, theo đuổi sự nghiệp chuyên nghiệp. Vào đầu những năm 1940, bà chuyển đến Paris cùng với những cựu sinh viên khác như Mai Trung Thứ, Lê Phổ và Vũ Cao Đàm - những người về sau đều trở thành những hoạ sĩ thành danh.

Nhà đấu giá cũng ghi chú thêm: Vào thời của bà, đất nước vẫn còn mang nặng dấu tích của di sản văn hóa Nho giáo: các cô gái trẻ phải ngoan ngoãn và lớn lên trở thành những người vợ, người mẹ tốt. Sinh ra trong một gia đình truyền thống, vợ của một chính trị gia theo chủ nghĩa dân tộc và một nghệ sĩ phóng túng ở Paris, Lê Thị Lựu là một nghệ sĩ đa diện.

dau-gia-tranh-le-thi-luu-2-1650065461.jpeg
Tác phẩm “Mẹ và con” (Khoảng 1960) của Lê Thị Lựu (1911-1988). Ảnh: Sotheby

Tác phẩm được chào giá 60.000 – 80.000 Eur “Mẹ và con” khắc hoạ hình ảnh người mẹ bồng con trên tay với gương mặt ngời lên tình mẫu tử ấm áp. Cả hai đều diện trang phục chỉn chu và chỉn chu theo phong cách truyền thống của Việt Nam, mẹ mặc áo dài lụa trắng thướt tha. Người mẹ và đứa trẻ là trung tâm của bố cục, được tắm trong ánh sáng và điểm xuyết bằng những đoá hoa. Bức tranh vẽ trên lụa tạo nên một câu chuyện giản dị, đầy cảm động, gần gũi và gợi nên sự bình yên.

Không chỉ là một nữ họa sĩ Đông Dương đầu tiên của người Việt Nam mà bà còn có nhiều đóng góp cho việc giảng dạy hội họa cho các thế hê sau, đồng thời góp vào di sản mỹ thuật Việt Nam nhiều tác phẩm có giá trị.

hoa-si-le-thi-luu-1650065601.jpeg
Hoạ sĩ Lê Thị Lựu thời trẻ. Ảnh: Ordi

Từ năm 1927, bà vào học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 3 và năm 1933 bà đậu thủ khoa khóa này, vượt lên cả các họa sĩ nam danh tiếng. Ngay từ khi còn là sinh viên, năm 1929 bà đã có 2 tranh sơn dầu trong cuộc triển lãm chung đầu tiên của trường: “Chân dung Ông Hai” và “Thiếu nhi vườn chuối”.

Năm 1932, ra trường với tấm bằng thủ khoa, Lê Thị Lựu trở thành cái tên được nhiều báo nhắc tới. Những bức tranh đầu tiên của bà đã được Hiệp hội Nữ họa sĩ và điêu khắc tổ chức trưng bày tại một cuộc triển lãm và giành được giải nhất. Ngay lập tức, nữ họa sĩ trẻ được kết nạp làm thành viên của Hiệp hội.

Từ năm 1933, trong 7 năm liền, bà được bổ làm giáo sư dạy vẽ tại các trường có uy tín thời đó như Trường Bưởi, Trường Hàng Bài (tức Trường Trưng Vương sau này), Trường làm Ren, Trường Hồng Bàng (Hà Nội) và Trường Mỹ thuật Gia Định (Sài Gòn). Năm 1940 bà sang Pháp, lấy chồng và gần như sống hết cuộc đời ở bên này cho đến khi mất ngày 6/6/1988 tại Antibes (Pháp).

Kể về Lê Thị Lựu, làng hội họa đã có giai thoại về việc hoàn trả 360.000 bảng Anh cho nhà môi giới bị nhầm lẫn thanh toán: Vào năm 1987 (trước khi bà qua đời một năm), một nhà môi giới nghệ thuật ở Anh đã tìm gặp Lê Thị Lựu để chọn mua một họa phẩm cho bảo tàng tại London. Cuộc trao đổi về giá cả bị nhầm thế nào đó, nên khi về nước, nhà môi giới nọ đã ký một ngân phiếu 400 ngàn bảng Anh, trong khi thực tế tác giả bức tranh chỉ đề nghị giá bán là… 40.000 bảng Anh. 

Khi được ngân hàng tại Pháp mời ra nhận tiền, thấy số tiền lớn gấp 10 lần số tiền mình yêu cầu, bà Lựu vô cùng ngạc nhiên. Rồi bà cũng hiểu ra là có sự nhầm lẫn. Xét về góc độ pháp lý, bà hoàn toàn có thể hưởng trọn số tiền ấy. Bởi tại một số bảo tàng quốc tế, những nhà môi giới nghệ thuật uy tín thường có toàn quyền chọn tác phẩm và quyết định giá mua, và vì số tiền 360.000 bảng này vẫn nằm trong khung giá mà bảo tàng cho phép nhà môi giới quyết định. Câu chuyện này càng khiến nhà môi giới cũng như giới nghệ thuật cảm phục hơn về nữ hoạ sĩ.

trien-lam-my-thuat-dong-duong-1650065887.png
Một số tác phẩm khác tại “The Indochine Sale”. Ảnh: Sotheby / Chụp màn hình

“The Indochine Sale” của Sotheby lần này quy tụ gần 50 tác phẩm đặc sắc từ thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật hiện đại Việt Nam thế kỷ 20 và những tác phẩm kế thừa của nó. Các bức tranh được chào bán bao gồm các tác phẩm sơn mài, tác phẩm điêu khắc và đồ tạo tác từ những năm 1930, với những sinh viên tốt nghiệp đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương cho đến ngày nay. Nhờ đó, cung cấp một cái nhìn sâu sắc về quá trình phát triển của nghệ thuật Việt Nam hiện đại.

Các nghệ sĩ của Trường Mỹ thuật Đông Dương đã kết hợp và diễn giải lại các kỹ thuật và phương tiện của châu Âu, sau đó dần dần tách ra khỏi phong cách phương Tây để rèn vốn hiểu biết nghệ thuật của riêng mình, đồng thời dựa vào các kỹ thuật nghệ thuật truyền thống của họ. Thông qua các tác phẩm, họ đã làm nên những bức chân dung và khung cảnh tuyệt đẹp của Việt Nam đương đại, cũng như tái hiện một cách tinh tế các họa tiết đặc trưng của châu Á.